Chân phước Carlo Acutis: Tự phê

39

Chân phước Carlo Acutis: Tự phê

Trích sách “Carlo Acutis, các trực giác thiêng liêng”. Carlo Acutis, Ses intuitions spirituelles. Tác giả: Alessandro Deho’, nhà xuất bản: Salvator

 

 

“Chỉ trích Giáo hội là tự phê mình! Giáo Hội phân phối kho tàng để cứu rỗi chúng ta.”

15 tuổi, nếu chúng ta có trái tim nhân hậu, rộng lượng và lý tưởng, nếu chúng ta có đức tin mù quáng (một đức hạnh thiêng liêng!) thì chúng ta có thể tin với một đức tin không lay chuyển, một đức tin không bàn cãi, không cắt xén lời nói. Khi chúng ta đang yêu và yêu thực sự thì lỗi lầm cũng thành tính tốt và chỉ trích thành vô ích. Ở tuổi 15, tuổi chúng ta trải qua những thay đổi lớn lao, chúng ta cần một đức tin không bàn cãi, cần một pháo đài để rút lui, một không gian bảo vệ, như buổi tối về nhà, chúng ta để lại sau lưng những giây phút buồn bã trong ngày để lao mình vào vòng tay mẹ.

Ở tuổi 15, việc nghĩ không nên chỉ trích Giáo hội là điều bình thường. Rồi khi lớn lên, đó là lúc chia tay, lúc có những rạn nứt, những thất vọng. Chúng ta không chấp nhận bạo lực, chúng ta thấy bóng tối, chúng ta sợ… Và chúng ta hiểu ý thứ hai của câu này… Chúng ta hiểu chính chúng ta là người đáng chỉ trích, và trong nghi vấn, chúng ta dần dần khôi phục. Làm những việc này ở tuổi 15 là vô ích, nhưng khi trưởng thành thì điều đó rất quan trọng. Chúng ta bắt đầu chấp nhận sự tầm thường của mình, chúng ta thấy mình không hoàn hảo hoặc chỉ trên mức trung bình và chúng ta chỉ trích bản thân. Đó là giai đoạn đau đớn, thấm thía, vô tận và vô tận. Trong những khoảnh khắc này, những ai chân thành, dịu dàng với chúng ta, họ là thiên thần. Tốt hơn hết chúng ta nên tránh xa những người ăn nói hung bạo, không tế nhị vì chúng ta có nguy cơ tử vong hoặc thành người chai đá. Và tốt hơn cũng nên tránh những người luôn đồng ý với chúng ta, người trấn an chúng ta nhưng lại nói dối với chúng ta (có lẽ vì quá thương chúng ta).

Chúng ta cần những người bạn cùng chúng ta đi về phía trước, tôn trọng chính con người thật của chúng ta, những người bạn yêu thương luôn ở bên cạnh chúng ta, những thiên thần. Đời sống nội tâm của chúng ta càng tiến bộ thì chúng ta sẽ không tức giận khi thấy các lý tưởng cao cả của mình bị phản bội. Chúng ta hơi xấu hổ về những gì mình đã trở thành và rồi, nếu chúng ta chống lại được cám dỗ bỏ trốn khỏi chính mình thì phép lạ sẽ xảy ra. Không phải lúc 15 tuổi, nhưng thường trễ hơn nhiều. Một khi chúng ta bắt đầu thương mình, phép lạ vĩ đại duy nhất có thể có là chúng ta nhìn nhận sự thật, sáng suốt nhưng cũng rất dịu dàng. Có lòng trắc ẩn với bản thân không có nghĩa là chúng ta phải biện minh mọi thứ, nhưng chấp nhận con người thật của mình, tránh lý tưởng hóa mình. Không còn xấu hổ về con đường chúng ta chuẩn bị cho Chúa. Khóc vì chúng ta là ai. Hãy nhìn lên Chúa Cha, để Ngài xem trái cấm chúng ta cầm trên tay, ngay lúc đó, chúng ta sẽ cảm thấy mình  được yêu vì chính con người của mình. Ở tuổi 15, điều này là không thể. Ở tuổi 15, chúng ta bảo vệ chuẩn mực, bảo vệ cây thiện-ác, chúng ta nghĩ trái của nó sẽ không làm bẩn tay mình. Ở tuổi 15, chúng ta dịu dàng và điều đó thật tốt.

Nhưng khi nhận ra rằng mình cũng chẳng khá hơn, khi cuối ngày xét mình, khi đó chúng ta hiểu chỉ trích là một bài học tốt. Và nếu chúng ta biết thương xót, lời chỉ trích này trở nên phong phú hơn. Ở tuổi 15, chúng ta không cho phép ai chỉ trích mẹ mình, nhưng khi đã làm cha mẹ, chúng ta mới hiểu cuộc sống mong manh đến nhường nào, và sự chỉ trích trở thành một hình thức của lòng trắc ẩn. “Khi Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, nhìn thấy thành, Ngài khóc thương” (Lc 19, 41). Để thể hiện lòng trắc ẩn, trước tiên chúng ta phải đến gần, như Chúa Giêsu đã đến Giêrusalem. Những lời chỉ trích chúng ta nói từ xa giống như những viên đá làm tổn thương người khác, nhưng nếu chúng ta đến gần, chúng ta sẽ cảm nhận tổn thương, và không tránh khỏi, chúng ta sẽ khóc. Chúng ta nhận ra giới hạn của chính mình, chúng ta khóc và chúng ta đau khổ. Sẽ có lúc trong cuộc sống chúng ta bắt đầu chỉ trích Giáo hội. Mỗi lời nói đều đau, mỗi lời là một vết thương trong lòng, nhưng không thể im lặng, vì chúng ta quá yêu, vì chúng ta quá gần gũi, vì chúng ta nên một thân thể với Giáo hội. Chúng ta nhìn Giáo hội và khóc, vì ý tưởng chúng ta có về Giáo hội và về chính mình. Chúng ta nhìn và thấy tác hại của một số cơ cấu gây ra, chúng ta nhận ra chúng ta cũng đã gây ra rất nhiều tác hại, chúng ta cảm thấy mình đã đồng tình và chúng ta khóc… đó là tiếng khóc của lòng thương xót, đó là lời cầu nguyện để được Trắc ẩn.

Tôi nghĩ đến câu nói của Carlo, tôi nghĩ đến ngày sinh nhật thứ 15 của tôi và tôi cảm thấy dịu dàng êm ái. Tôi nhớ một số chức vụ của tôi, tôi là người lính cấp thấp đàng hoàng. Tôi nghĩ đến Carlo và tôi tin Carlo sẽ không cắt đứt mối liên kết với Giáo hội. Và đây có lẽ là điều chúng ta nên áp dụng cho mọi quan hệ của chúng ta: đừng bao giờ nói bất cứ điều gì, với bất cứ ai nếu chúng ta không cảm thấy đoàn kết với họ, nếu chúng ta không tạo được một cơ thể duy nhất, một cơ thể chỉ có một hơi thở. Không phải những lời chỉ trích làm chúng ta sợ nhưng những viên đá ném từ xa là những viên đá chống đối. Carlo nói đúng, chỉ trích Giáo hội là tự phê bình, nhưng điều đó rất đẹp, vì chúng ta đang sống câu chuyện của một tình yêu, vì chúng ta cần tha thứ, vì chúng ta cảm thấy cần thương xót.

Các kho báu mà Giáo hội cung cấp không bị mất đi. Tôi nghĩ Carlo muốn nói về các bí tích. Carlo nói đúng. Chỉ khi trưởng thành chúng ta mới hiểu bí tích không chỉ là kết quả. Các bí tích không phải chỉ để tha tội, chỉ là bánh thánh hiến, bánh bẻ ra, cũng không phải để xức dầu, nhưng các bí tích là toàn bộ cuộc hành trình: điều gì đến trước bí tích và điều gì theo sau. Bí tích là điều cho phép chúng ta thể hiện con người chúng ta. Không có sứ vụ thì kho báu chẳng là gì. Kho báu là hành trình. Chỉ trích Giáo hội là chỉ trích chính mình, khi chúng ta chỉ nhìn thấy các khía cạnh bên ngoài của bí tích mà quên mất con đường phải theo. Bí tích Rửa tội không chỉ là nghi thức nước và lửa trong ngày lễ nhưng còn là việc cử hành sự sống được sinh ra và tái sinh. Và kho tàng bí tích chỉ là khởi đầu, vì phép lạ đang lao xuống vực thẳm mỗi ngày, và mỗi ngày lại nổi lên nhờ vòng tay của những người yêu thương chúng ta, để chúng ta thực sự là: những người được tha thứ.

Kho báu không chỉ là bí tích xưng tội với linh mục, mà còn là tất cả cái nhìn thương xót xuất phát từ nhu cầu được tha thứ. Kho báu là khi tôi cảm thấy những giới hạn của mình được thấu hiểu, khi tôi nhận ra không phải quy luật giúp tôi trưởng thành mà chính sự tha thứ và tin tưởng của những người giúp đỡ tôi mới giúp tôi đi đúng hướng. Kho báu không phải là các nghi thức của Giáo hội, mà là những người có thiện chí, những người mỗi ngày bẻ bánh để tưởng nhớ Giáo hội, loại bánh này giống như manna trong sa mạc dành cho người không thể đi ra ngoài một mình. Kho báu không phải là việc cử hành hôn lễ hay truyền chức, nhưng là ngôi vườn bí mật của cuộc sống hằng ngày của những người cố gắng trung thành với chính mình, với Chúa Cha, Đấng giúp mỗi chúng ta lớn lên.

Vấn đề không phải là giản lược ơn Chúa Thánh Thần thành số lượng ơn được bàn tay hay lời nói của một giám mục ban. Kho báu ở đây là khởi đầu, khởi đầu của sáng tạo, của hơi thở thần linh một lần nữa chọn con người để đón nhận từng thực tại.

Kho báu không áp đặt những luật lệ nghiêm khắc và tàn nhẫn, không quên những người thất hứa, nhưng học hỏi từ Chúa Cha, Đấng kiên nhẫn đồng hành với chúng ta. Kho báu đích thực là Giáo hội lắng nghe, Giáo hội chấp nhận thay đổi, không ngại tìm kiếm những cách thức mới để làm cho mọi người hiểu, bí tích đích thực là trí tưởng tượng của Thiên Chúa, không bao giờ bỏ rơi con người. Kho báu không chỉ là việc xức dầu cho người bệnh, mà là thời gian chia sẻ với những người mong manh, bị rơi vào cảnh cô đơn cùng cực. Kho báu là thời gian của nước mắt và im lặng, thời gian của hy vọng và mất tinh thần. Đây là lúc hành động, nhờ mùi dầu và những lời lẽ đầy khôn ngoan trong Kinh Thánh, giúp chúng ta tin rằng chúng ta có thể thoát ra khỏi bóng tối, cái chết của thế gian, để được sinh ra trong cõi vĩnh hằng.

Marta An Nguyễn dịch

Chân phước Carlo Acutis: Các liên kết

Chân phước Carlo Acutis: Yêu