Tàu-bệnh viện “Giáo hoàng Phanxicô” trên sông Amazon: con tàu chở hy vọng và an ủi của Chúa Kitô

53

Tàu-bệnh viện “Giáo hoàng Phanxicô” trên sông Amazon: con tàu chở hy vọng và an ủi của Chúa Kitô

Trên sông Amazon, chiếc tàu-bệnh viện “giáo hoàng Phanxicô” phục vụ sức khỏe và đời sống thiêng liêng cho khoảng 5.200 người dân trong vùng, nữ tu Marcia Lopes Assis phục vụ trên tàu ở vùng Juruti-Pará của rừng Amazon, Brazil.

vaticannews.va, nữ tu Débora Evangelina Vargas, A.S.C.J?” 2024-03-18

Nữ tu Marcia Lopes Assis thuộc Dòng Tông Đồ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Sơ lo mục vụ ở giáo xứ Nuestra Seđora de la Salud ở Juruti-Pará, Amazon. Giáo xứ thuộc giáo phận Óbidos, Brazil.

Sơ Marcia chia sẻ: “Ơn gọi truyền giáo của tôi đã có từ đầu hành trình, Chúa luôn làm tôi ngạc nhiên trên con đường truyền giáo Ngài ban cho tôi. Tất cả đều là những kinh nghiệm phi thường và mãnh liệt, và tôi chỉ biết tạ ơn. Juruti là kinh nghiệm quý báu giúp tôi tìm lại bản chất ơn gọi của tôi và đặc sủng của nhà sáng lập mà tôi mang trong mình. Ở đây, ‘nhà’ không có cùng ý nghĩa như những căn nhà khác, chúng ta thường nghĩ, nhà là nơi tĩnh, nơi chúng ta an toàn trước các đe dọa từ bên ngoài. Nhưng ở đây, ‘nhà’ có thể là chiếc thuyền nan, chiếc võng bên gốc xoài, nhà có thể là đường phố, là nơi nhà che tạm ngoài đường, hoặc bên trong phòng thánh của chúng tôi.” 

Nữ tu Marcia Lopes Assis trước tàu-bệnh viện “Giáo hoàng Phanxicô” cùng với thầy Afonso Lambert.

Trẻ em: những người thầy giỏi nhất

Nữ tu Marcia là cố vấn của Hội đồng Truyền giáo Giáo xứ, COMIPA, đáp lời kêu gọi của Đức Phanxicô để trở thành một “Giáo hội đi ra ngoài”, một Giáo hội truyền giáo. Mục tiêu của COMIPA là đến với 78 cộng đồng trong giáo xứ, đặc biệt các giáo xứ ở những vùng xa xôi nhất – có nơi xa hơn 60 cây số – mong manh nhất và thiếu thốn nhất.

Băng qua sông Amazon, sơ Marcia giải thích: “Truyền giáo ở đây không phải là một công việc dễ dàng. Khi chúng tôi đến cộng đoàn Santa Rita, các em rất rụt rè và sợ hãi đón chúng tôi, các em sợ người lạ, nhưng chúng tôi nhanh chóng thân thiết với nhau. Một số em sợ vì nghĩ tôi là y tá hoặc nha sĩ; các em khác gọi tôi là cô giáo, nhưng rồi tất cả các em đều nhiệt thành và gần gũi, các em cho biết, lớn lên các em sẽ theo đạo.”

Để tỏ lòng biết ơn, các em đề nghị dạy nữ tu chèo thuyền. sơ cho biết: “Tôi đã gặp những người thầy giỏi nhất trong số các em.”

Nữ tu Marcia Lopes Assis với trẻ em ở đảo Santa Rita, vùng Amazon, Brazil

Thiên nhiên đầy thử thách

Một trong những thách thức của vùng là hiện tượng “tierra caída”, các hòn đảo đã biến mất do sức ép liên tục của nước làm một số nhà bị ngập, nhiều gia đình phải ra khỏi vùng cho đến khi nước rút. Và như thế năm học không theo lịch bình thường mà theo “lịch nước”. Có thuyền đón trẻ em tại nhà và đưa các em đến trường.

Ngủ trên võng với tiếng sóng, không có điện thoại cố định, điện thoại di động và những kinh nghiệm khác đã giúp nữ tu gặp được lòng trắc ẩn và học được một bài học rất lớn.

“Chấp nhận mọi thứ đến” và biết ơn về chứng từ của sức mạnh, của hy vọng và sự kiên cường mà các gia đình mang lại.

Con thuyền chở hy vọng

Nữ tu là thành viên của một nhóm gồm 35 cộng tác viên điều khiển “Tàu-bệnh viện Giáo hoàng Phanxicô”. Nhóm bao gồm 10 bác sĩ, hai nha sĩ và linh mục Alfonso Lambert. Đây là ngôi nhà của chào đón, của phấn đấu, của bảo vệ sự sống, truyền giáo, của đơn giản và yêu thương. Một ngày trên thuyền bắt đầu từ sáng sớm với thánh lễ. Sau đó, các chuyên gia điều trị bệnh nhân theo các triệu chứng họ khai.

Sơ Marcia nói: “Tôi có nhiệm vụ chào đón các gia đình, dạy giáo lý cho trẻ em, cho bệnh rước lễ, đồng hành cùng người bệnh sau khi mổ hoặc đưa đi khám bệnh nếu họ không thể tự đi.”

Nữ tu Marcia cho bệnh nhân rước lễ trên đảo São Sebastião, vùng Amazon, Brazil

Trong các chuyến đi, con tàu đã chăm sóc khoảng 5.200 bệnh nhân và trong một số trường hợp, họ mổ những trường hợp đơn giản. Một số bệnh nhân đã chờ từ 8 năm.

Trên đường đi, con tàu đã đến vùng Aritapera và vùng bản địa Mamuru. Nữ tu Marcia cho biết: “Chúng ta có thể so sánh Tàu-bệnh viện và Chúa Giêsu: họ mang tất cả người bệnh đến với Ngài để Ngài chữa, tàu bệnh viện cũng làm như vậy.”

Với kinh nghiệm tàu-bệnh viện “giáo hoàng Phanxicô”, sơ có kinh nghiệm Giáo hội Samaritanô, xem tình yêu là phương thuốc chữa trị.

Nữ tu kết luận: “Có một mục đích mang lại ý nghĩa cho việc chúng ta ở đâu và làm gì. Không có gì ngăn chúng ta trở thành sứ mệnh khi Chúa Quan Phòng đặt chúng ta ở đây, tình yêu trở thành động lực của tất cả mọi người.”

Marta An Nguyễn dịch