thinkingfaith.org, Austen Ivereigh, 2024-02-13
Đức Phanxicô chào nhà báo Austen Ivereigh, tác giả quyển sách Trước hết thuộc về Thiên Chúa: Tĩnh tâm với Đức Phanxicô trong phiên họp Thượng hội đồng Giám mục tại Vatican ngày 16 tháng 10 năm 2023. Tác giả là chuyên gia tại thượng hội đồng. Vatican Media
Trong quyển sách mới nhất Trước hết thuộc về Thiên Chúa: Tĩnh tâm với Đức Phanxicô (First Belong to God: On Retreat with Pope Francis), tác giả Austen Ivereigh đồng hành cùng độc giả trên hành trình khám phá sự thật về tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi tạo vật. Với những lời của chính Đức Phanxicô và Linh thao của Thánh I-Nhã hướng dẫn, chúng ta gặp Đức Phanxicô như cha linh hướng, người chăn dắt chúng ta thoát khỏi chính mình và hướng tới niềm vui được thuộc về.
Khi tôi đang tìm tòi để viết quyển tiểu sử Đức Phanxicô trong những tháng sau khi bầu chọn ngài tháng 3 năm 2013, dĩ nhiên tôi đến Buenos Aires và những nơi gắn liền với quá khứ Dòng Tên của ngài. Nổi bật trong số đó là Córdoba ở miền trung Argentina, với những vùng đất xinh đẹp trên những ngọn đồi bát ngát manzana jesuítica, một khu thuộc địa của thành phố có ngôi đền thờ tráng lệ và trường đại học nổi tiếng. Córdoba là nơi năm 1958, Jorge Mario Bergoglio, 22 tuổi, bắt đầu tập viện hai năm. Và đó là nơi, vào tuổi ngũ tuần năm 1990 Bergoglio trở lại, sau một thời gian hỗn loạn ở tỉnh Dòng xung quanh di sản lãnh đạo của ngài.
Đó là “cuộc lưu đày” của ngài, tôi thích thú khám phá: cả những hoàn cảnh dẫn đến đó, lẫn những tác động tích cực của sự sầu khổ mà ngài đã ở đó trong hơn hai năm. Tất cả những điều này xảy ra trước khi ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Buenos Aires năm 1992. Tôi thường nhìn lại hai năm đó để hiểu về triều của ngài. Và bây giờ, khi tôi xuất bản quyển sách mà tôi gọi một cách táo bạo là ‘cuộc tĩnh tâm với Đức Phanxicô’, tôi nhớ lại chuyến đi Córdoba tháng 11 năm 2013. Ở đó tôi đã nhận được một món quà bất ngờ mà kể từ đó, tôi không ngừng mở ra, nó mang lại kết quả đặc biệt trong việc đi tĩnh tâm.
Giống như hầu hết các tu sĩ Dòng Tên Argentina tôi có dịp nói chuyện trong những tuần lễ này, linh mục Alfonso Gómez SJ – là linh mục giám tỉnh rất lâu sau Bergoglio, linh mục biết rõ ngài là người tốt bụng, hay giúp đỡ, nhưng thận trọng. Bề trên tổng quyền ở Rôma đã xin họ thận trọng: các nhà báo đang tìm hiểu quá khứ của tân giáo hoàng, và những căng thẳng là điều ai cũng biết. Vì vậy tôi tập trung các câu hỏi của mình vào Bergoglio với tư cách là lãnh đạo tinh thần và linh hướng. Tôi biết ngài đã xuất bản ba quyển sách về các bài tĩnh tâm, nhưng tôi không tìm thấy trong các tiệm sách ở Buenos Aires. Sách đã bán hết và vào thời điểm đó, sáu tháng sau triều của ngài, không ai nghĩ đến việc tái bản. Nhưng Cha Gómez đã có những bản gốc và kéo chúng xuống từ giá sách, phủ đầy một đám bụi nhỏ. Tôi chỉ còn vài giờ ở Córdoba nên ngài cho tôi mượn để sao lại.
Ngay cả trước khi đọc, tôi biết mình đã trúng mỏ vàng. Những tựa đề buồn tẻ – ‘Suy niệm cho tu sĩ’, ‘Suy ngẫm tâm linh về đời sống tông đồ’, ‘Suy ngẫm trong niềm hy vọng’ – đã phủ nhận sự sôi động của tài liệu. Đó là những bài nói chuyện và bài giảng trong các khóa tĩnh tâm được gom lại trong nhiều năm, từ đầu những năm bảy mươi khi ngài được bổ nhiệm làm giám tỉnh, cho đến các khóa tĩnh tâm và suy tư ngài thực hiện trong thời gian sống lưu vong ở Córdoba, nơi phong phú và phức tạp nhất. Trong vài tháng tiếp theo, chúng là nguồn tài liệu chính cho quyển tiểu sử của tôi, Nhà cải cách vĩ đại (The Great Reformer). Nhưng chỉ sau khi tôi viết xong quyển sách đó và có thì giờ đọc kỹ hơn ba quyển này, tôi mới bắt đầu thấy Các bài tập Linh thao đã định hình đến mức độ nào sự lãnh đạo của Bergoglio đối với các tu sĩ Dòng Tên, và hiện đang định hình triều của ngài. Những hiểu biết sâu sắc này bắt đầu cung cấp thông tin cho các khóa tĩnh tâm tám ngày hàng năm của tôi. Và tôi tự hỏi sẽ như thế nào nếu được tham dự một khóa tĩnh tâm với Bergoglio là cha linh hướng của mình.
Một phần vì những bài viết này, vào thời điểm tôi viết phần tiếp theo cho quyển tiểu sử Người chăn chiên bị thương (Wounded Shepherd), tôi đã hiểu ngài không phải là nhà lãnh đạo “anh hùng” mà là nhà lãnh đạo “khiêm tốn”. Tôi đã thấy cách ngài dùng phân định và đối thoại để ‘điều hành’ Giáo hội vượt qua những căng thẳng và khác biệt, giúp chúng ta mở ra với ơn hoán cải mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong thời điểm quyết định này. Tôi nghĩ ra một cụm từ đã làm thành con đường của ngài: Đức Phanxicô là ‘vị linh hướng của nhân loại’. Với tôi, dường như ngài đang điều hành Giáo hội với tư cách là người hướng dẫn Linh thao, để Đấng Tạo Hóa trực tiếp đến với các thụ tạo của Ngài, như Thánh I-Nhã đã nói (§15). Vì vậy, khiêm nhường không chỉ là nhân đức lớn lao của Đức Phanxicô, cũng như với Thánh I-Nhã. Đó cũng là chương trình của ngài, huấn quyền của ngài.
Tôi nhận ra, mục đích triều giáo hoàng của ngài là giúp Giáo hội phản ứng nhanh trước sự hiện diện hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng. Điều này có nghĩa là ‘ra khỏi chính mình’, nói theo cách Đức Phanxicô hay dùng’. Theo từ nguyên tiếng Hy Lạp, krisis có nghĩa là “lựa chọn”. Trong những sự kiện và trải nghiệm cụ thể mà chúng ta trải qua với tư cách cá nhân cũng như xã hội, chúng ta liên tục phải đối diện với những căng thẳng về thời gian và không gian, về sự viên mãn và giới hạn. Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong những không gian này, chúng ta có thể nhận ra qua sự an ủi và qua những giao động nó tạo ra. Thích ứng theo, cởi mở với các chuyển động trong từng thời điểm, đó là điều chúng ta học để làm, qua cầu nguyện và qua đối thoại, nhưng trên hết là những thời điểm “sa mạc” đặc biệt, thời kỳ lưu đày và tĩnh tâm.
Rồi đại dịch ập đến, Đức Phanxicô như được tiếp thêm sinh lực. Chúng ta có thể thấy qua lời nói và hành động của ngài. Giữa đau khổ, thế giới đột nhiên rút lui, và như nhà linh hướng, ngài dẫn dắt chúng ta, lèo lái chúng ta giữa những vách đá để đến chân trời rộng lớn hơn phía trước, cảnh báo về những cám dỗ và trở ngại sẽ khép kín chúng ta. Ngài nói với chúng ta, chúng ta không thể đứng yên như vậy; hoặc chúng ta trở nên tệ hơn hoặc tốt hơn. Tốt hơn là mở lòng đón nhận ơn được ban: thoát khỏi chính mình, vượt qua ranh giới suy nghĩ và thói quen, đón nhận điều mới mẻ mà Thiên Chúa đang thực hiện giữa chúng ta. Tệ hơn là đóng cửa trong sự ngờ vực bị bao vây – một cám dỗ lớn ngày nay với ngài. Trong lời nói đầu của quyển sách, ngài viết: “Đây không phải là lúc ngồi thu mình và khóa cửa. Tôi thấy rõ Chúa đang kêu gọi chúng ta ra khỏi chính mình, đứng dậy và bước đi.” Tốt hơn là nên suy ngẫm về những gì đang xảy ra, nhìn thấy những suy nghĩ khác nhau đang làm việc và có lòng khiêm tốn để không bám vào kịch bản cũ, nhưng để xem điều gì là chân thực, vững chắc và mang lại sự sống. Tốt hơn nên chọn những điều này – những gì thuộc về Chúa – thay vì những cái bẫy chết chóc đội lốt giải pháp.
Vào giữa năm 2020, tôi bắt đầu làm việc với Đức Phanxicô về một quyển sách để ngài có thể giải thích tất cả những điều này. Hãy để chúng ta mơ ước: Con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp (Let Us Dream: the Path to a Better Future) ra mắt vào cuối năm đó và là một kiểu tĩnh tâm. Người đọc có thể cầm quyển sách lên, cảm thấy như đang ngồi với Đức Phanxicô, nói chuyện trực tiếp với ngài một cách tự nhiên, đặt câu hỏi cho ngài, mời ngài xem xét những gì đang xảy ra trong cuộc khủng hoảng Covid-19: nó tiết lộ điều gì về chúng ta và cho chúng ta thấy những thay đổi nào là cần thiết. Vào những năm 2021–22, quyển sách đã được nhiều giáo xứ và cộng đoàn dùng trong các cuộc thảo luận và câu lạc bộ đọc sách. Mọi người gặp nhau trực tuyến để thảo luận trong nhiều tuần.
Tháng 7 năm 2020, khi tôi đang làm việc về quyển sách Hãy để chúng ta mơ ước, hàng ngày tôi đưa ra ý kiến đóng góp về chuyến tĩnh tâm tám ngày của Tỉnh Dòng Tên của Anh tổ chức. Ý tưởng của cha giám tỉnh Damian Howard lúc đó là tổ chức Linh thao cho các tu sĩ Dòng Tên và những người cộng tác của họ xoay quanh các chủ đề lớn của triều giáo hoàng. Đó là nguồn gốc của quyển Trước hết thuộc về Thiên Chúa.
Vì cách ly nên chúng tôi không gặp nhau được ở Trung tâm Tâm linh Dòng Tên St Beuno, phía bắc xứ Wales, do đó chủ đề – cuộc khủng hoảng thuộc về trong thời kỳ khủng hoảng – là phù hợp. Về hình thức cũng vậy. Một khóa tĩnh tâm kéo dài tám ngày trên Zoom, cùng nhau nhưng lại tách biệt, phản ánh về các mối liên kết đã kết nối chúng ta, là một cách tuyệt vời để bước vào triều giáo hoàng, nhìn tình trạng bất ổn hiện tại của chúng ta như một khủng hoảng ba mặt của việc thuộc về: với Chúa, với tạo vật và với nhau. Việc mất đi cảm giác thuộc về gia đình nhân loại duy nhất vốn là một phần của tạo hóa, có nghĩa chúng ta đặc biệt thiếu chuẩn bị để quản lý quá trình chuyển đổi sang một tương lai tốt đẹp hơn. Do đó có những giáo huấn đặc trưng của triều giáo hoàng: tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium về việc chúng ta thuộc về Thiên Chúa; Thông điệp Laudato si’ về việc chúng ta thuộc về tạo vật và các tạo vật không chỉ là con người chúng ta; và Thông điệp Fratelli Tutti, về việc chúng ta thuộc về nhau trong cộng đồng nhân loại. Trong mỗi trường hợp, nhiệm vụ của chúng ta là vượt qua sự thiếu tin tưởng vào bản thân, sự ganh đua tham lam, mong muốn thống trị và biến nó thành công cụ; đây là những trạng thái tội lỗi giam cầm chúng ta trong tình trạng không thuộc về.
Trước hết thuộc về Thiên Chúa: Tĩnh tâm với Đức Phanxicô được phát triển trong cuộc họp mặt năm 2020, kết hợp ba tập các bài nói chuyện tĩnh tâm Dòng Tên của Bergoglio, cũng như các Bài tập Linh Thao ngài đưa ra cho các giám mục Tây Ban Nha vào năm 2006. Đặc biệt quan trọng là tông huấn Vui mừng và Hân hoan Gaudete et exsultate về sự thánh thiện năm 2018, theo nhiều cách, là bản tóm tắt khôn ngoan về một cuộc sống gắn liền với Linh thao, với tình yêu và tình bạn sâu sắc hơn bao giờ hết với Chúa Kitô. Tiêu đề của quyển sách lấy từ đoạn 65 của Gaudete et exsultate, Đức Phanxicô viết: “Chỉ trên cơ sở ân sủng của Thiên Chúa, được đón nhận một cách tự do và khiêm tốn, chúng ta mới có thể hợp tác bằng nỗ lực của chính mình, trong quá trình biến đổi ngày càng tiến bộ của mình. Trước hết chúng ta phải thuộc về Thiên Chúa, dâng mình cho Đấng đã có mặt trước tiên, và phó thác cho Ngài khả năng, nỗ lực, cuộc chiến chống lại sự dữ và sự sáng tạo của chúng ta, để món quà nhưng không của Ngài có thể lớn lên và phát triển trong chúng ta. Thuộc về là học cách chấp nhận món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta khi Ngài tạo dựng chúng ta và làm chúng ta không ngừng mong mỏi được sống trong Ngài. Với hiểu biết này – và phải được nắm bắt bằng cả trái tim cũng như lý trí – sẽ dẫn chúng ta đến sự tự do thuộc về, phục vụ và yêu thương.”
Trong lời nói đầu tuyệt vời của quyển sách, Đức Phanxicô viết, Thánh I-Nhã xem cuộc sống là ‘một cuộc đấu tranh để vượt qua cám dỗ khép kín bản thân, để tình yêu của Chúa Cha có thể ngự trị trong chúng ta’, cứu chúng ta thoát khỏi huyền thoại tự đủ, để chúng ta mở lòng ra với tạo dựng và tạo vật, trở thành kênh dẫn của sự sống và tình yêu. ‘Chỉ khi đó chúng ta mới nhận ra cuộc sống thực sự là gì: một ơn của Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta sâu sắc và mong muốn chúng ta thuộc về Ngài và thuộc về nhau.’
Trước hết thuộc về Thiên Chúa là cuộc hành trình kéo dài tám ngày để khám phá sự thật này. Ngày một, ngày hai và ba lấy từ tuần đầu của Linh thao: đón nhận thân phận thụ tạo của chúng ta, đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và khước từ tính thời thượng. Ngày thứ tư, năm và sáu đưa chúng ta vào những suy ngẫm nổi tiếng của tuần thứ hai – Tiếng gọi của Đức Giêsu Kitô Vua, hai cờ hiệu, ba mẫu người – xoay quanh các chủ đề cốt lõi của triều giáo hoàng: cái nhìn của lòng thương xót trong việc lựa chọn cho người di cư, những lựa chọn mà việc hoán cải sinh thái đòi hỏi, cũng như sự khiêm tốn và tư duy cần thiết cho tính đồng nghị. Ngày thứ bảy, ‘Chiến thắng của thất bại’, là tuần thứ ba suy ngẫm Thập giá, ý nghĩa của kiên nhẫn và thất bại, ngày thứ tám, ‘một tưởng tượng mới về điều có thể’, đưa chúng ta vào tuần chiêm niệm thứ tư, ngẫm nhìn Đức Giêsu sống lại.
Nhìn triều giáo hoàng qua Linh thao và đến với Linh thao qua giáo hoàng, đã giúp tôi nhìn thấy những mối liên hệ đó, cũng như chiều sâu của những bước đi mà ngài đã thực hiện trong 11 năm qua. Điều này đã được công bố trong bài phát biểu trước mật nghị của ngài với các hồng y, khi ngài nói vị giáo hoàng tiếp theo sẽ làm cho Giáo hội “đi ra khỏi chính mình” (salir de sí misma) đến các vùng ngoại vi. Ngài không chỉ nói, hãy truyền giáo nhiều hơn, tập trung vào truyền giáo nhiều hơn, hoặc quan tâm đến những thực tế đau đớn và thống khổ trong thế giới nhiều hơn. Ý của ngài là chúng ta nên có khả năng tự siêu việt, thoát ra khỏi ranh giới suy nghĩ của mình, để mở lòng ra cho hoạt động của Chúa Thánh Thần và điều mới mẻ mà Chúa đang làm.
Đó là những gì ngài đã đưa ra trong ba quyển sách tôi được đọc ở Córdoba. Các quyển sách này vẫn chưa được xuất bản bằng tiếng Anh, nhưng khi dựa vào Trước hết thuộc về Thiên Chúa sẽ mang lại cho chúng ta một cảm giác nào đó về việc có giáo hoàng Phanxicô tương lai làm linh hướng. Nhưng chủ yếu Trước hết thuộc về Thiên Chúa là về triều giáo hoàng: không chỉ hiểu, mà còn áp dụng với tư cách cá nhân, giáo xứ, giáo phận, cộng đoàn. Vì đây là thời kỳ của krisis, và điều sẽ giúp chúng ta vượt qua thời kỳ này một cách tốt đẹp, đó là chấp nhận sự thật về con người chúng ta và chúng ta thuộc về ai. Có nghĩa là chúng ta thoát ra khỏi chính mình để nhận được sự hướng dẫn của người đã tạo ra chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Tiến sĩ Austen Ivereigh là Nghiên cứu viên về Lịch sử Giáo hội Đương đại tại Campion Hall, Đại học Oxford. Quyển sách Trước hết thuộc về Thiên Chúa: Tĩnh tâm với Đức Phanxicô, nhà xuất bản Messenger và Nhà xuất bản Loyola ấn hành.