Vì sao Đức Phanxicô bảo vệ việc quay về với lịch sử trong việc đào tạo các linh mục
Ngày thứ năm 21 tháng 11, Đức Phanxicô công bố một bức thư đổi mới việc nghiên cứu lịch sử Giáo hội, đặc biệt gởi đến các chủng sinh. Tài liệu này tiếp theo tài liệu đã được công bố vào tháng 8, trong đó ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn học.
la-croix.com, Paul Carpenter, 2024-11-25
Đức Phanxicô và các chủng sinh trong buổi tiếp kiến chung tại Vatican tháng 9 năm 2020. Pierapaolo Scavuzzo / MAXPPP
Đức Phanxicô mong các sinh viên thần học quan tâm đến lịch sử. Ngài viết trong thư về việc đổi mới nghiên cứu lịch sử Giáo hội được công bố ngày thứ năm 21 tháng 11: “Với việc nghiên cứu này, tôi muốn các chủng sinh hiểu biết chính xác và thấu đáo các giai đoạn lịch sử quan trọng nhất trong 20 thế kỷ qua, nhưng trên hết là để họ quen với chiều kích lịch sử đặc trưng của con người.”
Đổi mới việc đào tạo linh mục
Trong tài liệu này, ngài đưa ra một số hướng dẫn để đào tạo các chủng sinh. Tháng 8, ngài đã gởi một bức thư để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn học.
Vì sao bây giờ ngài lại viện đến lịch sử? Đức Phanxicô đưa ra một số lý do, ngài lập luận: “Không ai có thể thực sự biết mình là ai, là người như thế nào ngày mai nếu chúng ta không nuôi dưỡng mối liên kết gắn chúng ta với các thế hệ đi trước. Sự nhạy bén đúng đắn về lịch sử giúp chúng ta có ý thức về sự cân đối, biết đo lường và có khả năng hiểu thực tế để không vướng vào những trừu tượng nguy hiểm và quái dị, không như chúng ta hình dung hoặc mong muốn.”
Trích dẫn một nhà thần học vĩ đại người Pháp nhưng ngài không nêu tên, Đức Phanxicô giải thích: “Việc nghiên cứu lịch sử bảo vệ chúng ta khỏi quan niệm quá lý tưởng về Giáo hội, một Giáo hội không có thật vì không có tì vết, không có nếp nhăn. Lịch sử Giáo hội giúp chúng ta nhìn thẳng để có thể yêu mến Giáo hội, một Giáo hội thực sự tồn tại, đã học hỏi và tiếp tục học hỏi từ những những lỗi lầm và sa ngã của mình, hiểu được những vết nhơ và vết thương của thế giới đang sống.”
Phục hồi một số chủ đề
Đức Phanxicô lưu ý: “Trong thời đại chúng ta, xã hội ngày càng tan rã và mất ý thức về lịch sử. Chúng ta thấy chủ nghĩa ‘giải cấu trúc’ đã thâm nhập vào văn hóa, trong đó quyền tự do của con người bị xây dựng lại từ đầu. Nó chỉ để lại nhu cầu tiêu dùng không giới hạn và làm trầm trọng thêm các hình thức chủ nghĩa cá nhân rỗng tuếch.”
Ngài kêu gọi phục hồi các chủ đề thường bị che giấu: lịch sử các vị tử đạo, đức tin bình dân và đời sống khiêm tốn, kín đáo. Ngài lấy làm tiếc: “Việc xóa bỏ dấu vết của những người không thể lên tiếng trong nhiều thế kỷ làm cho việc giải thích lịch sử một cách trung thực trở nên khó khăn. Đây không phải là lãnh vực nghiên cứu đặc quyền, các sử gia của Giáo hội nêu bật khía cạnh bình dân của những người thấp bé, tái tạo lịch sử về những thất bại và áp bức mà họ phải chịu, đồng thời nói lên sự phong phú về mặt nhân bản và tinh thần của họ, cung cấp các công cụ để hiểu các hiện tượng bị gạt ra ngoài lề và ngày nay bị loại trừ.”
Bức thư kết thúc với lời kêu gọi các chủng sinh quay trở lại nghiên cứu chuyên sâu, chống lại việc ‘sao chép và dán’ trên mạng của một loại văn hóa chớp nhoáng.
Ca ngợi khoa lịch sử
Tài liệu này được xuất bản trong Hội nghị do ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, sử gia Andrea Riccardi, Lazarus You Heung-sik, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, Đức ông Andrés Gabriel Ferrada Moreira, thư ký Bộ Giáo sĩ tổ chức.
Trong bài phát biểu, ông Andrea Riccardi nhấn mạnh: “Lịch sử của Giáo hội được viết song song với lịch sử thế giới. Tôi hy vọng những trang quan trọng này của Giáo hoàng sẽ không bị bỏ rơi, chúng sẽ đại diện cho sự khởi đầu của một chủ nghĩa lịch sử nhân văn, mở ra những giá trị siêu việt.”
Ông Martin Dumont, giám đốc Viện Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Sorbonne, nơi đào tạo các linh mục và chủng sinh về lịch sử cho biết: “Sự thiếu hiểu biết lịch sử trong việc đào tạo các linh mục là có thật, tôi thấy điều này trong các lớp tôi dạy ở Học viện Công giáo Paris. Từ nay tôi có thể dựa trên lời của Giáo hoàng khi tôi bị chỉ trích vì thiên quá nhiều về lịch sử. Lịch sử cần thần học để hiểu, nhưng thần học cũng cần lịch sử, nếu không thần học sẽ không thực tế.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch