Vì sao Vatican thận trọng khi cho phép tôn kính Đức Mẹ Mễ Du

96

Vì sao Vatican thận trọng khi cho phép tôn kính Đức Mẹ Mễ Du

Gần 15 năm sau cuộc điều tra tông tòa, ngày 19 tháng 9, Vatican công bố một ghi chú công nhận hoa trái thiêng liêng tốt lành cho hàng triệu giáo dân hàng năm hành hương Đức Mẹ Mễ Du, nhưng Vatican kêu gọi nên thận trọng.

lavie.fr, Marie-Lieùvine Michalik. 2024-09-20

Đức Mẹ Mễ Du ở đồi Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje, Bosnia.  ARMIN DURGUT/AP/SIPA

Ngày thứ năm 19 tháng 9, Hồng y Victor Manuel, bộ Giáo lý Đức tin công bố “Nihil non obstat, không có gì ngăn cản”sau các nghiên cứu lâu dài và chuyên sâu về hiện tượng Mễ Du. Nằm ở phía nam Bosnia-Herzegovina, thánh địa đã là chủ đề gây tranh cãi từ khi thành lập năm 1981.

Vào năm 1981, đất nước vẫn còn là một phần của Nam Tư dưới sự kiểm soát của Liên Xô, sáu em bé cho biết các em đã thấy Đức Mẹ hiện ra trong vài ngày. Ba em cho biết các em vẫn còn được Đức Mẹ hiện ra mỗi ngày.

Kể từ đó, khách hành hương đổ xô về ngọn đồi ở vùng nông thôn này. Ông Andrea Tornielli, Tổng biên tập Truyền thông Vatican cho biết, dù địa điểm hiện ra chưa được Vatican công nhận hoàn toàn, nhưng chỉ trong tháng 8 năm nay đã có 325.000 người rước lễ. Mỗi năm có hơn ba triệu du khách đến đây.

Nhiều dấu chỉ cho thấy Chúa Thánh Thần hoạt động

Sau cuộc điều tra kéo dài 14 năm, đôi khi có những ý kiến trái ngược nhau, tuần này Vatican công nhận ở mức độ cao nhất theo các tiêu chuẩn vừa được thông qua vào tháng 5 vừa qua về việc phân biệt rõ hơn các hiện tượng siêu nhiên. Trong số sáu quy tắc được Vatican xác định có thêm ba quyết định thận trọng: prae oculis habeatur (“được xem xét”), curatur (“sửa chữa”) và sub tasko (“theo ủy quyền”); cũng như hai biện pháp cấm can thiệp khi “các điểm quan trọng và rủi ro có vẻ nghiêm trọng”.

Vì thế khi ra phán quyết nihil non obstat với Mễ Du, như Vatican đã làm với Pellevoisin (Indre) vào cuối tháng 8, Bộ công nhận “có nhiều dấu hiệu cho thấy Chúa Thánh Thần hoạt động giữa cuộc xung đột thiêng liêng”, nhưng không “chắc chắn về tính xác thực siêu nhiên của hiện tượng này”.

Hồng y nói thêm: “Vatican có thái độ hết sức tôn trọng trước lòng mộ đạo rất phổ biến nơi những người hành hương đến đây để tìm sức mạnh, bình an nội tâm, ân sủng để được thánh thiện hơn. Trên hết, đây là nơi bình yên, đơn giản nhưng mang nhiều điều tốt đẹp.” Trong báo cáo dài 18 trang có tựa đề “Nữ vương Hòa bình, ghi chú về trải nghiệm thiêng liêng gắn liền với Mễ Du”, Bộ vinh danh thông điệp hòa bình và niềm vui do Đức Trinh Nữ mang đến, phù hợp với sứ điệp của Tin Mừng.

Tuy nhiên, Bộ xin thận trọng với những từ ngữ nói Đức Mẹ tức giận hoặc “dự án của Đức Mẹ” với Giáo hội, một dự án có thể khác với dự án của Thiên Chúa. Bộ nhắc lại: “Các cuộc gặp ở Mễ Du nhắc chúng ta nhớ lời dạy của Tin Mừng, chứ đây không phải là thông điệp trái ngược hoặc xuyên tạc. Một số thông điệp cho rằng Đức Mẹ ra lệnh về ngày tháng, địa điểm, các khía cạnh thực tế, đưa ra quyết định về các chủ đề thông thường phải được cộng đồng phân định.”

Các thông điệp tiếp theo sẽ phải được “đánh giá và phê duyệt” trước khi được xem là “những văn bản mang tính xây dựng”. Một điểm cần cảnh giác, kết luận của ghi chú này không hàm ý phán xét về đời sống đạo đức của những người thấy Đức Mẹ hiện ra.

Việc nhìn nhận thành quả thiêng liêng không xa lạ gì với linh đạo của Đức Phanxicô. Năm 2013, trong tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii gaudium, ngài nhắc lại lòng mộ đạo bình dân là “vectơ của đức tin “được thể hiện trong một nền văn hóa”. Ngài thường nhắc nhở, bất kỳ người trung gian nào giữa Thiên Chúa và dân Ngài đều có ơn gọi duy nhất là dẫn đến Chúa Kitô và không quay lưng với Ngài. Vì thế sứ điệp Đức Mẹ Mễ Du là phục vụ Chúa, chứ không phục vụ cho người thấy Đức Mẹ hiện ra.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Mẹ Mễ Du: “Vâng, nhưng” của Tòa Thánh

Vì sao Vatican vẫn kiểm soát các thông điệp ở Mễ Du?

Sáu người thấy Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du