Lạm dụng tình dục trong Giáo hội, vị trí của phụ nữ… Bốn phẫn nộ của Giáo hoàng tại Bỉ
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2024-09-29
Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Bỉ tạo nhiều tranh cãi, ngài thẳng thắn trả lời trên chuyến bay từ Bỉ về Rôma ngày chúa nhật 29 tháng 9-2024
Đức Phanxicô có cuộc họp báo truyền thống trên máy bay trở về nước sau chuyến đi bốn ngày đến Luxembourg và Bỉ. Nhân cơ hội này, ngài trở lại một số vấn đề tranh cãi trong chuyến tông du này.
Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: “Tôi xin các giám mục không che đậy các vụ này”
Vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội là vấn đề rất nhạy cảm ở Bỉ. Tối thứ sáu 27 tháng 9, Đức Phanxicô đã gặp 17 nạn nhân trong hai giờ liền. Một số phát biểu với báo chí, một số hài lòng, một số thất vọng. Ngài đã bình luận về vấn đề này.
Ngày chúa nhật, trước khoảng 50.000 giáo dân dự thánh lễ tại sân vận động Vua Baudoin, ngài đã rời bài giảng soạn sẵn và giáo dân đã vỗ tay nồng nhiệt: “Chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những em bé đã bị đánh đập, bị lạm dụng bởi những người theo lẽ phải bảo vệ các em. Tôi ghi trong tâm trí và trong trái tim câu chuyện của những người dễ bị tổn thương tôi đã gặp ngày hôm kia. Tôi cảm nhận nỗi đau của họ như tôi là người bị lạm dụng, tôi xin nhắc lại: trong Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người, mọi người, nhưng tất cả chúng ta sẽ bị phán xét. Không có chỗ cho lạm dụng, cho việc che đậy.”
Đức Phanxicô gặp 17 nạn nhân của nạn ấu dâm tại Bỉ
Sau đó vẫn còn ứng biến, ngài nói: “Tôi xin mọi người không che đậy việc lạm dụng. Tôi xin các giám mục đừng che. Chúng ta phải lên án thủ phạm lạm dụng và giúp họ chữa lành căn bệnh lạm dụng này.”
Ngài nhận xét: “Cái ác không được che giấu, cái ác phải được phát hiện, chúng ta phải biết”, ngài thán phục “lòng dũng cảm” của những người bị lạm dụng đã dám phá vỡ im lặng. Điều cần thiết là “kẻ lạm dụng phải bị xét xử, dù là giáo dân, linh mục hay giám mục: họ phải bị xét xử“
Trên chuyến bay về Rôma, ngài quay lại chủ đề: “Tôi đã lắng nghe các nạn nhân. Đây là một nghĩa vụ. Các con số thống kê cho biết có khoảng 40 đến 46% các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình và trong khu vực lân cận, chỉ có 3% trong Giáo hội. Với tôi, tôi phải chăm sóc các nạn nhân trong Giáo hội! Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ và chăm sóc các nạn nhân bị lạm dụng. Một số cần điều trị tâm lý, chúng ta phải giúp đỡ họ. Và phải bồi thường vì luật dân sự đã quy định. Tôi nghĩ số tiền ở Bỉ là 50.000 âu kim, quá ít. Nhưng chúng ta phải quan tâm đến những người bị ngược đãi và trừng phạt những kẻ lạm dụng.”
Sau đó ngài nói về những kẻ tấn công: “Lạm dụng không phải là một tội lỗi của hôm nay và có thể không còn tồn tại vào ngày mai… Đó là một xu hướng, một căn bệnh tâm thần, vì thế cần phải điều trị những kẻ lạm dụng và kiểm soát họ. Chúng ta không thể để một kẻ lạm dụng tự do sống cuộc sống bình thường, có trách nhiệm trong các giáo xứ và trường học.”
Về những kẻ lạm dụng trong Giáo hội, ngài giải thích: “Sau khi xét xử và kết án, một số giám mục đã cho các linh mục phạm tội có một công việc, chẳng hạn làm trong thư viện và không được tiếp xúc với trẻ em ở giáo xứ, ở trường học. Chúng ta phải tiếp tục đi trên con đường này. Tôi đã nói với các giám mục Bỉ đừng sợ hãi, họ phải tiếp tục tiến về phía trước. Sự xấu hổ đang che đậy. Đó là điều đáng xấu hổ.”
Lạm dụng, một vết thương không thể chữa lành của Giáo hội Bỉ
Vị trí của phụ nữ trong Giáo hội
Về vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, Đức Phanxicô nói: “Chủ nghĩa nữ quyền quá mức muốn phụ nữ được nam tính hóa là không hiệu quả.”
Chiều thứ bảy 28 tháng 9, một cuộc tranh cãi sôi nổi đã xảy ra ở Đại học Louvain la Neuve nói tiếng Pháp, họ đã công bố một thông cáo báo chí chỉ vài phút sau bài phát biểu của ngài, họ chỉ trích ngài rất nặng: “Trường đại học lấy làm tiếc về quan điểm bảo thủ của giáo hoàng Phanxicô về vai trò của phụ nữ trong xã hội.” Một phương pháp không được Đức Phanxicô đánh giá cao: “Trước hết, tuyên bố này được đưa ra khi tôi phát biểu. Tuyên bố đã được làm trước vì thế nó không đạo đức.”
Sau đó, trả lời câu hỏi, ngài giải thích: “Tôi luôn nói về phẩm giá phụ nữ và tôi đã nói một điều mà tôi không thể nói về đàn ông: Giáo hội là ‘phụ nữ’, là hiền thê của Chúa Giêsu. Nam tính hóa Giáo hội, nam tính hóa phụ nữ, không phải là nhân bản, không phải là kitô giáo. Người phụ nữ có sức mạnh riêng của mình. Quả thực, tôi luôn nói phụ nữ quan trọng hơn nam giới, vì Giáo Hội là phụ nữ, Giáo Hội là hiền thê của Chúa Giêsu. Nếu điều này có vẻ bảo thủ với các bà, thì tôi là Carlo Gardell (ca sĩ tango nổi tiếng Argentina) bởi vì… tôi không hiểu!
Tranh cãi tại Đại học Công giáo Louvain sau những nhận xét của Giáo hoàng về phụ nữ
Ngài vặn lại: “Tôi nhận thấy có một đầu óc trì trệ không muốn nghe điều này. Phụ nữ bình đẳng với đàn ông, và trong đời sống Giáo hội, phụ nữ còn cao hơn, vì Giáo hội là phụ nữ.”
Về trách nhiệm của phụ nữ trong Giáo hội, ngài nhận xét: “Về mặt mục vụ, huyền ẩn của phụ nữ lớn hơn mục vụ. Một nhà thần học vĩ đại đã nghiên cứu chủ đề này, ngài đặt câu hỏi: “Thừa tác vụ Phêrô (Giáo hoàng) hay thừa tác vụ Thánh Mẫu (Đức Trinh Nữ Maria), thừa tác vụ nào lớn hơn? Thừa tác vụ Thánh Mẫu cao cả hơn vì đó là thừa tác vụ hiệp nhất, gắn kết, trong khi thừa tác vụ kia là hướng dẫn.”
Vì thế: “Tình mẫu tử của Giáo hội là tình mẫu tử của người phụ nữ. Thừa tác vụ linh mục là thừa tác vụ rất nhỏ, được ban ra để đồng hành với giáo dân, luôn trong khuôn khổ tình mẫu tử. Và một số thần học gia nghiên cứu vấn đề này cho biết, đó là một thực tế, tôi không nói ‘hiện đại’ nhưng là ‘thực tế’. Vì thế nó không hề lỗi thời.”
Ngài kết luận: “Chủ nghĩa nữ quyền quá mức muốn phụ nữ trở nên nam tính là không hiệu quả. Một mặt, có chủ nghĩa nam tính không hiệu quả, một mặt có chủ nghĩa nữ quyền cũng không hiệu quả. Điều làm cho Giáo hội hiện đại, đó là Giáo hội ‘phụ nữ’ vượt trội hơn thừa tác vụ linh mục.”
Phá thai: “Bạn đang giết một con người”
Khi được hỏi liệu kế hoạch phong chân phước cho Vua Baudoin có tạo tranh luận về vấn đề phá thai hay không, Đức Phanxicô trả lời: “Phụ nữ có quyền sống: quyền sống của họ, quyền sống của con cái họ. Nhưng chúng ta đừng quên điều này: phá thai là giết người. Khoa học cho chúng ta biết từ tháng đầu thụ thai, các cơ quan đều đã có… Bạn giết chết một con người. Và các bác sĩ làm việc này, nếu tôi có thể nói, họ là những kẻ giết người. Về điểm này chúng ta không thể tranh cãi. Chúng ta đang giết chết một mạng sống. Và phụ nữ có quyền bảo vệ sự sống. Các phương pháp chống tránh thai là một cái gì đó khác. Chúng ta không nên nhầm lẫn. Tôi chỉ nói về việc phá thai. Điều này không thể tranh cãi được. Xin tha thứ cho tôi, nhưng đó là sự thật.”
Cuộc chiến ở Trung Đông: “phòng thủ luôn phải tỉ lệ thuận với tấn công. Có một đạo đức cần được tôn trọng”
Khi được hỏi về các vụ đánh bom gần đây của Israel ở Liban, Đức Phanxicô tâm sự: “Tôi gọi điện thoại cho giáo xứ ở Gaza mỗi ngày. Tôi ở đó cùng với giáo xứ và trường học, nơi có hơn 600 người. Họ kể cho tôi nghe chuyện gì đang xảy ra, những chuyện tàn ác ở đó. Tôi không biết rõ về Liban, mọi chuyện xảy ra như thế nào, nhưng việc phòng thủ luôn phải tỷ lệ thuận với cuộc tấn công. Khi một điều gì đó không cân xứng, nó cho thấy xu hướng thống trị vượt ra ngoài đạo đức. Một quốc gia mà với lực lượng của mình làm những điều này – tôi muốn nói bất cứ quốc gia nào – một cách ‘cực đoan’, như thế họ làm những hành động vô đạo đức. Ngay cả trong thời chiến, vẫn có những đạo đức cần được tôn trọng. Chiến tranh là vô đạo đức, nhưng các quy tắc của chiến tranh bao hàm một đạo đức nhất định. Nhưng khi không có đạo đức như chúng ta đã thấy, người Argentina chúng tôi gọi đó là ‘xấu tính’.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Lạm dụng tình dục trong Giáo hội, vị trí của phụ nữ… Bốn phẫn nộ của Giáo hoàng tại Bỉ
Đức Phanxicô áp đặt việc phong chân phước cho Vua Baudouin lên các giám mục Bỉ
“Tôi đã nói chuyện với Giáo hoàng như thể ngài là kẻ tấn công tôi”