Linh mục Timothy Radcliffe: “Đặt truyền thống và tiến bộ đối lập nhau là không phải tinh thần kitô giáo”

59

Linh mục Timothy Radcliffe: “Đặt truyền thống và tiến bộ đối lập nhau là không phải tinh thần kitô giáo”

lepoint.fr, Jerome Cordelier, 2024-05-18

Linh mục thần học gia Timothy Radcliffe, cựu bề trên tổng quyền dòng Đa Minh và sư huynh thần học gia Lukascz Popko

Thiên Chúa ở đâu trong những chuyện điên rồ của thế giới? Rất hiếm khi linh mục thần học gia, cựu bề trên tổng quyền dòng Đa Minh Timothy Radcliffe trả lời phỏng vấn, ngài cùng sư huynh thần học gia Lukascz Popko trả lời báo Le Point. Ngài nổi tiếng sâu đậm, khéo léo, hài hước tinh tế và giàu chất thơ, đôi mắt lấp lánh ngài nói: “Cười là điều răn thứ mười một.” Ngài là tác giả tác phẩm tham khảo Vì sao là tín hữu kitô? (Pourquoi donc être chrétien?). Ngài thân thiết với Đức Phanxicô. Ngài hiếm khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông. Báo Le Point có dịp phỏng vấn ngài trong chuyến đi chớp nhoáng của ngài đến Paris nhân dịp phát hành tác phẩm thần học mới của ngài, Hỏi Chúa (Interroger Dieu, nxb. Du Cerf), một tổng luận dày đặc và Đức Phanxicô viết lời mở đầu.

Thiên Chúa nói với con người và bằng cách nào?

Linh mục thần học gia Timothy Radcliffe: Ngài nói trong sự thân mật của trái tim chúng ta, qua Kinh thánh, nhưng cũng qua các bằng hữu của các tôn giáo khác nhau của chúng ta. Thiên Chúa cũng nói qua việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới, qua thi ca. Tôi rất thích đi bộ trong rừng núi. Tôi sống ở thành phố Oxford xinh đẹp, tôi đi bộ bốn mươi phút mỗi ngày. Tôi cũng thấy nét đẹp ở loài chó; tôi rất yêu chó, mỗi con chó đi qua đều là bạn của tôi. 

Thầy Lukasz Popko: Giữa con người với nhau, giao tiếp không chỉ thể hiện qua lời nói. Có những giây phút im lặng. Trong chuyện ông Gióp, ngay từ đầu Thiên Chúa không để ông Gióp than van, khi Ngài can thiệp, Ngài không nói nhiều về chính Ngài, Ngài để chúng ta tìm hiểu toàn cảnh của sáng tạo. Mục tiêu là để công việc được tốt hơn vì chúng ta bị mắc kẹt trong chính mình. Ngài muốn mở mắt chúng ta. Trong khoa học nhận thức, chúng ta học cách loại bỏ những xung động không cần thiết. Nếu không, bộ não sẽ bị hư. Con người có thể bị lạc lối trong kiến thức bao la nếu không đi theo một định hướng nào đó trong cuộc sống.

Ngày nay, thế giới chiến tranh, một chiến tranh mà Đức Phanxicô hay nói  là Thế chiến thứ ba “từng mảnh”, chúng ta nghĩ Thiên Chúa đã bỏ rơi loài người… 

Linh mục Timothy Radcliffe: Thế kỷ nào cũng có người nói Chúa đã vắng mặt. Chúng ta hiện đang ở trong thời có thể nói như vậy. Nhưng tôi không nghĩ con người ngừng tin vào Chúa. Cuộc đi tìm Chúa không còn thấy trong các tổ chức, trong các tôn giáo chính thức. Nhưng có đủ loại linh đạo, ngay cả một số có phần kỳ lạ, nhưng qua đó cốt lõi là các cá nhân đi tìm Chúa. Tôi đi nhiều nơi, tôi thường thấy chính những anh chị em đau khổ nhất lại là những người nhạy cảm nhất trước sự hiện diện của Chúa. Tôi đã thấy ở Mosul ở Iraq, ở Rwanda trong thời diệt chủng. Giám mục Pierre Claverie, giáo phận Oran được khuyên nên rời Algeria vì đã quá nguy hiểm, ngài trả lời: “Chúng tôi đang ở dưới chân thập tự giá. Chúng tôi phải ở lại đây, với những người bị đóng đinh này” (ngài bị ám sát ngày 1 tháng 8 năm 1996, một thanh niên hồi giáo Algeria gài bom ở lối vào tòa giám mục). Đặc biệt người phương Tây ngày nay không còn nhạy cảm với Thiên Chúa.

Thầy Lukasz Popko: Trong bối cảnh chiến tranh, các tôn giáo thường thức tỉnh vì mọi người phải đối diện với những quyết định nghiêm trọng về sự sống, cái chết, trách nhiệm, tất cả những vấn đề cơ bản. Tôi không chắc về sự vắng mặt của Thiên Chúa trong thời đại chúng ta. Nếu chúng ta theo dõi tin tức ở Gaza, chúng ta sẽ thấy mọi người đưa tin hoàn toàn ngược nhau. Tôi đã đến Baghdad, Iraq nhiều lần và ở giữa địa ngục, tôi có thể bảo đảm với quý vị, tôi đã thấy hy vọng.

Triết gia người Đức Hans Jonas đã nói lên cảm xúc bị bỏ rơi này trong quyển sách Khái niệm về Chúa sau Auschwitz…

Thầy Lukasz Popko: Tôi biết rất rõ hai người đã bị đưa đến Auschwitz. Dì tôi và một người đàn ông khác lúc đó mới bảy tuổi, là nhân chứng trong tiến trình phong thánh cho Thánh Maximilien Kolbe. Cả hai đều nói với tôi về thử thách này, trong đó những câu hỏi cơ bản nảy sinh. Trong bối cảnh như vậy, đúng, có những chuyện quái dị nhưng cũng có những chuyện anh hùng.

Nếu không có chiến tranh thì không có anh hùng. Chính trong những tình huống khắc nghiệt như vậy, toàn bộ tiềm năng con người mới được bộc lộ. Lukasz Popko

Linh mục Timothy Radcliffe: Đây là điều được diễn tả trong Tin Mừng Thánh Marcô khi Chúa Giêsu nói: “Lạy Thiên Chúa, sao Ngài bỏ con?” Và đúng khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, bức màn trong nhà thờ bị xé ra, sau đó người ta biết, người bị đóng đinh chính là Con Thiên Chúa.

Thầy Lukasz Popko: Tôi nghĩ đến cảnh tôi đã trải qua ở bệnh viện điều trị cho trẻ em bị ung thư. Những gì tôi chứng kiến thật đau lòng. Nhưng tôi thấy các em bị bệnh lại an ủi cha mẹ các em. Trong những giây phút đau đớn cùng cực này, các em thể hiện một sức mạnh phi thường. Có điều gì đó vượt quá chúng ta.

Linh mục Timothy Radcliffe: Tôi nhớ trong một bệnh viện ở Zimbabwe dành cho trẻ em mắc bệnh AIDS. Có một em 9 tuổi tên Courage (Can đảm). Tôi đã ở cả ngày với em và các bạn của em, có thể nói, tôi đã có một ngày tràn đầy niềm vui giữa những em bé đang hấp hối này. Những tình huống cực đoan thường tiết lộ sự thật về con người chúng ta.

Thầy Lukasz Popko: Trong bối cảnh chiến tranh bạo lực và hận thù ở Giêrusalem ngày nay, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Con cái ra đời, người dân tiếp tục đi lễ. Chúng tôi cử hành thánh lễ mỗi ngày, giống như ngọn nến Phục sinh trong đêm Phục sinh. Một ngọn nến thắp sáng trong nhà thờ đang chìm trong bóng tối. 

“Phải nói gì với quý ông?”, nhà văn Pháp Saint-Exupéry viết trong bức thư nổi tiếng gởi tướng X. một ngày trước khi ông mất tích trên biển… Chúng ta nên nói gì với các ông năm 2024?

Timothy Radcliffe: Đó là một câu hỏi lớn. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc lắng nghe, sau đó Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta những điều phải nói. Chúng tôi là những người đi giảng, việc rao giảng bắt đầu bằng lắng nghe, lắng nghe Thiên Chúa nhưng cũng lắng nghe những người mà chúng ta sẽ nói chuyện. Lắng nghe những gì các ông muốn, các ông đi tìm; sau đó phải cho đi. Nếu chúng ta chú ý đến từng giây phút, chúng ta sẽ ngạc nhiên. Tất cả chúng ta đều phải duy trì khả năng ngạc nhiên.

Quan điểm của giáo hoàng không phải lúc nào cũng được hiểu rõ. Cha biết rõ ngài, cha nghĩ sao?

Linh mục Timothy Radcliffe: Tôi nghĩ giáo hoàng là nạn nhân của cách diễn tả tự phát của ngài. Chúng ta muốn gì? Một giáo hoàng mà mọi lời nói đều được chuẩn bị trước, lặp lại những gì cần nói, hay một nhà lãnh đạo tôn giáo đầy tính tự phát? Ai có thể không nói những lời không chọn lọc? Tính tự phát của ngài là yếu tố làm cho ngài hấp dẫn và đó là lý do vì sao mọi người yêu mến ngài. Ngài không phải là Thiên Chúa, ngài là giám mục Rôma, ngài có sứ mệnh duy trì sự hiệp nhất của Giáo hội. Giáo hoàng không phải là nhà tiên tri, cũng không phải là nhà bình luận công khai.

Đức Phanxicô bị chỉ trích rất nhiều nhưng ngài không hề cay đắng, ngài vẫn vui vẻ, bất chấp những lời chỉ trích và sự phức tạp trong các dự án của ngài.

Cha vẫn nhiệt thành ủng hộ ngài?

Linh mục Timothy Radcliffe: Đúng, sau 11 năm ngài vẫn tràn đầy hy vọng. Ngài bị tấn công rất nhiều, nhưng ngài không cay đắng, ngài vẫn vui vẻ, bất chấp những lời chỉ trích và sự phức tạp trong các dự án của ngài, ngài thật phi thường.

Tôi đã phỏng vấn cha cách đây mười năm, cha tin tưởng khả năng Đức Phanxicô mở cửa Giáo hội, khuyến khích việc tiếp nhận người ly dị tái hôn, người đồng tính và hôn nhân của các linh mục. Cha vẫn lạc quan?

Linh mục Timothy Radcliffe: Vẫn, vì sự thay đổi Đức Phanxicô mang lại có ảnh hưởng sâu đậm. Ngài muốn một Giáo hội trong đó chúng ta thực sự lắng nghe nhau. Và điều này đang xảy ra, chúng ta đã thấy ở các kỳ họp Thượng Hội đồng. Một thay đổi nhỏ trong quản trị thì dễ dàng nhưng thực tế nó không thay đổi nhiều. Sự thay đổi hữu cơ phải mất hàng thế kỷ. Một ngày sau khi Chúa sống lại, hoàng đế la-mã vẫn nắm quyền và dường như không có gì thay đổi.

Nhiều người nói ngược lại, Đức Phanxicô làm trầm trọng thêm sự chia rẽ, như đã thấy trong tuyên bố Fiducia supplicans về việc chúc phúc cho các kết hợp của những người đồng tính…

Linh mục Timothy Radcliffe: Thật đáng tiếc vì trước khi công bố ngài đã không tham khảo với các giám mục châu Phi. Chắc chắn có vấn đề về phương pháp luận. Tôi ủng hộ chúc phúc nhưng không nên áp đặt.

Là người cấp tiến, cha có thấy Giáo hội có bảo thủ quá không?

Linh mục Timothy Radcliffe: Đặt truyền thống và tiến bộ đối lập nhau thì không phải là tinh thần kitô giáo. Vatican II được cho là công đồng mở Giáo hội cho thời hiện đại, cũng là nguồn của các Tổ phụ Giáo hội trong truyền thống. Cha tôi là người nhiệt thành với Công đồng Vatican II, mẹ tôi không muốn thay đổi gì, giữa họ không có chia rẽ về đức tin.

Cha có chân dung nào về một giáo hoàng lý tưởng tiếp theo không?

Linh mục Timothy Radcliffe: Đức Gioan Phaolô II là giáo hoàng gần với giới trẻ. Tôi thực sự thích Đức Bênêđíctô XVI, ngài cho chúng ta sự rõ ràng. Và Đức Phanxicô mang đến cho chúng ta tất cả nhân tính của ngài. Theo nghĩa này, tôi hoàn toàn không quan tâm đến việc ai sẽ là giáo hoàng tiếp theo. Tôi tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Gần như cha cho chúng tôi câu trả lời của một tu sĩ Dòng Tên. Không đi sâu vào chi tiết, theo cha người đứng đầu Giáo hội nên có tính cách tâm lý nào? Một người trẻ năng động, dám nghĩ dám làm hay một người minh triết, điềm tĩnh, suy nghĩ kỹ?

Linh mục Timothy Radcliffe: Người biết lắng nghe. Trước khi hành động, phải biết lắng nghe.

Lần trước tôi phỏng vấn cha, cha nói thảm kịch của thời buổi này là sự  tầm thường… Thảm kịch bây giờ là gì?

Linh mục Timothy Radcliffe: Cũng là sự tầm thường. Cách đây vài năm, nhà tâm thần học người Anh Iain McGilchrist viết quyển sách rất hay, Người Thầy và Phái viên mật của ngài (The Master and His Emissary) trong đó ông nói triết lý của thời đại chúng ta là chủ nghĩa giản lược. Điều này ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, chủ nghĩa dân tộc, sắc tộc và trên hết là thiêng liêng… Chúng ta phải đấu tranh chống lại cơn cám dỗ của chủ nghĩa giản lược, của sự rút lui này. Và để làm được điều này, việc khám phá lại thi ca trở nên quan trọng. Chúng ta không thể có một nền văn minh nếu không có thi ca.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch