Chân phước Carlo Acutis: Một mô hình giáo dục cụ thể?
Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.Và ông bà, ông bà có một mô hình giáo dục nào cụ thể không?
Bất cứ phương pháp giáo dục nào cũng phải giúp mỗi người chúng ta nhận ra sứ mệnh siêu nhiên chúng ta được kêu gọi hướng tới, và đó là mục tiêu tối hậu để các hoạt động của chúng ta hướng tới. “Respice Finem” là hãy nhìn cùng đích. Các phương tiện siêu nhiên trước hết là các bí tích, lời cầu nguyện, lời Chúa, đặc biệt là Thánh lễ và chầu Thánh Thể! Truyền thống khổ hạnh của công giáo có mục đích giúp các linh hồn ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Trong mọi việc chúng ta làm, chúng ta phải luôn hướng tới mục đích mình đặt ra để có được. Với chúng tôi, giáo dục kitô giáo cho người trẻ là giúp họ trở nên “đồng hình đồng dạng” hơn với Chúa Kitô.
Chúng ta sống trong bản chất thất sủng và được tái tạo “in statu naturae lapsae et per Christum reparatae”. Vì tội nguyên tổ, nên việc “nên giống Chúa Kitô” là cả một thay đổi, một cải cách. Tội tổ tông đã làm biến dạng hình ảnh Chúa Kitô trong chúng ta. Nhờ phép rửa, chúng ta được ban sự sống thiêng liêng, nhờ ơn thánh hóa, chúng ta trở nên con Chúa theo hình ảnh Chúa Kitô, Con Một của Người. Nhưng trong chúng ta vẫn còn những yếu đuối, mong manh và tổn thương mà chỉ có đời sống nhân đức mới có thể chữa lành và làm biến mất. Việc giáo dục của cha mẹ giúp biến đổi con người đã bị “biến dạng” của ông Adong và bà Evà cũ, để “giống với Adong mới là Chúa Kitô và Evà mới là Đức Mẹ.”
Chúng ta bắt đầu và củng cố cuộc sống mới này càng sớm càng tốt. Vì như Thánh Gioan Bosco đã nói, nếu cây đã mọc cong thì rất khó để uốn lại. Điều quan trọng là chúng ta giúp con cái trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Kitô, cả bên trong lẫn bên ngoài, thiết lập mối quan hệ tình bạn và hoàn toàn tin tưởng vào Ngài. Thiên Chúa đã thiết kế chúng ta theo hình ảnh và giống Con Ngài. Phần số chúng ta là siêu nhiên, giáo dục mà Chúa mong đợi ở chúng ta cũng sẽ dùng những phương tiện siêu nhiên. Trên hết, Ngài dùng ân sủng thánh hóa để chúng ta nhận qua các bí tích. Nếu không có ân sủng của Chúa Kitô, mọi nỗ lực và phương tiện tự nhiên của chúng ta sẽ không có hiệu quả. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15, 4-5)
Phương pháp giáo dục được nhà giáo dục vĩ đại Don Orione, môn đệ của Thánh Gioan Bosco noi theo có thể giúp ích cho chúng ta. Don Orione gọi đó là “phương pháp kitô giáo của tình phụ tử”. Nơi mỗi người ngài đều thấy Chúa Kitô và phục vụ Chúa Kitô.
Khi giúp đỡ những người cần được chăm sóc, trước hết ngài chiêm ngắm hình ảnh Chúa Kitô nơi họ để tình yêu dành cho con cái Thiên Chúa và việc kính thờ Chúa không có ranh giới và tách biệt nào, nhưng gắn kết và tăng cường cho nhau. Với Don Orione, chúng ta phải giúp nhau phát triển “sự hiện diện thiêng liêng” này: đây phải là mục tiêu và cùng đích thúc đẩy cho các cha mẹ và các nhà giáo.
Danh họa Michelangelo đã ngắm khối đá cẩm thạch nguyên sơ, chưa có hình dạng ông muốn tạo ra. Là nhà điêu khắc, công việc của ông là “tiêu diệt” nhân vật ông muốn làm. Hành động giáo dục nào cũng phải chiêm ngắm Sự Thiện Tối Cao là nguồn cảm hứng duy nhất của chúng ta. Don Orione đã thử nghiệm và phát triển phương pháp giáo dục kitô giáo mang tình phụ tử, áp dụng phương pháp phòng ngừa của Thánh Gioan Bosco ngài học khi còn niên thiếu ở trường Dòng Salêdiêng.
Một trong những khía cạnh cơ bản của phương pháp kitô giáo và tình phụ tử này là “chăm sóc”. Ngài luôn khuyến khích: “Hãy yêu thương học sinh như anh em trong Chúa, chăm lo sức khỏe, học hành, tìm cách làm mọi sự vì lợi ích của các em để các em cảm thấy chúng ta quan tâm đến các em, giúp các em phát triển (…) Với sự kiên nhẫn lâu dài, không có mảnh đất nào hư thối và cằn cỗi mà cuối cùng không thể sinh hoa trái; đó chính là mảnh đất con người. Mẫu gương của Don Orione là gia đình Nadarét và tất cả gia đình được gia đình Nadarét truyền cảm hứng.
Marta An Nguyễn dịch