Một phương thuốc cho căn bệnh trống rỗng về mặt thiêng liêng

291

Trao đổi với văn sĩ Daniel Rondeau. Marie Chaudey ghi lại. La Vie hors-série, số tháng 2-2014

Cựu đại sứ tự xem mình như một người “Công giáo lang thang”. Ông phản ứng trước các hành vi đầu tiên của Đức Phanxicô và giải thích cho chúng ta hiểu những gì ông chờ ở ngài cho tương lai của xã hội này.

Daniel Rondeau đã từng làm rất nhiều việc, giữ rất nhiều vị trí cao trong xã hội: chiến sĩ cánh tả và công nhân từ lúc 25 tuổi, sau đó là văn sĩ, ký giả các báo (Libération, le Nouvel Observateur, l’Express), là nhà xuất bản (Quai Voltaire) và nhà ngoại giao. Ông là đại sứ Pháp ở Malte từ năm 2008 đến năm 2011, nơi ông bị đánh bại vì bênh vực cho những người di dân trôi giạt ở biển Địa Trung Hải.

Qua kinh nghiệm làm đại sử ở Malte, ông có phản ứng như thế nào khi thấy Đức Phanxicô đến đảo Lampedusa?

Tôi rất vui nhưng không ngạc nhiên. Đức Phanxicô đã tuyên bố ngài muốn có một Giáo hội ưu tiên lo cho người nghèo. Ai là người nghèo theo Phúc Âm? Người già, người bệnh, trẻ con, người lạ. Năm 2009, trong ngày chúa nhật Lễ Lá, Đức Bênêđictô XVI đã có một bài giảng rất dấn thân về thảm kịch những người di dân chết trên biển. Những người di dân này thường là những người lạ – những người ở vùng Sub Sahara bị đuổi ngay chính trên quê hương của họ, bị đau đớn cùng cực đủ mọi hình thức, bị rơi vào cảnh chiến tranh, đói khát -, rất nhiều trẻ con, rất nhiều người bệnh, họ thường phải đi qua hai hành trình, một từ sa mạc Sahara, một từ biển Địa Trung Hải, trong những điều kiện chúng ta khó mà hình dung được. Bị ăn cướp, bị hiếp dọc đường, bị kiệt sức, đói khát, bị hành hạ, bị phỏng vì ánh mặt trời thiêu như đốt hay do muối, bị buộc phải lao động khổ sai hay bị bắt làm điếm (và từ đó dễ bị nhiễm siđa) để có tiền cho chuyến đi khủng khiếp này. Tôi khám phá tầm tác hại của nó ngày mà tôi chứng kiến một hiện tượng khủng khiếp biến biển Địa Trung Hải thành nghĩa địa, tôi báo động cho các bàn đồng nghiệp đại sứ, nhà cầm quyền Pháp và báo chí. Phải tìm các đồng minh cùng làm việc để phá bứt sự thinh lặng bao quanh các thuyền nhân này. Người đầu tiên là linh mục Dòng Tên, cha Cassar, ngài phụ trách Trung tâm Tị nạn Dòng Tên, một anh hùng đáng kính, từ lâu ngài đã đấu tranh để sự thật được nhận biết. Với tôi, đương nhiên Đức Phanxicô đã được nguồn tin từ Dòng Tên cho biết. Mặt khác, giám chức tông đồ ở Malte lúc đó là Đức ông Tommaso Caputo, phụ trách nghi lễ ở Vatican, ngài rất quan tâm đến nỗi khổ của một số lớn người như thế này. Biển Địa Trung Hải là cái nôi của thế giới chúng ta và nó đang biến thành địa ngục. Việc Đức Phanxicô đến đảo Lampedusa là hành vi đầu tiên của ngài để tố cáo và làm ngưng chuyện nhơ bẩn này.

Ông phân tích như thế nào về tầm mức đại chúng của Đức Phanxicô?

Theo tôi, Đức Phanxicô là hình ảnh thứ ba theo một tầm mức quan trọng bắt đầu với Đức Gioan-Phaolô II, tiếp theo là Đức Bênêđictô XVI. Tầm mức này tái định vị Giáo hội hoàn toàn. Đức Gioan-Phaolô II là người tố cáo và cùng với Walesa, Soljénitsyne, Reagan đã làm sụp đổ chế độ toàn trị cộng sản. Hai chế độ toàn trị – nazi và cộng sản – đã đè nặng lên số phận Âu châu và xén gọt đi đôi cánh của đời sống thiêng liêng. Đức Gioan-Phaolô II, nhà lực sĩ của đức tin đến từ Đông Âu biết sức mạnh đáng gờm này (sức mạnh áp bức trên dân tộc bị nô lệ, sức mạnh của sức lôi cuốn trên người khác của nó), đứng lên đối diện với sức mạnh hủy hoại này. Và ngài đã thành công. Cùng một lúc, ngài được sự giúp đỡ của hồng y Ratzinger, ngài đã giải hòa được Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo, tiếp cận được với Giáo hội Giêrusalem đã bị đè nén từ thời Byzance. Hồng y Lustiger cũng ở trong chiều hướng này lúc đó. Tiến trình đặt trọng tâm của việc cứu chuộc trong quan hệ giữa Công giáo và Do Thái – theo nghĩa của Thánh Kinh – có nghĩa là “dân tộc Do Thái theo lời chúc lành được Thiên Chúa chuẩn nhận”, hồng y Lustiger viết trong Lời Hứa.

Đức Bênêđictô XVI tiếp tục đi con đường này, tái khẳng định một cách rõ ràng các nguyên tắc của giáo điều. Ngài cũng nhắc lại các bản văn của Công đồng Vaticanô II, mà đôi khi đã bị bỏ quên trong những năm 1970, và cắt đứt với sự khoan hòa về mặt phụng vụ, đôi khi có một chút hoang tưởng, làm cho một số tín hữu nản lòng. Cuối cùng, Đức Bênêđictô XVI đã một cách công khai kết thúc vụ các linh mục ấu dâm. Rồi Đức Phanxicô đến, một cách ngạc nhiên, nhẹ nhàng đã ghi vào triều giáo hoàng của mình dấu ấn đơn sơ, vui vẻ và từ bỏ. Một sứ điệp đơn giản, thiết yếu, được mọi người chấp nhận kể cả những người không có tín ngưỡng, những người khao khát một cái gì. Thế tục hóa của xã hội chúng ta tạo nên một khoảng trống về mặt thiêng liêng mà trong đó thật khó mà xây dựng một niềm hy vọng. Đức Phanxicô tiến bước giữa “thiên thần, con người và ma quỷ”, trong một thời buổi bất định, với nụ cười của thánh Phan Sinh. Hiện tượng “cuồng Phanxicô” là câu trả lời đầu tiên cho nụ cười của ngài.

Ông tự cho mình là người “Công giáo lang thang”, ông chờ gì ở Đức Phanxicô?

Ông Guillaume de Digulleville, người viết xã luận ở thế kỷ XIV đã cho cuộc sống chúng ta là “cuộc hành hương của thân phận con người”.  Con người lang thang trong tự do, trong các điều nghi ngờ, trong đức tin, trong các tình yêu của nó. Nhà văn Ái Nhĩ Lan James Joyce đã dùng thành ngữ người “Công giáo lang thang” này rồi. Tôi chờ Đức Phanxicô mang lại cho chúng ta niềm tự hào của con đường này. Khi tôi nói “chúng ta” tôi nghĩ đến những người Âu châu, những người đang trở thành những đứa trẻ con của một lục địa không lịch sử, không quá khứ, không có điểm quy chiếu, theo một tôn giáo mơ hồ dựa trên quyền của con người. Chúng ta ở một bước ngoặc lịch sử. Hồng y Lustiger đã nói, “có những nền văn minh bị tróc cũng như võng mạc bị tróc». Các nền văn minh thì không bất tận, nó phải chết. Chứng quên của thời đại chúng ta ảnh hưởng đến lịch sử Âu châu, lịch sử nước Pháp và nguồn gốc Do Thái-Kitô của chúng ta, là quả bom nổ chậm cuối cùng của hai chủ nghĩa toàn trị. Theo triết gia Jan Patocka, châu lục Âu châu, một châu lục “có một cơ cấu già 2000 tuổi, đã thành công đưa nhân loại lên một tầm mức lương thức hoàn toàn mới” là một pho tượng khổng lồ không đầu, bị tác động bởi sự mất căn tính sâu đậm. Sự mất căn tính này là một sự sỉ nhục thường xuyên của chúng ta nhưng nhất là nó mở ra con đường cho những sáng kiến vừa lờ mờ vừa nguy hiểm, như kiểu trệch hướng chung quanh lý thuyết về giống, có nguy cơ làm nguy hại đến tương lai của xã hội chúng ta. Chính trên lãnh vực này mà tôi chờ ở Đức Phanxicô cũng như hy vọng ngài sẽ giải hòa được Giáo hội Thiên Chúa giáo và Chính thống giáo.

Văn sĩ Daniel Rondeau

 

Nguyễn Tùng Lâm dịch