Thiên Chúa và sự dữ có thể cùng tồn tại không?
fr.aleteia.org, Ghislain-Marie Grange. 2024-06-01
Sự tồn tại của một Thiên Chúa toàn năng và sự dữ là một bí ẩn đã ám ảnh nhân loại trong nhiều thế kỷ. Làm thế nào chúng ta có thể hóa giải hình ảnh một Thiên Chúa toàn năng tốt lành với sự dữ?
Theo linh mục Đa Minh Ghislain-Marie Grange, Viện thần học Thánh Tôma Aquinô: sự dữ là mất đi điều tốt được Thiên Chúa cho phép để rút ra điều tốt lành hơn từ đó.
Vấn đề sự dữ đã có trong các sách đầu tiên của Kinh thánh, đặc biệt là sách ông Gióp, mô tả phản ứng của con người trước sự dữ con người phải gánh chịu. Ông là người đức hạnh ngoan đạo bị mất hết của cải và gia đình. Các bạn đến an ủi lại chế giễu ông bị Chúa phạt vì ông tội lỗi, Chúa không trừng phạt người vô tội. Trước những lời buộc tội này, ông Gióp khẳng định ông không trách nhiệm về sự dữ ông chịu, nếu ông phải chịu đau khổ thì đó cũng không phải là do Chúa trừng phạt ông một cách bất công. Với ông, sự dữ ông chịu là bí ẩn mà chỉ có Chúa mới biết lý do, dĩ nhiên có câu trả lời cho sự dữ nhưng con người không thể biết được. Thật vậy, nếu sự dữ tồn tại, đó là vì có một trật tự thế giới mà Chúa là tác giả, có nghĩa nếu chúng ta bị sốc trước sự dữ là vì chúng ta mong chờ một thực tế tốt đẹp. Thánh Tôma Aquinô cho rằng, sự dữ là lý do để phản đối sự tồn tại của Thiên Chúa.
Một vấn đề thần học và triết học
Sau những tranh luận sôi nổi giữa Thánh Basil và những người thuộc phái nhị nguyên manikêô vào thế kỷ thứ 4, các Giáo phụ tiếp tục công việc biện minh cho sự vô tội của Thiên Chúa. Vào thế kỷ 17, mối quan tâm đến vấn đề sự dữ hồi sinh. Đó là thời điểm thần học ra đời, một nỗ lực nhằm thực thi công lý cho Chúa thông qua lý trí tự nhiên. Trong Tiểu luận về thần lý học, triết gia Leibniz khẳng định thế giới do Chúa tạo ra là thế giới tốt đẹp nhất và có thể sự dữ trong đó sẽ tham gia vào sự hoàn hảo của nó. Nếu vũ trụ thiếu đi cái ác, thì ít nhất đó không phải là thế giới được người sáng tạo cho là tốt nhất. Chống lại luận điểm này, Voltaire trong tác phẩm Candide để nhân vật Pangloss của ông khẳng định những bất hạnh cụ thể mang lại lợi ích chung, rằng chúng ta càng đau khổ thì chúng ta càng dự vào sự hoàn hảo của vũ trụ. Không như ông Gióp, qua lý trí ông biết sự tồn tại của phản ứng trước sự dữ nhưng nhận ra giới hạn của nó, các tác giả thần học tuyên bố sẽ làm tan bí ẩn sự dữ bằng sức mạnh của lý trí.
Liệu trí thông minh có lựa chọn nào khác ngoài việc cam chịu trước bí ẩn khó hiểu này?
Đứng trước cám dỗ của chủ nghĩa duy lý, một số triết gia rơi vào tình trạng thái quá ngược lại, cho rằng cái ác phi lý đến mức về mặt triết học không thể nói gì với nó. Trong số các triết gia này, Gabriel Marcel, triết gia thế kỷ 20 cho rằng sự dữ không phải là vấn đề lý thuyết nhưng là vấn đề thực tế, và khi đối diện với bí ẩn này, trí thông minh của chúng ta không thể nắm bắt được bất cứ điều gì; thay vì nói lung tung, tốt hơn chúng ta nên hành động và dấn thân.
Liệu trí thông minh có lựa chọn nào khác ngoài việc cam chịu trước bí ẩn khó hiểu này không?
Câu trả lời của Thánh Tôma Aquinô: cái ác là sự tước đoạt cái thiện. Trong câu trả lời của ngài, Thánh Tôma Aquinô cảm nhận từ triết học của phái Khắc kỷ và sự hồi sinh của nó qua Thánh Augustinô. Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ cho rằng sự dữ là cần thiết cho sự hoàn hảo của vũ trụ vì sự tồn tại của các mặt đối lập là nguyên tắc cân bằng trong vũ trụ. Giống như trong trật tự vật chất, bóng tối cần thiết để làm nổi bật ánh sáng, trong trật tự đạo đức cũng vậy, sự dữ cần thiết để cái thiện tồn tại. Thánh Augustinô chấp nhận quan điểm này, ngài sửa lại: cái ác dự vào sự hoàn thiện của thế giới không phải vì sự tồn tại của cái thiện, nhưng cơ bản cần có sự tồn tại của mặt đối lập là cái ác, nhưng vì Thiên Chúa có quyền biến cái ác thành cái tốt. Thiên Chúa không muốn điều ác nhưng cho phép điều đó xảy ra vì Ngài có đủ quyền năng để mang lại điều tốt lành hơn từ đó. Theo nghĩa này, tội nguyên tổ là “tội đáng mừng”, vì nó mang lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc.
Thánh Tôma Aquinô làm sáng tỏ quan điểm của Thánh Augustinô, ngài phân biệt bản chất của sự dữ và của cái thiện. Cái ác, không giống như cái thiện, không phải là một thực tại tích cực, bản thân nó không phải là một cái gì đó. Đó là một thực tế tiêu cực tồn tại vì thiếu một thực tế tích cực, một thực tế tự nó tồn tại. Cũng như bóng tối được thấy rõ khi ánh sáng không có ở đó, tội lỗi là sự thất bại trong điều lẽ ra chúng ta phải làm. Đó là mất đi điều tốt đẹp, thiếu chủ thể của một điều gì đó mà theo trật tự sáng tạo, lẽ ra phải hiện diện. Khi đó sự dữ là một thực tế phát sinh từ sự tồn tại trước đó của sự thiện: nó là hệ quả chứ không phải là tất yếu của sự tồn tại sự thiện.
Tự do chọn lựa điều tốt
Nếu sự dữ không cần thiết để sự thiện tồn tại thì tại sao nó lại tồn tại? Thánh Tôma Aquinô thoát khỏi nguy cơ chứng tỏ sự cần thiết của nó, ngài đưa ra các lý do tương hợp: biết sự dữ hiện hữu, làm sao chúng ta có thể nêu bật sự khôn ngoan của Thiên Chúa? Vì thế ngài khẳng định, Thiên Chúa muốn truyền sự hoàn hảo vô hạn của Ngài qua công trình sáng tạo của Ngài. Để công trình sáng tạo này được hoàn hảo, cần phải thể hiện qua mọi mức độ tốt lành, vì sự tốt lành của Thiên Chúa không thể hiện một cách đầy đủ bởi một tạo vật duy nhất. Vì thế Ngài đã tạo những sinh vật thuần túy hữu hình không thể vi phạm trật tự đạo đức (đá, cây cối, v.v.) và những sinh vật tâm linh khác – thiên thần và con người – những người có khả năng làm, vì họ được kêu gọi hướng tới một điều tốt đẹp hơn, là Đấng đã chọn lựa điều thiện. Nói cách khác, tự do, vốn là điều kiện của điều tốt đẹp nhất này, lại mở ra một khả năng thất bại và đây là điều chúng ta gọi là sự dữ. Khi lặp lại quan điểm này, Thánh Augustinô khẳng định tội lỗi không phải do Thiên Chúa muốn nhưng nó được cho phép, vì Thiên Chúa có thể rút ra được một điều tốt lành lớn lao hơn từ nó: đó là các tạo vật của Ngài tự do lựa chọn hiệp thông với Ngài.
Một bí ẩn đáng suy ngẫm
Thánh Tôma Aquinô không đưa ra một câu trả lời dứt khoát và cố định cho vấn đề sự dữ, vốn là cạm bẫy của thần học. Tuy nhiên, ngài không bỏ mặc chúng ta theo kiểu cam chịu về mặt trí tuệ trước một mầu nhiệm khó hiểu, như một loại triết lý hiện sinh nào đó. Ngài cho chúng ta các yếu tố để suy ngẫm và chiêm niệm. Là một thực tế tiêu cực, cái ác không phải là một phần của “kết cấu” của vũ trụ. Nó không phải là kẻ thù của Chúa, nhưng Chúa cho phép điều đó xảy ra vì Ngài đủ mạnh để có được điều tốt đẹp hơn rút ra từ đó: ân sủng vĩnh cửu. Vì vậy, cái ác tồn tại, nhưng Thiên Chúa toàn năng và tốt lành.
Cuối cùng, Thánh Tôma Aquinô cho chúng ta thấy việc suy tư về sự dữ cho thấy sự khôn ngoan vượt xa chúng ta như thế nào, nhờ đó Thiên Chúa toàn năng và yêu thương điều khiển công trình sáng tạo của Ngài. Vì vậy, ngài mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm ánh sáng mà Thiên Chúa cho phép chúng ta dự vào.
Marta An Nguyễn dịch
“Sự dữ con người có thể làm dường như không thể tưởng tượng được”