Mười điểm trong cuộc phỏng vấn của Đức Phanxicô về Cải cách và về đại kết

510

la-croix.com, Marie Malzac, 2016-10-28

Trong một cuộc phỏng vấn được tạp chí Dòng Tên La Civiltà Cattolica và nhật báo Đan Mạch Dagens Nyheter đăng ngày 28 tháng 10-2016, hai ngày trước khi đi Thụy Điển, Đức Phanxicô nói lên những mong chờ của mình và cái nhìn của ngài về Cải cách tin lành.

Báo Thập giá đề cập đến mười điểm trong cái nhìn của Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn này.

Đức Phanxicô đã có cuộc phỏng vấn với báo Dòng Tên La Civiltà cattolica do linh mục Ulf Jonsson, giám đốc tạp chí Dòng Tên Đan Mạch Signum thực hiện, bài được nhật báo Đan Mạch Dagens Nyheter đăng cùng ngày. Cuộc phỏng vấn đề cập đến vấn đề đại kết nhân chuyến đi Thụy Điển sắp tới của Đức Phanxicô để kỷ niệm 500 năm cải cách tin lành.
1. «Một bước tiến đến sự gần gũi»

«Để tôi được gần anh chị em hơn.» Đó là điều Đức Phanxicô mong chờ khi đi Thụy Điển, nơi ngài sẽ ở bên cạnh các tín hữu đa số là tin lành để kỷ niệm 500 năm Cải cách. «Mong chờ của tôi là làm một bước tiến đến sự gần gũi. Sự gần gũi làm điều tốt đẹp cho tất cả chúng ta, sự xa cách làm cho chúng ta bệnh. Khi xa cách, chúng ta khép mình lại, chúng ta trở thành người du mục, không cách nào gặp được chính mình. Chúng ta để cho nỗi sợ xâm chiếm, chúng ta phải học để tìm cách vượt lên, để gặp người khác. Nếu chúng ta không làm, thì tín hữu kitô chúng ta có nguy cơ bị bệnh chia rẽ.»

2. Tình bạn với mục sư Thụy Điển Anders Ruuth

Tôi mời giáo sư Anders Ruuth, một người Thụy Điển, giáo sư thần học của đại học đó đến dạy các lớp thiêng liêng với tôi. Tôi còn nhớ, đó là những giây phút rất khó cho tâm hồn tôi. Tôi rất tin tưởng ở giáo sư và tôi mở lòng ra với ông. Ông đã giúp tôi rất nhiều trong lúc đó».

Đức Giáo hoàng ca ngợi luận án của giáo sư về «Giáo hội hoàn vũ của Nước Chúa» được trình bày ở Ba Tây vào cuối những năm 70: «Giáo sư viết bằng tiếng Thụy Điển nhưng có một đoạn bằng tiếng Anh. Ông gởi cho tôi và tôi đọc chương này bằng tiếng Anh: thật là một món quà quý… ».

Khi là giám mục phụ tá địa phận Buenos Aires, trong những lần giáo sư trở về từ Thụy Điển, Đức Phanxicô có gặp lại giáo sư Anders Ruuth sau này. «Nhưng đó là lần cuối: một trong hai người con trai của giáo sư (…) gọi cho tôi biết cha mình đã qua đời».

Đức Phanxicô thổ lộ: «Người đã làm nhiều điều tốt cho đời tôi là giáo sư Anders Ruuth, tôi nghĩ về giáo sư với lòng cảm mến và biết ơn sâu xa».

3. «Cải cách» và «Sách Thánh»

Theo Đức Phanxicô, người công giáo có thể đào sâu hai khía cạnh nền tảng của tin lành được tóm trong hai chữ «cải cách» và «Sách Thánh». Ngài giải thích: «Mới đầu, Luther muốn cải cách trong thời điểm khó khăn của Giáo hội. Luther muốn mang giải pháp đến cho một một tình huống phức tạp.»

«Từ hành động này, trở nên một «tình trạng» chia cách chứ không phải một ‘tiến trình’ cải cách cho toàn Giáo hội, dù cải cách là nền tảng, vì Giáo hội là Giáo hội của cải cách», ngài lặp lại công thức của tin lành, theo đó Giáo hội luôn luôn cải cách. Chính «đòi hỏi cải cách này» là đề tài các cuộc thảo luận giữa các hồng y trong các buổi họp trước mật nghị 2013, Đức Phanxicô nhắc lại trong cuộc phỏng vấn này.

Còn về Sách Thánh, Đức Phanxicô ca ngợi một «bước tiến lớn» mà Luther đã thành tựu khi «đặt Lời Chúa vào bàn tay của dân chúng».

4. Tinh thần đại kết trên căn bản cầu nguyện và các việc làm của lòng thương xót

Không phủ nhận tầm quan trọng của đối thoại thần học, Đức Phanxicô nhắc lại ý muốn của mình, hướng tinh thần đại kết về «lời cầu nguyện chung và các việc làm của lòng thương xót». Ngài nhắc lại giai thoại, theo đó Đức Thượng Phụ Chính thống Athénagoras đã nói với Đức Phaolô VI: «Chúng ta đi tới đàng trước và chúng ta gởi các nhà thần học đến một đảo để họ thảo luận với nhau.»
Ngài ca ngợi bản thông báo chung ký năm 1999 ở Augsbourg, ngài khuyến khích nên tiếp tục có những thảo luận về giáo điều, nhưng ngài công nhận, đối thoại dưới khía cạnh này «không phải dễ». «Làm một cái gì chung là một hình thức đối thoại cao cả và có hiệu quả.» Cùng làm việc chung, «không có tính cách bè phái», đó là tầm nhìn của Đức Giáo hoàng.

Để nhấn mạnh đến tinh thần đại kết, mới đầu ngài không dự tính sẽ dâng thánh lễ cho người công giáo Thụy Điển và những nước lân cận. Nhưng trong «cương vị mục tử», cuối cùng ngài đã thay đổi ý kiến và đã đổi chương trình đi, ngài ở lại thêm một ngày để dâng thánh lễ mà không lẫn lộn với các buổi gặp gỡ đại kết.

5. «Trong lãnh vực tôn giáo, chiêu dụ là một tội»

Đức Phanxicô nhắc lại: «Tuy nhiên, các hành động chung trong lãnh vực tôn giáo, chiêu dụ là một tội. Đức Bênêđictô XVI đã nói với chúng ta, Giáo hội không lớn lên bằng sự chiêu dụ nhưng bằng sức hấp dẫn».

6. Tên sát nhân ở thành phố Nice, «một người điên»

Đức Phanxicô nhắc đến vụ tấn công ở thành phố Nice vì cuộc phỏng vấn nhằm vào ngày 24 tháng 9, ngài ngài tiếp gia đình các nạn nhân ở Vatican. «Tên điên đã tàn sát các nạn nhân, nghĩ rằng mình làm nhân danh Chúa. Đáng thương cho người này, đây là một người mất thăng bằng! Với đức ái, chúng ta có thể nói đây là một người mất thăng bằng, nhân danh Chúa để tìm cách biện minh cho hành động của mình». Đức Phanxicô nhắc lại: «Nhưng không thể làm chiến tranh nhân danh tôn giáo, nhân danh Thiên Chúa: đó là phạm thượng, đó là việc làm của satan».

7. Tử đạo, «một hình thức của đời sống kitô»

Đức Phanxicô cũng nêu lên, «Đại kết trong máu gồm các kitô hữu tử đạo vì đức tin, dù cho danh xưng của họ là gì. Tử đạo là một trong các hình thức của đời sống kitô», theo Đức Phanxicô, «Trung Đông ngày nay là đất của các vị tử đạo». Như vẫn thường hay làm, ngài kể một ví dụ cụ thể, câu chuyện của một người đàn ông hồi giáo ngài gặp ở Lesbos (Hy Lạp), ông kể cho ngài nghe cái chết của vợ mình, người vợ ông rất yêu quý. Bà vợ bị quân khủng bố giết vì bà không chịu bỏ cây thánh giá đang mang trên cổ. Họ cắt cổ bà trước mặt chồng và các con. Đúng, đó là một người tử đạo, nhưng tín hữu kitô biết có một hy vọng. Máu của người tử đạo là hạt giống của kitô hữu, chúng ta luôn biết điều này.»

8. Một vài Giáo hội «khô héo»

Đức Phanxicô nói: «Các Giáo hội trẻ có tinh thần tươi sáng, có những Giáo hội già thiu thiu ngủ, họ chỉ quan tâm đến việc giữ chỗ của mình. Không phải vì họ thiếu Thần Khí, nhưng vì họ khép kín trong một cơ cấu. (…) Tôi biết điều này: tôi biết họ là cần thiết nhưng tôi khó đặt hy vọng trong những lập chương này.» Theo Đức Phanxicô, Thần Khí mang đến «khả năng ước mơ, nói ngôn sứ»: «Khép mình trong các chuyện cứng ngắt thì sẽ không có khả năng cải cách.»

9. Phát triển sự siêu việt

Đức Phanxicô sẽ đi Thụy Điển, một trong các nước thế tục nhất Âu châu, ngài khẳng định «con đường siêu việt là con đường dành chỗ cho Chúa và vì thế, những bước đi nhỏ cũng là quan trọng, như người đi từ vô thần đến thuyết bất khả tri».
Ngài nói tiếp: «Theo tôi, vấn đề là khi người ta khép kín, khi xem đời mình là toàn hảo thì mình sẽ khép kín với chính mình, không còn thấy cần một sự siêu việt căn bản. Nhưng để mở cho người khác tính siêu việt thì không cần lời nói hay các bài diễn văn. Ai sống siêu việt thì thấy rõ: họ là chứng nhân sống.»

10. Chúa Giêsu là ai đối với Đức Giáo hoàng?

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô nói một cách thân tình khi ngài nói quan hệ riêng của mình với Chúa Kitô: «Đối với tôi, Chúa Giêsu là Đấng nhìn tôi với lòng thương xót và đã cứu tôi. Quan hệ của tôi với Ngài luôn ở trên nguyên tắc này và đó là nền tảng. Chúa Giêsu đã ban cho tôi một ý nghĩa cho cuộc sống của tôi trên quả đất này và một hy vọng cho cái nhìn về tương lai. Và Ngài đã cho tôi một ơn sủng to lớn: ơn biết xấu hổ».

Đức Giáo hoàng Dòng Tên nhìn cuộc sống thiêng liêng của mình được mô tả trong chương 16 của sách tiên tri Êdêkia, đặc biệt trong các câu cuối: «Và ngươi biết Ta là Giavê, để ngươi ghi nhớ mà xấu hổ, ngươi không còn dám mở miệng trước cái hổ nhục ngươi cảm thấy khi Ta ân xá cho tất cả những gì ngươi đã từng làm».

francois-rencontre-participants-pelerinage-lutherien-oecumenique-partis-saxe-anhalt-allemagne-13-octobre-2016_0_730_486
Hình: Đức Phanxicô gặp đoàn hành hương đại kết Luther ngày 13 tháng 10-2016 ServizioFotograficoOR/CPP/CIRIC

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch