Đức Phanxicô nói gì về hồng y Raymond Burke
wherepeteris.com, Austen Ivereigh, 2023-11-29
Câu hỏi mà hầu hết người công giáo đặt ra trước quyết định Đức Phanxicô bỏ các đặc quyền của hồng y Raymond Burke sẽ không phải là câu “vì sao ngài lại làm thế?” nhưng là “vì sao ngài lại để lâu như vậy?” Giáo hoàng là người kiên nhẫn đến kinh ngạc và ngài thường để cho người khác có cơ hội thứ hai. Bất kỳ ai theo dõi các hoạt động, các bài phát biểu và những mánh khóe của hồng y người Mỹ theo chủ nghĩa truyền thống trong thập kỷ qua sẽ ngạc nhiên thấy ông thường xuyên làm suy yếu quyền lực giáo hoàng, chống triều giáo hoàng cũng như chống huấn quyền, xây cho mình một sự nghiệp có lợi, tự cho mình mới là người bảo vệ truyền thống.
Dù kiên nhẫn cá nhân của giáo hoàng gần như vô hạn, nhưng có một điểm ngài phải hành động: cho công lý và vì lợi ích Giáo hội. Những trò hề của hồng y Burke khi Thượng hội đồng ở Rôma bắt đầu, tố cáo thượng hội đồng có âm mưu dị giáo được xem là một phần của những hành vi xúc phạm trước đó. Nhưng trước sự chú ý của thế giới dành cho thượng hội đồng, các hành động của hồng y chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý của công chúng, tạo nhầm lẫn và nghi ngờ nơi giáo dân bình thường về tiến trình quan trọng nhất trong Giáo hội công giáo kể từ Công đồng Vatican II.
Trong lời tuyên thệ của các hồng y, họ hứa vâng lời “người kế vị Thánh Phêrô, mà giáo hoàng là đại diện tối cao”. Lời tuyên thệ không phải là ngẫu nhiên. Bất cứ ai làm giáo hoàng đều có đặc sủng thẩm quyền mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho Thánh Phêrô tông đồ. Đây không phải là sở thích cá nhân với giáo hoàng này hay với giáo hoàng kia. Làm suy yếu, đặt vấn đề, nghi ngờ tính hợp pháp thẩm quyền chức vụ Thánh Phêrô khi tuyên bố người giữ chức vụ đó không đáng để giao chức vụ, là trực tiếp đi ngược với lời tuyên thệ của các hồng y. Nếu một hồng y có xác tín này trong lương tâm, thì sự chính trực đòi hỏi ông phải từ chức.
Không những không từ chức, hồng y Burke còn tiếp tục nhận lương khoảng 5-6.000 âu kim một tháng, sống miễn phí trong căn hộ rộng hơn 400 mét vuông, trị giá tiền thuê cũng 5-6000 âu kim mỗi tháng. Thật khó để hình dung một cơ quan nào để cho nhân viên làm chuyện này. Sự bất công của một hồng y giàu có độc lập, sống nhờ dân Chúa nhưng lại theo chủ nghĩa truyền thống, gieo rắc ngờ vực, nghi ngờ về người kế vị Thánh Phêrô, điều này là điều hiển nhiên với bất cứ ai không sống trong thế giới thêu dệt riêng của họ.
Tôi đã gặp Đức Phanxicô chiều 27 tháng 11, một cuộc gặp ngắn vì ngài bị sưng phổi, ngài cố gắng một chút mới nói được (các bác sĩ khuyên ngài không nên đi Dubai, chuyến đi từ ngày 1 đến 3-12 đã bị hủy). Trong buổi nói chuyện, ngài nói với tôi, ngài quyết định bỏ các đặc quyền hồng y của hồng y Burke – tiền lương và căn hộ – vì hồng y đã dùng những đặc quyền này để chống Giáo hội. Ngài nói, dù quyết định này không phải là bí mật nhưng ngài không có ý định công bố công khai, đúng hơn là vào ngày thứ hai, và tin đã bị rò rỉ.
Sau khi rời Nhà Thánh Marta, tôi thấy tin này trên trang web tin tức La Bussola Quotidiana của chủ nghĩa truyền thống. Tin này là hiển nhiên cho những ai đưa tin về Vatican: người đưa tin được thúc đẩy bởi sự thù địch chống lại giáo hoàng. Câu chuyện của họ kể, tại một cuộc họp ngày 20 tháng 11 với những người đứng đầu các bộ, Đức Phanxicô đã nói với họ: Il cardinale Burke è un mio nemico, perciò gli tolgo l’appartamento e lo stipendio (hồng y Burke là kẻ thù của tôi, nên tôi lấy lại căn hộ và tiền lương của ông).
Tôi biết câu này hoàn toàn là hư cấu. Đức Phanxicô sẽ không bao giờ trả thù cá nhân. Nó hoàn toàn phù hợp với câu chuyện truyền thống về một giáo hoàng tàn nhẫn, đầy thù hận, người “trừng phạt” một cách liều lĩnh và vô lý những ai không đồng ý với ngài. Bất cứ ai biết hoặc làm việc với giáo hoàng đều biết chuyện này sai sự thật đến như thế nào, tuy nhiên nó là một loại hư cấu được quảng bá mạnh bởi các phương tiện truyền thông và trang web ủng hộ hồng y Burke. Đó là loại hư cấu nhằm duy trì ảo tưởng rằng họ là nạn nhân vô tội bị trừng phạt chỉ vì bảo vệ truyền thống không thay đổi của Giáo hội, chống lại kẻ tiếm quyền theo chủ nghĩa hiện đại.
Sáng thứ ba 28 tháng 11, tôi viết cho Đức Phanxicô một ghi chú báo cho ngài về lời nói này và đề nghị ngài sửa lại bằng sự thật như ngài đã nói với tôi. Những người khác có mặt tại cuộc họp ngày 20 tháng 11 cũng đã lên tiếng, họ nói với các nhà báo có uy tín với điều kiện giấu tên. Một người nói với nhà báo Massimo Franco của Corriere della Sera rằng Đức Phanxicô đã thông báo cho họ về “một số biện pháp có tính chất kinh tế, cùng với các hình phạt theo giáo luật” mà ngài sẽ áp dụng với hồng y. Theo một nguồn tin có mặt tại cuộc họp được bà Nicole Winfield của Associated Press trích dẫn, điều này là do hồng y Burke, “nguồn gốc của sự mất đoàn kết trong Giáo hội”. Một báo cáo của nhà báo Philip Pullella hãng tin Reuters trích dẫn một quan chức chống lại Giáo hội và chống lại giáo hoàng” và đã gieo rắc “sự mất đoàn kết” trong Giáo hội. Nhưng quan chức này đặc biệt phủ nhận việc Đức Phanxicô gọi hồng y Burke là “kẻ thù”.
Vào tối thứ ba, tôi nhận được tin nhắn của giáo hoàng. “Tôi chưa bao giờ dùng từ ‘kẻ thù’ cũng như đại từ ‘của tôi’. Tôi chỉ nói sự việc tại cuộc họp của những người đứng đầu bộ mà không đưa ra lời giải thích cụ thể.
Ngài cám ơn tôi vì đã làm rõ điều này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch