Phương pháp Bergoglio

53

Phương pháp Bergoglio

romatoday.it, Elder Red, 2024-07-25

Khi Đức Phanxicô bắt đầu cải cách Giáo triều Rôma, hình ảnh Giáo hoàng Gioan-Phaolô I Luciani lập tức hiện lên trong tâm trí nhiều người. Có lẽ do ảnh hưởng của thuyết âm mưu trong môi trường tự nhiên đằng sau các hàng cột Bernini của Đền thờ Thánh Phêrô, theo phản xạ, một số trong chúng ta lo cho số phận của giáo hoàng “đến từ nơi tận cùng thế giới”. Tôi nhớ mùa xuân năm 2013, lời của một giám mục sống “lâu năm” ở các hàng cột này nói: “Xin quý vị đừng quên, ông ấy là tu sĩ Dòng Tên! Với người trẻ, “tu sĩ Dòng Tên” không mang nhiều ý nghĩa; triều giáo hoàng quá dài của Đức Gioan-Phaolô II đặt các dòng khác vào trọng tâm sinh hoạt mục vụ; “huyền thoại đen” chung quanh các tu sĩ Dòng Tên bị cho là một loạt cuộc chiến nội bộ, đặc biệt do cú sốc Nam Mỹ và cộng đồng hải ngoại gắn liền với thần học giải phóng.

Hình ảnh Đức Gioan-Phaolô II giận dữ giơ tay ở sân bay Managua trước mặt Ernesto Cardenal, một trong các cha đẻ của thần học giải phóng, quỳ gối trước Vị Đại Diện Chúa Kitô chờ phép lành của ngài, nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ. Đó là thời điểm cần thiết để “bảo đảm” giáo lý công giáo, và chính vì lý do này mà Hồng y Joseph Ratzinger đã là cánh tay đắc lực của Đức Gioan-Phaolô II. Sau nhiều thế kỷ các tu sĩ Dòng Tên được xem là cánh tay đắc lực của giáo hoàng, bây giờ họ phải trả giá cho sự gần gũi của họ với thần học giải phóng, đặc biệt ở Nam Mỹ, lần đầu tiên họ bị nhìn với con mắt nghi ngờ.

Việc họ bị gạt ra ngoài lề trong một phần tư thế kỷ này đã có hai tác động trái ngược nhau: thứ nhất họ chứng kiến sự suy giảm “quyền lực đen” (thường gán cho các tu sĩ Dòng Tên) ở Vatican; thứ hai hình ảnh của họ nhân văn hơn, bớt ủ rũ hơn, giúp phá bỏ hàng loạt định kiến chống lại họ. Bắt đầu từ việc bầu chọn Giáo hoàng! Người ta thường nói sẽ không bao giờ có một giáo hoàng Dòng Tên. Đó sẽ là một sức mạnh to lớn. Và đã như vậy trong nhiều thế kỷ. Chúng ta thử làm một so sánh, ở Ý, vì sợ đảo chính, trong 30 năm người chỉ huy binh sĩ chưa bao giờ là một binh sĩ, họ nói: “Sẽ quá đi sâu vào sự việc, quá nhận thức về mọi động lực, quá gần với một cấu trúc mạnh mẽ.”

Vì vậy, trong mật nghị năm 2005, Hồng y Martini (một tu sĩ Dòng Tên khác) nhắc đến tên Tổng Giám mục Jorge Mario Bergoglio gần như vô danh của Buenos Aires, Hồng y muốn tạo một đối đầu mạnh trong mật nghị lịch sử này, kết thúc một trong những triều giáo hoàng quan trọng và dài nhất lịch sử ngàn năm của Giáo hội. Ngài nêu tên nhưng “giấu” đặc sủng của đương sự và gần như ngài chắc chắn về kết quả. Đúng vậy, lúc đó mọi người nhắm vào giá trị thần học tuyệt đối, đó là môi trường của Joseph Ratzinger. Ở đây một lần nữa là phương pháp của Dòng Tên: “Thời gian có lợi cho chúng ta, chúng ta không phụ thuộc vào lịch sử ngắn ngủi của cuộc đời cá nhân mình, chúng ta thuộc về một dòng tư tưởng có ngàn năm tuổi. Hành động của tinh thần đưa đến một hiểu biết tốt hơn về Tin Mừng, đến một nhận thức: “Maturetur” (Dei Verbum 12).

Và đúng vậy, từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 3 năm 2013, sau năm vòng bỏ phiếu, Bergoglio là giáo hoàng, ngay lập tức ngài gởi tín hiệu cách mạng đầu tiên: Phanxicô! Và đó là giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên; giáo hoàng Nam Mỹ đầu tiên; giáo hoàng đầu tiên có tên Phanxicô. Chỉ trong một ngày, điều mới lạ nảy sinh, và như thế là đủ! Nhưng phương pháp của Dòng Tên, phương pháp đình chỉ thời gian vẫn chưa đến. Suy cho cùng, đó là phương pháp để giữ mọi người ngồi cùng bàn, tránh đổ vỡ và tổn hại. Với những người biết động lực của Vatican, sự hiệp nhất là giá trị nền tảng: Ut unum sint! Để nên một! Và khuôn mẫu này đặc biệt áp dụng cho các vấn đề thần học. Vì thế, Thượng Hội đồng là công cụ để thực hiện phương pháp này, để sự hiệp thông được thể hiện trong hành vi phụng vụ đưa ra những quyết định mà qua đó Giáo hội tuyên xưng, “Tin Mừng không thay đổi nhưng chính chúng ta là người bắt đầu hiểu Tin Mừng rõ hơn (Roncalli)” (Alberto Melloni trong Corriere della Sera ngày 26 tháng 10-2023). Một Công đồng thành từng mảnh (Christoph Theobald), một công cụ đặc biệt của guồng máy được Đức Phaolô VI thành lập năm 1965 với tông thư Apostolica sollicitudo. Ý tưởng là để duy trì kinh nghiệm sống của Công đồng Vatican II, thông qua một hội đồng tư vấn gồm các đại diện của hàng giám mục công giáo có nhiệm vụ cố vấn giáo hoàng trong việc điều hành Giáo hội hoàn vũ. Bergoglio dùng công cụ này và điều chỉnh nó cho phù hợp với quan điểm của mình. Các thượng hội đồng của ngài không chỉ mở rộng cho hàng giám mục, mà còn rộng mở cho các nhà thần học, các dòng, các hiệp hội, tín hữu kitô của các Giáo hội khác. Ngài dùng phương pháp công đồng, nghĩa là đối đầu chặt chẽ và cần thiết giữa các giám mục và các người bên ngoài, các thần học gia hay đại diện các hiệp hội, buộc các giám mục phải lắng nghe, phải đối đầu với một điều gì đó “bên ngoài chúng ta”; một thế giới trong đó Bergoglio gọi là “bệnh viện dã chiến”.

Đó là cách mà những chủ đề cấm kỵ, chuyện không thể chạm tới như việc những người ly dị được rước lễ, sự tương thích giữa hôn nhân và chức linh mục, chức tư tế nữ bắt đầu được thảo luận, những chủ đề mang lại sự mới mẻ cho phụ nữ và đàn ông không cư trú ở Vatican. Làn sóng này mang đến lời khuyên cụ thể cho các giám mục, cẩn thận để không đứng ngoài thế gian. Và đó là phương pháp đã chiến thắng: trong Thượng Hội đồng về Amazon, vấn đề các linh mục kết hôn đã được đưa ra vô số lần trong các cuộc can thiệp; nhưng Đức Phanxicô đã không nhấn mạnh quan điểm, thừa nhận những gì đã xảy ra nhưng trong Tông huấn hậu Thượng hội đồng Querida Amazonia (2020) ngài không đề cập đến chủ đề này. Trong số những điều khác, việc chọn lựa các diễn giả, Hồng y Cláudio Hummes, rất gần với thần học giải phóng trong những năm 1970 và các quan điểm của Giám mục Elder Camara, một trong những bạn thân của ngài, không phải là người chống chức phó tế nữ, vì thế đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Đó là cách Bergoglio “mở đường” cho thần học giải phóng khi ngài tiếp Gustavo Gutiérrez, thần học gia Pêru; được hồng y bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin người Đức Gerhard Ludwig Müller lúc đó đã làm việc rất lâu trong cuộc họp này. Như vậy ứng với lời của linh mục Ugo Sartorio (giám đốc Messaggero di Sant’Antonio) viết trên nhật báo L’Osservatore Romano khi Đức Bergoglio nhậm chức: “Với một giáo hoàng người Mỹ Latinh, thần học giải phóng không thể tồn tại lâu trong bóng tối. Ngày nay, nhờ Thượng Hội đồng, chủ đề linh mục kết hôn không còn là điều cấm kỵ vì trên thực tế đã có các linh mục lập gia đình trong các cộng đồng kitô giáo khác.”

Mặt khác, “mẹ của mọi trận chiến” liên quan đến chức phó tế nữ, chúng ta thấy rõ sự đối nghịch của mọi người với chủ đề này: với người bảo thủ là đi ngược với Phúc âm; với người cấp tiến, làm suy yếu vị thế của Giáo hội trong cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ. Vì thế tên của Thượng Hội đồng là: Vì một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia và sứ mệnh. Đây là Thượng hội đồng tế nhị nhất. Hồng y Jean-Claude Hollerich tu sĩ Dòng Tên là tổng tường trình. Lần này và cũng là lần đầu tiên, Thượng hội đồng kéo dài hai phiên họp, lần đầu năm 2023 và lần thứ nhì tháng 10 năm 2024. Với hai tài liệu, một tài liệu tạm thời vào cuối phiên họp năm 2023 và một tài liệu làm việc, được trình bày cách đây vài ngày. Hồng y Grech, tổng thư ký của Thượng hội đồng cho biết, chức phó tế nữ sẽ không được đề cập trong phiên họp tiếp theo vì Đức Phanxicô đã giao cho bộ Giáo lý Đức tin (đứng đầu là hồng y Argentina Víctor Manuel Fernández) nghiên cứu vấn đề này, trong bối cảnh mục vụ rộng lớn hơn, với sự cộng tác của tổng thư ký Bộ Giáo lý Đức tin. Theo hướng dẫn của Đức Phanxicô, việc nghiên cứu chuyên sâu sẽ tiếp tục. Mọi thứ đều mở ra cho phụ nữ và nam giới. Chúng ta đã thấy khi Đức Phanxicô mở mục vụ giáo dân giúp lễ và đọc sách cho phụ nữ, trong mục vụ mới dành cho giáo lý viên có sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Thượng Hội đồng đã không đặt ra vấn đề về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, vì toàn thế giới chưa đặt vấn đề này. Một số Giáo hội địa phương đã nêu lên vấn đề chức phó tế cho nữ, và một ủy ban có trách nhiệm đào sâu suy tư thần học về điểm này. Chức phó tế là thừa tác vụ có chức thánh, không phải là thừa tác vụ linh mục, nhưng là thừa tác vụ phục vụ. Câu hỏi thứ hai, sau suy tư này, liệu thừa tác vụ thụ phong này có thể mở ra cho phụ nữ hay không. Nhưng đây là một phần của một tiến trình, và chúng ta không nên nghĩ rằng mọi tiến trình đều kết thúc ở phiên họp này của Thượng Hội đồng.

Giáo hội sẽ tiến lên một cách đồng nghị, dân Chúa sẽ tiến bước trong lịch sử một cách đồng nghị. Và sẽ có những câu hỏi cần được trả lời. Maturetur! Chủ đề không còn là điều cấm kỵ nữa! Sẽ không phải vào tháng 10, có lẽ sẽ với giáo hoàng tiếp theo, nhưng câu chuyện sẽ chín dần. Một Giáo hội có khả năng ở giữa mọi người, có khả năng lên tiếng và đáp lại đời sống cụ thể của đức tin, của Populus Dei, của Nhiệm thể. Đây là phương pháp Bergoglio, của con đường Dòng Tên. Đặt ra đề tài, phá điều cấm kỵ, nói về nó, nếu chưa thống nhất thì phải chờ: diễn biến của lịch sử, cái chết của các đối thủ, sự bất đồng chính kiến thu hẹp lại. Chờ cho đến khi trưởng thành, Maturetur. Và ở thời điểm đó, ngay cả những chủ đề nhạy cảm nhất về mặt thần học cũng sẽ là những giai đoạn quản trị thông thường. Cánh bảo thủ cuối cùng đã hiểu được phương pháp của Bergoglio và nhận ra thời gian lại có lợi một cách nghịch lý cho vị giáo hoàng già; do đó đây là những cuộc tấn công chưa từng có trên báo chí (các Câu hỏi của các Hồng y…); và các cuộc tấn công hỗn loạn, không thể tưởng tượng nổi dưới vòm Thánh Phêrô chỉ cách đây vài năm! Họ đã thử mọi cách, nhưng giáo hoàng già vẫn kiên quyết tiếp tục phương pháp của mình: giữ mọi người ở trong nhà, cho đến khi cuộc ly giáo trở nên vô lý! Trong khi đó, Hồng y đoàn đã thay đổi, Giáo triều đã thay đổi, các cơ quan quản lý đã thay đổi và ngày càng thích ứng với một Giáo hội hậu công đồng và hậu Âu châu.

Một Giáo hội mà trung tâm ơn gọi là ở các nước đang phát triển, chỉ cần nhìn vào số liệu thống kê về nguồn gốc của các hồng y trong Hồng y đoàn là thấy. Có tin đồn Đức Phanxicô và những người bạn thân của ngài đã đưa ra dấu hiệu về việc kế vị ngài. Vì thế tu sĩ Dòng Tên già chờ đợi hoa trái của Tin Mừng chín muồi trọn vẹn trong sự hiểu biết của ngài về lịch sử.

Marta An Nguyễn dịch