Thụy Điển: Những chuyện người công giáo có thể học ở tín hữu Luther

366

fr.zenit.org, Anne Kurian, 2016-10-28

Phỏng vấn Đức Phanxicô của báo La Civiltà cattolica, 28 tháng 10-2016

Giáo hội công giáo có thể học ở truyền thống Luther về khả năng «cải cách» và về sự gần gũi với Lời Chúa. Đó là lời Đức Phanxicô xác nhận trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Dòng Tên La Civiltà cattolica được đăng ngày 28 tháng 10, ba ngày trước chuyến đi Thụy Điển của ngài. Ngài khuyến khích người công giáo nên có sống chung lành mạnh với những người không công giáo: «Chúng ta không thể vừa là người công giáo vừa bè phái».

Trong cuộc phỏng vấn do linh mục Ulf Jonsson thực hiện, cha là giám đốc tạp chí Dòng Tên Thụy Điển Signum, Đức Phanxicô thổ lộ các mong chờ của mình trong chuyến đi kỷ niệm 500 năm Cải cách tin lành: «Thực hiện được một bước đi trước trong sự gần gũi, gần hơn nữa với các anh chị em sống ở Thụy Điển». Đối với Đức Giáo hoàng, «sự gần gũi là tốt cho tất cả mọi người. Ngược lại, sự xa cách làm cho chúng ta bệnh. (…) Kitô hữu chúng ta cũng vậy, chúng ta sẽ bị bệnh khi sống chia rẽ».

Theo Đức Giáo hoàng, Giáo hội công giáo có thể học hai chuyện trong truyền thống Luther: khả năng «cải cách», cải cách là «nền tảng vì Giáo hội là Giáo hội luôn luôn cải cách (semper reformanda)». Và sự gần gũi với Sách Thánh: «Luther đã làm một bước lớn khi đặt Lời Chúa vào bàn tay của dân chúng».

Cầu nguyện và hành động, con đường của hợp nhất

Trong cuộc phỏng vấn dài này, Đức Giáo hoàng đã nói về tình trạng đại kết: «Đối thoại thần học phải tiếp tục» dù «sẽ không phải dễ (…) vì có nhiều cách khác nhau để hiểu một vài vấn đề». Nhưng cũng phải có «lời cầu nguyện chung và các việc làm của lòng thương xót, có nghĩa là cùng nhau làm việc để giúp đỡ những người nghèo, người bệnh, người bị tù».

Đức Phanxicô nhấn mạnh: «Làm một cái gì chung với nhau là hình thức cao cả và hiệu quả của đối thoại, chúng ta đừng hành động theo kiểu bè phái». Ngài đưa ra tiêu chuẩn để làm việc chung: không khuyến dụ vì đó là một thái độ «có tội». Con đường hợp nhất là con đường «nói chuyện, cầu nguyện, làm việc chung» và hiểu rằng «đại kết do máu mũ». Quả thật «kẻ thù, ma quỷ không bao giờ lầm trong sự hợp nhất: khi người kitô hữu bị bách hại, bị giết, họ bị hại vì họ là kitô hữu, chứ không phải họ là tín hữu Luther, Calvin, Anh giáo, Công giáo hay Chính thống».

Đức Giáo hoàng cũng nói đến tình trạng của nước Thụy Điển, một nước rất thế tục. Đức Phanxicô cảnh giác, một đời sống không có tính siêu viết là một đời sống có nguy cơ khép kín vào chính mình. «Để đối phó với chủ nghĩa vô thần, có nghĩa là khép kín với điều siêu việt, chúng ta chỉ có thể cầu nguyện và làm chứng». «Nhưng để làm cho người khác thấy được điều siêu việt thì không nhất thiết phải đọc diễn văn. Ai sống siêu việt thì thấy rõ». Đức Phanxicô nói thêm: «Tôi tin chắc, người nào không tin hoặc không đi tìm Chúa, có thể họ sẽ không nghe biết thế nào là ‘bứt rứt’ của một chứng tá, một bứt rứt bị ngộp đi vì «quá thoải mái».

Không thể vừa là người công giáo vừa sống bè phái

Vai trò của người công giáo Thụy Điển dù rất thiểu số nhưng là vai trò của sự «sống chung lành mạnh, mỗi người sống đức tin của mình và nói lên lời chứng của mình trong một tinh thần cởi mở và đại kết», ngài nói tiếp: «chúng ta không thể vừa là người công giáo vừa sống bè phái. Phải hướng ra để ở với người khác».

Lúc mới đầu, Đức Phanxicô không dự trù sẽ dâng thánh lễ cho tín hữu công giáo ở Thụy Điển để nhấn mạnh đến khía cạnh đại kết, nhưng cuối cùng, ngài đã nhượng theo lời xin của cộng đoàn công giáo, ngài kéo dài thêm một ngày ở Thụy Điển là ngày 1 tháng 11. Ngài giải thích: «Tôi muốn thánh lễ không cử hành cùng ngày cùng nơi với cuộc gặp gỡ đại kết, để tránh mọi lẫn lộn với các chương trình khác».

Cuối cùng, Đức Phanxicô giao cho Dòng Tên ở Thụy Điển nhiệm vụ làm «thuận lợi tất cả mọi phương tiện đối thoại với những người sống trong xã hội thế tục và với những người không tin: nói chuyện, chia sẻ, thông cảm và cùng ở bên cạnh họ». Ngài cũng xin làm mọi thuận lợi cho đối thoại đại kết.

Ngài kết thúc buổi phỏng vấn với các lời chủ chốt «cùng đi, cùng bước chung! Không khép mình trong các nhãn quan cứng ngắt, để không có chỗ cho một khả năng cải cách».

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

00000Hình: Đức Phanxicô gặp Đoàn hành hương Đại kết Luther 13-10-2016