parismatch.com, 2016-11-01
Sáng thứ ba 1 tháng 11, Đức Phanxicô dâng lễ Các Thánh ở Thụy Điển, nơi có một cộng đoàn nhỏ tín hữu công giáo bảo vệ truyền thống công giáo ở một nước rất thế tục, ngay cả các nam nữ mục sư cũng sống công khai đời sống đồng tính của họ.
Hôm trước, Đức Phanxicô đã tham dự buổi mở đầu kỷ niệm 500 năm Cải cách của mục sư tin lành Martin Luther, người bị dứt phép thông công vào thế kỷ 16. Ở nhà thờ chính tòa Lund miền Nam nước Thụy Điển, Đức Giáo hoàng và các đại diện giáo phái Luther trên thế giới đã bày tỏ sâu xa sự đáng tiếc trước các cuộc thảm sát và thành kiến của sự xung đột có từ năm thế kỷ nay giữa các tín hữu kitô, các vị kêu gọi đối thoại để tiến tới hiệp nhất.
Sự thỏa thuận vẫn còn che giấu các khác biệt giữa các giáo điều khác nhau và các nghi thức phụng vụ quan trọng. Khác biệt đầu tiên là lễ «Các Thánh» Đức Giáo hoàng dâng sáng thứ ba, các tín hữu Luther chung chung chỉ công nhận các thánh ở trong Thánh Kinh.
Trước 15.000 tín hữu mà đa số là người di dân và người trở lại, những người làm sống lại Giáo hội công giáo ở Thụy Điển, Đức Phanxicô đã đề cao “sự mềm mại, gạt qua một bên những gì làm chúng ta chia rẽ và chống đối nhau”. Ngài nói thêm: “Một dấu hiệu hùng hồn ở đây là hôm nay chúng ta kỷ niệm 500 năm ngày Cải cách ở đất nước của anh chị em, một đất nước nổi tiếng về sự sống chung của nhiều dân tộc khác nhau”.
Tại Thụy Điển, mục vụ mở ra cho phụ nữ
Trong thánh lễ ở sân vận động Malmö, Đức Giáo hoàng nói tiếng la-tinh và tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ của ngài, Malmö là thành phố lớn thứ ba của Thụy Điển, một thành phố có nhiều người di dân.
Nếu các lời nói của Đức Thánh Cha về đồng tính và nữ quyền làm cho ngài mang hình ảnh một giáo hoàng “hiện đại” thì vẫn còn một hố sâu phân cách Vatican và các phong thục tập quán phóng khoáng của Thụy Điển.
Ở Thụy Điển, mục vụ mở ra cho phụ nữ từ năm 1960, các mục sư có thể làm đám cưới cho các cặp đồng tính từ năm 2009 và chính họ, họ cũng có thể kết hôn chính thức và theo nghi lễ tôn giáo với một người cùng phái. Các cặp đồng tính có thể nhờ dịch vụ y khoa để có con, một chuyện xấu xa đối với nhiều người công giáo.
Giáo hội công giáo Thụy Điển có 113.000 tín hữu (1,1% dân số), so với 87.000 của năm 2000, nhưng con số thật người công giáo trong cả nước có thể lên đến 150.000.
Giáo hội đôi khi được xem như «điểm vững mạnh» của giáo điều kitô ở một nước ít nghiêng về tôn giáo và trọng các đức tính như bao dung, bình đẳng và cổ động cho quyền của các nhóm thiểu số giới tính.
Giám mục Anders Arborelius là giám mục công giáo duy nhất ở Thụy Điển biết Vatican muốn duy trì truyền thống chống lại các cải cách xã hội mà Thụy Điển được cho là vô địch. Giám mục Arborelius là tín hữu tin lành trở lại công giáo, ngài cho biết: «Đức Giáo hoàng đến từ một đại lục khác, ngài có những cách riêng để diễn tả những gì ngài có thể diễn tả, dù ngài được cho là tiến bộ, cởi mở với các cách sống khác nhau, nhưng không vì thế mà có thể nói ngài thay đổi giáo điều của Giáo hội công giáo về gia đình, về đồng tính hay về việc phụ nữ chịu chức».
“Người công giáo phải thay đổi”
Mục sư Henrik Glamsjö đi cùng với vợ và các con đến tham dự thánh lễ ngoài trời cho biết, sự bất bình của một vài tín hữu luther như ông, “Giáo hội Thụy Điển bị các chính trị gia kiểm soát. Họ can thiệp vào cả phụng vụ. Giáo hội công giáo là Giáo hội hoàn vũ, là Giáo hội đặc biệt, là mẹ của các Giáo hội”. Và về mặt giáo hội học, ông không chấp nhận đám cưới giữa những người đồng tính: “Hôn nhân là một bí tích“.
Về phần mình, bà Ingeborg Stenstrưm, một tín hữu Thụy Điển gốc Đức mong Giáo hội có thể tiến hóa về các phong tục. Bà cho rằng, “người công giáo phải thay đổi. Chúng tôi cần các linh mục phụ nữ”.
Giáo hội Luther Thụy Điển có 6.2 triệu tín hữu đăng ký và trả thuế tôn giáo, chiếm khoảng 62% dân số. Nhưng mức độ giữ đạo và tín ngưỡng của họ thì thấp nhất thế giới, trong vòng mười năm, Giáo hội đa số của họ đã mất hơn 550.000 tín hữu. Về phần mình, Giáo hội công giáo có rất nhiều người vào đạo.
Ông Michel Louis người gốc Liban có trách nhiệm trong việc đăng ký các tín hữu, ông trả lời cho hãng tin AFP biết, “con số tín hữu công giáo tăng 3 đến 4% mỗi năm, chính yếu là nhờ người di dân. Về mặt lịch sử, có nhiều làn sóng khác nhau. Hiện nay, các tín hữu đến từ những nước có chiến tranh như Syria, Irak, trong những năm 80 họ đến từ Liban, trong những năm 60 và 70 là từ Châu Mỹ La Tinh”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch