Lời của Chân phước Carlo Acutis nói về Bí tích Thánh Thể

90

Lời của Chân phước Carlo Acutis nói về Bí tích Thánh Thể

Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis  (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.

“Thánh Thể là con đường đưa con lên thiên đàng”, câu nói này của Carlo đã đi khắp thế giới. Ông bà có nhớ Carlo nói điều gì khác về Bí tích Thánh Thể không?”

Carlo rất yêu và thường xuyên nói về Bí tích Thánh Thể: “Không có bảy bí tích, chỉ có sáu bí tích cộng một. Sáu bí tích cho và ban ân sủng. Còn Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của các ân sủng này. Vì vậy, ‘trong, với và qua Bí tích Thánh Thể’ chúng ta càng đến gần thì chúng ta càng có nhiều ân sủng. Tất cả lời cầu nguyện, tuần cửu nhật, các cuộc hành hương, các tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô giáo mà không có Bí tích Thánh Thể thì chỉ là những việc làm trống rỗng.

Với những lời đơn giản và quen thuộc này, Carlo giống Thánh Tôma Aquinô, ngài đã nói: “Bí tích Thánh Thể là mục đích và thành tựu của tất cả các bí tích, (…) tất cả các bí tích khác đều quy về cùng đích là Bí tích Thánh Thể. Thánh hóa các bí tích khác là chuẩn bị để nhận, để thánh hiến Bí tích Thánh Thể.”

Vì thế để nhận được nhiều ân sủng hơn, chúng ta phải siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể.

Mỗi người phải tự điều chỉnh để hiệp thông, có nghĩa phải cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Như thế nào? Bằng cách xóa hết lỗi này đến lỗi khác và chinh phục từng đức tính này đến đức tính khác. Đó là toàn bộ bí mật. Nếu 951 năm đã trôi qua kể từ cuộc ly giáo ở phương Đông và 488 năm kể từ cuộc nổi dậy của đạo tin lành thì tất cả những điều này xảy ra là do chúng ta đã nghiên cứu quá nhiều lịch sử và thần học, nhưng chúng ta đã không cố gắng để nên thánh.

Mục đích tốt lành ân sủng Thiên Chúa là để giáo dân của ba tôn giáo đơn thần cảm thấy mình được hướng đến hiệp nhất. Đời sống hàng ngày của người tín hữu kitô chủ yếu tích lũy, tận dụng các ơn này. Mọi thứ khác chỉ là bổ sung, là đóng góp nếu chúng ta muốn, nhưng không có gì hơn thế.

Carlo nói, biết kính thờ Thánh Thể thì chúng ta tìm thấy toàn bộ tạo vật trong đó. Mỗi ngày Carlo chầu Thánh Thể ít nhất nửa giờ và giữ các điều kiện Giáo hội đặt ra để nhận ơn toàn xá, mang lợi ích cho mình, cho người khác, cho những người còn ở trong luyện ngục.

Carlo nói với chúng tôi, dù không thuận tiện để hội đủ điều kiện nhận ơn toàn xá nhưng chúng ta tin vào lời quyền năng của Chúa Giêsu nói trong Phúc âm Thánh Mát-thêu (28, 20): “Và Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”

Với Carlo, ở “với các con” là cùng sống chung, là cùng chia sẻ, cùng vui vẻ hợp tác, cùng lập kế hoạch, tương tác, hòa hợp trong tổ chức, cùng hỏi đáp, phối hợp hoạt động, cùng phát triển ý tưởng, cùng theo đuổi lý tưởng, cùng sống chung các giá trị, cùng bảo vệ các giá trị, cùng cải thiện. “Ở cùng anh chị em” là mọi người cùng ở nhà tạm. “Ở cùng anh chị em” là cùng ở trong một cuộc sống. Bằng cách đứng trước nhà tạm, hiểu nhà tạm là gì, để cuối cùng ở cùng nhau trong nhà tạm. Chương trình Ba Ngôi với hữu thể có ý nghĩa rất rõ ràng: nâng chúng ta lên trạng thái siêu nhiên, nhận chúng ta là con để có di sản đời đời. Thiên Chúa đã nói với ông Môsê: “Ta sẽ ở cùng các ngươi” (Xh 3:12) và Chúa Giêsu Kitô nhắc lại điều này với mỗi chúng ta, những người đã được rửa tội và sống theo Tin Mừng của Ngài.

Carlo tin chắc về tất cả những điều này, Carlo đi lễ, chầu Mình Thánh để gặp Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Trong số các ghi chép của Carlo, chúng tôi tìm thấy những dòng sau – chúng tôi không biết đây là từ các bài Carlo nghe hay từ suy nghĩ riêng của Carlo – tất cả đều tập trung vào sự thật, trong suốt 2.000 năm, Thiên Chúa Ba Ngôi ngự giữa chúng ta:

“Và Ngôi Lời đã làm người… kết hợp nhân tính và thiên tính trong một Ngôi Thiên Chúa duy nhất và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Nhưng ở đây chúng ta không nên hiểu chữ “ở” theo nghĩa thông thường là có một chỗ ở trên trái đất vì nó làm giản lược mọi sự. Động từ cư trú trong tiếng la-tinh là habere, có nghĩa là có, là nắm giữ, là thường xuyên, sở hữu, thánh hóa, đồng hóa, là tự nhiên, là kết hợp… vì thế chúng ta dùng câu “Ngài ở giữa chúng ta” với một nghĩa rộng hơn, đầy đủ hơn. Chúa Giêsu mặc lấy bản tính con người và làm người, Ngài xuống thế không phải là người ngoài hành tinh xuống trái đất, nhưng là “Đấng” ngự bên ngoài thời gian và không gian, cùng với thiên nhiên bước vào thời gian và không gian. Chúng ta được bao bọc, được đồng hóa, được tạo ra một cách tự nhiên để kết nghĩa với nhau. Như Thánh Phaolô nói, nhờ điều này Chúa Giêsu là “Tất cả trong tất cả” (Cl 3, 11), Ngài mang lấy thực tại đích thực, bản chất đích thực của hành tinh; Trái đất này là một phần của sự sáng tạo, của vũ trụ.

Trước khi Nhập Thể, nhân loại là tù nhân của lỗi lầm từ nguyên thủy và trong hiện tại, qua nhiều thế kỷ đã đi vào vực thẳm không thể dò thấu, không thể vượt qua. Nhưng, tại một thời điểm, “tình yêu” đã chiến thắng “công lý”, “lòng thương xót” đã chiến thắng “nỗi đau”; tội lỗi đã bị Chúa Nhập Thể đánh bại… Hành tinh này đã nhìn thấy nơi Chúa, trong suốt một thế hệ, nhân vị Ngôi Ba Chí Thánh, nhập thể hơn hai mươi thế kỷ đã không còn như trước nữa. Có lẽ về các mặt thiên văn, khoa học, địa chất, hành tinh vẫn như trước đây, nhưng theo quan điểm Tin Mừng về Nhập Thể, hành tinh không còn là hành tinh của thời trước nhưng là hành tinh được vĩnh cửu bao bọc trong một thiết kế thiêng liêng mà chúng ta thực sự đã đắm chìm trong đó suốt 21 thế kỷ. Chúng ta phải xem “nơi ở” này là nơi ở của Chúa Giêsu trên hành tinh, Đấng ngày nay vẫn hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, cũng như trong đức tin chúng ta. Và vì vậy Ngài bước đi giữa chúng ta, Ngài sống giữa chúng ta, Ngài chia sẻ cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong đức tin, trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải xem Bí tích Thánh Thể là Chúa Kitô ở lại trên hành tinh này, Chúa Giêsu ở giữa chúng ta, với chúng ta và trong chúng ta.

Và bây giờ Bí tích Thánh Thể, một “Nhập Thể thứ hai” thực sự trở thành bí tích, không phải bí tích theo quan điểm nghi lễ, mà theo quan điểm siêu nhiên. Vì thế khi chúng ta rước lễ, Chúa Giêsu dừng lại trong chúng ta mười lăm phút, ẩn mình trong bánh và rượu, Ngài hiện diện một cách thực sự, Ngài thực sự sống trong chúng ta, theo nghĩa tôi đã nói trước đó, chia sẻ cuộc sống hàng ngày với chúng ta, sau khi bánh và rượu đã phân hủy, qua ân sủng của Ngài, Ngài tiếp tục ở trong chúng ta. Và chúng ta là nhà của Ngài, nơi ở của Ngài, qua đó Chúa Giêsu hiện diện, sống động và chân thật, không chỉ là sự kiện đức tin, một sự kiện “bí tích” mà còn là một sự thật về “Sự Sống”! Đến nỗi Chúa Giêsu ở với tôi và tôi ở với Ngài như một sự thật cực kỳ riêng tư và cá nhân. Sự tiếp xúc trực tiếp giữa Chúa Giêsu và tôi qua Bí tích Thánh Thể và đức tin. Khi Chúa Giêsu xuống thế, như Thánh Phaolô giải thích, Ngài là toàn bộ cõi vĩnh hằng, toàn thể nhân loại. Nhân loại trước Ngài, nhân loại với Ngài, nhân loại sau Ngài. Đây là ý nghĩa của sự sống. Chúa Giêsu khi sống theo nghĩa này, đã tóm tắt trong chính Ngài ngày này qua ngày khác, giờ này qua giờ khác, toàn thể nhân loại, theo mọi nghĩa… Chúng ta đứng trước một phép lạ làm chúng ta ngạc nhiên, đó là phép lạ cứu chuộc, phép lạ cuộc đời Chúa Giêsu với chúng ta, Đấng tóm tắt toàn thể nhân loại trong Ngài, là Đấng Cứu Chuộc, Đấng Cứu Độ, Đấng Thánh Hóa mỗi chúng ta.

Carlo thường nói: “Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ được biến đổi thành Tình yêu”. Như bánh và rượu qua việc truyền phép, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ được “biến đổi bản thể” trong Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta: “Ta là bánh sự sống” (Ga 6:35); “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6:51). Ngài nhắc lại một cách đầy uy quyền: “Không phải ông Môsê đã cho các ông bánh từ trời; chính Cha Thầy là Đấng ban cho anh em bánh từ trời” (Ga 6:32). Chúa Giêsu là Bánh hằng sống từ trời, bánh không bao giờ hư nát, không phải manna người dân Israel ăn trong sa mạc là bánh dễ hư nát (Ga 6:31-35).

Khi Chúa Giêsu nói không phải ông Môsê ban Bánh từ trời, nhưng chính Chúa Cha ban Bánh từ trời, Ngài muốn nói đến Bí tích Thánh Thể. Công trình vĩ đại, kế hoạch uy tín, dự án phi thường của Ngài trở thành hiện thực. Chúng ta bước vào bối cảnh Bí tích Thánh Thể. Đấng từ trời xuống là cách nói cần nghiên cứu và suy niệm lại. Thiên đàng là vĩnh cửu. Chúng ta nói về sự đi xuống vì chúng ta nghĩ bầu trời là một thực thể ở trên chúng ta. Nhưng từ này chỉ đơn giản có nghĩa là “đến”, “đến” từ cõi vĩnh hằng, từ không gian bao la đến hành tinh Trái đất. Có một sự can thiệp độc đáo: Ba Ngôi Chí Thánh thiết lập sự tiếp xúc cá nhân với hữu thể có lý trí. Đó là cuộc gặp trở thành sự thật. Bánh của Thiên Chúa: bánh của Sự sống.

“Họ thưa với Ngài: Lạy Chúa, xin luôn ban bánh này cho chúng con” (Ga 6:34). Chúa Giêsu trả lời: “Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói; ai tin vào Ta sẽ không bao giờ khát” (Ga 6:35). Chúa Giêsu tuyên bố một chân lý, Ngài là “bánh hằng sống”. Mục đích của Ngài được hình thành trong lời nói của Ngài. Ngài hứa với chúng ta, Ngài là “của ăn”. Đây là sự kiện lịch sử. Câu “Ta là bánh hằng sống” có nghĩa là gánh nặng to lớn quá mức chúng ta mang đã được Chúa Kitô đảm nhận, được bản tính Thiên Chúa nâng đỡ, được Thiên Chúa làm thành của ăn để chúng ta không còn đói khát. Chúa Kitô hiện diện thực sự trong bánh và rượu. Chính bánh đã cho phép sự tồn tại chuyển sang cõi bên kia. Và Ngài nói thêm: “Nhưng Thầy đã nói với các con: các con đã thấy mà không tin” (Ga 6:36). Ngài nói họ không có đức tin. Họ chống lại Ngài khi Ngài nói những câu khó hiểu: “Ta là bánh từ trời xuống”. Họ biết gia đình Ngài, biết Mẹ Maria, biết Thánh Giuse. Ở đây chúng ta có một minh chứng quý giá về tính xác thực lịch sử của Chúa Kitô. Với họ, đó là điều phi lý, không liên quan gì đến trời đất. Họ nghe câu: “Ta là Bánh từ trời xuống.” Đó là bánh gì, bầu trời nào, xuống thế là gì? Họ thắc mắc, họ bàn thảo, họ hoang mang, họ nói bóng gió, họ lo lắng, họ bị kích động.

Chúa Giêsu bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Amen, amen, tôi bảo các ông, ai tin thì được sự sống đời đời” (Ga 6:43-44,47). Chúa Giêsu đưa họ vào lãnh vực siêu nhiên. Ngài giải thích: “Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Bánh tôi ban chính là thịt tôi, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Ngài xác định rõ ý muốn của Ngài: Ngài hiến thân mình làm thức ăn của uống. Ngài không nói lý thuyết. Ngài không trốn đằng sau sự tuyệt đối. Ngài không làm phức tạp mọi thứ bằng lý luận sâu sắc. Ngài nói về manna, về sa mạc, về các người cha, về những người đã chết. Về chủ đề này, họ không thể tranh cãi với Ngài. Kinh thánh ở đó, trong nguyện đường, mọi người có thể đọc và bàn luận về Kinh Thánh. Nhưng đột nhiên, như tiếng sấm trên bầu trời thanh bình, Ngài nói Ngài là Bánh hằng sống, bảo đảm cho sự sống đời đời. Ngài nói về xác thịt Ngài ban để thế gian có sự sống. Đó là thực tế về thể chất, tâm lý và thiêng liêng của Ngài. Thực tại này là Bánh hằng sống. Bánh chúng ta ăn để sống đời đời. Nếu không thì sẽ chết vĩnh viễn. Ngài tuyên bố như ném một hòn đá lớn xuống ao: một hứa hẹn kinh ngạc. Ngài nói rõ, Ngài khẳng định bằng những lời lẽ chính xác và rõ ràng đến nỗi người do thái cãi nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt của ông được?” (Ga 6:52). Họ hiểu rất rõ. Họ gần như buộc tội Ngài kích động ăn thịt người. “Thịt của Ta là để ăn”: họ tập trung vào vấn đề. Chắc chắn những lời khẳng định và tuyên bố của Chúa Giêsu không phải là những lời rõ ràng nhất. Đây là lời nói bùng nổ. Đây là cái nhìn thoáng qua của bầu trời.

Nhưng Chúa Giêsu nói với họ:

Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời (Ga 6:53-58).

Đây là sáu câu trọng tâm, sáu câu thơ siêu từ, sáu câu của thế giới bên kia, sáu câu thơ từ cõi vĩnh hằng. Ngài không nói những thuật ngữ chung chung hoặc gần đúng. Ngài không nói từ xa, Ngài không nói phỏng chừng. Ngài nói tức thì, một cách rất cụ thể, Ngài hiến thân cho chúng ta, Ngài dùng chính thân xác Ngài để nuôi sống chúng ta. Thực tại thiêng liêng và nhân bản của Ngài, Ngài ban trọn vẹn cho chúng ta. Nếu tất cả những điều này không phải là Tình yêu thì đó là gì? Chúa Giêsu thiết lập mối liên hệ rất gần gũi, rất mật thiết với Ngài. Một kết hợp của cuộc sống. Một liên kết trong tầm tay của vĩnh cửu. Chúa Giêsu và chúng ta. Chúa Giêsu ở cùng chúng ta. Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Chúa Giêsu ở trong chúng ta. Chúng ta thấy đây là mối quan hệ cá nhân. Tất cả chúng ta đều quan tâm đến việc cùng nhau xây dựng cuộc sống này. Thức ăn của uống cần thiết để nuôi cơ thể. Bao lâu bánh và rượu chưa tan biến thì trong chúng ta có sự hiện diện của Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Chúa Kitô. Cơ thể chúng ta được liên kết mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và con người thật. Chúa Giêsu hứa ban sự sống đời đời cho những ai rước lễ. Ngài không nói “sẽ có” nhưng nói “có” cuộc sống vĩnh cửu. Như thế là đồng vĩnh cửu. Chúng ta rước lễ, chúng ta có sự sống đời đời.

Có được cuộc sống vĩnh cửu có nghĩa là có mọi thứ cần thiết và thiết yếu để bước vào và trở thành một phần của cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta đã được ghi tên trong “sổ đăng ký dân sự của bầu trời”. Theo quyền riêng của chúng ta, chúng ta là những công dân của sự chung sống vĩnh cửu. Và Ngài khẳng định: “Vì thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống” (Ga 6: 55). Ngài tận hiến đến cùng: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở trong người ấy” (Ga 6: 56). Ai rước lễ là người đó tạo ra ngôi nhà. Một ngôi nhà chung. Chúng ta cùng nhau dưới một mái nhà. “Trong tôi”, “trong Ngài”: hơn cả sự chung sống, đó là sự gắn kết của các sinh vật không hòa nhập, không hòa quyện với nhau nhưng kết hiệp với nhau. Một kết hiệp không mang tính biểu tượng, không thơ mộng hay tình cảm. Vậy như thế là gì? Rõ ràng là nó không liên quan gì đến bên ngoài hay gần gũi. Đó là một thực tại chạm tới tận gốc rễ, chạm tới vực sâu, thấm nhập trong mật thiết. Chúa Giêsu muốn hiện thực hóa và thực hiện sự kết hợp này bằng cách ban Mình, Máu, linh hồn và thần tính. Và Ngài kết thúc như sau: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6: 57-58). Chúa Giêsu, Đấng mạc khải Ba Ngôi, Đấng mang Ba Ngôi đến cho chúng ta trong sự hiệp nhất tuyệt đối của Ba Ngôi. Và Ngài cho chúng ta biết tên tương ứng của các ngài: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Chúa Cha tạo ra. Chúa Con được sinh ra. Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Qua hiệp thông, chúng ta tồn tại để có sự sống. Chúa Giêsu nói về sự sống, Ngài hứa ban sự sống, Ngài ban sự sống.

Một cuộc sống như vậy chính là Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là Chúa Kitô, con người thật và Thiên Chúa thật. Bánh sự sống là Chúa Kitô. Ngài là Bánh từ trời xuống. Từ vĩnh hằng trong thời gian. Từ trời xuống đất. Đi xuống: từ trời xuống đất. Trên trời mở ra thời gian viên mãn và giao tiếp với dưới đất. Hiệp thông: truyền sự sống một cách đáng kể và liên tục vào cuộc sống. Tóm lại: thực chất Chúa Giêsu hiện diện một cách thực chất trong Mình, Máu, linh hồn và thần tính trong bánh và rượu. Công đồng Trent nói về “biến thể”. Sau khi truyền phép, tất cả những gì còn lại của bánh và rượu là phụ thể, màu sắc, mùi vị, mùi vị, số lượng. Bánh mì và rượu là khí cụ. Chúa Giêsu là bản chất.

Marta An Nguyễn dịch