Phỏng vấn nhà báo Gerard O’Connell về tình bạn của ông với Đức Phanxicô và các bài phóng sự của ông

38

Phỏng vấn nhà báo Gerard O’Connell về tình bạn của ông với Đức Phanxicô và các bài phóng sự của ông

americamagazine.org, Connor Hartigan, 2024-08-05

 

Đức Phanxicô chào ông Gerard O’Connell, phóng viên tại Vatican của tạp chí America, trong buổi tiếp kiến các thành viên của Hiệp hội Nhà báo Quốc tế được công nhận tại Vatican ở Phòng Clementine của Dinh Tông tòa ngày 22 tháng 1 năm 2024. (Ảnh CNS/Vatican Media)

Bài tiểu luận này là một bài của Cover Story, chuyên mục hàng tuần của những bài được lựa chọn hàng đầu của các giám đốc biên tập của America Media.

Từ năm 2014, nhà báo Gerard O’Connell là phóng viên Vatican cho tạp chí America, trước đây ông viết các bài tường thuật cho nhiều báo công giáo khác nhau. Ông là người Ai-len, sống ở Rôma từ hàng chục năm nay, ông đưa tin về ba triều giáo hoàng, ông có mối quan hệ cá nhân thân thiết với Giáo hoàng Phanxicô. Ông là tác giả quyển Bầu chọn Đức Phanxicô: Bên trong Mật nghị làm thay đổi lịch sử (The Election of Pope Francis: An Inside Account of the Conclave That Changed History, 2019).

Tôi vừa có cuộc nói chuyện với ông O’Connell để tìm hiểu thêm về mục vụ truyền thông của ông tại thành phố trung tâm của đức tin công giáo.

Connor Hartigan: Ông có thể cho chúng tôi biết đôi chút về lý lịch của ông và làm thế nào ông là phóng viên Vatican cho America Media?

Gerard O’Connell: Tôi bắt đầu làm phóng viên Vatican cho tạp chí America trên chuyến bay Alitalia đưa Đức Phanxicô đi Đất Thánh tháng 5 năm 2014. Vài tháng trước đó, linh mục Dòng Tên Matt Malone tiếp xúc với tôi, ngài hỏi tôi có muốn là phóng viên ở Vatican cho tạp chí America không – tạp chí đầu tiên trong lịch sử ra đời năm 1909.

Lần đầu tiên tôi gặp linh mục Matt là trong mật nghị năm 2013, khi đó linh mục ở Rôma, là chủ tịch kiêm tổng biên tập vừa được tạp chí America bổ nhiệm, linh mục ở Rôma để đưa tin về sự kiện lịch sử này. Linh mục hỏi tôi ai có thể là giáo hoàng tiếp theo và rất ngạc nhiên khi tôi dự đoán Hồng y Jorge Mario Bergoglio, vì không ai nhắc đến tên hồng y này.

Lúc chúng tôi gặp nhau, tôi đang làm cho nhật báo Ý La Stampa và trang web Vatican Insider của tờ báo này. Tôi cũng là nhà phân tích Vatican cho CTV, kênh truyền hình tiếng Anh của Canada. Trước đó, tôi làm việc trong 10 năm cho The Tablet, tuần báo công giáo quốc tế xuất bản tại London, và 10 năm cho UCAN, hãng thông tấn công giáo chính tại châu Á. Kể từ năm 1985, tôi đưa tin về các sự kiện chính tại Vatican, gồm tất cả các thượng hội đồng, các chuyến tông du nước ngoài của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, sự kiện Đức Gioan-Phaolô II qua đời, Đức Bênêđíctô XVI từ nhiệm và các mật nghị năm 2005 và năm 2013.

Tôi chấp nhận đề nghị của linh mục Matt để làm việc cho tạp chí America vì từ lâu tôi ngưỡng phục sự dấn thân của Dòng Tên trong lãnh vực đức tin và công lý, phản ánh mạnh mẽ trong ban biên tập của tạp chí.

Việc đưa tin về Đức Phanxicô khác với việc đưa tin về các giáo hoàng khác như thế nào?

Sau khi đưa tin về ba giáo hoàng – Ba Lan, Đức và Argentina – tôi khám phá đây thực sự là một nhiệm vụ đầy thử thách và hấp dẫn, một nhiệm vụ không chỉ đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về đức tin và lịch sử Giáo hội mà còn về kỹ năng ngôn ngữ. Thêm nữa, công việc này còn liên quan đến việc xây dựng mối quan hệ tin cậy với các giám chức chủ chốt của Vatican, các nguồn tin thân cận với giáo hoàng.

Trong trường hợp của Đức Phanxicô, tôi có lợi thế hiếm có là đã quen biết ngài gần 20 năm. Vợ tôi (Elisabetta Piqué cũng là nhà báo) và tôi đã biết ngài và là bạn của ngài từ rất lâu trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng, tình bạn này vẫn kéo dài cho đến ngày nay. Tất nhiên, điều này đã tạo một khác biệt to lớn, giúp chúng tôi hiểu rõ ngài khi ngài nói và trong việc đưa tin chính xác cho các cơ quan truyền thông chúng tôi làm việc.

Rôma và Vatican đã thay đổi như thế nào trong thời gian ông làm việc ở đây?

Tôi sống ở thành phố này gần 40 năm nay, trong thời gian này tôi đã chứng kiến những thay đổi to lớn. Trước hết là thay đổi trong công nghệ ngành báo, thay đổi rất nhiều so với khi tôi bắt đầu viết.

Tôi chứng kiến an ninh được thắt chặt, đặc biệt chung quanh Vatican. Hệ thống giao thông công cộng được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều điều đáng mong đợi vì xe cá nhân vẫn tiếp tục lấn chiếm đường phố.

Rôma tiếp tục thu hút càng ngày càng nhiều khách hành hương và khách du lịch, hiện tại thành phố đang được sửa sang để chuẩn bị  cho Năm Thánh 2025, dự kiến sẽ có hơn 30 triệu khách hành hương đến thành phố gần 2.800 năm tuổi này.

Các bảo tàng Vatican đã được nâng cấp và tiếp tục thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Các quán bar, đặc biệt là các nhà hàng xung quanh Vatican và ở trung tâm thành phố tăng giá rất cao để bù đắp lỗ lã trong thời đại dịch. Giá phòng khách sạn cũng tăng cao.

Nhiều giám mục trong các chuyến thăm ad limina cho biết, dưới thời Đức Phanxicô Vatican đã trở thành nơi thân thiện hơn nhiều so với trước đây. Các quan chức Vatican nồng nhiệt chào đón và lắng nghe du khách, dù họ kà giám mục hay giáo dân. Tóm lại, thành phố đã thay đổi và Vatican đã thay đổi, cũng như cách tôi làm việc.

Cảm nhận của ông về Đức Phanxicô trong những ngày này như thế nào?

Ngoài vấn đề đi đứng, Đức Phanxicô có sức khỏe rất tốt, ngài không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Ngài thích công việc của ngài, ngài thích gặp gỡ mọi người. Ngài vẫn tiếp tục làm việc ngay cả trong thời gian nghỉ hè, ngài chuẩn bị chuyến đi Á châu dài ngày đến Indonesia, Papua Tân Ghinê, Đông Timor và Singapore vào đầu tháng 9. Cuối tháng 9, ngài đi các chuyến đi ngắn đến Luxembourg và Bỉ. Ngài đang có kế hoạch tổ chức công nghị để phong các tân hồng y trước cuối năm. Ngài sẽ họp phiên họp cuối cùng Thượng hội đồng vào tháng 10 và khai mạc Năm Thánh ngày 24 tháng 12, một tuần sau khi ngài mừng sinh nhật thứ 88. Không có dấu hiệu nào cho thấy ngài sẽ dừng lại, ngài tiếp tục sứ mệnh của ngài khi Chúa còn ban cho ngài sức khỏe.

Cảm nhận của ông khi đi máy bay với ngài và kinh nghiệm của ông về các cuộc họp báo trên máy bay như thế nào?

Là một vinh dự lớn lao khi được đi máy bay với ngài, chúng tôi có dịp để chào ngài riêng. Ngoài đoàn tùy tùng gồm đội an ninh và nhân viên y tế khoảng 20 người, sẽ có khoảng 75 nhà báo trên chuyến đi Á châu, chuyến đi nước ngoài dài nhất của ngài. Bây giờ ngài đã biết gần hết các nhà báo và đời sống của họ, vì khi chào các nhà báo, nhiều người đã kể cho ngài nghe câu chuyện của họ, họ gởi thư hoặc quà cho ngài. Với chúng tôi, gặp Đức Phanxicô là khoảnh khắc đặc biệt, ngài dành nhiều thì giờ cho từng người.

Các cuộc họp báo trên chuyến bay về Rôma là những khoảnh khắc rất được mong chờ. Đức Phanxicô không biết trước các câu hỏi và người hỏi phải sẵn sàng cho những điều bất ngờ khi ngài trả lời. Khi kết thúc phỏng vấn, chúng tôi bắt đầu làm việc, nhưng không dễ để tổng hợp những gì ngài nói. Đây là công việc rất bận rộn nếu thời gian hạ cánh ngắn.

Một ngày bình thường trong cuộc sống của ông ở Rôma như thế nào?

Là phóng viên của tờ America tại Vatican, tôi phải ứng trực 7/7 và 24/24, đặc biệt là dưới triều Đức Phanxicô. Bạn không được bỏ lỡ một tin tức quan trọng hoặc phạm một sai lầm lớn. Không ít lần, những câu chuyện quan trọng xuất hiện vào cuối tuần và đôi khi vào buổi tối khuya.

Một ngày bình thường của tôi bắt đầu với việc xem lại các báo chính của Ý để kiểm tra xem có câu chuyện nào liên quan đến Vatican không. Bạn phải xem qua chương trình nghị sự của giáo hoàng trong ngày. Bạn có thể phải dự một cuộc họp báo lớn. Bạn có thể phải sắp xếp hoặc thực hiện một phỏng vấn với một viên chức Vatican hoặc hồng y đến thăm, hoặc các chủ đề mà bạn quan tâm. Bạn thường phải đọc sách hoặc đọc các phỏng vấn có liên quan, nhận thông tin tóm tắt từ các nguồn đáng tin cậy và nói chuyện với đồng nghiệp. Nhiều lúc bạn nghĩ mình có một ngày rảnh rỗi nhưng rồi bạn ngạc nhiên khi vài giờ sau, Vatican công bố một số tin tức bất ngờ bắt bạn phải chăm chỉ làm việc trên máy tính.

Không ít lần, các phương tiện truyền thông khác trong lĩnh vực phát thanh hoặc truyền hình liên hệ với tôi để phỏng vấn hoặc để biết thông tin căn bản về các chủ đề liên quan đến Đức Phanxicô  hoặc Vatican. Đôi khi các nhà ngoại giao, các nhà báo, các nhà nghiên cứu hoặc sinh viên trong lãnh vực truyền thông liên hệ với tôi để xin thông tin hoặc lời khuyên, và đó là một đóng góp tôi rất vui khi làm.

Ngoài tất cả những điều trên, là phóng viên của Vatican là xây dựng lòng tin, phát triển mối quan hệ tốt với các quan chức trong Giáo triều la-mã và các nguồn thông tin khác. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải dành nhiều thì giờ cho mọi người, mời các nguồn tin đi ăn hoặc uống nước và tôn trọng sự riêng tư. Mặc dù tốc độ được đánh giá cao và quan trọng trong phương tiện truyền thông ngày nay, nhưng tôi thường xem trọng sự chính xác hơn tốc độ bất cứ khi nào cần thiết.

Với Thượng hội đồng sắp tới, ông nghĩ Thượng hội đồng sẽ như thế nào và ông nghĩ gì về hướng đi mà Giáo hội đang hướng tới?

Từ lâu tôi nghĩ Thượng hội đồng này sẽ là một trong những sự kiện mang tính chuyển đổi quan trọng của Giáo hội công giáo kể từ Công đồng Vatican II. Tôi mong đợi Thượng hội đồng tháng 10 sẽ tiến triển vững chắc theo chiều hướng này, không phải bằng cách giải quyết một trong những câu hỏi nóng hổi, mà là về việc thúc đẩy tinh thần đồng trách nhiệm lớn hơn của tất cả các thành viên trong Giáo hội, đặc biệt là giao cho phụ nữ nhiều trách nhiệm hơn. Tôi mong đợi Thượng hội đồng sẽ định hình lại cách Giáo hội giải quyết các vấn đề trong tương lai theo cách đồng nghị ở cả cấp độ địa phương và quốc tế, vượt lên sự phân cực, duy trì sự thống nhất và trọng tâm truyền giáo.

Ông đang theo dõi những nhân vật nào trong Giáo hội?

Đây là câu hỏi dẫn đầu! Tôi luôn theo dõi những gì Đức Phanxicô đang làm và cách những người ở các vị trí cao trong Giáo triều Rôma và các giáo phận quan trọng trên toàn thế giới đang thực hiện sứ mệnh của họ. Tôi mong chờ xem ai là người Đức Phanxicô chọn làm hồng y trong công nghị cuối năm nay.

Làm việc trong một gia đình làm báo là như thế nào, cùng vợ đưa tin về các xung đột ở những nơi khác nhau trên thế giới? Công việc của ông có trùng với công việc của bà không?

Vừa thú vị vừa đầy thử thách. Thú vị, vì chúng tôi chia sẻ thông tin và thường có thể cùng nhau làm việc về các chuyện, và không ít lần kiểm tra những gì người kia viết. Thật là thử thách, đặc biệt là khi Elisabetta xa nhà để đưa tin về các cuộc xung đột, tôi vừa cố gắng theo dõi sát sao những gì vợ tôi làm, vừa chăm sóc hai đứa con tuổi teen của chúng tôi, tập trung vào công việc tôi phải làm cho tạp chí America.

Khi nhà tôi đưa tin về các cuộc xung đột, tôi học rất nhiều về chính trị và nỗi đau của những người ở các vùng chiến sự, gần đây nhất là ở Ukraine và Đất Thánh. Như Đức Phanxicô tiết lộ trước công chúng, tôi luôn ấn tượng về cách ngài thường xuyên gọi điện cho nhà tôi để hỏi thăm tình hình của bà và tìm hiểu những gì đang diễn ra ở tuyến đầu.

Marta An Nguyễn dịch