Ông Joseph: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con là kẻ có tội

668

Ông Joseph: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con là kẻ có tội

Sống đời sống công giáo trong 10 bài học. Bài thứ 10.

fr.aleteia.org, Sabine de Rozières, 2016-06-08

«Còn bạn, bạn cho Chúa bao nhiêu thì giờ buổi tối?»

Joseph là luật sư ở tại tòa án London

Luật sư trẻ ở tòa án tại London, Joseph đã tìm được câu trả lời cho đức tin ngày mà cô bạn gái hỏi anh câu hỏi trí mạng này…

sống đạo 10

Aleteia: Vì sao Chúa có một chỗ đứng trong đời sống của ông?

Ông Joseph: Đó là câu hỏi làm tôi xáo trộn, vì, đối với tôi, đức tin là một chuyện hiển nhiên nhưng trả lời thì không đơn giản. Tôi trải qua một hình thức tái trở lại trong hai thời kỳ. Thời kỳ đầu khi tôi đến London học. Ở một xứ tuyền Tin lành, tôi may mắn ở gần một nhà thờ nhỏ công giáo, chỉ cách một con đường. Tôi 20 tuổi và phải học tất cả các môn bằng  tiếng Anh nên đương nhiên tôi mất gấp đôi thì giờ hơn các bạn đồng lớp! Vì thế khá căng thẳng cho tôi, nên tôi hay đi lễ trong tuần, ở đó tôi quên được cái náo nhiệt của nước Pháp và các thói quen tôi có. Chính lúc đó, tôi hiểu thế nào là có lửa trong người! Sau những giây phút cầu nguyện sốt sắng và dự các buổi phụng vụ đẹp, tôi ra về với một ngọn lửa kỳ lạ rất mạnh mà tôi muốn chia sẻ với mọi người: ở một xã hội nước Anh cực kỳ đánh dấu bởi cách nói phải đàng hoàng, tôi hiểu tính tận căn của Phúc Âm! Rồi một thời gian sau, tôi đi hành hương Lộ Đức trong chuyến đi của tòa giám mục tổ chức, tôi là thiện nguyện viên khiêng cáng. Tôi thấy có một niềm vui đích thực trong cái nhìn của những người bệnh và chuyện này đã dội lên trong lòng tôi. Tôi sống kinh nghiệm này như thời kỳ thứ nhì của sự “tái trở lại của tôi”. Bây giờ đời sống đức tin làm đổi mới tôi mỗi ngày.

Đối với ông, “có đức tin” có nghĩa là gì?

Đó là sự tin tưởng nơi Chúa. Tin tưởng nơi tình yêu vô biên của Ngài. Và cũng là ý thức, nếu tôi làm lỗi, Ngài sẽ tha thứ. Vừa ý thức, vừa tin tưởng, Ngài thật sự ở đó và Ngài đã cứu chúng ta. Tôi không biết đó có phải là một tâm trạng, nhưng đúng là nó đã như thế trong đời sống của tôi mỗi ngày. Và khi suy nghĩ từng chữ  trong Kinh Tin Kính, tôi không thích đọc một cách máy móc, dù nếu tôi phản bội Ngài, giao nộp Ngài mỗi ngày, Ngài cũng thương tôi. 

Ông có dành một hành động nào hàng ngày cho Chúa không?

Trước đây là 15 phút mỗi buổi sáng, với ít nhất 5 phút thinh lặng, tôi vụng về cố gắng lắng nghe Lời Chúa, cũng thật gay go. Rồi một ngày, tôi huyênh hoang nói với một cô bạn, mỗi chiều, ít nhất tôi bỏ ra một giờ để đọc, cô nói với tôi: “Ồ, siêu thật, nếu không thì… anh cho Chúa bao nhiêu giờ mỗi buổi tối?”. Từ đó, tôi cố gắng để ra 15 phút cho Chúa, dù tối hôm đó tôi về trễ sau một ngày làm việc nhiều, sau các bữa ăn tối, các buổi dạ hội khuya. Nhờ cô bạn này, tôi bắt đầu hiểu thế nào là dâng lên cho Chúa bổn phận trong đấng bậc và trong công việc của mình. Hàng ngày, tôi không nghĩ mình phải thánh chiến, phải tử đạo để vinh danh Chúa, nhưng làm những chuyện nhỏ có ý nghĩa. Chỉ cần mỗi ngày, bắt chước người hành hương Nga, bất cứ dịp nào cũng đọc Lời cầu nguyện của Quả tim: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con, con là kẻ có tội”, sự tôn thờ này giúp đỡ tôi rất nhiều.

Ông muốn nói gì với người công giáo?

Chúng ta hãy nhất quán. Nhưng tôi cũng nói như vậy với tôi! Tôi thường hỏi người ta câu hỏi về các giá trị của họ theo chiều kim tự tháp, có thể do méo mó nghề nghiệp vì tôi là luật gia. Nếu chúng ta thật sự tin Chúa là Đấng Tạo Dựng và Ngài yêu chúng ta, Ngài là nguyên lý đầu tiên, thì chúng ta sẽ đặt Ngài ở đỉnh cao của kim tự tháp này. Chúng ta không thể nào xếp Chúa ở một vị thế thấp hơn cha mẹ, bạn bè, công ăn việc làm hay các dấn thân của chúng ta: không có một nguyên tắc nhân bản hay luật lệ nào có thể cho rằng mình có chỗ cao hơn chỗ của Chúa. Nhưng cũng cố gắng đừng rơi vào trong chủ nghĩa hãnh tiến, dù rằng rất khó! Thiên Chúa trước hết, sau đó là gia đình, tổ quốc chỉ đi sau, nếu không chúng ta sẽ thất bại và các khái niệm dù gia đình hay tổ quốc cũng sẽ bị biến chất.

Theo ông, cái gì cứu có thể được nhân loại?

Không có gì là mới và vì tôi gắn dính với những gì Giáo hội dạy, tôi sẽ nói đó là Chúa Giêsu. Nhưng phải có sự ưng thuận của chúng ta. Chúng ta được cứu khi chúng ta từ bỏ các tín ngưỡng giả tạo của mình: thời thượng, tiền bạc, chủ nghĩa hãnh tiến, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa mácxít… Tôi tin Chúa Giêsu là Chân lý, và vì thế, qua Ngài mà thế giới được cứu, nếu thế giới chấp nhận đi theo Ngài. Không phải là cách mạng bề ngoài, nhưng suy nghĩ cho chín chắn là cuộc chiến mỗi ngày, vì Ngài là Đấng Cứu Chuộc. 

Đâu là nỗi sợ lớn nhất của ông?

Là quên sự đọa đày ở hỏa ngục. Vì tính kiêu ngạo của tôi và đôi khi vì một vài hình thức khinh khi mà chúng ta quên tất cả chúng ta đều giống nhau trong phẩm chức làm người. 

Cái gì làm cho ông hạnh phúc?

Rất nhiều chuyện nhưng đặc biệt là có ba: một thánh lễ đẹp làm tôi được hứng khởi, vì ý nghĩa thiêng liêng hòa lẫn với các bài hát! Những giây phút êm đẹp trong gia đình cũng là nguồn vui lớn, tôi thích ở trong gia đình như tình anh em họ! Tôi thấy thật tuyệt vời nếu tất cả mọi người cùng đi lễ chung với nhau, anh chị em họ, ông bà, tất cả cùng cầu nguyện chung trước tượng Đức Mẹ. Sự dấn thân và làm việc trong một ê-kíp cũng làm tôi hạnh phúc. Khi truyền thông viên, chính trị gia, luật gia cùng bắt tay nhau làm việc vì lợi ích chung, thật phi thường! Dù đôi khi cũng bị thất bại, nhưng một cột mốc đã được cắm lên. 

Đức tính nào ông thích nhất và tại sao?

Hy vọng, bởi vì đó là động lực thiêu đốt! Nhưng cũng vì văn hào Charles Péguy đã viết những trang tuyệt đẹp về “cô gái nhỏ”, và vì đó là tiếng gọi từ bỏ đẹp nhất trong các từ bỏ. Nhưng nhất là vì tôi thiếu nó!

Thánh nào ông kính mến nhất và tại sao?

Thánh Gioan Vianney, Cha xứ Ars, vì cha có một tình yêu điên cuồng cho Chúa và vì tôi rất nhạy cảm với việc xưng tội. Sau đó là Thánh Don Bosco cho sự dấn thân của ngài với người trẻ và cho niềm vui đã làm cho ngài nói: “Bạn nên thường xuyên nhớ câu này: quỷ sợ những người hạnh phúc”. Sau là Thánh Padre Piô, vì đó là nhà thần nghiệm và là tông đồ của Lòng thương xót ở thế kỷ 20, đó là bằng chứng đẹp nhất trong các bằng chứng cho thấy Chúa không bỏ chúng ta.

Kinh nào là kinh ông thích nhất và tại sao?

Kinh Kính Mừng vì tôi được đánh động bởi lòng mộ đạo sâu đậm và sự đơn sơ vô cùng của những người bệnh ở Lộ Đức khi họ đọc Kinh Kính Mừng. Nhìn và nghe Kinh này nổi lên trong tận thâm sâu tâm hồn của người bị tổn thương là tiếng gọi để tôn kính Đức Mẹ nhiều hơn.

Marta An Nguyễn dịch