Giáo hội sẽ nói gì khi linh mục có con?

682

Giáo hội sẽ nói gì khi linh mục có con?

Cuốn phim “Paternel” (Phụ tử) sẽ chiếu ngày 27 tháng 3, kể câu chuyện của một linh mục biết mình có con khi ở chủng viện 11 năm trước. Tại Lyon, tháng 12 năm ngoái, trong một thánh lễ, một linh mục công bố mình là cha của một người con và từ bỏ chức thánh.

lavie.fr, Colombe Delabrousse Mayoux, 2024-03-19

Hình minh họa

Từ thế kỷ 11, Bộ Giáo luật đã quy định rõ về các mối quan hệ tình dục và tình cảm của các linh mục trong Giáo hội công giáo la-mã. Các giáo sĩ buộc phải duy trì việc tiết dục tuyệt đối và vĩnh viễn (…) và do đó buộc phải sống độc thân. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đời sống độc thân của linh mục bị phá vỡ và mối quan hệ dẫn đến việc mang thai? Trong điều 277, đoạn 3, Bộ Luật quy định một cách tổng quát: “Giám mục giáo phận có quyền ban hành những quy định chính xác hơn về vấn đề này và, trong những trường hợp đặc biệt, đưa ra phán quyết về việc tuân thủ nghĩa vụ này.”

Vì thế không có gì rõ ràng trong trường hợp có quan hệ cha con. Đó chính xác là những gì đạo diễn của phim Phụ tử sẽ chiếu ngày 27 tháng 3 đưa ra. Báo La Vie phỏng vấn đạo diễn Ronan Tronchot, chính sau khi hỏi một trong những người thân nhất vừa chịu chức, chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh có quan hệ cha con, thì ông quyết định làm cuốn phim. Ông giải thích: “Anh nói tôi hỏi câu hỏi hóc búa. Nhưng nếu có trống không thì sẽ có nơi chốn. (…) Mục tiêu không phải là tấn công Giáo hội, nhưng cho thấy Giáo hội hoạt động như thế nào với điểm mạnh và điểm yếu của mình,” từ đó ông làm phim mang nhiều sắc thái, cho thấy một vùng xám rộng.

Quan hệ tình dục của một linh mục có thể bị cho là “vi phạm giáo luật”. Tuy nhiên, nếu không có đơn khiếu nại nào và bản chất “vụ bê bối công khai” không được chứng minh, thì thẩm quyền giáo hội không nhất thiết phải tiến hành các thủ tục pháp lý. Tương tự như vậy, nếu một linh mục có con, thì có thể thành một “vụ bê bối công khai” hoặc không. Tóm lại, như linh mục Cédric Burgun, phó trưởng khoa giáo luật tại Học viện Công giáo Paris cho biết: “Cụ thể là không có tiến trình nào được thực hiện một khi đứa trẻ xuất hiện. Trên lý thuyết, không có gì ngăn cản linh mục công nhận đứa trẻ một cách dân sự, thừa nhận các quyền làm cha theo luật nhà nước và tiếp tục mục vụ của mình. Nhưng điều này khó xảy ra, vì Giáo hội bị tê liệt trước tình huống này.”

Tiến bộ nửa vời 

Kể từ năm 2013, hiệp hội Trẻ em của Im lặng (Enfants du silence), có mục đích bảo vệ các trẻ em của các linh mục đã bị bỏ rơi từ lâu. Được thành lập theo sáng kiến của bà Anne-Marie Jarzac-Mariani, con gái của một linh mục và một nữ tu, tác giả tác phẩm Quyền được yêu (Droit d’aimer, Kero, 2015), từ năm 2020, Hiệp hội do bà Sylviane Patron điều hành. Bà Sylviane cho biết: “Giáo hội đã ký một tài liệu có nội dung, người phụ nữ nhận được một khoản tiền và sẽ không quay trở lại.” Mục đích của hiệp hội: thu thập lời chứng của những người con này để được lắng nghe và công nhận.

Năm 2019, hiệp hội được Hội đồng Tu sĩ Pháp (Corref) và Ủy ban giám mục về các thừa tác viên chịu chức và giáo dân đi truyền giáo (Cemoleme), một chi nhánh của Hội đồng Giám mục Pháp do tổng giám mục Jérôme Beau, giáo phận Bourges điều hành thời đó. Một chiến thắng tập thể nửa vời, được phép mở kho lưu trữ theo yêu cầu của những người con. Bà Patron giải thích: “Điều này cho phép họ liên hệ với tòa giám mục để biết hồ sơ cha hoặc mẹ của mình. Nhưng trên thực tế, đó chỉ là một đề nghị, mỗi giám mục được tự do quyết định.” Về vấn đề trẻ em bị bỏ rơi, một hiện tượng mà hiệp hội mô tả là “có tính hệ thống, cánh cửa đã đóng lại”. Bà Patron tóm tắt: “Một lời xin lỗi rất nhỏ. Chúng tôi thấy đã là rất tối thiểu.”

Bài đọc thêm: Công bố các chỉ dẫn của Vatican về con cái của các linh mục

Thông cáo báo chí công bố tháng 3 năm 2022 trên trang web của Hội đồng Giám mục Pháp viết: “Chúng ta phải ghi nhận nỗi đau của những người con này, các em không biết hoặc không thể nói cha hoặc mẹ của các em là ai. (…) Điều tốt cho đứa trẻ không phải lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu. Để bảo vệ danh tiếng cho một linh mục hay cho một nữ tu hoặc vì sợ gây tai tiếng công khai, các người có trách nhiệm đôi khi đã đồng tình trong những im lặng này. Vì tất cả những điều này, chúng tôi xin tất cả những người đã chịu đau khổ tha thứ.” Dưới sự thúc đẩy này, Giáo hội khẳng định, việc bỏ rơi con không còn là một lựa chọn, khi linh mục làm cha, họ phải từ bỏ một cách có hệ thống các nghĩa vụ tôn giáo của họ.

Một bước tiến, nhưng theo linh mục Burgun, nó không làm thay đổi vấn đề: “Trách nhiệm của linh mục vẫn còn, nhưng ở dưới nhiều hình thức. Chúng ta không bắt người đàn ông đã ly dị người vợ đầu tiên và không được gặp con, với lý do là để ông chăm sóc người con ông có với người phụ nữ sau. Vấn đề không đơn giản như thế: người phụ nữ và đứa trẻ vẫn phải chấp nhận việc linh mục bước vào cuộc đời họ.” Bà Sylviane đồng ý: “Không bỏ cuộc là một bước tiến lớn. Nhưng việc buộc linh mục phải rời bỏ chức linh mục không giải quyết được gì. Đó là nỗi đau nội tâm mà ngày này qua ngày khác họ phải chịu đựng, chỉ vì yêu, vì có con mà phải bỏ ơn gọi của mình. Như thế là chuyển vấn đề lên họ.”

Văn hóa im lặng, sức nặng của bí mật

Bà Patron cho biết: “Trong hiệp hội, chúng tôi nhận thấy đây là đời sống hai mặt, một bên có vợ có con, một bên cử hành thánh lễ.” Nhà xã hội học về tôn giáo Jean-Louis Schlegel cho biết: “Theo thứ tự quan trọng thường xảy ra, một trong ba linh mục, thậm chí hai linh mục trên ba có mối quan hệ thể xác hoặc tình cảm với một phụ nữ hoặc với một ông.” Ước tính đơn giản, nhưng những con số này cho thấy văn hóa im lặng vẫn chiếm một vị trí quan trọng. Từ các giám mục sợ tai tiếng, nhưng cũng từ các linh mục, những người không muốn từ chức.

Bà Patron tóm tắt: “Đó là hệ thống đạo đức giả, một mặt nói có thể nhận đứa bé theo luật dân sự, nhưng nếu linh mục làm như vậy, ông phải bỏ chức linh mục hoặc không được nói cho ai biết về việc này.” Một tình huống gần đây mà một linh mục ẩn danh đã trải qua, ông tâm sự: “Việc làm cha không ở trong kế hoạch của tôi, và những điều kiện ra đi của tôi thật quá khó khăn.”

 

Bài đọc thêm: Trong trường hợp làm cha, các linh mục phải từ chức

Linh mục Marc Fassier, giáo xứ Lilas (Seine-Saint-Denis), thà nói dối và che giấu quan hệ tình cảm để chuẩn bị ra đi nhẹ nhàng: “Tôi đã xử lý tình trạng dựa trên bản chất Giáo hội. Tôi muốn làm cách khác. (…) Tôi nói với cha sở, tôi sẵn sàng đem câu chuyện của tôi lên bàn thảo luận nếu chúng ta nói trong thể chế. Ngày đó mọi sự sẽ thay đổi. Đó là một thực tế ẩn giấu. Vì sao? Vì quy tắc sẽ luôn vượt lên thực tế”, cựu linh mục chọn ở lại thị trấn nơi ông làm cha xứ, một cách để ông “từ chối xấu hổ và mặc cảm tội lỗi”.

Linh mục David Gréa năm 2017 đã quyết định kết hôn với một giáo dân mà ông yêu, ông giữ một hy vọng sâu sắc về sự tiến triển kể từ khi ông gặp Đức Phanxicô, ngài đã nghe câu chuyện của ông. Linh mục kể: “Ngài có lời lẽ mạnh mẽ, ngài sẽ không quét bụi dưới thảm. Ngài cảm động thấy tôi thành thật”, linh mục hiện là cha của hai đứa con và tin hơn bao giờ hết.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

“Suýt nữa tôi phải sống ngoài đường”: các linh mục gặp khó khăn khi rời Giáo hội vì tình yêu