Thắp lên ngọn nến mùa Vọng

178

Thắp lên ngọn nến mùa Vọng

Ronald Rolheiser, 2023-12-11

Vào thời phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, các tín hữu kitô ở đó dùng ánh nến đặt ở bệ cửa sổ làm dấu hiệu họ tin đến một ngày nào đó sự bất công này sẽ chấm dứt. Một ngọn nến thắp ở cửa sổ là dấu chỉ của hy vọng và đồng thời là một tuyên bố chính trị. Chính quyền không bỏ qua thông điệp này. Họ đã ra luật mới, tuyên bố việc đặt nến ở bệ cửa sổ là phạm pháp, tội danh tương đương với tàng trữ súng, cả hai đều bị xem là nguy hiểm ngang nhau. Chuyện này cuối cùng trở thành chuyện cười cho trẻ con: “Chính quyền chúng ta sợ những ngọn nến kìa!”

Nhưng đúng là phải sợ! Hơn cả vũ khí, chính những ngọn nến đã lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Đến tận cùng, chỉ có hy vọng, chứ không phải súng đạn, mới biến đổi mọi sự. Thắp lên một ngọn nến là hành động của hy vọng, nói với chính mình và với người khác, dù tình hình trên thế giới hiện nay có như thế nào, chúng ta vẫn có thể nuôi một viễn tưởng về hòa bình và hiệp nhất dựa trên một điều gì đó vượt quá tình trạng hiện thời của mọi sự, dựa trên những hiện thực và quyền lực lớn hơn những gì thế giới thừa nhận. Thắp lên ngọn nến là lời tuyên bố công khai, đến cùng chúng ta vẫn tin những gì chúng ta thấy trên bản tin mới nhất trong ngày, sẽ không phải là cái định đoạt kết cục cuối cùng của mọi sự. Có những quyền lực khác cũng đang hoạt động. Thắp lên một ngọn nến là hành động phản kháng về chính trị và là hành động của hy vọng.

Hy vọng là gì?

Trước hết, hy vọng không phải là mơ tưởng hão huyền. Tôi có thể mơ mình trúng số, nhưng ước mơ đó tự nó không có sức mạnh để biến chuyện này thành sự thật. Thứ hai, hy vọng không phải là chủ nghĩa lạc quan đơn thuần, không phải là tính tình của một người luôn thấy được mặt tốt của mọi chuyện. Tinh thần lạc quan không chút dao động về mọi sự đôi khi có thể hữu ích, nhưng nó không phải là cơ sở của hy vọng. Cũng như mơ tưởng hão huyền, nó thiếu sức mạnh để biến ước mơ thành hiện thực. Cuối cùng, hy vọng không phải chỉ là quan sát và lẽ phải thông thường, không phải là dạng tài năng tìm ra được cái có thật từ trong cái sai. Nó hữu dụng đấy, nhưng vẫn không phải là hy vọng. Tại sao lại không?

Bởi vì hy vọng không đặt trên sự đánh giá sắc sảo của các sự thật theo kinh nghiệm, mà đặt trên niềm tin vào một hệ thực tế sâu xa hơn. Sự hiện hữu của Thiên Chúa, quyền năng và lòng nhân lành của Thiên Chúa, cùng lời hứa phát xuất từ đó.

Có một câu chuyện về thần học gia Pierre Teilhard de Chardin có thể giúp chúng ta làm rõ hơn chuyện này. Teilhard de Chardin không bị cho là người mơ tưởng hão huyền hay người lạc quan, nhưng đúng hơn là người hiện thực cô độc. Nhưng cha là người của một hy vọng đích thực. Chẳng hạn trong một dịp nọ, sau khi phát biểu trong một hội nghị về một viễn tượng trong đó sự hiệp nhất và hòa bình tối hậu sẽ đến trên trái đất này theo cách tương tự như viễn tượng của Kinh thánh, có một đồng nghiệp đặt ra cho cha thách thức thế này: “Đây là một viễn tượng lý tưởng, rất tuyệt vời, nhưng giả sử chúng ta phá tan thế giới bằng bom nguyên tử, thì ước vọng đó sẽ như thế nào?” Cha Teilhard trả lời: “Thế thì mọi chuyện sẽ bị đẩy lùi hàng triệu năm, nhưng nó vẫn sẽ đến hồi thành tựu, không phải vì tôi nói thế hay những sự thật hiện thời cho thấy sẽ như thế, nhưng vì Thiên Chúa đã hứa như thế và trong sự phục sinh của Chúa Giêsu đã cho thấy, Ngài đủ quyền năng để thực hiện lời hứa đó”.

Như chúng ta có thể thấy từ chuyện này, hy vọng cần cả đức tin và nhẫn nại. Nó hoạt động như men, chứ không phải như lò vi sóng. Ông Jim Wallis, nhà sáng lập tạp chí Sojourners đã mô tả một cách sinh động: “Mọi chính trị gia đều như nhau, họ nhìn xem hướng gió thế nào, rồi ngả theo hướng đó. Dù có đổi chính trị gia nào, thì chuyện đó sẽ không bao giờ thay đổi. Vậy nên chúng ta phải thay đổi luồng gió! Việc của hy vọng là thế, là thay đổi chiều gió!”

Khi nhìn vào những gì đã thay đổi về mặt tinh thần trong thế giới này, từ những truyền thống tôn giáo lớn phát xuất từ các  hoang mạc, hang động và hầm mộ đã giúp lên men toàn bộ nhiều nền văn hóa, cho đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã bị lật đổ ở Nam Phi, chúng ta thấy rằng những chuyện này xảy ra khi có những cá nhân và nhóm người thắp lên những ngọn nến và hy vọng đủ lâu cho đến khi chiều gió thay đổi.

Chúng ta thắp lên những ngọn nến Mùa Vọng với tâm thức này, chấp nhận thay đổi chiều gió là một tiến trình lâu dài, rằng những bản tin mới nhất không phải lúc nào cũng tích cực, thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng tăng, những hệ thống quốc phòng tinh vi nhất thế giới không phải lúc nào cũng bảo vệ được chúng ta khỏi khủng bố, và những hệ tư tưởng bảo thủ hay tự do sẽ không thể loại bỏ tính ích kỷ ra khỏi hành tinh này.

Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục thắp lên những ngọn nến, vẫn tiếp tục hy vọng, không phải trên cơ sở là tình hình đang tốt hơn hoặc xấu hơn, nhưng với hiện thực thâm sâu nhất là Thiên Chúa hiện hữu, cốt lõi vẫn được giữ vững, có một Thiên Chúa nhân từ cai quản toàn thể vũ trụ này, và Thiên Chúa này đủ quyền năng để sắp xếp lại những nguyên tử trên hành tinh và cho xác chết sống lại. Chúng ta thắp lên những ngọn nến vì Thiên Chúa, Đấng quyền năng tối thượng, đã hứa sẽ thiết lập vương quốc yêu thương và hòa bình trên trái đất này, và cũng là Đấng nhân từ, đầy tha thứ và đủ quyền năng để cuối cùng biến nó thành hiện thực.

J.B. Thái Hòa dịch