Thật phi nhân khi đóng chặt trái tim mình

343

Vatican Insider | Andrea Tornielli | 01-11-2016

Trên Chuyến bay từ Malmö về Roma. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bày tỏ suy nghĩ về tình hình tiếp nhận và hòa nhập người di dân và tị nạn, tại Thụy Điển và bối cảnh chung toàn thế giới.

tren-chuyen-bay-tu-malmo-ve-roma

Một ký giả trên chuyến bay đặt câu hỏi

Ngày càng nhiều người xin tị nạn ở các nước châu Âu, nhưng điều này đang gây nên quan ngại sợ hãi. Một số người nói rằng người tị nạn có thể đe dọa chân tính của châu Âu và Kitô giáo. Ngay cả Thụy Điển cũng bắt đầu đóng cửa biên giới…

Và Đức Giáo hoàng nói lên từ cảm nhận của mình trong suốt thời gian qua cũng như qua những kinh nghiệm mới thấy ở Thụy Điển

“Là một người Argentina và Nam Mỹ, cha rất biết ơn Thụy Điển vì sự hiếu khách này, bởi đất nước này đã cưu mang nhiều người Argentina, Chile và Uruguay, trong thời các chế độ độc tài quân phiệt. Thụy Điển có truyền thống hiếu khách lâu đời, không chỉ trong chuyện tiếp nhận mà còn trong việc hòa nhập và giúp đỡ người ta tìm nhà ở, trường học và một công việc ngay lập tức. Cho họ hòa nhập vào xã hội.

Có lẽ cha sai, cha không chắc, nhưng Thụy Điển có dân số 9triệu người, và trong đó có khoảng 850.000 là “người Thụy Điển mới” cách nói khác để gọi những người di dân và tị nạn. hoặc là con cái của họ.

Cần phân biệt giữa di dân và tị nạn. Người di dân phải được đối xử theo những quy định nhất định bởi di dân là một quyền, nhưng nó đã được quy định rất rõ. Còn người tị nạn, họ đến từ một bối cảnh khác với sự tuyệt vọng, đói khát và chiến tranh khủng khiếp. Tình trạng của họ cần được đánh giá cẩn thận hơn và cần nỗ lực làm việc hơn.

Ở đây cũng thế, Thụy Điển luôn luôn là gương mẫu trong việc sắp đặt chỗ ở, dạy ngôn ngữ và hòa nhập họ vào văn hóa địa phương. Về sự hòa nhập văn hóa, thì chúng ta không cần phải sợ. Châu Âu được tạo nên qua sự hòa nhập văn hóa không ngừng.

Cha nghĩ gì về những quốc gia đóng chặt đường biên giới ư? Cha tin rằng, về lý thuyết, một quốc gia không thể đóng chặt trái tim mình với một người tị nạn. Tuy nhiên, các lãnh đạo chính trị cần phải cẩn trọng, họ nên cởi mở với việc đón nhận người tị nạn nhưng cũng cần thận trọng trong việc tìm cách sắp đặt cho người tị nạn, bởi đây không chỉ là đón nhận mà còn phải hòa nhập. Nếu một quốc gia có thể hòa nhập người tị nạn, thì họ nên làm điều mình có thể. Nếu một quốc gia khác có năng lực hơn, thì nên làm hơn nữa, luôn luôn mở rộng trái tim.

Thật phi nhân khi đóng chặt cửa nhà mình, thật phi nhân khi đóng chặt trái tim mình và về lâu dài, chuyện này sẽ phải trả giá, một cái giá chính trị.

Cũng có những cái giá chính trị khác khi tính toán bất cẩn và tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn khả năng hòa nhập của mình.  Mà khi một di dân hay người tị nạn không được hòa nhập, sẽ có mối nguy gì? Họ bị quy vào hạng thấp kém, bị đẩy vào khu tập trung! Họ lập nên những khu tách biệt và văn hóa tách biệt, không phát triển song song với một nền văn hóa khác. Thế là nguy hiểm.

Cha nghĩ nỗi sợ là cố vấn tồi nhất cho các quốc gia có khuynh hướng đóng cửa biên giới. Và cố vấn tốt nhất chính là sự cẩn trọng. Cha đã nói chuyện với một viên chức Thụy Điển, và ông cho cha biết về một vài khó khăn do con số người nhập cư quá lớn, nghĩa là không có đủ thời gian để xếp chỗ ở, trường học, và công việc cho tất cả mọi người. Cần phải cẩn trọng trong chuyện này.

Cha tin là nếu Thụy Điển giảm bớt khả năng tiếp nhận của mình, thì đó không phải là do sự ích kỷ. Nếu chuyện này xảy ra, thì như cha đã nói ở trên, mọi người muốn đến Thụy Điển, nhưng đất nước này không đủ thời gian tiềm lực để sắp xếp ổn thỏa cho tất cả mọi người.”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch