Chặng thứ sáu, Đức Phanxicô lên án “một bàn phím cũng đủ để xúc phạm và đăng những lời lên án”
Lần đầu tiên trong triều của ngài, Đức Phanxicô viết tay bài suy niệm để đi đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại
lanacion.com.ar, Elisabetta Piqué, 2024-03-29
Giáo dân đi đàng thánh giá ở Đấu trường La Mã ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 29 tháng 3-2024
Trong Tuần Thánh lần thứ 12 triều của ngài, lần đầu tiên Đức Phanxicô viết tay các bài suy niệm Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, như truyền thống, tối nay ngài sẽ chủ trì tại Đấu trường La Mã. Lấy cảm hứng từ Năm Cầu nguyện để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025, các bài suy niệm toát lên tinh thần linh đạo I-nhã. Với tựa đề “Cầu nguyện với Chúa Giêsu trên Đàng Thánh Giá”, xoay chung quanh hình ảnh Chúa Kitô, Đấng hiến mạng sống để cứu chúng ta, trong một thế giới ngày nay bị tác động “điên cuồng của chiến tranh, trong đó một bàn phím cũng đủ để lăng nhục và đăng những lời lên án.”
Trong các bài suy niệm, ngoài việc chỉ trích thái độ này trên các trang mạng xã hội, Đức Phanxicô còn kêu gọi công nhận: “Sự cao cả của người phụ nữ, ngay cả ngày nay họ còn bị loại bỏ, chịu đựng sự xúc phạm, bạo lực, bị sỉ nhục vì thói kiêu ngạo và bị đối xử bất công trước sự thờ ơ của mọi người.”
Trong những năm trước, các bài suy niệm do người tị nạn, tù nhân, học sinh trung học viết, rất hiếm khi một giáo hoàng viết, Đức Gioan-Phaolô II đã viết hai lần và Đức Bênêđictô XVI một lần nhưng khi ngài còn làm hồng y.
Giáo dân đi đàng thánh giá ở Đấu trường La Mã ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 29 tháng 3-2024
Bình luận về chặng thứ 6 trong số mười bốn chặng Đàng Thánh Giá, khi Thánh Vêrônica lau mặt cho Chúa, Đức Phanxicô tạo bất ngờ khi ngài chỉ trích những người trốn sau “bàn phím” xúc phạm trên mạng xã hội. “Lạy Chúa Giêsu, vào thời của Chúa, có nhiều người chứng kiến cảnh Chúa bị hành quyết man rợ, họ không biết Chúa, họ không biết sự thật, họ phán xét, họ lên án, họ buông lời sỉ nhục và khinh miệt Chúa. Lạy Chúa, ngày nay điều này vẫn còn xảy ra, một cuộc rước rùng rợn không cần thiết; một bàn phím cũng đủ để xúc phạm và đăng lên những lời lên án”.
Ở chặng thứ 8, khi Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem, những người luôn đồng hành với Ngài, Đức Phanxicô ca ngợi tấm lòng cao cả của họ và ngày nay, họ cũng còn bị loại bỏ, chịu đựng những lời xúc phạm và bạo lực. Họ không phải là những người quyền lực chờ Chúa ở đồi Canvê, cũng không phải là những người đứng xem đàng xa, họ là những người đơn sơ, cao cả dưới mắt Chúa, nhưng lại nhỏ bé dưới mắt thế gian. Họ là những phụ nữ Chúa trao hy vọng; họ không có tiếng nói, nhưng họ làm cho mình được lắng nghe. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra sự cao cả của phụ nữ, những người trung thành với Chúa trong lễ Phục sinh và không bỏ rơi Chúa, những người cho đến ngày nay vẫn tiếp tục bị loại bỏ, phải chịu đựng sự xúc phạm và bạo lực”.
Đức Phanxicô chủ sự nghi thức Thương Khó ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 29 tháng 3 tại Đền thờ Thánh Phêrô. FILIPPO MONTEFORTE
Sau đó ngài suy niệm về những thảm kịch mà hành tinh này đang trải qua, ngài xin mọi người tự vấn: “Trước những bi kịch của thế giới, trái tim tôi lạnh lùng hay xúc động? Tôi phản ứng thế nào trước sự điên cuồng của chiến tranh, trước khuôn mặt của những em bé không còn biết cười, trước những bà mẹ bất lực nhìn con đói khát, suy dinh dưỡng, họ không còn nước mắt để khóc?”
Đức Phanxicô nhớ đến Đồi Canvê của các em bé chưa sinh đã bị bỏ rơi, các em đang chờ có người nghe tiếng kêu đau đớn của mình, vô số người già bị bỏ rơi, các tù nhân, những người cô đơn và các dân tộc bị bóc lột và lãng quên.
Ở chặng 13, khi hạ xác Chúa xuống khỏi thập giá và trao cho Đức Mẹ, Đức Phanxicô lên án “chúng ta sống trong thời đại tàn nhẫn, cần lòng thương xót và cảm thương của Mẹ”. Đến chặng thứ 14, trong lời cầu nguyện kết thúc, ngài nhắc đến danh Chúa Giêsu 14 lần. “Lạy Chúa Giêsu, con chiêm ngưỡng Chúa trên thập giá, con thấy tình yêu Chúa mở ra trước mắt con, tình yêu mang lại ý nghĩa cho con người con và là mục tiêu trên con đường con đi. Xin giúp con yêu thương và tha thứ, vượt qua sự bất khoan dung và thờ ơ, không phàn nàn”, xin Chúa bảo vệ Giáo hội và nhân loại.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Giờ chót Đức Phanxicô không đến Đấu trường La Mã để đi đàng Thánh giá vì để giữ gìn sức khỏe cho đêm Vọng Phục sinh ngày mai và thánh lễ Phục Sinh ngày chúa nhật 31 tháng 3. Ngài theo dõi Đàng Thánh Giá ở Nhà Thánh Marta.