Các giáo phận Thụy Sĩ không đồng ý tách đời sống riêng tư với sứ mạng giáo luật
cath.ch, Ban biên tập, 2024-03-11
Ở Đức, chiến dịch #outinchurch đã thay đổi các quy định làm việc trong Giáo hội | © Raphael Rauch
Các giáo phận ở Thụy Sĩ vẫn luôn phân biệt đối xử với các thừa tác viên mục vụ có đời sống riêng không phù hợp với giáo lý công giáo về các vấn đề tình dục. Kể từ tháng 9 năm 2023, Hội đồng Trung ương công giáo la-mã Thụy Sĩ (RKZ) yêu cầu chấm dứt tình trạng này. Ở Đức việc tách rời đời sống riêng tư với sứ vụ giáo luật đã được thực hiện, nhưng các giám mục Thụy Sĩ chưa có ý định đi theo hướng này.
Tháng 11 năm 2023, một thư ngỏ của các thừa tác viên mục vụ gởi đến thượng hội đồng Lucerne đã gây chấn động. Thư do sáu nam nữ thần học gia viết, họ là những người không có được chức vụ nào do “hoàn cảnh bất thường” hoặc những người đã phải che giấu mối quan hệ của họ trong nhiều năm. Vì thế họ yêu cầu các giám mục Thụy Sĩ tách sứ mệnh giáo luật (missio canonica) ra khỏi hoàn cảnh sống của con người.
Các thừa tác viên mục vụ của giáo phận Lucerne không phải là những người duy nhất yêu cầu tách rời. Hội đồng RKZ khẳng định, Giáo hội không nên xem trọng đời sống hôn nhân khi tuyển dụng. Ông Urs Brosi, tổng thư ký của Hội nói rõ yêu cầu “chỉ liên quan đến những cộng tác viên của Giáo hội chưa cam kết sống một cuộc sống khiết tịnh của đời sống thánh hiến hoặc khấn dòng”.
Mối liên hệ với thần học luân lý
Trang Công giáo Thụy Sĩ đến các giáo phận để tìm hiểu thêm. Các giáo phận giới thiệu chúng tôi đến Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ (CES). Theo Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ, các giáo phận đã nghiên cứu chủ đề này từ lâu “độc lập với mong muốn của Hội đồng Trung ương công giáo la-mã Thụy Sĩ RKZ”. Bà Julia Moreno, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ giải thích: “Các giám mục mong muốn có một cách tiếp cận thống nhất”.
Trong bối cảnh này, các giám mục lẽ ra đã giao cho Ủy ban Thần học và Đại kết (CTO) nhiệm vụ phát triển một văn bản. Bà Julia Moreno viết: “Điều này phải mang lại sự công bằng cho những người ‘sống trong tình trạng bị cho là bất thường’ và những người mong muốn làm việc mục vụ. Nói cách khác, ủy ban nên xem xét khả năng giải thích đồng tính một cách khác với quan điểm thần học luân lý, cụ thể là theo cách tích cực. Giới hiểu biết đánh giá, vì các giám mục chưa sẵn sàng tách biệt vấn đề sứ vụ giáo luật với vấn đề thần học luân lý.
Lập luận về “công ty theo xu hướng”
Các học giả về luật giáo hội và các nhà đạo đức học nhận thấy mối liên hệ này với thần học luân lý là có vấn đề, vì nó sẽ dẫn đến ngõ cụt một cách mù quáng. Hội đồng Trung ương công giáo la-mã khẳng định, chắc chắn sự thay đổi về đạo đức tình dục của Giáo hội là điều đáng mong muốn, nhưng yêu cầu của họ lại đề cập đến luật làm việc. Bao lâu việc truyền giáo theo giáo luật còn là điều kiện để có công ăn việc làm, thì nó phải đáp ứng các tiêu chuẩn của luật lao động.
Lập luận cho rằng, về mặt pháp lý Giáo hội công giáo là một “công ty theo xu hướng”, vì thế có quyền yêu cầu nhân viên của mình có cuộc sống phù hợp, điều này không thuyết phục được mọi người. Theo quan điểm của Hội đồng Trung ương công giáo la-mã Thụy Sĩ, đời sống quan hệ và phạm vi thân mật không phải là một phần đầy đủ của bản sắc tôn giáo của Giáo hội công giáo, để các giám mục có thể biện minh cho các điều kiện áp đặt trên các thừa tác viên mục vụ dựa trên cơ sở này.
Luật lao động chống học thuyết?
Ông Hanspeter Schmitt, nhà đạo đức học tại Đại học Thần học Coire, cũng lập luận theo hướng này. Gần đây trong một bài báo đăng trên trang Công giáo Thụy Sĩ, ông viết: “Từ quan điểm đạo đức thể chế, chắc chắn các thể chế có thể có những yêu cầu với nhân viên của họ: tôn trọng các nguyên tắc hiến pháp và nhân quyền và – đặc biệt theo thể chế – cam kết được quy định qua hợp đồng cũng như qua lòng trung thành với bản sắc và sứ mệnh của tổ chức và với những người có chức vụ trong đó. Tuy nhiên, những yêu cầu này bị giới hạn bởi quyền cơ bản về quyền riêng tư. Điều này bao gồm các quyết định liên quan đến quyền tự do lựa chọn các hình thức thân thiết của sự hợp tác và của gia đình.
“Ở Đức, sự thay đổi diễn ra dưới áp lực của dư luận quần chúng”
Bà Helena Jeppesen-Spuhler quan tâm đến chủ đề này trong công việc của bà trong tư cách là đại biểu Thụy Sĩ tại Thượng hội đồng về tính đồng nghị. Bà hoàn toàn ủng hộ yêu cầu của Hội đồng Trung ương công giáo la-mã Thụy Sĩ và các thừa tác viên giáo phận Lucerne. Bà lưu ý vấn đề này đã được đề cập trong phiên họp thượng hội đồng của giáo phận Bâle tháng 1 năm 2022. Bà nói: “Nhưng những người chịu trách nhiệm của giáo phận Bâle vẫn không đủ can đảm để có một khoảng cách với đạo đức tình dục xưa cổ, để hướng tới một đạo đức trong quan hệ hiện đại.” Nhưng bà đảm bảo, vấn đề này các giám mục sẽ có “sự hỗ trợ to lớn từ nền tảng Giáo hội”.
Nhưng sự thay đổi theo hướng này “đã quá muộn. Quá nhiều cơ quan mục vụ có thẩm quyền đã bị tổn thương và cảm thấy bị gạt ra ngoài lề vì họ không nhận được sứ mạng giáo luật.” Bà Helena Jeppesen-Spuhler cho rằng đây sẽ là một “bước khá khiêm tốn” mà các giáo phận Thụy Sĩ sẽ phải thực hiện. Theo bà, Giáo hội ở Đức đã thực hiện công việc sơ bộ trong lãnh vực này và Thụy Sĩ nên lấy cảm hứng từ đó.
Khuôn mẫu Đức
Năm 2022, các giám mục Đức đã quyết định tổ chức lại luật làm việc của Giáo hội. Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2023, luật này có hiệu lực trong tất cả các giáo phận. Những người làm việc cho Giáo hội và sống trong một hôn nhân thứ hai hoặc trong quan hệ đồng giới sẽ không còn sợ bị sa thải.
Ở Đức, sự thay đổi này diễn ra dưới áp lực của dư luận. Giống như ở Thụy Sĩ, luật làm việc ở Giáo hội Đức được liên kết với thần học luân lý. Và ở đây cũng vậy, từ lâu Giáo hội đã dùng lập luận “công ty theo xu hướng”. Điều này đã thay đổi sau khi 125 nhân viên đồng tính xuất hiện vào tháng 1 năm 2022, trong một hành động có tên #outinchurch (công khai đồng tính trong Giáo hội).
Giáo phận Essen đã phản ứng đặc biệt. Tháng 2 năm 2022, giám mục Franz-Josef Overbeck đã gởi một thư cho các đồng nghiệp nói rằng giáo phận từ chối áp dụng các quy định cơ bản về việc phục vụ trong Giáo hội “liên quan đến xu hướng tính dục, cũng như đời sống vợ chồng hoặc tình trạng hôn nhân”. Giám mục Overbeck viết: “Đã đến lúc chấm dứt tình trạng này trong Giáo hội công giáo Đức theo kiểu ràng buộc và an toàn về pháp lý”. Các giám mục đã tạo một đảm bảo về mặt pháp lý trong khoảng thời gian một năm. Kể từ tháng 1 năm 2023, ở Đức sứ mệnh giáo luật độc lập với khuynh hướng tình dục.
Những yêu cầu thay đổi cụ thể
Vào cuối tháng 1 năm 2024, bốn trong số sáu thừa tác viên mục vụ của giáo phận Lucerne đã gặp giám mục Felix Gmür, giáo phận Bâle, chủ tịch Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ. Thay mặt nhóm, thừa tác viên Herbert Gut cho biết giám mục thông cảm với những kinh nghiệm của họ. Ngài muốn đảm bảo, các thừa tác viên không còn phải đối diện với những trải nghiệm đau đớn như vậy trong tương lai. Ông Herbert Gut nói: “Chúng tôi rất vui mừng trước việc này. Tuy nhiên, ngoài lời nói, chúng tôi mong đợi một sự thay đổi cụ thể trong cách đối xử với các nhân viên của giáo hội, để các cơ quan mục vụ trong tương lai không còn phải đối diện với sự phân biệt đối xử và tấn công vào sự liêm chính cá nhân.”
Nhiều tuyên úy khác ở Thụy Sĩ, những người không muốn phơi bày đời tư của mình trước công chúng, chắc chắn cũng đang chờ đợi quyết định cụ thể từ các giám mục. Các giáo phận ở Đức có thể đóng vai trò là hình mẫu cho Giáo hội ở Thụy Sĩ không? Theo bà Julia Moreno, “việc lấy nước khác làm khuôn mẫu (dù đó là Đức) luôn cực kỳ đơn giản và tế nhị, vì cơ cấu và bối cảnh pháp lý của nước này với nước khác rất khác nhau”. Tuy nhiên, theo các nguồn tin nội bộ, các giám mục đơn giản là không muốn “giải pháp của Đức”.
Marta An Nguyễn dịch