Tang lễ của ông Navalny: vì sao thi thể người quá cố quàn theo truyền thống chính thống giáo

68

Tang lễ của ông Navalny: vì sao thi thể người quá cố quàn theo truyền thống chính thống giáo

Ngày thứ sáu 1 tháng 3, hàng ngàn người ủng hộ ông Alexeï Navalny tham dự tang lễ cựu đối thủ của ông Vladimir Putin. Tang lễ cử hành theo truyền thống chính thống giáo, khuôn mặt của người quá cố được quàn trước cộng đồng. Tìm hiểu truyền thống đặc trưng này của Giáo hội chính thống.

la-croix.com, Arnaud Spilioti, 2024-03-01

Trong suốt buổi lễ, thi thể của chính trị gia Alexeï Navalny được quàn trong quan tài mở nắp. Olga Maltseva / AFP

Trưa thứ sáu, thi thể của ông Alexeï Navalny, chết trong một trại giam ở Bắc Cực ngày 16 tháng 2, trong những điều kiện vẫn còn mù mờ, được chào đón trong tiếng hát của các bài thánh ca tại nhà thờ Notre-Dame-de-l’Icon ở Matxcova. Theo truyền thống chính thống giáo, linh mục đọc lời cầu nguyện trích từ Thánh kinh: “Cuộc sống như bóng tối qua đi, thật hoài công cho loại người băn khoăn vô ích, tất cả chúng ta đều sẽ sống trong lăng mộ, người nghèo cũng như các vị vua.”

Bài đọc thêm: Tang lễ đối thủ Navalny, người Nga hô vang “không chiến tranh”

Trong suốt buổi lễ, như quy định trong tang lễ của chính thống giáo, thi thể người quá cố được quàn trong chiếc quan tài mở.

Giữ gìn mối liên hệ giữa người sống và người chết

Theo linh mục chính thống giáo Jivko Panev, giáo sư tại Học viện Chính thống Saint-Serge ở Paris, việc cử hành tang lễ theo nghi thức này là cách duy trì mối liên kết giữa người sống và người chết, nhưng cũng nhắc giáo dân về tính hữu hạn của chính mình. Linh mục giải thích: “Ở phương Tây, chúng ta che giấu cái chết vì nó làm chúng ta sợ. Nhưng việc nhìn gương mặt người quá cố giúp chúng ta dễ dàng bước vào tiến trình để tang. Nếu việc nhìn thấy khuôn mặt vô hồn đôi khi khó khăn, nhưng nó cũng nhắc cho người nhìn ý thức cái chết của chính mình, vì thế cũng là một cách để chuẩn bị cho mình. Là tín hữu kitô, chúng ta không nên sợ chết, nhưng phải đối diện với nó để chuẩn bị cho cuộc gặp với Thiên Chúa.”

Bài đọc thêm: Đám tang của ông Navalny: Hàng ngàn người Nga tiễn ông lần cuối

Trong Giáo hội chính thống, tang lễ thường tổ chức ba ngày sau khi người thân qua đời. Đây là giai đoạn linh hồn rời khỏi xác. Trong lễ an táng, nếu để lộ thi hài người quá cố thì cũng phải kết hợp với phụng vụ. Giáo dân được mời đến đặt hoa trên thi thể, tượng trưng cho sự nở hoa của tâm hồn vào thế giới tâm linh. Đây cũng là lúc người thân nói lời tiễn biệt cuối cùng với người thân yêu của mình.

Một dấu hiệu của hy vọng

Theo truyền thống chính thống, cái chết là dấu hiệu của sự sống mới. Linh mục Jikvo Panev giải thích: “Việc nhìn thi thể là dấu hiệu của hy vọng, của Chúa Kitô đến với chúng ta. Khuôn mặt của con người phản ánh khuôn mặt của Chúa Kitô. Chúng ta không nên quên, với tín hữu kitô, thời điểm quan trọng nhất trong năm là Lễ Phục Sinh. Chúng ta vinh danh Chúa Phục Sinh: Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, qua cái chết của Ngài, ngài đã chiến thắng cái chết.”

Ở Pháp, luật cấm quan tài mở trong tang lễ. Các tín hữu chính thống muốn làm phải xin phép miễn của quận hoặc tòa thị chính. Sau đó quan tài sẽ được người có thẩm quyền niêm phong.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hình ảnh tang lễ ông Alexeï Navalny ngày thứ sáu 1 tháng 3-2024 tại Matxcova