Trí tuệ nhân tạo phục vụ ơn cứu độ  

65

Trí tuệ nhân tạo phục vụ ơn cứu độ

Máy bay chiến đấu không người lái X-45A (UCAV) 2003 của Không quân Hoa Kỳ | © Ảnh của NASA / Lori Losey

cath.ch, Lucienne Bittar, 2024-03-08

Trí tuệ nhân tạo (AI) có nằm trong kế hoạch của Chúa không? Giáo sư thần học, kỹ sư hàng không Jean-Marc Moschetta thích trả lời “có” để làm cho người đối thoại thay đổi quan điểm và suy nghĩ của họ về việc dùng AI để “phục vụ ơn cứu độ”.

Sự phát triển của hệ thống trí tuệ nhân tạo làm dấy lên nỗi lo sợ. Bằng cách lập luận AI là một phần trong dự án của Chúa dành cho Con người, do ơn gọi của Con người là đồng sáng tạo, giáo sư  bảo vệ một tầm nhìn lạc quan hơn. Ý của giáo sư là gì?

Thần học gia Jean-Marc Moschetta: Chúa tạo dựng tất cả mọi chuyện. Đó là khẳng định cơ bản của đức tin do thái-kitô giáo. Trí thông minh nói chung là sự sáng tạo của Chúa. Vì thế, hiện nay những cỗ máy mô phỏng trí thông minh là sản phẩm sáng tạo của trí tuệ con người, cũng là công việc của Chúa. Đó chính là sự sáng tạo thần thánh được thể hiện trong AI cũng như trong sự xuất hiện của trí thông minh tự nhiên, mà chúng ta gọi là trí thông minh sinh học.

Giáo sư Jean-Marc Moschetta | © ISAE-SUPAERO

Thiên nhiên đã tạo ra một dạng siêu việt, nghĩa là một dạng trí tuệ cho phép con người nhìn lại chính mình và nhìn xa hơn những gì mình vốn có. Chúng ta không thể buồn vì con người tái tạo trí thông minh của mình trong máy móc, theo cách vẫn còn sơ khai, đồng thời tôn vinh sự tiến bộ của các quá trình tự nhiên dẫn đến sự xuất hiện homo sapiens (người tinh khôn hay người đương đại) sau một số thử nghiệm và sai sót đắt giá qua nhiều thế hệ.

Do đó, bất kỳ tạo vật nào của con người, ngay cả những thứ xấu nhất, chẳng hạn như vũ khí hủy diệt hàng loạt, đều là công việc của Chúa sao?

Thành kiến trong cách giải thích về sự sáng tạo của do thái-kitô giáo là cho rằng mọi chuyện đều “tốt”. Nhưng chúng ta không thể hiểu khẳng định này nếu không tham chiếu đến tính tạm thời trong Kinh thánh và theo quan điểm về Sự Cứu rỗi.

Cách đọc truyền thống về trình thuật Sáng thế cho thấy sự bất toàn về mặt cấu trúc của công trình sáng tạo thần linh: Thiên Chúa tạo dựng một điều gì đó khác với chính Ngài và vẫn còn trong tiến trình, ánh sáng, nước, động vật và Con người. Vào ngày thứ bảy, ngày sa-bát, sách nói “Chúa đã hoàn thành những gì Ngài đã tạo ra”, điều này cho rằng tạo dựng các yếu tố của thế giới cho thấy những hành động chưa hoàn thành và cũng là những hành động tốt. Sa-bát là ngày hoàn thành, nhưng chúng ta vẫn đang trong thời điểm hoàn thành công tạo dựng.

Chúng ta nhìn vào thiên nhiên, thiên nhiên vẫn còn nguyên dù con người có  ác ý. Thiên nhiên đầy những chuyện tàn ác và vô đạo đức. Chim sẻ ngô moi não con còn nhỏ để nuôi sống mình; ong vò vẽ ký sinh đẻ trứng vào ấu trùng của các loài côn trùng khác, để con của chúng phát triển, dù phải hy sinh mạng sống của những sinh vật che chở chúng. Chính những quan sát này đã làm cho Darwin mất niềm tin vào một Thiên Chúa nhân từ, Đấng mà theo ông chỉ tạo dựng những chuyện đẹp đẽ.

Cũng chính vì sự khó hiểu này mà ngôn sứ Isaia nói trong chương 11, rằng đây không phải là điều Thiên Chúa muốn, rằng kế hoạch của Ngài là hòa giải, để sói có thể ở với chiên con và đứa trẻ đặt tay vào ổ rắn độc mà không chết. “Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.” Không có gì trên thế giới là hoàn hảo, nhưng mọi thứ đều được liên kết với dự án của Thiên Chúa.

“Tôi không thể thuyết phục bản thân rằng, một Thiên Chúa nhân từ và toàn năng lại có thể cố tình tạo ra những con tò vò trong ý định bắt chúng ăn thịt con sâu bướm để sống…” Charles Darwin

 

Tất cả những gì chúng ta phải làm là yên lặng chờ đợi…

Ngược lại. Con người chắc chắn tham gia vào dự án của Chúa khi Chúa sáng tạo ra một cái gì đó dù tốt hay xấu, những bài nhạc của Bach hay vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng con người được gọi với tư cách là người đồng sáng tạo để biến đổi những đồ vật đã được tác dụng cho mục đích xấu.

Sự sáng tạo của con người có thể phục vụ ơn cứu độ hoặc chống lại ý định hòa giải phổ quát này. Tiên tri Isaia nói: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2:4). Điều đó có nghĩa là, những đồ vật được tạo ra để làm điều ác này có thể được tái sử dụng và định hướng lại cho tốt đẹp. Chúng được tinh khiết.

Sự tự do mà Chúa ban cho con người có nên áp dụng cho AI mà con người tạo ra không? Những AI sẽ tự do tạo ra thế giới, ngoài sự quản lý của con người. Đây có phải là quan điểm giáo sư đang bảo vệ không?

Khi đưa con cái mình ra chào đời, chúng ta biết chúng ta sẽ không toàn quyền với những gì con cái chọn lựa, chúng có quyền tự do của chúng. Chúng sẽ làm để phục vụ sự sống hay phục vụ cái ác? Không có lý do gì để lo cho AI và mong chờ AI sẽ hoạt động tốt hơn hoặc xấu hơn.

Điều đó có nghĩa, nếu chúng ta thực sự phải đối diện với những hệ thống mà chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ có khả năng tự lựa chọn, thì chúng ta không bắt buộc phải đi theo hướng này. Điều nguy hiểm là chúng ta trao đặc quyền cho “đứa con được nuông chiều” những hệ thống AI không được “giáo dục” đủ tốt để đưa ra những quyết định đúng đắn. Chúng ta đã làm điều này với các robot tài chính, chọn mua hoặc bán lại lúa mì trên thị trường này hoặc thị trường kia, để tối đa hóa lợi nhuận của các nhà đầu tư đã “đưa chúng vào thế giới”, mà không phải lo lắng về những hạn chế về mặt đạo đức.

Giáo sư làm việc để phát triển máy bay không người lái. Quyền tự chủ giao cho AI trong việc sử dụng quân sự đặt ra những câu hỏi mới về trách nhiệm của con người, nhưng đúng hơn là sự giải-trách nhiệm của con người!

Ở đây chúng ta có một ví dụ thú vị. Máy thực sự có thể sẽ quyết định thay chúng ta về mục tiêu tấn công, nó chỉ dựa trên phân tích thuật toán về hình ảnh hoặc nhận dạng mục tiêu. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh hiện đại thường diễn ra ở các thành phố, nơi rất khó phân biệt giữa người dân thường và quân nhân. Chúng ta thực sự muốn gì? Chúng ta đồng ý hay không đồng ý với việc mất lợi thế quân sự khi không sử dụng những máy bay không người lái thông minh này, để áp dụng nguyên tắc đạo đức của luật nhân đạo quốc tế về phân biệt đối xử giữa người tham chiến và người không tham chiến? Đây là lãnh vực của tự do chúng ta. 

“Các đối tượng kỹ thuật ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta mà chúng ta không nhất thiết phải chú ý.” Jean-Marc Moschetta

 

Chúng ta cũng có thể hình dung việc quy tụ các quy tắc đạo đức trong các quá trình ra quyết định của máy bay không người lái. Một số nhà nghiên cứu về đạo đức quân sự cho rằng một trong những lợi thế của robot vũ trang có hệ thống quy tụ các quy tắc này là chúng không bị cảm xúc lấn át và tiếp tục áp dụng thuật toán trong mọi trường hợp. Điều này sẽ ngăn chặn sự tàn sát do sợ hãi gây ra. Nhưng chúng ta nhanh chóng quên đi những tác động do máy móc gây ra.

 

Có nghĩa là?

Các đối tượng kỹ thuật chắc chắn có một mâu thuẫn nội tại: không cần phải có một nòng súng 45 để xử tử một người, chúng ta có thể làm với cái tuốc nơ vít. Nhưng chúng cũng ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta mà chúng ta không nhất thiết phải chú ý.

Lấy ví dụ GPS chúng ta dùng để đi trên con đường hoàn toàn quen thuộc. Nhưng vì nó hướng dẫn một con đường khác nên nảy sinh ra nghi ngờ. “Nếu nó hướng dẫn như vậy thì chắc có tai nạn,” và chúng ta sẽ đi theo hướng dẫn của nó. Điều tương tự như vậy cũng có nguy cơ xảy ra với việc dùng hệ thống AI cho các hoạt động quân sự. Con người, được cho là phải quyết định cuối cùng, sẽ làm theo lời khuyên của AI thay vì mạo hiểm chọn một con đường khác để rồi bị đổ lỗi vì hậu quả của nó. Điều này gọi là hiệu ứng cảm ứng.

Điều này khá thuyết phục trên mạng xã hội.

Hoàn toàn đúng. Trên cơ sở thuật toán, AI đề nghị các hình ảnh và video cho chúng ta và cuối cùng chúng ta buộc phải sửa đổi các lựa chọn của mình. Hệ thống không áp đặt bất cứ điều gì lên chúng ta nhưng tạo ra những hành vi trong chúng ta.

Chúng ta lấy ví dụ trong lãnh vực giáo dục tôn giáo, hiện nay lãnh vực này ít được thực hiện trong gia đình. Những người trẻ đi tìm ý nghĩa sẽ vào các trang web để tìm câu trả lời. AI có thể là một cách hiệu quả để truyền giáo không? Với những nguy cơ nào?

Nhờ các công cụ kỹ thuật số, các bạn trẻ sẽ truy cập được các định dạng tóm tắt về đức tin kitô giáo, và theo định nghĩa, những định dạng này dễ tiếp cận, và được tiếp cận bất kỳ ở đâu. Nó tích cực. Tuy nhiên, nguy cơ đầu tiên là họ thấy mình đối diện với một hệ thống sẽ dẫn họ đến nơi mà họ đã có khuynh hướng muốn đến. Cũng có nguy cơ là những định dạng ngắn này rất đơn giản, rõ ràng và cuối cùng là không cân bằng cho lắm.

Ảnh: Mohamed Hassan/ CC0 Phạm vi công cộng

Chắc chắn việc rao giảng kitô giáo bao gồm những việc làm cho những điều phức tạp trở nên khá đơn giản, có ý nghĩa, bằng những hình ảnh và dụ ngôn như Chúa Giêsu đã làm, nhưng không rơi vào tình trạng biếm họa. Không thể tiếp cận chiều sâu của góc nhìn, của hiểu biết và tiếp thu các khái niệm chỉ trong 30 giây.

Chúng ta lấy ví dụ khá rõ từ đức tin kitô giáo. Một khi chúng ta nói: “Chúa Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật”, như công đồng Chalcedon định nghĩa vào thế kỷ thứ 5, thì chúng ta chưa nói gì nhiều… Nếu chúng ta thêm “không nhầm lẫn hay pha trộn”, chúng ta đi vào phần tế nhị, nhưng làm thế nào chúng ta có thể giải thích một cách nhanh chóng? Tính trực tiếp mà mạng xã hội mang lại làm chúng ta tránh xa những bí ẩn này, ngay cả khi chúng ta dành thì giờ để xem xét.

Đồng thời, AI có thể đề xuất những phát triển thần học phù hợp dựa trên những gì đã tồn tại. Chúng ta có thể hình dung AI mở ra những quan điểm ở bình diện này không?

Hoàn toàn có. Chúng ta chờ AI giúp tóm tắt nhưng AI cũng có thể gợi ý điều gì đó mới mẻ. Hiện tại, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đạt được điều này.

Vì thế giáo sư kêu gọi mọi người phân định khi dùng AI?

Đúng. Trong Mùa Chay này, việc nhịn kỹ thuật số là phù hợp và đó là điều tốt. Chúng ta phải đi lui một bước để suy nghĩ về cách làm cho đối tượng kỹ thuật, từ thiết kế đến cách sử dụng, phù hợp hơn với ý tưởng mà chúng ta có về ơn gọi của mình.

Chẳng hạn khi máy trả lời dịch vụ kêu chúng ta quay số 1 để nghe một dịch vụ nào đó, v.v. Các công ty làm ra nó có đặt câu hỏi để biết đây có phải là một tiến bộ không? Hiếm khi có bất kỳ số liệu hiệu suất nào. Nó sẽ làm tốn thì giờ, tiền bạc và cuối cùng không ai quan tâm. Chúng ta chịu đựng mà không muốn trả tiền để hưởng lợi. Một khối lượng công việc khổng lồ đang chờ chúng ta. 

Tòa Thánh và vũ khí tự động giết người

Ngày 4 tháng 3 năm 2024, tổng giám mục Ettore Balestrero, sứ thần Tòa Thánh tại Liên hợp quốc ở trụ sở Geneva, Thụy Sĩ đã đưa ra tuyên bố với Nhóm chuyên gia chính phủ về các công nghệ mới nổi trong lãnh vực Hệ thống vũ khí tự động giết người (LAWS). Ngài nói, Tòa Thánh ủng hộ mạnh mẽ việc đàm phán một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý về LUẬT, trong khi chờ đợi, đồng thời tạm dừng việc phát triển hoặc sử dụng chúng ngay lập tức.

Tổng giám mục Balestrero nhắc lại mối lo ngại đạo đức “nghiêm trọng” Đức Phanxicô đã nói lên trong Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024. Việc sử dụng quy mô lớn các máy bay không người lái có vũ trang, kể cả máy bay không người lái cảm tử và máy bay không người lái hàng loạt, cũng như tốc độ tiến bộ công nghệ làm nổi bật tính cấp bách của vấn đề.

Máy bay không người lái gây ra “nhận thức giảm sút về sự tàn phá gây ra”, dẫn đến cách tiếp cận ngày càng lạnh lùng và tách biệt đối với vấn đề sử dụng chúng.

Jean-Marc Moschetta

Tiến sĩ thần học và hàng không là nhà nghiên cứu tại Viện Công giáo Toulouse và là giáo sư về khí động học tại Viện Hàng không và Vũ trụ Cao cấp (ISAE-SUPAERO). Giáo sư đã làm việc trong suốt 20 năm để cải thiện hiệu suất của máy bay không người lái và tham gia vào một nhóm làm việc về chủ nghĩa xuyên nhân loại. Tác giả quyển Chúa Giêsu có đến để cứu máy móc không? (Jésus viendra-t-il aussi sauver les machines? Nxb. Mame 2021), giáo sư thường được các cộng đồng công giáo nhờ hướng dẫn các buổi thông tin và thảo luận xung quanh những vấn đề này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch