Chân phước Carlo Acutis: Lời khuyên của cha mẹ về việc giáo dục kitô giáo cho con cái

49

Chân phước Carlo Acutis: Lời khuyên của cha mẹ về việc giáo dục kitô giáo cho con cái

Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis  (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.

Vào cuối cuộc phỏng vấn này, ông bà có thể gợi ý một số lời khuyên nào để giáo dục trẻ em theo tinh thần kitô giáo không?

Chúng tôi sẵn lòng. Chúng tôi có thể bắt đầu bằng chính kinh nghiệm của chúng tôi. Đây là cái nhìn tổng quát ngắn gọn, không đầy đủ, nhưng có thể dùng như một gợi ý. Là cha mẹ, chúng tôi cố gắng áp dụng những hành vi phù hợp với đức tin của chúng tôi: làm gương qua hành vi hơn là qua lời nói. Chính qua cách thu hút mà chúng ta có được sự gắn bó thực sự của trẻ em với đức tin chứ không bằng cách ép buộc. Nếu chúng ta không muốn nên thánh, nếu chúng ta còn dính mắc vào những thỏa hiệp của mình, thì chúng ta lấy quyền gì để đòi hỏi con cái có một cuộc sống nhất quán? Với chúng tôi, là tín hữu kitô có nghĩa là người anh em mình thấy nơi chúng tôi hình ảnh phản chiếu của Chúa Giêsu.

Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi. Chúng ta đừng ngại xin tha thứ. Tất cả chúng ta đều đang trên hành trình, cha mẹ con cái, tất cả đều có những điểm yếu. Điều quan trọng là chúng ta không dính mắc vào lỗi lầm và tật xấu nhưng có ước muốn làm cho nhân đức của mình phát triển. Chúng ta làm cho con cái biết chúng được hiểu và được yêu thương, chúng ta không nhắc đến lỗi lầm chúng có thể mắc phải, khi đó con cái sẽ cảm thấy được tham dự vào mạch tình yêu của cha mẹ. Cha mẹ dù có kết hôn hay không cũng không được nói xấu nhau và phải cố gắng sửa chữa khuyết điểm của nhau.

Chúng ta cùng cầu nguyện mỗi ngày cho con cái, cùng hiệp lòng cầu nguyện để được hiệp nhất. Trong cầu nguyện, chúng ta xin Chúa cho chúng ta nói được những gì chúng ta muốn nỗi, luôn mong ước Chúa là cùng đích. Buổi sáng khi thức dậy chúng ta nhắc con cái cầu nguyện; buổi tối nhắc con cái xét mình trước khi ngủ, tạ ơn Chúa vì những gì Ngài ban cho chúng ta trong ngày, cầu nguyện cho một ý chỉ đặc biệt nào đó. Nếu có thể cố gắng lần chuỗi mỗi ngày, Đức Mẹ hứa ban ơn cho ai sốt sắng lần chuỗi. Nếu các con quen lần chuỗi khi còn nhỏ, chúng sẽ vui khi lần chuỗi. Trên xe là dịp tốt nhất để lần chuỗi, cùng đọc chung Phụng vụ các Giờ kinh cũng là giây phút chúng ta được ơn.

Chúng ta đọc lời Chúa với con cái vì chúng ta không thể đương đầu với các thử thách trong cuộc sống nếu không có la bàn. Lời Chúa thách thức, hướng dẫn, khích lệ, chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của thế gian, giúp chúng ta nhìn mọi sự với con mắt thiêng liêng. Chúng ta cùng các con đi lễ ngày chúa nhật, ngày lễ buộc và nếu có thể các ngày trong tuần; chúng ta tin tưởng vào quyền năng chữa lành và giải thoát của Thiên Chúa, Đấng hành động qua các bí tích.

Dù con cái miễn cưỡng đi lễ thì đức tin của cha mẹ sẽ bù đắp cho sự thiếu đức tin của chúng. Mọi chiến lược giáo dục của chúng ta sẽ vô ích nếu không có ơn Chúa; chúng ta kiên quyết buộc các con đi lễ chúa nhật, kiên quyết nhưng nhẹ nhàng. Và nếu được, chúng ta bỏ chút thì giờ để chầu Thánh Thể.

Chúng ta nên xưng tội mỗi tuần một lần, nếu không thì ít nhất mỗi tháng một lần, xưng cả những lỗi nhỏ vì chúng là trở ngại lớn về mặt tinh thần, ngăn chúng ta trau dồi nhân đức; ân sủng chúng ta nhận được sau khi xưng tội rất lớn lao.

Nếu có thể, chúng ta ăn chung với con cái một hoặc hai bữa ăn mỗi ngày, không tivi, không điện thoại. Trước khi ăn chúng ta tạ ơn cho những điều tốt lành chúng ta nhận được, dù đó là công sức của chúng ta, nhưng chúng ta phải nhận đây là ơn  trực tiếp của Chúa.

Chúng ta sửa lỗi cho con cái nhưng không gay gắt. Nếu chúng ta lỡ nói lời gay gắt, chúng ta sửa lại càng sớm càng tốt bằng những cử chỉ trìu mến nhỏ, một nụ hôn dịu dàng và áp dụng phương pháp phòng ngừa của Thánh Gioan Bosco. Ngài nói:

“Luôn có hai hệ thống giáo dục dành cho thanh thiếu niên: hệ thống phòng ngừa và hệ thống đàn áp. Hệ thống đàn áp là lên án và trừng phạt. Hệ thống phòng ngừa là phổ biến các quy định, sau đó kiểm xem để học sinh luôn có được sự quan tâm của nhà trường, của những người theo dõi các em, nói chuyện với các em, hướng dẫn các em như người cha yêu thương, khuyên và sửa sai bằng tình yêu; như thế học sinh ít mắc lỗi. Hệ thống này dựa trên lý trí, tôn giáo và trên hết là tình cảm…

Vì vậy, hãy cho con cái biết những quy tắc mà chúng phải tôn trọng và luôn có sự hiện diện của người lớn. Ngoại lệ phải vẫn là ngoại lệ. Và những ý tưởng bất chợt không phải là dịp để tạo ra ngoại lệ.

Chúng ta củng cố sứ điệp Lời Chúa bằng cách học giáo lý, đọc Lời Chúa, đọc hạnh các thánh, đọc các lần Đức Mẹ hiện ra được Giáo hội công nhận, đọc các phép lạ Thánh Thể. Chúng ta dành thì giờ để củng cố đức tin gia đình, vui vẻ đón nhận những dấu chỉ mà Chúa ban cho chúng ta, tập cho con cái yêu thích hương vị của thiên đàng.

Khi nói chuyện chúng ta nhắc các con điều gì là ưu tiên, điều  gì quan trọng, điều gì ít quan trọng. Vẻ đẹp tâm hồn là điều quan trọng chứ không phải vẻ đẹp bên ngoài. Sự thành công trong cuộc sống chúng ta chỉ có thể đo bằng mức độ bác ái chúng ta làm.

Chúng ta tránh nói những câu như “quan trọng nhất là con phải vui vẻ, hay điều quan trọng là sức khỏe” hoặc bất cứ câu nào cho rằng quan trọng là phải thành công trong cuộc sống theo quan điểm thế giới, như thế có nghĩa những người không thành công là những người thất bại. Đúng hơn, chúng ta nên nói đến nét đẹp của những người dấn thân làm những điều tốt đẹp vì tình yêu Thiên Chúa. Tâm lý thế gian cho mình là quan tòa tuyệt đối, đo chuẩn mực theo thể chất, trí thông minh, giàu có thành công trong những việc vật chất. Nhưng ít người nổi bật với đức tính của họ. “Muốn là được”, câu châm ngôn này cũng tùy hoàn cảnh, khách quan mà nói, nhiều người thấy mình phải đối diện trước những trở ngại họ không thể vượt lên được. Nhưng khi Chúa ra điều răn yêu thương và đo lường sự thành công trong cuộc sống bằng việc bác ái, thì Ngài truyền cho chúng ta một điều gì đó nằm trong tầm tay mọi người, thực tế đơn giản là thánh hóa không làm được điều này, không bao giờ thêm mà bớt đi, câu Carlo hay nói: “Dành chỗ cho Chúa: một cuộc sống thành công là cuộc sống chúng ta đặt Chúa lên hàng đầu.” Đạt được mục tiêu này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để chống lại những tật xấu ngăn chúng ta phát triển nhân đức.

Trong những chuyến đi chúng tôi thường đi thăm các đền thánh, đặc biệt những nơi Đức Mẹ để lại dấu hiệu thanh tẩy như dòng nước phép lạ ở Lộ Đức hay ở Colleva enza, đó là những giây phút ân sủng và hoán cải cho cả gia đình, nhắc chúng tôi nhớ đến tầm quan trọng của phép rửa tội chúng tôi đã nhận. Khi đến thăm nhà thờ, chúng tôi dừng lại trước Nhà tạm, nơi sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể qua chiếc đèn nhỏ để tạ ơn Chúa và kính thờ Ngài.

Chúng tôi hướng dẫn con cái hạnh bác ái, khuyến khích con cái làm những việc nhỏ trong gia đình cũng như bên ngoài; rèn luyện cho các con tính tiết độ, qua việc ăn uống điều độ và những niềm vui nho nhỏ chúng ta làm. Dạy cho các con biết sự khác biệt giữa cảm giác (điều tôi cảm thấy) và ý chí (điều tôi muốn, điều tôi khao khát). Cảm giác bị một cái gì đó thu hút khác với cảm giác mong muốn nó. Chúng ta cần nhận thức được những gì chúng ta muốn chứ không phải những gì chúng ta cảm thấy, tránh đặt mình vào tình thế bị những thứ chúng ta không muốn thu hút chúng ta.

Chúng ta thanh lọc lời nói, bỏ những lời không đứng đắn thô tục và nên la con cái về chuyện này trước khi chúng thành thói quen. Không nói những chuyện không đàng hoàng, không để những chuyện này lôi kéo mình, không thành người chia rẽ cộng đồng nhưng hiệp nhất với một nguyên tắc duy nhất: tình yêu Thiên Chúa.

Chúng ta bảo vệ các con trước các hình ảnh không trong sáng tràn ngập trong cuộc sống, bắt đầu với việc hạn chế xem truyền hình: nếu các con không muốn bị bọ cạp cắn thì phải tránh xa nó; đặc biệt chúng ta tránh để các con xem các sản phẩm khiêu dâm, đó là chất độc tinh thần.

Chúng ta xin các con giữ tinh thần khiêm tốn. Một bộ áo đẹp trước hết phải đẹp; vẻ đẹp của một người là ở tâm hồn của họ và phải tỏa sáng trên khuôn mặt chứ không phải qua bề ngoài. Xã hội phương Tây hiện nay xây dựng trên tự do. Vì vậy chúng ta phải có tự do không chạy theo thời trang không đẹp lòng Chúa. Trong những lần hiện ra ở Fatima, Đức Mẹ đã cảnh báo có những thời trang làm Chúa khó chịu. Chúng ta nhắc con cái về phẩm giá cao cả của trái tim con người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.

Và ấn định giới hạn với một số sinh hoạt: xem truyền hình, chơi game, dùng điện thoại di động, v.v. Carlo chỉ chơi game mỗi tuần một giờ. Chúng ta khuyến khích các con đọc sách thánh hoặc làm các việc chân tay, giúp việc nhà, chơi thể thao lành mạnh.

Chúng ta dạy con cái tạ ơn Chúa và người anh em. Không phàn nàn, không oán giận, dâng lên Chúa những khó khăn trong cuộc sống, noi gương Chúa, vác thập giá của mình đi theo Chúa, Đấng sẽ sinh hoa trái để thánh hóa thế giới. Chúng ta dạy con đừng chỉ trích người anh em vì chúng ta không thể tự cho mình giỏi hơn họ; kiêu ngạo là nguồn gốc của mọi tội lỗi.

Chúng ta giải quyết tranh chấp bằng cách xin lỗi nhau. Chúng ta nhắc con cái nhớ cam kết tha thứ trong Kinh Lạy Cha. Thiếu tha thứ là khối u giết chết tâm hồn vì tâm hồn sẽ thiếu yêu thương.

Chúng ta dành thì giờ cải thiện để làm bổn phận cha mẹ, nếu chúng ta nghĩ mình không có thì giờ, đó là do chúng ta chưa đặt Chúa lên hàng đầu. Chúng ta rèn luyện để từ bỏ và giải thoát mình khỏi bất kỳ ràng buộc nào trói chúng ta trong cảnh nô lệ, để chúng ta chỉ yêu thích một mình Chúa. Thiên Chúa chỉ muốn điều tốt lành cho chúng ta và Ngài hành động một cách dịu dàng trong tự do. Chúng ta không xa Ngài thì mọi thứ sẽ ổn. Nếu chúng ta gặp khó khăn, chúng ta sa ngã, chúng ta hãy tin cậy hướng về Ngài. Chúng ta tu luyện để nhận ra tất cả những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta và xin Ngài những gì chúng ta cần. Người hạnh phúc là người biết mình sẽ có được điều mình mong muốn: chúng ta học cách khao khát Thiên Chúa và Ngài sẽ đổ đầy tâm hồn chúng ta mọi điều tốt lành. Đây là một trong những lời hứa của Ngài.

Marta An Nguyễn dịch