Chân phước Carlo Acutis: Khuôn khổ tham chiếu để có một giáo dục lành mạnh

27

Chân phước Carlo Acutis: Khuôn khổ tham chiếu để có một giáo dục lành mạnh

Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis  (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.

Trong quá trình giáo dục, chúng ta thường nói đến một khuôn khổ chung. Tôi muốn hỏi Antonia, theo bà và dựa trên kinh nghiệm của bà, bà có đề xuất một khuôn khổ giáo dục nào không?

Tôi xin bắt đầu từ kinh nghiệm sống của tôi. Khi còn nhỏ tôi biết các bạn thơ ấu của tôi, các bạn là con của bạn bè cha mẹ tôi. Nhìn lại những năm tháng này, tôi thấy đời sống của các bạn thật khó khăn. Và tôi có thể xác định được nguyên nhân: các bạn có một giáo dục quá tự do, các bạn không có điểm tựa và không có mục tiêu cao.

Khi phân tích kinh nghiệm của các bạn này, tôi nhận thấy các bạn có một điểm chung là cha mẹ rất dễ dãi: từ khi 10 tuổi, cha mẹ đã cho các bạn làm những việc mà thông thường chỉ dành cho những đứa trẻ lớn hơn. Đặc biệt ở tuổi 12 đến 14, là tuổi khó khăn nhất của các em. Tôi còn nhớ một cô bé, con của người bạn của bà tôi. Chúng tôi thường gặp nhau vào mùa hè, khi tôi đi nghỉ hè ở nhà của bà tôi ở biển Anzio. Chúng tôi chơi với nhau rất nhiều, chúng tôi chơi thú nhồi bông, chơi với các thú vật nuôi trong nhà. Mùa hè năm 1978, tôi vừa 12 tuổi. Cô thua tôi một  tuổi. Đã một năm kể từ lần cuối chúng tôi gặp nhau và khi gặp cô ở biển, tôi thấy cô đã thay đổi hoàn toàn. Cô ăn mặc như người lớn, trang điểm và đi giày cao gót. Cô đi chơi với các bạn trẻ lớn hơn cô, con gái của các gia đình bạn của cha mẹ, họ cũng là nạn nhân của cách dạy mà tôi cho là thảm họa. Cô bạn này phớt lờ tôi, làm như cô chưa bao giờ biết tôi, tôi bị sốc. Đêm đêm cô đi chơi với các thanh niên lớn tuổi hơn, họ dụ cô uống rượu, hút cần sa.

Năm sau cô có thai và có lẽ đó là điều may mắn cho cô. Hầu hết các bạn trẻ khác, bằng cách này hay cách khác đã hủy hoại cuộc sống của mình bằng ma túy, bằng đời sống tình cảm rối loạn, bằng liên kết với các nhóm chính trị cực đoan. Trong số các bạn trẻ này có một bạn thời thơ ấu tôi rất thân, bạn được cứu sống nhờ một vụ tai nạn xe hơi khủng khiếp, từ đó bạn bị khuyết tật về thể chất, nhờ vậy, bạn xa các bạn dùng ma túy.

Nhiều cha mẹ cho rằng họ phải cho con cái càng nhiều tự do càng tốt. Nhưng điều này đi kèm với nhiều rủi ro. Các nghiên cứu gần đây trong lãnh vực sinh lý thần kinh và khoa học thần kinh về sự phát triển não bộ cho thấy, dựa trên các hành vi điển hình của thanh thiếu niên, có những lý do chính xác gây rối loạn thần kinh. Một mặt, tuổi thiếu niên là giai đoạn phát triển tư duy suy luận trừu tượng, đổi mới và sáng tạo, nhưng tuổi này cũng là tuổi của những cảm xúc dâng trào mà các bạn trẻ khó kiểm soát. Chính xác, sự non nớt về trí não không cho phép các em trải nghiệm cảm xúc một cách cân bằng, các em có nguy cơ mắc các chứng rối loạn như lo lắng, căng thẳng. Ở tuổi này, các em bị thúc đẩy mạnh mẽ để đi tìm niềm vui, để khám phá những trải nghiệm mới, những hành vi nguy hiểm.

Với thanh thiếu niên, người kia là tấm gương, các em soi vào, sợ hãi và nghi ngờ chính mình, các em dựa trên đó để xây dựng bản sắc riêng và học cách nhận biết cảm xúc của chính mình. Giáo sư nổi tiếng Giacomo Rizzolatti, người khám phá khoa học về tế bào thần kinh gương, nhấn mạnh những tế bào thần kinh này ngoài việc đóng vai trò quyết định trong việc học bằng cách bắt chước, còn đóng vai trò trong hiện tượng đồng cảm: “Các tế bào đóng vai trò trong các tương tác xã hội, giúp chúng ta hiểu được mục tiêu và cảm xúc của người khác… Tế bào thần kinh phản chiếu cung cấp cơ sở để biết ngay lúc đó mình muốn gì ở người khác, cảm xúc nào và trải nghiệm của họ như thế nào.” Những mối ràng buộc được hình thành ở tuổi thiếu niên có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, nhưng nếu thiếu kinh nghiệm, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các quyết định và hành vi của các em, thậm chí đẩy các em đi vào những việc làm “nguy hiểm và liều lĩnh”, làm chỉ vì muốn được người khác chấp nhận.

Hầu hết thanh thiếu niên, trừ khi họ nhận một giáo dục kitô giáo vững chắc, thường khi họ quyết định làm một chuyện gì, họ không dựa trên cơ sở những gì là đúng, nhưng trên cơ sở những gì mang lại lợi ích trực tiếp nhất, như thế có thể làm cho họ gặp những chuyện rất nguy hiểm như dùng ma túy, uống rượu hoặc có những mối quan hệ tình cảm không cân bằng. Các bạn trẻ thích phiêu lưu, thích rủi ro, chúng ta thấy rõ qua việc họ dùng mạng xã hội, họ đăng những video để thử sức nhiều hơn là những video phiêu lưu, đây chỉ là cách để họ thỏa mãn bản thân.

Đặc biệt các bạn trẻ dễ xúc động, các bạn có xu hướng hung hăng và bốc đồng, hệ thống hãm phanh của họ chưa phát triển. Nghiên cứu vỏ não trước trán cho biết, chúng ta phán đoán và đưa ra quyết định bằng cách đánh giá tỷ lệ lợi/hại. Nhưng ở thanh thiếu niên, vùng não này đang giai đoạn phát triển, đó là lý do họ hành động trước khi suy nghĩ. Thanh thiếu niên có cảm giác thống trị thế giới; thú vui mạo hiểm, lái xe nguy hiểm, làm những việc rủi ro, sử dụng ma túy là những hành vi cực kỳ hấp dẫn. Các bạn muốn nếm ma túy chỉ vì hiếu kỳ, bốc đồng, muốn tìm cảm giác mạnh, như thế sẽ làm cho não tiết ra một lượng dopamine đáng kể. Nhưng bộ não của thanh thiếu niên đang ở giai đoạn phát triển rất mong manh, dễ bị tổn thương, vì thế các thanh thiếu niên dễ bị nghiện.

Cha mẹ có thể tìm sự trợ giúp ở thể thao, thể thao giúp trẻ em có được hệ thống bù trừ cho trí não, phát triển các chức năng nhận thức và điều hành, củng cố ý chí và từ đó trải nghiệm đức tính mạnh mẽ và kiên trì, giúp các em có các mối quan hệ xã hội mang tính xây dựng.

Nhưng trên hết, chúng ta cần giải thoát mình khỏi sức nặng của quan niệm sống không có đức tin, tập trung vào chính mình. Chúng ta cần một khuôn khổ lý luận giải phóng mới, giúp chuyển cái nhìn của chúng ta từ hữu hạn sang vô hạn, từ bản thân sang Thiên Chúa. Không có Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ, chúng ta sống như bị nhốt trong không gian của thế giới vật chất và tâm lý. Các huấn luyện viên dạy chúng ta suy nghĩ tích cực, nhưng làm sao chúng ta có thể suy nghĩ tích cực nếu mỗi thỏa mãn chỉ thoáng qua, từng niềm an ủi nhất thời rớt xuống như đám mây đen với viễn tượng cái kết gần kề tan biến vào hư không của nó? Không, tạ ơn Chúa, đó không phải là sự thật. Chúng ta luôn nghi ngờ điều đó, nhưng đức tin mang lại cho chúng ta xác tín. Một đức tin không dựa trên cảm giác mà dựa trên những sự kiện cụ thể được mạc khải.

Bất kể hoạt động nào chúng ta thực hiện đều cần một khuôn khổ lý luận, phải có một số điểm vững chắc để bám vào. Khuôn khổ lý luận của chúng ta khi đối diện với những thăng trầm của cuộc sống, đặc biệt là trong việc giáo dục trẻ em, không thể bỏ qua đức tin. Chúng ta tin vào Thiên Chúa là Đấng Tối cao Tốt lành, khôn ngoan, sự thật, công lý, toàn năng, lòng thương xót… Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và vào tất cả những chân lý mạc khải đã được Giáo hội truyền cho chúng ta. Vì thế chúng ta biết cuộc sống là một ơn, tình yêu không áp đặt trên chúng ta nhưng được trao ban, và trên đường đời, chúng ta sẽ gặp thử thách giúp chúng ta nói vâng với Thiên Chúa, và thẳng thắn nói không với những gì chống lại Ngài để sau đó nhận được ơn là đời sống vĩnh cửu trong Chúa.

Trước hết chúng ta phải trau dồi đức tin. Chúng ta tin Chúa muốn điều tốt nhất cho chúng ta và Ngài hành động phù hợp với mức độ của Ngài không? Hay chúng ta thường thích những tật xấu của mình hơn tình yêu của Ngài? Ý tưởng giải phóng bản thân khỏi thói xấu làm chúng ta kinh hãi, như thể chúng ta phải giải thoát bản thân khỏi một phần của chính mình. Vậy vẻ đẹp của Thiên Chúa không thuyết phục chúng ta sao? Những nhân đức kỳ diệu Ngài mong muốn cho chúng ta, chúng ta không nhận sao? Các triết gia ngoại giáo đã ca ngợi đức tính con người và khẳng định không cần phải biến mình thành nô lệ cho những đam mê của mình. Chúng ta là những người có đặc ân đức tin, vì sao chúng ta không thấy được sự cao cả của lời mời gọi tham gia vào đời sống thiêng liêng? Vì  sao chúng ta không muốn giải thoát mình khỏi mọi thứ làm chúng ta rời xa kho báu thực sự của mình? Một khi chúng ta được thuyết phục về vẻ đẹp của mục tiêu cần đạt được, tất cả những gì còn lại là đặt phương tiện vào đúng chỗ.

Cha mẹ có trách nhiệm cao cả và khó khăn. Cũng như họ dùng phương tiện vật chất để bảo đảm hạnh phúc cho con cái, họ có nhiệm vụ dùng các phương tiện siêu nhiên Chúa ban trực tiếp qua lời cầu nguyện và gián tiếp qua các bí tích, đó là huyết mạch của Giáo Hội.

Sau đó, chúng ta phải hiểu, giống như luật dân sự trao quyền cho cha mẹ với con cái còn nhỏ, ở cấp độ thiêng liêng, cha mẹ có trách nhiệm giữ gìn sức khỏe tinh thần của con cái. Cha mẹ nào cũng quan tâm đến sức khỏe thể chất của con để không cản trở quyền tự do của chúng. Cũng vậy, chúng ta không có quyền tước đi sự chăm sóc cần thiết cho tâm hồn con cái, đó là chuyển giao đức tin, dạy con cái cầu nguyện, cho con cái rửa tội và nhận các bí tích khác. Đó là nghĩa vụ của cha mẹ với con cái cũng như nghĩa vụ cha mẹ phải cho con đi học.

Gần đây, tôi gặp một người mẹ tuyệt vọng nhờ tôi giúp đỡ: hai cô con gái 12 và 14 tuổi của bà không còn muốn đi lễ chúa nhật nữa. Người mẹ cho biết bà đã hỏi một linh mục, linh mục bảo bà đừng ép con. Còn tôi, tôi xin bà nghĩ lại lời hứa khi cho con rửa tội, hai vợ chồng đã cam kết với Chúa giáo dục con trong đức tin, vì thế nhiệm vụ của họ phải đưa các con đi lễ, dù các con không muốn đi và phải tin tưởng nhiều hơn vào quyền năng toàn năng của Thiên Chúa. Chúng ta biết Bí tích Thánh Thể hành động ex opere operato, vì chính Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật, là Đấng hành động, và Ngài thực hiện một cách độc lập với ý định của người cử hành hay người dự thánh lễ. Tất nhiên, lý tưởng nhất là người cử hành và người dự thánh lễ có tinh thần tốt nhất, nghĩa là ở trong ân sủng Chúa, ân sủng sẽ mang lại cho họ hoa trái tốt nhất của bí tích. Nhưng dù họ không được như vậy, chẳng hạn họ còn vướng vào tội lỗi – ân sủng của bí tích vẫn tác động trên họ, biến đổi họ và dần dần tấn công đến các khuynh hướng xấu của họ. Vì thế chúng ta không biết được ân sủng của Chúa sẽ tác động như thế nào nơi các cô gái trẻ này… Trong trường hợp này, chính đức tin của cha mẹ sẽ bù đắp cho sự thiếu đức tin của các cô gái, các cô khi đã trưởng thành sẽ quyết định đi lễ hay không.

Vậy chúng ta hãy đào sâu đức tin của mình, lớn lên với lòng khao khát Thiên Chúa, mục tiêu của chúng ta, và với sự giúp đỡ của Chúa, cũng như nhờ hoa trái của bí tích hôn nhân, chúng ta sẽ biết cách hành động tốt nhất để giáo dục con cái.

Nếu mọi việc không suôn sẻ, chúng ta đừng nản lòng và phó thác mọi việc vào tay Chúa. Và đừng quên nói với con một vài lời từ chối rõ ràng và kiên quyết.

Ở tuổi thanh thiếu niên, các con đi tìm các gương mẫu, các anh hùng để lấy bản sắc ở đó. Từ hàng chục năm nay, hệ thống siêu sao ngự trị thế giới, mang đến những anh hùng, những siêu sao điện ảnh, thể thao, âm nhạc, và trong những năm gần đây là siêu sao mạng xã hội. Thanh thiếu niên chưa nhận ra những chuyện này, các em bước vào cơ chế nhận bản sắc và từ đó phóng chiếu ra. Các ngôi sao trong vai trò của mình, họ là nhân tố thành công lớn của điện ảnh, âm nhạc, thể thao. Nhưng chúng ta dừng lại một chút. Chúng ta hãy xem lại lối sống và vốn liếng nhân bản con cái chúng ta nhận. Hình ảnh và các hành vi của các ngôi sao này đưa ra thường là say xỉn, ma túy, nổi loạn, bê bối tình dục.

Với tư cách là cha mẹ và nhà giáo dục, chúng ta có khả năng và trách nhiệm đưa ra những ngôi sao thực sự, đó là các thánh. Truyền thống lâu đời của Giáo hội dạy chúng ta trên hết nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, sau đó là cuộc đời của các thánh để học cách sống tốt.

Nhưng chúng ta, tự cho mình là tín hữu, có tin cuộc sống của Chúa Giêsu và của các thánh là cuộc sống tốt đẹp nhất không? Và nếu chúng ta tin, vì sao chúng ta không giới thiệu họ cho các con để chúng noi theo?

Marta An Nguyễn dịch