Vì sao Đức Phanxicô ca ngợi Thánh Piô X, tiền nhiệm của ngài  

92

Vì sao Đức Phanxicô ca ngợi Thánh Piô X, tiền nhiệm của ngài

la-croix.com, Christel Juquois, 2024-04-18

Hồng y Sarto được bầu làm giáo hoàng ngày 4 tháng 8 năm 1904. AFP

Trong tác phẩm Vinh danh Thánh Piô X – Omaggio a Piô X của tác giả Lucio Bonora được xuất bản ở Ý, Đức Phanxicô viết lời tựa ca ngợi Thánh Piô X, giáo hoàng từ năm 1904 cho đến khi qua đời tháng 8 năm 1914, ngay sau khi Thế chiến thứ nhất vừa bùng nổ. Một giáo hoàng phản đối chủ nghĩa hiện đại và ít được biết đến trong các công việc tốt lành và những cải cách phụng vụ của ngài.

Trong lời nói đầu quyển sách Vinh danh Thánh Piô X của Đức ông Lucio Bonora vừa xuất bản ở Ý, Đức Phanxicô nói lên lòng ngưỡng mộ của ngài với Đức Piô của đầu thế kỷ 20, một triều giáo hoàng đầy khó khăn: “Tôi rất yêu mến Đức Piô X, tôi luôn yêu mến ngài. Tôi cảm thấy gần gũi với ngài biết bao trong thời điểm bi thảm này của thế giới.” Ngài xem Đức Piô X là giáo hoàng của giáo lý, quan tâm đến những người thấp kém nhất, bị tác động vì chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu trổi dậy. 

Một người đơn sơ

Giáo dân giữ hình ảnh giáo hoàng Piô là giáo hoàng nghịch với những tiến triển vật chất thời của ngài. Nhưng Đức Phanxicô cho rằng, Đức Piô X không bị giới hạn trong thời quá khứ của lịch sử hay bị các nhóm đặc biệt thao túng, (…) ngài thuộc về Giáo hội ngày nay, thuộc về người dân của Giáo hội”.

Sinh ngày 2 tháng 6 năm 1835 tại Riese, vùng Venice, Giuseppe Sarto, Đức Piô X tương lai xuất thân từ một gia đình rất khiêm tốn. Mong muốn làm linh mục của ngài được cha xứ tạo điều kiện giúp đỡ, ngài vào chủng viện năm 15 tuổi. Chịu chức năm 1858, làm linh mục đại diện và cha xứ cho đến khi ngài được bổ nhiệm làm người đứng đầu giáo phận Mantua năm 1884. Đức Lêô XIII phong ngài làm hồng y và thượng phụ của Venice năm 1893. Khi giáo hoàng Lêô XIII qua đời, hồng y Sarto được bầu làm giáo hoàng ngày 4 tháng 8 năm 1904.

Một triều giáo hoàng đau lòng

Đức Piô X là giáo hoàng khác thường: ngài không có một kinh nghiệm ngoại giao nào ở Vatican, ngài không theo một đào tạo ở trường đại học. Ngài là người của cầu nguyện, sống triều của ngài như một chia cắt ở thời buổi bị đánh dấu bởi chủ nghĩa chống giáo quyền đang lên cao. Quan tâm đến lòng mộ đạo của giáo dân, ngài khuyến khích giáo dân rước lễ hàng ngày, phổ biến thánh ca Gregorian và Thánh Vịnh trong các phụng vụ. Bằng sắc lệnh, ngài cho phép trẻ em rước lễ từ 7 tuổi, tuổi có trí tuệ vào thời điểm rước lễ lần đầu trễ hơn.

Nhưng ngài cũng không khoan nhượng khi đối diện với cái mà ngài gọi là “chủ nghĩa hiện đại”, đặc biệt khi Pháp thông qua luật tách rời Giáo hội và Nhà nước năm 1905. Ngài công kích chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa khoa học, chủ nghĩa hoài nghi ở thời của ngài. Những lời lên án trút xuống nhiều nhà chú giải, nhiều thần học gia.

Ngài rất lo lắng khi thấy việc chuẩn bị cuộc chiến đã bắt đầu từ năm 1910, ngài đau buồn khi thế chiến bùng phát đầu tháng 8 năm 1914. Bị viêm phế quản, ngài qua đời ngày 20 tháng 8. Theo Đức Phanxicô, “ngài là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh” và như báo La Croix đã viết ngày 21 tháng 8 năm 2014: “Ngài là nạn nhân của một cuộc chiến mà ngài cố gắng tránh một cách vô vọng bằng những bước đi kín đáo của ngài và sự bùng nổ đột ngột chiến tranh đã làm cho ngài rất đau lòng.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch