Trung Quốc-Vatican: sau một hội nghị chưa từng có, Vatican sẵn sàng thấy Giáo hội mang “bộ mặt Trung Quốc”

93

Trung Quốc-Vatican: sau một hội nghị chưa từng có, Vatican sẵn sàng thấy Giáo hội mang “bộ mặt Trung Quốc”

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, 2024-05-21

Trong một hội nghị tổ chức ở Rôma ngày thứ ba 21 tháng 5, Đức Phanxicô và hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin đã giang tay ra với nhà cầm quyền Trung Quốc, thể hiện sự cởi mở với một Giáo hội công giáo mang “bộ mặt Trung Quốc”. Các bài phát biểu trước sự hiện diện của các đại diện chế độ Bắc Kinh.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2024-05-21

Bức tượng nhỏ màu trắng được đặt ở phía bên phải khán đài là tượng Đức Mẹ Xà Sơn bồng Chúa Giêsu, Mẹ như đang quan sát hội nghị dành riêng cho mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc ngày thứ ba 21 tháng 5 tại Giáo hoàng Học viện Urbanô.

Tại “Sảnh phòng Bênêđíctô XVI” của trường đại học đào tạo các chủng sinh từ tất cả các quốc gia “truyền giáo”, Vatican gởi thông điệp đến chính quyền Trung Quốc có mặt tại Rôma: Giáo hội công giáo không phải là một cường quốc thực dân, và sự phát triển đạo công giáo ở Trung Quốc là điều mong muốn. Trong bối cảnh chính trị, Giáo hội đã là chủ đề của những căng thẳng từ những năm 1950, tạo sự rạn nứt trong quan hệ Bắc Kinh Vatican, cũng như việc thành lập một Giáo hội công giáo do chính phủ lãnh đạo đã phá vỡ quan hệ với Rôma.

Trước hết chính Đức Phanxicô đã gởi thông điệp này. Ngài đặc biệt xem trọng vấn đề Trung Quốc, ngài gởi một đoạn video phụ đề tiếng Trung Quốc cho thành viên tham dự hội nghị, trong đó ngài đưa ra “những con đường rộng mở để mạnh dạn loan báo cam kết và làm chứng cho Tin Mừng”.

Đặc biệt ngài đề cập đến Thượng Hội đồng Thượng Hải năm 1924 – chủ đề của hội nghị do Vatican tổ chức – trong đó các nhà lãnh đạo công giáo đến Trung Quốc đã nhận thấy đất nước này cần có các giáo sĩ người Trung Quốc chứ không phải người nước ngoài. Công việc được thực hiện dưới sự lãnh đạo của giám mục Celso Costantini (1876-1958), được Vatican phái đến Trung Quốc.

“Truyền giáo chứ không thuộc địa hóa”

Đức Phanxicô nhắc lại: “Giám mục Costantini nhắc lại sứ mệnh của Giáo hội là ‘truyền giáo chứ không thuộc địa hóa’. Vì thế Giáo hội trong nước phải mang bộ mặt Trung Quốc. Việc loan báo ơn cứu độ qua Chúa Kitô chỉ có thể đến được với mọi người qua tiếng mẹ đẻ.

Trong suốt hội nghị, các đại diện Vatican dùng con đường đi lui 100 năm này để đưa ra cùng một thông điệp. Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin giải thích: “Theo quan điểm của giám mục Costantini,  cần phải chuyển khái niệm truyền giáo nước ngoài sang khái niệm một Giáo hội truyền giáo. Giáo hoàng là nhà lãnh đạo tinh thần của tất cả người công giáo trên thế giới, dù họ thuộc quốc gia nào, việc vâng phục giáo hoàng không những không làm tổn hại đến tình yêu đất nước nhưng còn thanh lọc và làm sinh động tình yêu này.”

 Hán hóa

Những lời này cũng được nói với các quan chức Trung Quốc có mặt trong phòng. Vì kể từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc khi nào cũng xem tôn giáo là công cụ để nước ngoài can thiệp. Đó là lý do vì sao kể từ những năm 1950, chế độ thành lập các hiệp hội để kiểm soát tất cả các tôn giáo. Đặc biệt chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ việc hán hóa.

Hồng y Pietro Paolin giám mục Thượng Hải Joseph Shen Bin, tại Rôma ngày 21 tháng 5 năm 2024. Andrew Medichini / AP

Giám mục Joseph Shen Bin, giáo phận Thượng Hải đến từ Trung Quốc cũng theo hướng này, ngài giải thích: “Chính sách tự do tôn giáo của chính phủ Trung Quốc không quan tâm đến việc thay đổi đức tin công giáo mà chỉ hy vọng các tu sĩ và giáo dân công giáo bảo vệ lợi ích của người dân Trung Quốc và giải phóng họ khỏi sự kiểm soát của các thế lực nước ngoài. Sau khi thành lập nước Trung Quốc mới năm 1949, Giáo hội Trung Quốc luôn trung thành với đức tin công giáo của mình.”

Sự hoài nghi trong phòng

Dù vậy một số người trong phòng không giấu nỗi hoài nghi sau khi nghe bài phát biểu có vẻ rất gần với đường lối của đảng. Một chuyên gia xuất sắc về vấn đề này giải thích: “Giám mục có thể cởi mở hơn.” Một người khác nói: “Một Giáo hội dành riêng cho công dân của một quốc gia, loại trừ người nước ngoài, đặc biệt là các nhà truyền giáo có còn là Giáo hội công giáo không?”

Bên cạnh giám mục Thượng Hải có bà Zheng Xiaojun, nghiên cứu gia, chủ tịch Hiệp hội Tôn giáo Trung Quốc, một tổ chức đóng vai trò dẫn đầu trong việc “hán hóa” các tôn giáo. Trong bài phát biểu, bà trích dẫn các lời của chủ tịch Tập Cận Bình, ca ngợi văn hóa Trung Quốc xuất sắc đã có từ 5.000 năm nay và cần thúc đẩy sự hiểu biết giữa các dân tộc để vượt qua mọi cảm giác ưu việt.

Giám mục Thượng Hải Joseph Shen Bin, bà Zheng Xiaojun, nghiên cứu gia, chủ tịch Hiệp hội Tôn giáo Trung Quốc và hồng y Pietro Parolin

Vatican II dưới cái nhìn của Bắc Kinh

Bà cũng ca ngợi Công đồng Vatican II đã giúp Giáo hội công giáo la-mã liên tục đối thoại với các Giáo hội kitô giáo khác và các tôn giáo khác, giải phóng thần học của một quá khứ độc tài và giáo điều.

Các dấu hiệu rõ ràng xích lại gần nhau này sẽ diễn ra như thế nào trong những tuần tới? Hồng y Parolin tóm tắt: “Chúng ta cần kiên nhẫn và hy vọng.” Ngài khẳng định Tòa Thánh sẵn lòng gia hạn thỏa thuận đã được ký kết năm 2018 cho phép Rôma và Bắc Kinh cùng bổ nhiệm các giám mục trong nước. Nhưng trên hết, ngài đề cập đến một khả năng khác, đó sẽ là một bước tiến rất quan trọng trong quan hệ giữa hai bên.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Phanxicô gặp phái đoàn Trung Quốc trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 22 tháng 5-2024 tại Quảng trường Thánh Phêrô