Đức Phanxicô trong chuyến tông du Bỉ: “Không ai là sai lầm, không ai là lạc lối mãi mãi”

80

Đức Phanxicô trong chuyến tông du Bỉ: “Không ai là sai lầm, không ai là lạc lối mãi mãi”

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2024-09-28

Trước cộng đồng công giáo Bỉ sáng thứ bảy 28 tháng 9 ở Vương cung thánh đường Thánh Tâm lớn thứ năm trên thế giới, Đức Phanxicô nhắc lại hậu quả của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội, sau đó ngài bất ngờ đến viếng mộ Vua Baudoin (1930-1993) đang chờ án phong thánh.

Trong bất cứ chuyến tông du nào Đức Phanxicô đều có buổi gặp các giáo sĩ, giáo dân địa phương và ngài thường được đón tiếp nồng hậu, nhưng hôm nay tại vương cung thánh đường Thánh Tâm, ngài đã không có được sự hòa hợp,

Thường thường các cuộc họp này gồm các linh mục cổ cồn la-mã và các nữ tu trong áo dòng nghiêm túc, nhưng ở đây các phụ nữ thế tục chiếm đa số hội trường, mang sức sống cho buổi họp trong bối cảnh Giáo hội Bỉ gặp khủng hoảng.

Mở đầu là chứng từ của năm nhân chứng, trong đó có ba phụ nữ, họ hỏi Đức Phanxicô các câu hỏi của cùng một vấn đề: làm thế nào Giáo hội, vốn đã mất uy tín vì các vụ lạm dụng và khủng hoảng nội bộ lại có thể rao giảng Chúa Kitô và Tin Mừng trong một thế giới đã trở nên thờ ơ?

“Thức dậy sau cơn mê”

Tuy mệt mỏi trong ngày thứ ba của chuyến đi nhưng Đức Phanxicô tươi cười, ngài giải thích tầm nhìn của ngài về cuộc khủng hoảng này. Một thông điệp bất thường vừa có phạm vi chung vừa vượt ra biên giới Bỉ.

Ngài nói: “Cuộc khủng hoảng dù bất kỳ khủng hoảng nào là thời điểm để chúng ta vực dậy, tự vấn bản thân và thay đổi. Đó là dịp may quý giá, ngôn ngữ Kinh Thánh gọi là kairòs, đánh thức chúng ta khỏi sự mệt mỏi, để tìm đường đến với Chúa Thánh Thần, cho nước Bỉ cũng như cho các nước phương Tây đang đối diện với những thách thức tương tự,” Ngài giải thích bản chất của tình trạng bất ổn này, ngài nói đây là sự tàn phá: “Cuộc khủng hoảng cho chúng ta thấy điều gì? Chúng ta đã đi từ một kitô giáo nằm trong khuôn khổ xã hội thân thiện đến một kitô giáo thiểu số, hay nói đúng hơn là một kitô giáo của các chứng nhân.”

Một đạo công giáo thiểu số đòi hỏi linh mục, giáo dân can đảm để có một hoán cải, cụ thể là linh mục sẽ không hài lòng với việc bảo tồn hay quản lý di sản quá khứ, nhưng là mục tử trong tình yêu với Chúa Giêsu Kitô.

Một đạo công giáo thiểu số phải thấy chính mình trong sự phong phú của đa dạng nhưng không đánh mất sự hiệp nhất: “Trong Giáo hội có chỗ cho mọi người và không ai là bản sao của người khác. Sự hiệp nhất trong Giáo hội không phải là đồng nhất, nhưng bao gồm, là đi tìm hài hòa trong đa dạng!”

Một đạo công giáo của thiểu số làm chứng cho “niềm vui lâu bền” chứ không phải là “nụ cười thoáng chốc”. Ngài đã làm cho cộng đoàn trẻ bật cười khi ngài bắt chước nụ cười thờ ơ, kiểu bán hàng qua loa: “Niềm vui của trái tim không phải là nụ cười nhất thời!”

Đức Phanxicô gặp 17 nạn nhân

Trở lại với bài diễn văn, ngài nhận xét: “Ở đây chúng ta không nói về niềm vui của một điều gì đó nhất thời, chúng ta cũng không thể đi theo các mô hình thoát ly thực tế và giải trí theo chủ nghĩa tiêu dùng. Chúng ta có một niềm vui lớn lao, đồng hành và duy trì sự sống ngay cả trong những lúc đen tối hay đau đớn, đó là hồng ân của Chúa. Đó là niềm vui của tâm hồn được Tin Mừng khơi dậy. Chính niềm vui của trái tim đặt ra các câu hỏi và thu hút cả những người ở xa. Tuy nhiên, niềm vui không thể tránh được bi kịch mà các nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong Giáo hội phải trải qua và vụ bê bối của hàng giám mục khi họ đưa ra các tin tức này.”

Lạm dụng làm đau khổ, làm tổn thương sâu xa, làm xói mòn đức tin

Nói về các nạn nhân – 17 nạn nhân gặp ngài trong hai giờ đồng hồ tối thứ sáu 28 tháng tại Tòa Khâm sứ – ngài xin người công giáo đừng cứng lòng trước đau khổ của các nạn nhân, nhưng gần gũi và làm tất cả những gì có thể làm để giúp đỡ họ, học từ họ cách để là một Giáo hội phục vụ mọi người, không thống trị ai.

“Một trong những gốc rễ của bạo lực là lạm dụng quyền lực”

Theo ngài, thái độ khiêm tốn là liều thuốc giải độc để chữa lành cuộc khủng hoảng lạm dụng: “Một trong những gốc rễ của bạo lực là lạm dụng quyền lực, khi dùng quyền lực, chúng ta đè bẹp người khác, thao túng người khác.”

Đức Phanxicô nhấn mạnh điểm cuối cùng: phải có lòng thương xót: “Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót, Đấng cùng đau với chúng ta, Đấng nâng chúng ta lên khỏi sa ngã, Đấng không bao giờ rút lại tình yêu Ngài đã dành cho chúng ta. Chúng ta hãy ghi nhớ điều này trong tâm hồn: Thiên Chúa không bao giờ rút lại tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Dù chúng ta có làm điều gì đó nghiêm trọng, Ngài không bao giờ rút lại tình yêu của Ngài!”

Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Sự công bằng của Thiên Chúa thì cao cả hơn: ai phạm lỗi, người đó được kêu gọi để sửa chữa lỗi lầm của mình, nhưng để chữa lành, họ cần đến lòng thương xót của Chúa. Chúa không tránh xa vết thương và những ô uế của chúng ta. Ngài biết tất cả chúng ta đều có sai lầm, nhưng không ai mãi mãi bị hư mất. Vì thế thật đúng đắn khi đi theo con đường công lý trần thế, con đường nhân bản, tâm lý và hình sự; nhưng hình phạt phải là một phương thuốc, nó phải đưa đến sự chữa lành. Chúng ta phải giúp mọi người tự đứng vững trở lại và tìm lại con đường của họ trong cuộc sống và xã hội. Chúng ta nhớ: tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm, nhưng không một ai là chính sự sai lầm, không một ai bị hư mất mãi mãi. Lòng thương xót Chúa luôn ở đó.”

Về việc phong chân phước cho Vua Baudouin

Trước khi về Tòa Khâm sứ , Đức Phanxicô đến viếng hầm mộ gia đình Hoàng gia để tỏ lòng tôn kính Vua Baudoin, ngài ca ngợi lòng dũng cảm của Nhà Vua, đã “từ bỏ ngôi vua để không ký luật giết người”.

Ngày 3 tháng 4 năm 1990, Vua Baudoin từ bỏ chức vụ hoàng gia, thời điểm cần thiết để tránh phải ký luật phá thai mà Quốc hội sắp thông qua. Vua Beaudoin không có con. Nhà Vua viết: “Đối với những người ngạc nhiên trước quyết định của tôi, tôi hỏi: liệu tôi có phải là công dân Bỉ duy nhất bị buộc phải hành động trái với lương tâm của mình không? Trước lăng mộ của Nhà Vua, Đức Phanxicô xin người Bỉ hãy hướng tới Vua Beaudoin khi “luật hình sự đang được ban hành” liên quan đến dự thảo luật về cái chết êm dịu ở châu Âu, một vấn đề ngài cực kỳ phản đối.

Thông cáo báo chí của Vatican đưa một chi tiết bất ngờ, Đức Phanxicô cho biết án phong chân phước cho Vua Baudoin sẽ được xúc tiến. Rất hiếm khi có một giáo hoàng đưa lập trường công khai và cá nhân cho một án phong chân phước.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Phanxicô gặp 17 nạn nhân của nạn ấu dâm tại Bỉ

Tranh cãi tại Đại học Công giáo Louvain sau những nhận xét của Giáo hoàng về phụ nữ

Đức Phanxicô cầu nguyện trước mộ Vua Baldwin, Nhà Vua không muốn ký luật cho phép phá thai