“Giáo hội phải tích hợp khoa học vào đạo đức tình dục của mình”

193

“Giáo hội phải tích hợp khoa học vào đạo đức tình dục của mình”

cath.ch, Raphael Zbinden, 2024-01-07

Linh mục Martin Lintner, giáo sư thần học luân lý tại Đại học Bressanone Ý, vùng Nam Tyrol nói tiếng Đức, đặt câu hỏi về đạo đức tình dục của Giáo hội | Ảnh chụp màn hình YouTube

Trong quyển sách mới Đạo đức của các mối quan hệ theo quan điểm kitô giáo (Christliche Beziehungsethik), thần học gia Ý Martin Lintner kêu gọi Giáo hội công giáo vượt qua quan điểm “thù nghịch” về tình dục. Linh mục đặc biệt nghĩ, đạo đức tình dục nên xem xét dữ liệu khoa học trong lãnh vực này.

Trong một cuộc phỏng vấn với trang katholisch.de của Đức ngày 4 tháng 1 năm 2024, linh mục lên tiếng: “Với đạo đức tình dục cứng nhắc của mình, Giáo hội đã tạo khó khăn không cần thiết cho cuộc sống con người, làm cho họ rơi vào các vấn đề nghiêm trọng của lương tâm.” Nhà thần học giải thích những lập luận chính được triển khai trong quyển sách Đạo đức của các mối quan hệ theo quan điểm kitô giáo do nhà xuất bản Herder phát hành gần đây.

Linh mục khẳng định: “Trong công việc của tôi, tôi đề cập một cách đầy đủ và phê phán sự tiến hóa của đạo đức tính dục của Giáo hội. Tôi muốn cho thấy vì sao Giáo hội thường có quan điểm thù nghịch như vậy với vấn đề tình dục và làm thế nào chúng ta có thể vượt qua tầm nhìn tiêu cực này.” Linh mục Lintner cho rằng hiện tượng “kỳ thị giới tính” này bắt nguồn từ sự khởi đầu của kitô giáo. Ngài giải thích: “Các Giáo phụ, chủ yếu là các giáo sĩ hoặc tu sĩ sống độc thân, đã đánh dấu nền đạo đức tính dục của Giáo hội trong nhiều thế kỷ. Ý tưởng cho rằng ham muốn tình dục tự chính nó là tội lỗi đã có từ thời Thánh Augutinô. Theo ngài, nó liên quan trực tiếp đến sự sa ngã của con người”.

Kinh Thánh giải nghĩa sai?

Theo linh mục Lintner, “thể chế được sử dụng để thành lập gia đình, theo quan điểm pháp lý là hôn nhân, vì thế đòi hỏi các quan hệ tình dục chỉ được thực hiện trong hôn nhân vì mục đích sinh sản”. Những cân nhắc về luật tự nhiên từ các phong trào triết học như Stoa cũng đóng một vai trò trong lãnh vực này. “Chính vì lý do này mà các hành vi thủ dâm hoặc đồng tính đã bị lên án nặng nề là tội lỗi. Vì tất cả những chuyện này không phục vụ cho việc sinh sản mà chỉ để tìm lạc thú”.

Tuy nhiên, theo thần học gia, ý tưởng này xuất phát từ việc giải thích Kinh thánh sai lầm. “Chúng ta đọc lại hai câu chuyện tạo dựng. Trước tiên là vấn đề tạo dựng con người: Thiên Chúa đã tạo dựng con người ‘có nam, có nữ’. Trong lời chúc phúc Ngài nói con người phải sinh sôi nảy nở. Trong câu chuyện thứ hai về tạo dựng, về mặt lịch sử thì lâu đời hơn, không nói gì về khả năng sinh sản, nhưng người đàn ông “vui vẻ nhận ra ở người phụ nữ bằng xương của xương mình, bằng thịt của thịt mình”. Thiên Chúa cũng nói người đàn ông sẽ rời cha mẹ và gắn bó với người phụ nữ và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt. Cũng giống như trong sách Diễm ca, nói đến sức hấp dẫn và sự gắn kết tình dục giữa hai người yêu nhau mà không đề cập đến việc sinh sản. Mãi sau này, hai truyền thống tường thuật này mới được kết hợp với nhau và được hiểu như một sứ mệnh dành cho các cặp vợ chồng, theo đó mục đích chính của hôn nhân là sinh con cái. Nhưng cách diễn đạt này phản ánh đúng hơn bối cảnh văn hóa xã hội, cụ thể là từ góc độ pháp lý, hôn nhân được ký kết với mục đích thành lập một gia đình.

Tình dục nào dành cho người lớn tuổi?

Và linh mục Lintner lấy làm tiếc về sự đau khổ mà cách giải thích này có thể đã gây ra, đặc biệt là ở những người không thể sinh sản. “Theo kinh nghiệm mục vụ của tôi, tôi đã gặp những người lớn tuổi nói chuyện về vấn đề nan giải này của họ. Họ cảm thấy tội lỗi vì đã – như họ đã học trong sách giáo lý – ‘hôn nhân bị lạm dụng’, và họ xấu hổ vì vẫn quan hệ tình dục hoặc trao đổi âu yếm khi tuổi đã cao.”

Nhà thần học đặt câu hỏi: “Chúng ta đã đặt gánh nặng gì lên những người này và tại sao chúng ta lại tước đi niềm vui và tính tự phát của họ trong vấn đề tình dục của họ?”. “Khi chúng tôi tập trung vào việc sinh sản, chúng tôi nghi ngờ bất cứ điều gì liên quan đến khoái cảm và sự hấp dẫn tình dục đều có thể gây hại hoặc có nguy cơ làm cho vợ chồng trở thành đối tượng tình dục.”

Đừng đánh mất những linh mục tận tâm và có năng lực

Linh mục giải thích: “Như chính Giáo hội nhấn mạnh, đời sống độc thân không phải là điều kiện cần thiết để thi hành chức linh mục. Luật độc thân bắt buộc chỉ được quyết định một cách dứt khoát trong Giáo hội la-tinh vào thế kỷ 12, đặc biệt dưới ảnh hưởng của cách giải thích tiêu cực về tình dục. Vì thế các thành viên của Giáo hội nên suy nghĩ về khả năng trả tự do cho toàn bộ giáo sĩ nghĩa vụ độc thân. Không phải vì tôi không xem lối sống này là không thích hợp – chính tôi đã chọn với tư cách là linh mục – cũng không phải vì tôi nghĩ bằng cách này chúng ta có thể khắc phục tình trạng thiếu linh mục, nhưng vì một lý do khác. Có những linh mục không tôn trọng luật độc thân – bất kể lý do gì – và bắt đầu quan hệ với một phụ nữ hoặc trở thành cha. Với họ, bạn đời và con cái của họ, thường có nghĩa là vô cùng đau khổ. Hoặc họ bí mật sống một cuộc sống hai mặt, hoặc họ phải đối diện trước lựa chọn. Nếu họ chọn gia đình, Giáo hội sẽ mất đi những linh mục tận tâm và có năng lực.”

Áp lực của La-mã

Linh mục cho biết ngài muốn tiếp tục suy tư về một nền đạo đức mới về tính dục và hôn nhân, phù hợp với Công đồng Vatican II, “bằng cách tích hợp các quan điểm của khoa học tự nhiên, nhân văn và xã hội, bao gồm cả nghiên cứu về giới tính”.

Bài báo giải thích linh mục Lintner đã bị từ chối “nihil obstat” (không có gì cản trở) của Rôma để đảm nhận chức vụ trưởng Phân khoa Triết học và Thần học ở Bressanone, Nam Tyrol. Tuy nhiên cha giải thích không muốn “để mình bị tê liệt” trước áp lực của Rôma. Cha khẳng định: “Tôi xem quyển sách của tôi như một đề nghị đối thoại với huấn quyền về những chủ đề mà cho đến ngày nay vẫn làm nảy sinh những xung đột đau đớn giữa thần học và huấn quyền và về những chủ đề mà Giáo hội chắc chắn đã mất uy tín”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

“Nếu tôi phải quyết định…”: tổng giám mục Charles Scicluna ủng hộ hôn nhân cho các linh mục