Bà Kamala Harris thách thức ông Donald Trump và các giám mục công giáo

309

Bà Kamala Harris thách thức ông Donald Trump và các giám mục công giáo

cath.ch, Barnard Hallet, 2024-08-05

Bà Kamala Harris tại cuộc họp ở Atlanta ngày 30 tháng 7, bà hứa sẽ đưa quyền phá thai vào Hiến pháp nếu bà đắc cử | © Keystone /EPA/Edward M. Pio Roda

Với nhiều quan điểm của mình, bà Kamala Harris đã xúc phạm đến các giám mục bảo thủ Mỹ. Trong tư cách là người kế vị Tổng thống công giáo Joe Biden tại Nhà Trắng, bà sẽ tạo nhiều xung đột với Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đặc biệt về quyền phá thai.

Trong lần xuất hiện đầu tiên của bà ở tư cách ứng cử viên tổng thống, bài hát Freedom của huyền thoại R&B da đen được vang lên qua tiếng hát của ca sĩ Beyoncé. Đảng Dân chủ đã nhanh chóng ủng hộ bà. Trong khoảng 36 giờ, bà đã tập hợp được tất cả các nhân vật trong đảng, các nhà tài trợ, phần lớn trong số 4.000 đại biểu dự kiến có mặt tại hội nghị Chicago vào giữa tháng 8. Họ đã quyên được hơn 100 triệu đô la, và có gần 60.000 tình nguyện viên hỗ trợ chiến dịch tranh cử của bà.

Sự quan tâm được khơi dậy nhờ bài phát biểu đầu tiên của bà với tư cách là ứng cử viên tại “Trường trung học West Allis” ở ngoại ô Milwaukee. Do quá đông người đến dự nên nhiều cổ động viên phải đứng bên ngoài. Những tràng pháo tay vang dội khi bà đề cập đến chủ đề thiết thân của bà: “Chúng tôi sẽ chấm dứt lệnh cấm phá thai cực đoan của Donald Trump.” Bà nói đến các hạn chế quá lớn lao để được phá thai hợp pháp do các bang của Đảng Cộng hòa quyết định, sau quyết định về nguyên tắc của Tòa án Tối cao tháng 6 năm 2022. Dưới ảnh hưởng của ông Trump, Tòa án đã lật ngược nửa thế kỷ luật pháp về phá thai. Vì thế thẩm quyền được tự động trả lại cho các Bang.

Phá thai là trung tâm của cuộc tranh luận

Trên thực tế, ông Trump không ban hành lệnh cấm nhưng mở con đường này. Và chiến dịch bầu cử là lúc làm cho các chủ đề nhạy cảm trầm trọng thêm. Bà Kamala Harris đã làm một cách hiệu quả chủ đề liên quan đến phụ nữ Mỹ: “Chúng tôi tin tưởng phụ nữ sẽ tự đưa ra quyết định về cơ thể của mình và không để chính phủ nói họ có thể làm gì.” Quyền tự do quyết định cho bản thân đã là một trong những thông điệp chính của bà khi bà bắt đầu “Chuyến đi vì quyền tự do sinh sản” vào mùa xuân vừa qua ở các bang Swing States, theo yêu cầu của ông Biden.

Vào tháng 3, bà đã đến thăm một phòng phá thai trong khuôn khổ chiến dịch tranh cử khi ông Joe Biden vẫn còn là ứng cử viên. Bà lên tiếng trong chuyến công du toàn quốc từ tháng 1 nhằm bảo vệ quyền phá thai: “Các cuộc tấn công vào quyền cá nhân đưa ra những quyết định liên quan đến cơ thể của chính mình là điều tai tiếng.”

Tháng 5 vừa qua, bà không ngần ngại đến Florida khi bang này cấm mọi hoạt động phá thai sau 6 tuần mang thai. Bà nói trong bài phát biểu: “Lệnh cấm này áp dụng với nhiều phụ nữ trước khi họ biết mình có thai, điều này cho chúng ta thấy những người cực đoan viết ra nó đã không biết cơ thể phụ nữ hoạt động như thế nào. Hoặc họ không quan tâm.”

Bà hứa sẽ đưa các quyền đã bị Tòa án Tối cao lật ngược thành luật nếu bà được bầu vào Nhà Trắng. Để làm được điều này, bà cần có đa số đảng viên Đảng Dân chủ ở cả hai viện của Quốc hội Mỹ

ủng hộ. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng nhưng bà có thể đạt được. Một phần tư người Mỹ nói trong cuộc thăm dò của viện Ipsos: “Việc tiếp cận phá thai hợp pháp là điều quan trọng nhất trong tất cả các chủ đề.” Trong số các đảng viên Đảng Dân chủ, gần một nửa nói như vậy (45%). Trong khi Tổng thống công giáo Biden phải đấu tranh để chống lại các giám mục bảo thủ, họ là những người đặt cuộc chiến chống phá thai lên hàng đầu, thì bà tiếp cận vấn đề này với Giáo hội Baptist dễ dàng hơn.

Sự chỉ trích của đảng Cộng hòa

Bà Marjorie Dannenfelser, người đứng đầu một tổ chức chống phá thai lớn cho biết bà Kamala Harris đã gởi một tín hiệu rõ vào mùa xuân khi bà đến thăm một phòng khám của Planned Parenthood. Bà Karoline Leavitt, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump lên tiếng: “Trong khi ông Joe Biden khó khăn để phát âm từ phá thai, bà Kamala Harris hét to và rõ ràng. Với tôi Đảng Dân chủ ủng hộ việc phá thai cho đến khi sinh và thậm chí sau khi sinh. Vì thế bà Kamala Harris hoàn toàn mất kết nối với đa số người dân Mỹ.” Trên thực tế, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại với kết quả của tất cả các cuộc trưng cầu dân ý kể từ khi kết thúc “Roe v. Wade” tháng 6 năm 2022, cũng như cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sau đó.

“Xin bà đừng đến”

Nhưng người Mỹ chỉ trích quan điểm về vấn đề nhập cư của bà nhiều hơn. Đảng Cộng hòa biếm họa bà là “sa hoàng biên giới” của tổng thống, vì bà được tổng thống giao nhiệm vụ tìm giải pháp cho dòng người tị nạn tràn vào biên giới giáp Mexico. Một nhiệm vụ bạc bẽo bà cố gắng với những lời giải thích đáng tiếc. Bà Nikki Haley nói trong đại hội Đảng Cộng hòa ở Milwaukee: “Bà Kamala có một việc phải làm, bà phải sửa lại đường biên giới, bà nên nghĩ bà có trách nhiệm cho cả đất nước.” Đây là lập luận về chiến dịch bầu cử. Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, người chịu trách nhiệm đưa 250.000 người không giấy tờ đã vượt biên vào cao điểm cuộc khủng hoảng tháng 12 năm 2023 là người chịu trách nhiệm.

Bà Kamala Harris đã không được lòng các hiệp hội người di cư vì trong chuyến đi Trung Mỹ, bà kêu gọi họ: “Xin đừng đến!” Sau đó bà bảo vệ các tiêu chuẩn tị nạn khắt khe và các biện pháp hạn chế biên giới của Tổng thống Biden. Ngược với ông Trump, tại đại hội Đảng Cộng hòa, ông hứa sẽ “tổ chức các vụ trục xuất hàng loạt lớn nhất lịch sử”, bài phát biểu của ông phù hợp với các giám mục công giáo Hoa Kỳ. Cũng như Hội đồng Giám mục Mỹ, bà Harris liên tục nhắc chúng ta về thách thức nhân đạo. Bà nói trong chuyến đi El Paso ở bang Texas: “Chúng ta không thể biến vấn đề này thành vấn đề chính trị. Chúng ta đang nói về trẻ em, gia đình và sự đau khổ.”

Ngoài ra bà có sự hài hòa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bà đã đưa vào chương trình nghị sự với tư cách là tổng chưởng lý California. Là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, bà là nhà tài trợ cho Thỏa thuận xanh, được đưa vào Đạo luật giảm lạm phát trị giá 370 tỷ đôla, với vấn đề này, năm 2022 trong vai trò chủ tịch Thượng viện, bà có lá phiếu quyết định để phá vỡ tình trạng bế tắc. Năm ngoái, bà dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tới Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thế giới ở Dubai. Bà phát biểu: “Sự cấp bách của thời điểm này là rõ ràng. Đồng hồ không chỉ kêu mà còn đập rất to. Và chúng ta cần bù đắp khoảng thời gian đã mất.” Trong khi ông Trump hứa hẹn sẽ bàn lại vấn đề chuyển hóa xanh và khai thác ồ ạt trữ lượng dầu khí mới thì bà Harris muốn bảo vệ và phát triển những thành tựu đã đạt được.

Bà Kamala Harris đồng điệu với học thuyết xã hội công giáo

Có những điểm đồng nhất quan trọng khác giữa quan điểm của bà và học thuyết xã hội công giáo liên quan đến chính sách y tế, cuộc chiến chống nghèo đói, an ninh cho người già và công bằng xã hội. Điều tương tự cũng xảy ra với lập trường của bà về cuộc chiến ở Gaza, bà kêu gọi “ngừng bắn”, công nhận quyền của Israel trong việc đối đầu với mối đe dọa từ Hamas, bà cảm thấy bị xúc phạm vì “quá nhiều người Palestine vô tội đã thiệt mạng”. Đặc biệt các giám mục bảo thủ Mỹ xa lạ với bà Harris. Ở tuổi 59, bà không chỉ đại diện cho thế hệ chính trị gia mới mà còn phản ánh sự đa dạng tôn giáo ngày càng tăng của Hoa Kỳ. Bà Kamala Harris được người mẹ Ấn Độ nuôi dưỡng theo đạo hinđu trước khi được một người láng giềng ở Oakland đưa bà đến “Nhà thờ của Chúa”.

Khi trưởng thành, bà gia nhập “Giáo hội Baptist thứ ba” của người da đen ở San Francisco, linh mục Amos Brown giảng ở đây. Sau đó bà kết hôn với ông Doug Emhoff, người theo đạo do thái cải cách đến từ New Jersey. Bà thích hợp giữa hai môi trường, nhưng gắn bó với đức tin kitô giáo như các tổng thống Mỹ trước bà. Ngày lịch sử khi Tổng thống Biden từ bỏ chức tổng thống, bà gọi điện cho Mục sư Brown xin ông cầu nguyện với bà như bà ông đã cầu nguyện trong ngày bà nhậm chức phó tổng thống. Mục sư xin Chúa ban ơn để bà có thể “thực thi công lý, yêu mến ân sủng và khiêm nhường đi theo Chúa”. Nếu đắc cử tại đại hội Đảng Dân chủ, bà sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch