Có tự phụ khi cho mình truyền tải được đức tin không?
Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.
Truyền tải đức tin cho các thế hệ sau, đó là tựa đề chúng tôi chọn để minh họa cho những trang này. Tôi sẽ bắt đầu với lời khiêu khích. Chúa Giêsu đã nói: “Không ai đến với tôi nếu Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6: 44). Việc đi theo Chúa Kitô – là cốt lõi của đức tin – xuất phát từ ý của Chúa Cha Hằng Hữu. Bà có thấy quá tự tin khi muốn truyền lại đức tin cho con không?
Chúng ta cần làm sáng tỏ cụm từ “truyền tải đức tin” một chút. Cam kết đầu tiên của chúng tôi không phải là truyền tải đức tin nhưng sống đức tin một cách nhất quán.
Trước hết chúng ta là như thế, là môn đệ biết lắng nghe. Chúng ta đi theo bước chân Chúa Kitô và trên hết chúng ta tìm cách sống hiệp thông với Ngài. Vì vậy, nếu chúng ta trung thành với Chúa Kitô, chúng ta sẽ là chứng nhân của Ngài và chúng ta sẽ tự phát truyền đức tin.
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16:15). Đức tin của chúng ta bắt nguồn từ cuộc gặp cá nhân với Chúa Giêsu, hôm nay và mỗi ngày chúng ta đều phải trả lời câu hỏi này. Và dù không bắt chước Thánh Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” (Mt 16:16) thì chúng ta cũng phải trả lời: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Chúa. con yêu Chúa. con tạ ơn Chúa.”
Khi chúng ta sống đức tin trong đời sống hàng ngày, đơn giản là chúng ta cầu nguyện trong gia đình, chúng ta sẽ là “ánh sáng thế gian” (Mt 5:14), có nghĩa những gì Chúa ban cho chúng ta sẽ được thấy trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và chúng ta sẽ là muối của đất. Vì thế sự hiểu biết mà Thiên Chúa ban cho chúng ta về chính Ngài và về tạo vật có hương vị trong cuộc sống hiện tại dù nó có như thế nào.
Là ánh sáng và muối cũng là hình ảnh minh họa cho vai trò làm cha mẹ: chúng ta cộng tác với Thiên Chúa, Đấng ban sự sống để chúng ta sinh con cái. Và, luôn cộng tác với Thiên Chúa để mang đến cho con cái đời sống hiệp thông với Ngài. Con cái chúng ta không thuộc về chúng ta, chúng thuộc về Thiên Chúa, Đấng giao phó chúng cho chúng ta để chúng ta có thể giúp chúng trưởng thành trong đời sống đức tin. Và điều đầu tiên con cái nhìn vào, ngay cả khi chúng còn rất nhỏ, đó là xem chúng ta có sống nhất quán với những gì chúng ta tin hay không. Và nếu con cái thấy có các mâu thuẫn nào đó, lập tức chúng sẽ nói với cha mẹ. Chắc chắn là không dễ để sống kiên định với đức tin. Nhưng bất cứ điều gì lâu dài và tốt đẹp đều đòi hỏi một cố gắng không ngừng, một cam kết liên tục. Không mệt mỏi, không chán nản, chúng ta phó thác vào Chúa, trong xác tín Ngài là Đấng toàn năng và ơn của Ngài luôn đi trước chúng ta.
Trong câu hỏi cha hỏi tôi, cha trích câu Thánh Gioan 6: 44: “Không ai đến với tôi nếu Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy.” Chúng ta cần lưu ý hai khía cạnh: sáng kiến của Chúa Cha: chính Chúa Cha mời gọi chúng ta. Và lời kêu gọi cảm nghiệm đức tin như một điều gì đó thu hút chúng ta.
Đức tin – một trong ba nhân đức đối thần – là ơn Chúa. Tin có nghĩa là hiểu được những gì Thiên Chúa biết về chính Ngài và về tạo vật, là đi vào nguồn gốc tình yêu của Ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban ơn để chúng ta tin và ơn này này Ngài ban cho mọi người. Đặc biệt là nhiều người từ chối không dùng, không tận dụng ơn này, thậm chí còn không nhận ra ơn họ đã được ban.
Chúa kêu gọi chúng ta tin vào Ngài, kêu gọi chúng ta đến với đức tin, có nghĩa Thiên Chúa mang vào trí thông minh chúng ta viễn cảnh qua đó để chúng ta nhìn thấy mọi sự như Chúa nhìn thấy, như cách Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài kêu gọi chúng ta đến với đức tin, đến với đời sống hiệp thông cùng Ngài. Còn chúng ta, lời mời gọi này được cuốn hút, được đánh động bởi tình thương xót của Chúa Cha, biểu lộ trong cuộc đời và trong dung mạo Chúa Kitô.
Thánh Phaolô đã công khai thừa nhận điều này: “Chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm lấy” (Pl 3:12). Đức tin, dù là trí thông minh gắn bó với Thiên Chúa, Đấng mạc khải chính Ngài, hay là đức tin được sống bằng việc làm, luôn là một đáp trả của việc khám phá ra tình yêu của Chúa Kitô.
Nhiều cha mẹ xem việc truyền tải đức tin là chuyện không tưởng, là sứ mệnh không thể thực hiện được. Dĩ nhiên khi chúng ta nhìn vào thế giới chúng ta đang sống, một thế giới dường như đi ngược với cốt lõi Tin Mừng, chúng ta có lý do để nản lòng. Đặc biệt nếu chúng ta dựa vào chính sức của mình mà không trông cậy vào sự giúp đỡ của Chúa thì kết quả không phải lúc nào cũng như ý. Chúng ta không nên nản lòng trước những giới hạn và thất bại, chúng ta phải tiến về phía trước với niềm tin, trong Chúa mọi sự đều có thể được. Chúng ta xin Chúa Giêsu giúp đỡ. Chúng ta hiểu việc truyền tải đức tin là một việc làm siêu nhiên, đòi hỏi những phương tiện siêu nhiên. Thiên Chúa yêu thương mỗi chúng ta, Ngài biết chúng ta cần gì. Chúng ta cậy vào kho tàng này để đón nhận Chúa thể hiện qua Bí tích Thánh Thể.
Vũ trụ có nguồn gốc từ Bí tích Thánh Thể, khởi đầu là ý định, điểm cuối là thành tựu trong thời gian viên mãn. Như Đức Phanxicô đã nói trong Thông điệp Laudato si’: “Chúa ở đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập Thể kết nối thân tình với chúng ta qua mảnh vật chất. Không phải từ trên cao, nhưng từ bên trong, để chúng ta có thể gặp Ngài trong thế giới chúng ta. Trong Bí tích Thánh Thể, sự viên mãn đã có được.” Ngay từ đầu, con người đã hiệp nhất và được dẫn đến Bí tích Thánh Thể. Tội lỗi đã làm gián đoạn nhưng không phá vỡ chương trình Thánh Thể của Thiên Chúa. Trong khắp vũ trụ, trật tự và hòa hợp đều lấy Bí tích Thánh Thể làm điểm hội tụ. Các chiều kích mang tính vũ trụ, chúng ta không thể hiểu hết sự phong phú và đa dạng phi thường của vũ trụ nếu chúng ta trừu tượng hóa Bí tích Thánh Thể. Mọi gia đình sống và được Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng đều đón nhận Chúa Giêsu một cách tượng trưng và mời Ngài sống trong nhà của mình. Với gia đình này, Bí tích Thánh Thể sẽ trở thành con đường dẫn tới thiên đàng.
Bí tích Thánh Thể mặc khải và hoàn thiện các lý do sống. Đó là mầu nhiệm đức tin, nhưng đó cũng là lý do của đức tin, môi trường tốt đẹp của đức tin, chủ đề thiết yếu của đức tin, sự tổng hợp của đức tin, đức cậy và đức mến. Có vẻ lạ lùng, nhưng Bí tích Thánh Thể không có một vị trí cụ thể, vì nếu có, Bí tích Thánh Thể luôn có một phần nào đó sẽ hạn chế chính mình. Nếu Bí tích Thánh Thể có một vị trí đã được chỉ định, có nghĩa Bí tích Thánh Thể có một không gian cụ thể, trong một vật chứa cụ thể. Bí tích Thánh Thể không có một vị trí cụ thể vì đó là Sự sống, do đó vị trí của Bí tích Thánh Thể là ở khắp nơi, đó là tổng thể; nói chung, Bí tích Thánh Thể tìm nơi để khai triển trong toàn bộ thực tế và chức năng của mình. Tổng thể này là sự hiện hữu tự nó, là bản chất của nó, cái mà chúng ta có thể khám phá và nắm bắt, và trong bí ẩn này, nó vẫn hiện diện. Trong tất cả những điều này, Bí tích Thánh Thể thể hiện quyền tối cao, chứ không thống trị. Môi trường sống tự nhiên của Bí tích Thánh Thể là Sự sống. Những công trình vật chất liên quan đến nó? Ở đây chúng ta muốn nói gì khi nói lao động vật chất? Tất cả các cơ cấu có liên quan đến, đặc biệt là những nơi thường đặt Bí tích Thánh Thể như nhà thờ và nhà nguyện.
Trong kẽ hở giữa con người và nơi chốn, chúng ta thấy mối liên hệ thú vị giữa vật chất và hình thức. Ở đây gần như chúng ta quay về với trực giác của triết gia cổ đại Aristote. Chúa Giêsu đã muốn như vậy. Bánh mì và rượu từ cây nho là cần thiết. Chương trình của Thiên Chúa từ khi sáng tạo đã rõ ràng: Bí tích Thánh Thể đã có sẵn trong tâm trí Thiên Chúa. Vào thuở ban đầu, khi Ngài tạo dựng nên yếu tố cấu thành lúa mì và cây nho, Ngài đã nghĩ đến Bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể khẳng định Bí tích Thánh Thể là nguồn gốc vũ trụ, trước hết là một ý định, sau đó là một thành tựu. Tôi có thể đang nói những điều vượt quá khả năng của tôi. Hàng trăm ngàn ngôi sao xoay trên bầu trời, những cơn bão vũ trụ làm đảo lộn vũ trụ, những lỗ đen khơi dậy tò mò và tạo ra biết bao mong chờ, tất cả những điều này cho thấy kế hoạch và chương trình của Chúa đã có trong tầm mắt Thánh Thể.
Đó là bí ẩn được ẩn giấu trong nhiều thế kỷ! Nhà thờ, nhà tạm, bình thánh giống như tiếng nói ẩn giấu của vũ trụ, được lắng nghe và phải được giải thích theo nghĩa chính xác này: những công trình vật chất có trong mọi điều thiêng liêng nhất và huyền bí nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng. Chúng hiện diện trước chúng ta như những viên gạch, viên đá cẩm thạch vàng bạc, trong những sáng tạo đơn giản, trong nghệ thuật, nhưng trên thực tế, chúng là vũ trụ, liên quan đến mọi bí mật của vũ trụ và gợi lại công trình của Thiên Chúa trong mục đích mang lại cho chúng ta Bí tích Thánh Thể, trọng tâm của mọi sự và dành cho tất cả mọi người. Với thực tế quý báu như vậy, Giáo hội, từ giáo hoàng đến người tín hữu kitô phải luôn hân hoan và nhiệt tình, tập trung mọi nỗ lực truyền giáo vào Bí tích Thánh Thể và nhắc đến Bí tích Thánh Thể trong mọi hoàn cảnh. Đó phải là ý tưởng cố định cho Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là trọng tâm của thời gian. Thời gian trôi qua xung quanh Bí tích Thánh Thể, thời gian được đặt tên và được chúc phúc nhờ Bí tích Thánh Thể.
Điều đó có nghĩa là gì? Người tín hữu kitô đã được rước lễ lần đầu và tiếp tục rước lễ được kêu gọi quyết định, với tất cả khả năng suy nghĩ và ý chí của họ, để họ dâng hiến cuộc sống của họ trọn vẹn dưới dấu hiệu Bí tích Thánh Thể, họ có hiến mình cho Thánh Thể hay không. Bí tích Thánh Thể phải trở thành điểm quy chiếu cho những suy nghĩ, lời nói, hành động của chúng ta, là đơn vị đo lường trong mối quan hệ của chúng ta với phần còn lại của thế giới. Đó là cách duy nhất để sự tồn tại của chúng ta được thay đổi triệt để, giúp chúng ta tiến tới mục tiêu đích thực là thiên đàng. Phải có sự đồng lòng trong gia đình để đặt Bí tích Thánh Thể vào trọng tâm mọi sự. Khi thực hiện được lựa chọn này, dù không là số đông nhưng họ sẽ có ảnh hưởng đến cộng đồng giáo xứ. Và mọi thứ thể hiện và diễn ra trong gia đình đều tỏa sáng một cách đặc biệt. Nếu giáo xứ muốn hoạt động và làm cho mình thành trung tâm thiêng liêng, giáo xứ phải thành công trong việc quy tụ các gia đình Thánh Thể, những người sẽ là men, làm dậy men toàn bộ thánh lễ và cả cuộc sống. Như vậy, các giáo xứ sẽ càng ngày càng trở thành trung tâm sinh động thu hút. Các thánh lễ, các bài giảng, các buổi xưng tội, các nhóm khác nhau sẽ hít thở một bầu khí mới, đời sống cộng đoàn sẽ được củng cố như Thánh Phaolô nói trong Sách Công vụ Tông đồ: họ là một trái tim và một linh hồn.
Marta An Nguyễn dịch