Hors-série La Vie, Christiane Rancé
Ý tưởng quá đơn giản thậm chí là hiển nhiên: muốn cải cách Giáo hội không có gì đúng hơn là theo Phúc Âm. Theo nữ ký giả Rancé, chính nơi Phúc Âm mà Đức Phanxicô có được can đảm và tìm được tất cả các câu trả lời.
Tham vọng của Đức Phanxicô cho Giáo hội? Nó rất đơn giản, nó quy về chỉ một ý và phần còn lại tuôn chảy từ ý đó. Đức Phanxicô muốn, bản thể con người theo tinh thần Kitô giáo định nghĩa thì con người phải ở trọng tâm, trọng tâm của tất cả mọi “tiến bộ” xã hội, kinh tế, chính trị. Từ đó, tham vọng của Giáo hội là hành động để tầm nhìn mang tính nhân loại học phải được giữ gìn, điều mà chưa bao giờ nó bị đe dọa như ở thời buổi này, và nó phải được đi theo giáo điều – một đức tin vui vẻ và một huyền nhiệm của thập giá.
Ai có thể làm điều này tốt hơn Giáo hội? Đức Phanxicô chất vấn chúng ta. Có phải trong thế giới này, chính Giáo hội – qua Chúa Kitô – đã làm một cuộc cách mạng: tạo một khái niệm về bản thể con người, hoàn toàn cá biệt, hoàn toàn tự do để dấn thân đi trên con đường cứu chuộc, một con đường phổ quát căn bản mà Chúa Giêsu Nadarét đã vẽ cách riêng cho từng người đó không? Chỉ còn mỗi một việc là mỗi người chúng ta trên quả đất này dùng mọi phương tiện để vạch cho đời mình một ngã rẽ, dùng mọi nhận định cần thiết để chọn lựa con đường này. Đó là vai trò của Giáo hội mà theo Đức Phanxicô: sẽ giúp cho người khó nghèo nhất, đơn sơ nhất, bần cùng nhất có thể nghe Lời Chúa dành cho họ. Từ đó là những lời khích lệ của Đức Phanxicô: rằng Giáo hội phải đi về các vùng ven biên mới, ở các khu phố đông đúc nghèo khổ. Rằng các linh mục phải xem từng giáo dân là chính Chúa Kitô, Chúa Kitô đau khổ, Chúa Kitô trên thập giá, đã đói, đã khát, đã thiếu tình thương. Chính ở những nơi này mà Đức Phanxicô đòi hỏi Giáo hội phải để mắt đến. Thương yêu, săn sóc, giáo dục từ đức tin này, với đức tin này. Vì thế, ngài từ chối đi theo con đường hỗn tạp, muốn «giải thể» giáo điều, biến Giáo hội thành thứ thuốc xịt hơi nhẹ. Vì nếu không có những điều này, Giáo hội có nguy cơ thành một “Cơ quan Phi chính phủ” như bất cứ một Cơ quan Phi chính phủ nào. Giáo hội sẽ mất trọn tính siêu việt, trọn sự hợp pháp, mất chức năng chính yếu: tái khẳng định tính thiêng liêng của đời sống đứng trước các yêu sách của thế giới thế tục.
“Cuộc cách mạng” của Đức Phanxicô là trở về nguồn, về với tinh thần của Phúc Âm. Mọi câu trả lời đều nằm ở đó, từ “Ai là người không có tội hãy cầm cục đá ném đầu tiên” đến “Hãy để trẻ con đến với Ta”. Chính ở Phúc Âm mà Đức Phanxicô có được can đảm để cải cách và với sự giản dị ngài dùng để cải cách. Nếu Giáo hội muốn được giáo dân nghe, muốn giáo dân đi trên con đường đức tin thì Giáo hội có thành một thể chế để lấm tì vết của tội ác, của những vụ xấu xa, những bất hòa không? Chỉ quy chiếu về chính mình không? Giới hạn mình trong những vấn đề về luân lý của dục tính không? Người ta có quên khi Byzance bị sụp đổ, các linh mục của họ chia rẽ nhau về giới tính của các thiên thần không? Đức Phanxicô nhắc lại, Giáo hội không phải chỉ là giáo triều nhưng trước hết là cộng đồng tín hữu. Không có cộng đồng tín hữu, – không có mỗi một con người – thì không có gì tồn tại. Giáo hội sẽ là một căn nhà trống đầy bụi bặm, một căn nhà chết. Từ đó là tiếng gọi cho lương tâm mỗi người, cho sự nhận định của từng cá nhân và sự cam kết của mỗi người ngay lập tức, trả lời cho tiếng gọi của Chúa Kitô, tiếng gọi đi theo ngài. Chính trong tinh thần này mà Đức Phanxicô kêu gọi mỗi giáo dân phải làm Chính Trị, Chính Trị viết chữ hoa như ngài nói, được đồng tình một cách cao cả, Chính Trị là bác ái và làm việc cho lợi ích chung.
Đa số các chuyên gia về Vatican đều nghi ngờ về khả năng cải cách của Đức Phanxicô. Họ tiếp tục đánh giá các hành động của ngài theo tiêu chuẩn hiện hành của Âu châu, phe tả và phe hữu, khuynh hướng tiến bộ và cải lương chủ nghĩa, bảo thủ và truyền thống chủ nghĩa, Phanxicô và Đa Minh, Opus Dei và Dòng Tên. Mặc tất cả những chuyện này, Đức Phanxicô cứ làm. Ngài đến từ tận cùng trái đất như ngài đã nói ngày được bầu chọn. Ở Argentina, Giáo hội cùng tồn tại với Quốc gia. Giáo hội luôn luôn là chỗ trông dựa trong những cơn khủng hoảng trầm trọng nhất của quốc gia. Giáo hội đã phát minh ra thần học của nghèo khổ. Mạnh mẽ trong giáo điều này, Giáo hội đã tránh cho quốc gia bị phân rã hoàn toàn trong giai đoạn phá sản kinh tế vào năm 2001. Và thế là Jorge Mario Bergoglio, tổng giám mục Buenos Aires đã “gánh quốc gia trên hai vai”, cũng như ngài đã xin mỗi công dân Argentina cùng gánh với ngài. Ngài thiết lập một mạng xã hội và có sáng kiến đưa ra những điều kiện cho một cuộc đối thoại nên đã cứu đất nước Argentina khỏi cuộc nội chiến. Ở Rôma, cũng với một tinh thần đơn giản như thế, ngài cải cách trong hành động của ngài. Ngài đã tìm ra phương thế để làm, một “G8” các hồng y và các quyết định riêng của mình, các sắc luật này cho phép ngài hành động một mình một cách hợp pháp, toàn quyền, trên các công việc của giáo triều.
Ở Argentina, Đức Phanxicô luôn luôn tuyên bố có ba mục tiêu lớn: công chính xã hội, giáo dục và đối thoại liên tôn. Trên điểm thứ ba, ngài làm với một ý chí cương quyết, ngài bắt các nhịp cầu – một trong những định nghĩa tối thượng của triều giáo hoàng của ngài – trên các hố thẳm giữa các quốc gia, các tôn giáo, các cộng đoàn. Các quyết định, các lời ngài tuyên bố trong chiều hướng này đã đưa Giáo hội lên trường quốc tế, như một diễn viên có tầm ảnh hưởng lớn trên đấu trường ngoại giao. Ngài cương quyết chống đối sự can thiệp của quân đội trong cuộc nội chiến ở Syrie, lời kêu gọi này đã được cả thế giới nghe và hiểu, luôn luôn có một con đường thứ ba, con đường của hòa bình. Sự can thiệp của ngài với Tổng thống Bachar el-Assad và Vladimir Poutine, ăn chay để cầu nguyện cho hòa bình được hàng ngàn người tham dự vào tháng 10 năm 2013 dù họ có đạo hay không, giang tay ra với các dân tộc Hồi giáo, kêu gọi tôn trọng các cộng đồng Kitô giáo ở Cận đông và Trung đông, chuyến đi Đất Thánh sắp tới và loan báo sẽ mở thư khố của Vatican để làm sáng tỏ sự thật về Đức Piô XII, tất cả đều cho thấy, không những Đức Phanxicô quyết tâm dùng con đường ngoại giao quốc tế mà ngài còn biết mang lại tiếng nói và tiếng nói này được mọi người nghe.
Christiane Rancé là ký giả kỳ cựu của báo Figaro Magazine. Tiểu thuyết gia, người viết khảo luận, bà là tác giả quyển Jésus (Gallimard, 2008), Simone Weil, can đảm cho điều không thể (Seuil, 2009), Cứ lấy hết nhưng để lại cho tôi niềm ngây ngất (Prenez-moi tout mais laissez-moi l’extase, Seuil, 2012), tập khảo luận đã được giải thưởng Grand Prix của các văn sĩ có đạo.
Nguyễn Tùng Lâm dịch