Đức Phanxicô và Tổng thống Trump, bất đồng nhưng thân tình
Đức Phanxicô luôn chỉ trích chính sách nhập cư của Tổng thống Mỹ, nhưng không vì thế mà Vatican không có chính sách ngoại giao thực dụng.
la-croix.com, Mikael Corre, 2025-01-20
Đức Phanxicô và Tổng thống Donald Trump trong buổi tiếp kiến riêng tại Vatican ngày 24 tháng 5 năm 2017. EVAN VUCCI / AFP
Đức Phanxicô có phải là người chỉ trích gay gắt Donald Trump như báo chí nói không? Trong thông điệp gởi đến Tổng thống Mỹ ngày nhậm chức 20 tháng 1 năm 2025, ngài gởi lời chào nồng nhiệt và cầu nguyện cho ông, nhưng ngài phản đối dự án “chận sự xâm lược biên giới” của ông.
Ngài viết: “Cảm nghiệm từ các ý tưởng quốc gia của Tổng thống, nước Mỹ là vùng đất của cơ hội và lòng hiếu khách cho tất cả mọi người, tôi hy vọng dưới sự lãnh đạo của ông, nước Mỹ sẽ thịnh vượng và luôn phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, một xã hội không có chỗ cho nghèo khổ, cho phân biệt đối xử hoặc loại trừ.”
Đức Phanxicô luôn quan tâm đến người di cư, đó là một trong những điểm mạnh triều của ngài, cùng với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Dù có nhiều phản đối, nhưng Tổng thống Donald Trump hứa sẽ khai thác dầu khí, sẽ tiến hành kế hoạch trục xuất một số lượng lớn người nhập cư không giấy tờ. Ngày 19 tháng 1, trong một phỏng vấn với Đài truyền hình Ý, Đức Phanxicô tuyên bố: “Đây sẽ là một thảm họa, vì sẽ làm cho nhiều người đau khổ, những người không có gì.”
Các mối quan hệ không chắc chắn
Theo cuộc thăm dò của báo Washington Post thực hiện tại các điểm bỏ phiếu ngày 5 tháng 11, 59% người công giáo Mỹ đã bỏ phiếu cho Donald Trump, cao hơn 20 điểm so với Kamala Harris. Năm 2020, 52% cử tri công giáo bỏ phiếu cho ông Joe Biden, tổng thống công giáo thứ hai của Hoa Kỳ, theo tổ chức Nghiên cứu Pew, một phần năm người Mỹ (20,8%) là người công giáo.
Một nguồn tin ở Rôma cho biết: “Ngoại giao Vatican chỉ tập trung vào các giá trị, nhưng cũng thực tế: Tòa thánh cần Hoa Kỳ, do đó cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống nước này, như trong trường hợp này.”
Ngay cả khi Đức Phanxicô và Tổng thống Joe Biden đã có mối quan hệ cá nhân trong bốn năm qua, nhưng chính quyền Hoa Kỳ và Vatican không phải lúc nào cũng liên kết với nhau, như trường hợp đối thoại với Trung Quốc, việc giải phóng vũ khí cho Ukraine hoặc một lần nữa là việc điều chỉnh các biện pháp về trí thông minh nhân tạo. Vì mục đích này, sự gần gũi của Tân Tổng thống với các ông chủ lớn của Thung lũng Silicon là điều làm cho Rôma lo lắng, Donald Trump bổ nhiệm Elon Musk, ông chủ của X, Tesla và SpaceX làm cố vấn cắt giảm chi tiêu ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, những lời hứa của Tổng thống về việc xóa bỏ “những hệ tư tưởng thức tỉnh của cánh tả cấp tiến” phần nào phản ánh một trong những ưu tiên ngoại giao của Tòa Thánh.
Liên quan đến Ukraine, lời hứa được Donald Trump nhắc lại về việc tham gia đối thoại vì hòa bình với Vladimir Putin cũng là một yêu cầu được Đức Phanxicô nhắc lại nhiều lần, ngày thứ hai 25 tháng 1, ngài nhắc lại: “Khi Gia đình nhân loại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, chưa kể đến chiến tranh, tôi xin Chúa hướng dẫn những nỗ lực của anh chị em để thúc đẩy hòa bình và hòa giải giữa mọi người.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch