Các thánh trẻ đã hy sinh mạng sống mình cho Chúa Kitô đến mức tử đạo: họ là ai?
Carlo Acutis, Chiara Luce, Domenico Savio… Họ có điểm chung nào? Họ qua đời trước 25 tuổi, họ được Giáo hội phong chân phước hoặc công nhận là thánh. Một khuynh hướng đã tăng trong ba triều giáo hoàng gần đây để thế hệ trẻ có những tấm gương noi theo.
hlvie.fr, Marie-Liévine Michalik, 2024-10-30
Giáo dân chờ trước Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô Assisi trước lễ phong chân phước Carlo Acutis ngày 10 tháng 10 năm 2020. MASSIMILIANO MIGLIORATO/CPP
Dưới cái nắng như thiêu đốt ngày 3 tháng 8 năm 2023 tại Ngày Thế Giới Trẻ Lisbon, Đức Phanxicô nói với các bạn trẻ nhiệt thành trong số 500.000 giáo dân từ khắp nơi trên thế giới về đây: “Chúng ta hãy xin các thánh bổn mạng chúng ta, những người hết lòng theo Chúa Kitô”, sau đó ngài đọc một loạt tên được lựa chọn cẩn thận để các bạn trẻ noi gương, sau mỗi tên là câu “Ora pro nobis”, một điệp khúc hài hòa như kết nối tuổi trẻ với thiên đàng. Trong số 13 thánh có 5 thánh trẻ, tất cả đều qua đời trước sinh nhật thứ 25: João Fernandes, Pier Giorgio Frassati, Marcel Callo, Chiara Luce Badano và Carlo Acutis, người có biệt danh “chuyên gia máy tính của Chúa”, sẽ được phong thánh trong Năm Thánh 2025 ở Rôma.
Carlo Acutis: Thánh công giáo đầu tiên của Thế hệ Y
Các bạn trẻ này là chứng nhân của Chúa, được phong bậc đáng kính, chân phước hay phong thánh. Những khuôn mặt ngây thơ, trong sáng, thánh thiện với đức tin đơn sơ… Những nhân đức đặc trưng của tuổi thơ của Phúc âm Thánh Máccô và Luca: Chúa Giêsu xin để trẻ em đến với Ngài. Đức Phanxicô đã nhiều lần xin các bạn trẻ noi theo các gương thánh thiện này, ngài viết trong Tông huấn Đức Kitô Sống năm 2019: “Những người đã hiến mạng sống mình cho Chúa Kitô, nhiều người trong số họ đã tử đạo. Các thánh trẻ là hình ảnh của một Chúa Kitô trẻ trung, tỏa sáng, kích thích, đưa chúng ta ra khỏi trạng thái mê mệt.”
Một động lực mới dưới thời Đức Gioan Phaolô II
Việc Giáo hội thừa nhận lòng đạo đức của các tín hữu trẻ không phải là mới, Thánh Tarcisius được phong thánh thế kỷ thứ 8, Thánh Blandina thế kỷ 16. Tuy nhiên Đức Gioan-Phaolô II, người sáng lập Ngày Thế Giới Trẻ đã mang đến một sắc thái mới về tầm quan trọng phải nói chuyện với giới trẻ. Linh mục Rémi Bazin, trách nhiệm xác minh hồ sơ phong thánh giải thích: “Ngài là nguồn gốc của một động lực mới và được Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô tiếp tục.”
Sau Marcel Callo được phong chân phước năm 1987 là Pier Giorgio Frassati năm 1990, các mục đồng Fatima năm 2000, Chiara Luce năm 2010. Năm 2012 Đức Bênêđíctô XVI phong thánh cho Kateri Tekakwitha, phụ nữ bản địa Mỹ, Pedro Calungsod, Thánh tử đạo Phi Luật Tân 18 tuổi. Năm 2016 Đức Phanxicô ca ngợi nhân đức của José Luis Sánchez del Río, thanh niên Mexico bị giết ở tuổi 14 vì không chối bỏ đức tin của mình. Năm 2021 là chân phước Sandra Sabattini, thanh niên Ý quan tâm đến người khuyết tật, thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi khi 23 tuổi.
Làm thế nào để con cái yêu mến Chúa? Tấm gương của Tôi tớ Chúa Anne-Gabrielle Caron
Mô hình của “Thế hệ Z”
Trong vòng chưa đầy 50 năm, các gương mẫu thánh thiện trẻ đã được nhân lên gấp bội. Zélie Baud, tác giả luận án về các vấn đề chính trị trong việc phong thánh của Đại học Nantes phân tích: “Từ cuối thế kỷ 20, số lượng các chân phước, các thánh đã được gia tăng rất nhiều. Sự gia tăng theo cấp số nhân dưới triều Đức Gioan-Phaolô II vì ngài đơn giản hóa các thủ tục phong chân phước và phong thánh.”
Ngoài mối quan tâm rõ rệt của Đức Gioan Phaolô II với giới trẻ, chúng ta có thể giải thích động lực mới này như thế nào? Triều của Đức Gioan-Phaolô II được đánh dấu bởi Công đồng Vatican II, một công trình chính thức hóa đặc tính phổ quát của sự thánh thiện, nhắc chúng ta, mọi tín hữu đều được kêu gọi nên thánh.
Trong lịch sử Giáo hội, các cánh cửa thánh thiện đã được giáo dân vượt qua, bây giờ lại còn được mở rộng hơn nữa đủ để giải thích sự trỗi dậy của thế hệ thánh trẻ, những người trẻ của thiên niên kỷ thứ hai, những tấm gương cho thế hệ mà chúng ta gọi là Thế hệ Z.
Đúng, nhưng không chỉ vậy, sử gia công giáo Charles Mercier của Đại học Bordeaux cũng thấy đây là sự thay đổi kiến thức và cách nhìn về nhân cách giới trẻ: “Nhận thức về tâm lý, trí tuệ và thiêng liêng của trẻ em là khá muộn trong xã hội cũng như trong Giáo hội. Từ những năm 1930, các phong trào thanh niên đã được khuyến khích, đặc biệt nhờ Đức Piô XI, ngài ấn định tuổi tối thiểu để được rước lễ lần đầu là 7 tuổi so với 12 tuổi trước đó. Dần dần, tuổi trẻ được xem là động lực tích cực, nhiệt tình cho sự thay đổi.”
Quá trơn tru, quá hoàn hảo?
Thoạt nhìn, các thánh trẻ này có vẻ ngây thơ, trong sáng, thẳng thắn, đáng ngưỡng mộ, nhưng họ có quá nhẵn nhụi, quá tê cứng trong một hình ảnh hoàn hảo không? Thánh thiện khi còn trẻ thì dễ vì trẻ em được bảo vệ khỏi mọi giông bão cuộc đời hơn khi ở tuổi trưởng thành không? Linh mục Vincent Breynaert, cựu lãnh đạo mục vụ giới trẻ của Hội đồng Giám mục Pháp giải thích: “Không có sự thánh thiện nào suôn sẻ và thoải mái. Ai cũng phải đối diện với Sự dữ, với sự phức tạp của thế giới và với tâm lý con người.” Linh mục Vincent đã gặp hàng ngàn bạn trẻ và điều hành các bạn trẻ Pháp tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, theo linh mục, chúng ta không được thần thoại hóa những nhân vật thánh thiện này.
Qua đời trước khi 25 tuổi, các thánh trẻ này bị các bệnh nặng như ung thư, dịch hạch, bệnh bạch cầu, bệnh lao hoặc bị bách hại trước khi chết như những vị tử đạo (với người chết vì đức tin, truyền thống Giáo hội mở án phong chân phước ngay). Linh mục Rémi Bazin thừa nhận: “Chắc chắn các thánh trẻ đã sống đạo đức trong điều kiện khó khăn đau khổ. Nhưng tiêu chuẩn đánh giá sự thánh thiện của họ không phải là bệnh tật hay thử thách, nhưng ước muốn vượt lên để luôn kết hiệp với Chúa Giêsu.”
Cyril Lepeigneux, tác giả quyển sách Các câu chuyện đẹp về tuổi thơ của các thánh (Belles histoires de l’enfance des saints, nxb. Mame) giải thích: “Chỉ chịu đau khổ để trở thành thánh là chưa đủ, có rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá người đó có cuộc sống “đáng kính” hay không, dù trẻ em hay người lớn, Giáo hội nhìn ở họ tinh thần cố gắng để trở thành người tốt hơn, để đón nhận ân sủng của Chúa trong khó khăn, để giữ đức ái, tuân theo Tin Mừng và trung thành với Giáo hội. Sau đó, phép lạ đầu tiên sẽ được một nhóm chuyên gia trong Giáo hội đánh giá để tuyên bố người đó là chân phước và phép lạ thứ hai để phong thánh cho họ. Quá trình này có thể dài ngắn khác nhau. Với Chân phước Carlo Acutis thì chưa đầy 20 năm từ khi Carlo qua đời năm 2006 đến năm phong thánh 2025, nhưng Thánh Giăng-đắc thì phải mất 500 năm mới được phong thánh. Với các thánh khác, hồ sơ có thể bị ngâm nhiều năm trên kệ của Bộ Phong Thánh, đó là trường hợp của Claire de Castelbajac, hồ sơ đã gởi đến Rôma từ năm 2008 nhưng cho đến nay vẫn chưa được chính thức nghiên cứu.
Các bước thiết yếu
Các bước này nghiêm ngặt và tẻ nhạt, nhưng rất cần thiết. Sử gia, chuyên gia các hiện tượng thần bí Joachim Bouflet, cố vấn của Bộ Phong thánh giải thích: “Giáo hội cần thời gian để điều tra lâu dài trước khi có quyết định, đó là sự khôn ngoan và thận trọng.” Một số án phong thánh được các cộng đồng thực hiện như trường hợp của Chiara Luce Badano hay Claire de Castelbajac, đôi khi được chính gia đình làm, như trường hợp của Anne-Gabrielle Caron, tiến trình phong chân phước ở cuối giai đoạn giáo phận sẽ kết thúc vào tháng 12 sắp tới.
Điều gì làm cho em Anne-Gabrielle Caron thành một vị thánh
Bà Hélène Mongin, nhà xuất bản các tác phẩm về Thánh Têrêxa Lisiơ và Carlo Acutis phân tích: “Thật khó để có một thánh trong gia đình. Khó cho anh chị em trong gia đình, không những phải thấy gia đình mình bị phân tích và trình bày trước công chúng, mà còn bị áp lực nặng khi một anh chị em được cho là thánh. Và cha mẹ có con chết trong hoàn cảnh bi thảm thì sao? Có nguy cơ cha mẹ sẽ “làm” cho con thành thánh khi nghĩ thời gian đau khổ là thánh thiện.” Đó cũng là lý do vì sao cần thời gian để nghiên cứu, không thể dựng nên một hình ảnh thánh thiện trong ba ngày ba đêm, lại theo yêu cầu của một người.
Anne-Gabrielle Caron, “hình ảnh thánh thiện của các trẻ em bị bệnh”
Lượng định danh tiếng của sự thánh thiện
Cần lượng định danh tiếng của sự thánh thiện, có nghĩa một nhân vật phải được “tiếng nói của giáo dân” (vox populi) lên tiếng. Theo linh mục Rémi Bazin, đây là động lực cần thiết “đòi hỏi có một xuất phát từ nền tảng Giáo hội, từ dân Chúa”. Tuy nhiên, trước áp lực của đám đông, liệu Giáo hội có bị mù quáng trước sự nhiệt tình của quần chúng không? Lịch sử cho thấy một số nhân vật được giáo dân cho là thánh, trước khi các chuyện kinh hoàng bị tiết lộ.
Theo sử gia Bouflet: “Sau các tiết lộ về lạm dụng tình dục đôi khi được các nhà chức trách Giáo hội che giấu, cần phải cẩn thận để không đặt người sống hoặc các vị thánh lên trên hết.” Tác giả Cyril Lepeigneux lưu ý: “Không giống như các linh mục, tu sĩ hay giáo dân độc ác đã phạm tội bạo lực tình dục nhân danh Thiên Chúa, các thánh trẻ này không bao giờ tự đặt mình lên bệ, họ sống khiêm nhường.”
Mối liên hệ giữa bầu trời và thực tại của họ
Cần có các thánh trẻ này để làm gì? Cũng như các thánh lớn tuổi, họ là tấm gương sống, dễ gần với mọi người, dựa trên mối quan hệ mật thiết của họ với Chúa Kitô, hướng tới người khác và những người nghèo nhất. Hai tác giả Charlotte Bricout và Clémence Pasquier của quyển sách Các người trẻ và thánh (Jeunes et saints, nxb. Bayard) nhận xét: “Chúng ta cần các thánh trẻ để thấy thánh thiện có thể đạt được, không cần phải làm những điều vĩ đại. Các thánh trẻ là mối liên kết giữa Thiên Chúa và chúng ta, họ cho chúng ta thấy điều này là có thể.”
Ngay từ năm 2018, trong Phiên họp khoáng đại lần thứ 13 của Thượng Hội đồng, vấn đề người trẻ cần có gương sáng của các thánh trẻ đã được đặt ra. Trong một Giáo hội già cỗi, khó khăn để lấp đầy các cấp bậc của mình, gương sống đạo đức của những người trẻ giúp khuyến khích các bạn trẻ vượt lên chính mình để noi gương họ.
Cần những tấm gương giống họ
Theo hai tác giả Charlotte Bricout và Clémence Pasquier, các bạn trẻ ngày nay cần thấy người cùng tuổi với mình là thánh, như họ thấy họ nơi các diễn viên hoặc những người có ảnh hưởng: “Họ cần kết nối với điều gì đó hoặc ai đó gần gũi với cuộc sống hàng ngày, nhịp sống và thời gian của họ.” Linh mục Vincent Breynaert khẳng định: “Với các thế hệ mới, được đánh dấu bởi những thách thức về sinh thái và xã hội, điều quan trọng là cho họ thấy mọi thứ đều có thể xảy ra, đức tin không phải là thứ gì đó bụi bặm và vô dụng. Khi tổ chức Giáo hội bị lung lay mọi phía, các thánh trẻ là hình ảnh đẹp nhất của Giáo hội, họ là những gương mặt sáng ngời, hạnh phúc, làm điều tốt cho những người chung quanh. Các bạn trẻ này cho thấy chúng ta có thể thay đổi thế giới chỉ bằng những giọt nước nhỏ.”
Theo sử gia Bouflet, “các thánh trẻ này khao khát sự thật, công lý, họ minh bạch, họ không giả tạo, họ thuộc nhóm thiểu số đi tìm căn tính và mẫu mực để theo. Họ có một khát vọng sống kinh ngạc, Chiara Luce không muốn chết, không muốn đau khổ, cô vượt lên mọi thứ nhờ ân sủng Chúa.”
Động lực của họ nhanh chóng lan rộng đến các giáo sĩ, các nhóm hướng đạo, các nhà xuất bản. Bà Hélène Mongin xuất bản các sách về Thánh Têrêxa Lisiơ và Carlo Acutis cho biết: “Tất cả các nhà xuất bản sẽ cho quý vị biết, các sách về các thánh trẻ, đặc biệt các sách về Carlo Acutis là những sách bán chạy như tôm tươi. Thật đáng kinh ngạc!”
Năm Thánh Giới trẻ sẽ diễn ra đầu tháng 8 năm 2025, trong thư gởi các bạn trẻ ngày 17 tháng 9, Đức Phanxicô mời gọi giới trẻ “hướng cái nhìn đức tin về các thánh đi trước chúng ta, những người đã đạt được mục tiêu, họ cho chúng ta thấy lời chứng khích lệ của họ. Gương các thánh thu hút và nâng đỡ chúng ta.”
Bốn chân dung tiêu biểu của các chân phước, các thánh trẻ
Chiara Luce Badano (1971-1990), người tỏa sáng
Chiara Luce Badano người Ý sinh năm 1971, cô có biệt danh là Luce, “ánh sáng” vì niềm vui và đức tin rạng ngời của cô. Cô qua đời năm 1990 khi mới 19 tuổi, cả khi đứng trước căn bệnh nan y, cô có một lòng can đảm không lay chuyển, một lòng trung thành mạnh mẽ với Thiên Chúa. Khi được phong chân phước năm 2010, cô được mô tả là “cô gái trẻ có trái tim trong sáng”. Hiện đại, thể thao, quyết tâm và lạc quan dù đau khổ, trong thế giới thường xuyên đau buồn và không có hạnh phúc, cô truyền cảm hứng cho các bạn trẻ với thông điệp hy vọng của cô.
Dominique Savio (1842-1857), đứa trẻ tinh nghịch
Xuất thân trong gia đình thợ rèn khiêm tốn, Savio là học sinh tinh nghịch và ngoan đạo của Thánh Gioan Bosco. Dù còn nhỏ nhưng Savio trưởng thành về mặt thiêng liêng, dốc hết cả thể xác và tâm hồn để cầu nguyện, học tập và làm tông đồ cho bạn bè. Savio đi lễ gần như mỗi ngày, xem Chúa Giêsu và Đức Mẹ là bạn thân nhất của mình. Sức khỏe yếu, Savio qua đời vì bệnh lao khi mới gần 15 tuổi. Được phong thánh năm 1954, Savio là bổn mạng của các ca sĩ tí hon Pueri Cantores, các thanh niên phạm tội vì Savio giúp các bạn tìm ra con đường dẫn đến Tin Mừng. Savio là nhân vật quan trọng của dòng Salêdiêng.
Claire de Castelbajac (1953-1975), người vui vẻ
Nghệ sĩ và nhà thám hiểm, Claire sinh năm 1953 tại Paris. Lúc 9 tuổi, Claire đã nổi tiếng có cá tính mạnh mẽ, cô tâm sự với một nữ tu: “Con muốn mang lại hạnh phúc, niềm vui đến cho những người con gặp. Thánh Têrêxa Lisiơ chờ lên thiên đàng để mang lại hạnh phúc cho mọi người. Còn con, con muốn làm điều này ở trần thế.” Cô nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới là phản ánh của một tình yêu thiêng liêng. Đức tin của cô được nuôi dưỡng bằng chiêm niệm và sáng tạo nghệ thuật, cô xem đây là một hình thức cầu nguyện. Án phong chân phước của cô được mở năm 1990 và kết thúc ở cấp giáo phận ngày 16 tháng 2 năm 2008, hồ sơ của cô đang chờ xử lý ở Rôma.
Pier Giorgio Frassati (1901-1925), nhà thám hiểm
Là vận động viên thể thao xuất sắc, đam mê leo núi, chàng thanh niên Ý sinh ở Turin năm 1901, có cuộc sống đam mê, luôn tìm kiếm đỉnh cao. Pier chọn “Verso l’alto, đỉnh cao” làm phương châm của mình, tượng trưng cho khát vọng luôn vươn lên về mặt thiêng liêng và nhân bản. Cam kết phục vụ những người nghèo, Pier thấy Chúa Kitô nơi họ. Là con trai của một gia đình giàu có, Pier giúp những người thiếu thốn trên đường phố Turin. Năm 24 tuổi, Pier bị bệnh bại liệt và qua đời rất nhanh. Là vị thánh bảo trợ người dân miền núi, Pier được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1990.
Marta An Nguyễn dịch