“Đức Phanxicô, cha xứ của làng toàn cầu”

136

La Vie hors-série, Nicolas Diat

Nicolas Diat là tác giả quyển sách “Người không muốn làm giáo hoàng” (L’homme qui ne voulait pas être pape, Albin Michel), một quyển sách viết về triều giáo hoàng Đức Bênêđictô XVI. Ông phân tích năm đầu tiên giáo triều của Đức Phanxicô theo dấu vết giáo triều của Đức Bênêđictô XVI.

Hiệu ứng Phanxicô dựa trên điều gì?

Trước hết là bối cảnh, nó có nguồn gốc từ cuộc bầu chọn của ngài. Những tháng cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI bị đánh dấu bằng một loạt các sự kiện ít nhiều nghiêm trọng và vụï Vatileaks (rò rỉ thông tin riêng tư) là một trong những dấu chỉ của cơn choáng này. Báo chí toàn cầu liên tục đăng tin các khó khăn của giáo triều. Lúc mật nghị, các hồng y ý thức sự từ nhiệm này đòi hỏi họ phải suy nghĩ theo đường hướng của một sự cắt đứt. Sự nổi tiếng và được lòng giáo dân của Đức Phanxicô phát sinh từ cái nôi này. Tiếp đó, đơn giản là có một nhu cầu tự nhiên cho một đà vươn lên mới. Một cách không tính toán trước, Đức Phanxicô đã nhận ra rất nhanh nhu cầu cần phải lật qua một trang khác. Sự kiện bầu chọn ngài là sự kiện thế giới mới lay động thật mạnh thế giới cũ.

Có thể nào nói sẽ không có hiệu ứng Phanxicô nếu không có hiệu ứng Bênêđictô XVI không?

Tuyệt đối đúng. Sự từ nhiệm của Đức Bênêđictô XVI đã đặt Giáo hội vào một tình huống chưa bao giờ có. Đức Bênêđictô XVI là người đơn độc, ngài làm lễ riêng với vài người thân thuộc gần ngài. Đức Phanxicô thì làm lễ ở Nhà nguyện Thánh Mácta và các bài giảng của ngài được báo chí nhanh chóng đăng tải. Các bài giảng là cách tốt nhất cho thấy những gì Đức Phanxicô đã biết tạo ra. Ngài có một nghệ thuật mô phạm đích thực, đưa ra được một sứ điệp trực tiếp và thường thường đi sát với thực tế. Điều này đã làm cho ngài thành một cha xứ của làng toàn cầu. Các kỹ thuật tối tân, các mạng xã hội đã giúp ngài chuyên chở sứ điệp. Tuy nhiên chúng ta đừng quên Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng đầu tiên có tài khoản Twitter, một sáng kiến tuyệt vời của một người viết sách, viết khảo luận bằng giấy mực!

Hiệu ứng Phanxicô có thể tóm lại trong các phương tiện truyền thông không?

Đương nhiên, Đức Phanxicô hưởng lợi ích của phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng trong trường hợp của ngài, đây là một điều rất hiếm vì có sự giao thoa giữa huyền thoại được phương tiện truyền thông xây lên và lòng mến chuộng thật sự của giáo dân.

Có thể nói đây là một huyền thoại?

Các phương tiện truyền thông đã dựng lên hình ảnh một giáo hoàng mà họ mong muốn. Điều này tạo nên một vấn đề là, Đức Bênêđictô XVI, ngài không ở trong một khuôn nào của họ. Giới truyền thông vây nhân vật Phanxicô vì phong cách đơn giản và nhã nhặn của nhân vật này cho phép họ ngay lập tức xây dựng một khuôn mẫu theo họ muốn. Nhưng, chúng ta thấy rõ, cũng không phải dễ cho Tòa Thánh là cứ phải liên tục xác nhận lại lời nói của ngài. Trên những vấn đề nhạy cảm như khi ngài đứng trước tất cả các đại sứ, ngài tuyên bố việc phá thai làm cho ngài kinh sợ, giới truyền thông khó nhắc lại chuyện này vì không ở trong huyền thoại “nói năng đúng theo lề luật tôn giáo” đã được xây dựng. Nhưng vượt lên huyền thoại, có một cái gì ở đây rất mạnh, tôi lặp lại, đó là quan hệ rất trực tiếp, rất gần gũi mà ngài có được với giáo dân. Người ta có thể cho rằng, trên một vài chủ đề, có một phần là do truyền thông nhưng có một cái gì đó tác động và tạo được âm hưởng nơi tâm hồn giáo dân.

Hiện tượng này có thể nào kéo dài không?

Công việc mà Đức Phanxicô đang làm ở giáo triều, ở Vatican, theo định nghĩa mà ngài mong ước cho Giáo hội, vai trò ngài muốn cho hội đồng hồng y… tất cả những điều này có một ảnh hưởng mạnh trong tương lai và trên tất cả. Sau đó là làn sóng truyền thông, ngài không phải là vị giáo hoàng đầu tiên được lợi nhờ truyền thông. Người ta đã chụp hình rất nhiều Đức Piô XII với các con chim hoàng yến. Khi Đức Piô XII qua đời thì các con chim hoàng yến này cũng chẳng còn ở Vatican.

Nguyễn Tùng Lâm dịch