Nhái lại Bữa Tiệc Ly trong lễ khai mạc Thế vận hội không có gì là phạm thượng
liberation.fr, Bernadette Sauvaget, 2024-07-29
Những người bị xúc phạm vì chương trình của ông Thomas Jolly, người chỉ huy buổi lễ khai mạc Thế vận hội, bị cho là nhái lại bức tranh Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô dường như họ quên bức tranh này của họa sĩ Leonardo da Vinci chỉ là bức tranh mô tả. Việc ám chỉ nó không cấu thành hành vi phạm tội dưới bất kỳ hình thức nào.
Lễ khai mạc Thế vận mang tính chất toàn cầu. Viện hồi giáo Al-Azhar ở Cairo lên án “tiến trình” bị cho là nhái lại Bữa Tiệc Ly, bữa ăn cuối cùng Chúa Kitô thiết lập Bí tích Thánh Thể, một trong những bí tích chính của kitô giáo. Trong một thông cáo báo chí, Viện cho biết: “Việc xúc phạm đến Chúa Kitô hoặc một trong các nhà tiên tri là hành vi cực đoan, tàn bạo và thiếu suy nghĩ”. Trên thực tế, cuộc tranh cãi đã vượt ngoài thế giới công giáo. Ngày thứ hai ông Samuel Peterschmitt, nhà lãnh đạo truyền giáo nổi tiếng người Pháp, đứng đầu siêu nhà thờ ở Mulhouse đã gởi thư ngỏ cho Tổng thống Pháp, ông thu được 20.000 chữ ký phản đối nước Pháp đã chọn cách giới thiệu mình như một quốc gia ngoại giáo công khai chống lại đức tin kitô giáo.
Không ai công khai nói đây là “phạm thượng”, nhưng thật ra các phản ứng độc hại của cuộc tranh cãi không khác gì những tranh cãi gay gắt xung quanh các bức biếm họa về tiên tri Mohammed giữa những năm 2000. Dù có lời giải thích của ông Thomas Jolly và ban tổ chức Olympic, cuộc tranh cãi vẫn chưa lắng xuống. Ngược lại là đàng khác. Linh mục Paul-Adrien dòng Đa Minh lên tiếng: “Tôi thuộc về thế hệ tín hữu kitô không chấp nhận việc mình bị nhổ vào mặt.” Linh mục trực tiếp phát động chiến dịch mang tính biểu tượng để mang lại danh dự cho Chúa.
Nhưng họ tìm ở đâu những “cảnh chế nhạo và phạm thượng” như các giám mục Pháp nói, như các bình luận ngày càng sôi nổi nói? Chúng ta thừa nhận trình tự này đã được chính những người tổ chức tranh luận khi đề cập đến bức Bữa Tiệc Ly nổi tiếng của họa sĩ Leonardo da Vinci. Không ai có thể phủ nhận tác phẩm danh tiếng này là di sản nghệ thuật và văn hóa thuần túy. Chắc chắn không phải là thần học hay phụng vụ công giáo. Bức tranh là tượng trưng. Bức tranh không phải là bí tích kitô giáo. Tóm lại, việc nhắc đến bức tranh không phải là một hành vi phạm tội. Trừ khi chúng ta thánh hóa tác phẩm của Vinci, vì thế điều này giống với việc thờ hình tượng, một trong những lỗi lầm lớn bị Kinh thánh lên án.
Trong lễ khai mạc, không có lúc nào các nhân vật trong bức tranh này bắt chước điều gì về Bí tích Thánh Thể. Nếu nhìn bức tranh dưới quan điểm của người có đức tin thì bức tranh có thể bị cho là báng bổ. Không có chuyện này trong chương trình của ông Thomas Jolly. Phải thực sự muốn thấy Chúa Giêsu ở khắp mọi nơi để nhận ra tác phẩm này nhái Ngài qua nhân vật DJ Barbara Butch và vầng hào quang của bà mà có người đơn giản cho đó là hào quang của Tượng Nữ thần Tự do.
Ngược lại, những lời lên tiếng buộc tội này tiềm ẩn một nguy cơ không thể bỏ qua: kể từ khi chủ nghĩa tôn giáo chính thống quay trở lại vào cuối những năm 1970, các cuộc tranh luận về tội báng bổ đã trở nên sôi nổi. Và đôi khi là giết người.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch