Bênêđictô: “Thuyết tương đối là thuốc độc”

906

fr.aleteia.org, Greg Kandra, phó tế, 2017-01-31

Nhắc lại minh triết của Đức Bênêđictô XVI là một chuyện hữu ích cho chúng ta.

Trong một lần phỏng vấn của ký giả Peter Seewald, Đức Bênêđictô XVI đã tuyên bố một câu tiêu biểu cho thời buổi chúng ta: sự chuyên chế của thuyết tương đối.

Peter Seewald: Năm 1932, trong quyển tiểu thuyết hướng về tương lai Điều tốt nhất cho các Thế giới (Le Meilleur des Mondes) tác giả Anh Aldous Huxley đã tiên đoán sự giả tạo, sự bóp méo sẽ là yếu tố nền tảng cho tính hiện đại. Trong một thực tế ảo, thì sự thật là giả tạo, thậm chí là thiếu, thế thì sự phân tích cuối cùng chẳng có gì là đáng kể thật sự. Không có sự thật, không có quan điểm. Thật vậy, bây giờ, sự thật được xem như một khái niệm quá chủ quan để có thể được xem là một tiêu chuẩn phổ quát có giá trị. Sự phân biệt giữa thật và sai gần như bị loại bỏ. Tất cả, trong một chừng mực nào đó đều có thể thương lượng được. Thế thì chủ thuyết tương đối mà cha cảnh báo có là điều cấp bách không?

Đức Bênêđictô XVI: Dĩ nhiên lúc đó thì khái niệm về sự thật trở nên đáng nghi. Đó là một khái niệm chúng ta quá lạm dụng. Sự bất bao dung, sự độc ác được phơi bày nhân danh sự thật. Chính vì lý do đó mà chúng ta sợ khi nghe những chữ như “đó là sự thật”, hoặc “tôi nắm giữ sự thật”. Chúng ta không bao giờ nắm được sự thật. Đúng hơn, chính sự thật nắm giữ chúng ta. Không một ai cãi khi cho rằng phải cẩn thận khi đòi hỏi sự thật. Nhưng hoàn toàn vứt bỏ sự thật, tuyên bố không thể đến được với sự thật thì có thể mang tính phá hủy.

Một phần lớn các triết gia hiện đại cho rằng con người không thể nào có khả năng đến được với sự thật. Nhưng nếu như vậy, con người cũng không có khả năng đến được với các giá trị luân lý. Vậy thì không có một tiêu chuẩn nào. Vậy thì phải dàn xếp sự việc cho tốt, và ý kiến của đa số sẽ là tiêu chuẩn duy nhất có giá trị. Tuy nhiên, Lịch sử đã chứng tỏ nhiều lần cho thấy đến độ nào, ý kiến của đa số có thể rất nguy hiểm, chẳng hạn như các chế độ phát-xít và mác-xít, những chế độ chống lại sự thật.

Trong lần mật nghị 2005, trong bài giảng của cha, cha đã giảng, “chúng ta đã để dành ra một chỗ cho sự chuyên chế của thuyết tương đối, một thuyết không nhận biết một cái gì mang tính quyết định, các tiêu chuẩn tối hậu chỉ thuần là cái tôi (ego) và ước muốn của từng cá nhân.”

Chính vì lý do đó mà chúng ta phải có can đảm nói: đúng, con người phải đi tìm sự thật, vì con người có khả năng. Trong trường hợp này, sự thật cần có các tiêu chuẩn để kiểm hư thật. Nó phải luôn đi theo lòng bao dung. Nhưng sự thật cũng nhấn mạnh cho chúng ta biết các giá trị bất biến làm cho con người là một bản thể ngoại hạng. Đó chính là lý do phải khiêm tốn để nhận biết sự thật và chấp nhận sự thật như tiêu chuẩn phải được học và được thực hành lại.

Sự thật ngự trị, không phải nhờ bạo lực, nhưng nhờ chính quyền lực riêng của nó. Đó là chủ đề trọng tâm trong Phúc Âm Thánh Gioan: đứng trước tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu tuyên xưng chính Ngài là Sự thật và chứng nhân của Sự thật. Ngài không bảo vệ Sự thật với các binh đoàn, nhưng Ngài làm cho Sự thật được thấy rõ nhờ sự Thương Khó của Ngài và qua sự Thương Khó, Sự thật được ngự trị.

Dưới đây là là các lời trong bài giảng của Hồng y Ratzinger trong mật nghị năm 2005:

Ai cũng mong muốn để lại một dấu vết lâu dài. Nhưng có gì cự được với thời gian? Tiền bạc, không. Ngay cả sách vở, bàn ghế cũng không. Sau một thời gian dài ngắn tùy, thì tất cả đều biến mát. Đều duy nhất không bao giờ biến mất là tâm hồn con người, con người được Chúa tạo ra cho mãi mãi.

Thành quả còn tồn tại là tất cả những gì chúng ta gieo trong tâm hồn con người: tình yêu, nhận thức, một hành vi có thể sưởi ấm tâm hồn, những lời mở tâm hồn ra với niềm vui. Như thế chúng ta cùng cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ chúng ta mang hoa trái, loại hoa trái không bao giờ chết. Đó là phương tiện duy nhất để quả đất biến đổi từ thung lũng nước mắt thành ngôi vườn của Chúa.

Marta An Nguyễn chuyển dịch