Đức Phanxicô: giáo hoàng muốn qua đời khi tại chức
lepoint.fr, Caroline Pigozzi, 2023-09-08
Dù bị bệnh, Đức Phanxicô vẫn tiếp tục đi tông du khắp thế giới. Ngài vừa đi Mông Cổ về. Tường trình từ máy bay giáo hoàng từ Oulan-Bator về Rôma ngày thứ hai 4 tháng 9.
Nhưng điều gì đã làm cho giáo hoàng khi ngài sắp 87 tuổi vẫn còn muốn tiếp tục làm việc? Lần này ngài đến vùng thảo nguyên mênh mông của Mông Cổ, nơi có mùa đông khắc nghiệt, với nhiệt độ có khi xuống âm 40 độ, với chỉ 1.380 giáo dân trong một đất nước chỉ có 3 triệu dân. Ngài là giáo hoàng đầu tiên đến vùng đất phật giáo nằm giữa nước Nga phía bắc và Trung Quốc phía nam. Chuyến tông du thứ 45 kéo dài 4 ngày rưỡi trên chiếc Airbus A330 của hãng hàng không Ý ITA Airways – chuyến bay luôn mang số AZ 4000 – bay qua Croatia, Bosnia, Serbia, Montenegro, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Azerbaijan và Trung Quốc. Theo thông lệ, khi bay trên không phận các nước, giáo hoàng gởi điện tín ngoại giao đến mỗi quốc gia này. Để không lặp lại sự cố năm 2014, do lỗi Wi-Fi trên máy bay, đã làm cho nguyên thủ quốc gia Trung Quốc không nhận được điện tín nghi thức, lần này thận trọng hơn, trước khi đi, qua sứ quán Trung quốc ở Rôma, ngài gởi điện tín tới chủ tịch Tập Cận Bình trước.
Không như hầu hết các nguyên thủ quốc gia, giáo hoàng không có máy bay riêng, ngài dùng máy bay của công ty ITA của Ý. Trên máy bay, ngài luôn ngồi hàng ghế đầu trên bên trái, ghế hạng thương gia, ngài có thể nằm dài nhưng không có giường. Các cố vấn thân cận nhất ngồi đằng sau ngài, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, tổng giám mục Gallagher, bộ trưởng bộ Ngoại giao, các viên chức nghi lễ, hai quản gia (người tặng chuỗi tràng hạt và mề-đay), bác sĩ và y tá của ngài. Phần giữa máy bay là ban an ninh Vatican và cận vệ Thụy Sĩ. Còn các nhà báo ở đuôi máy bay. Tầm quan trọng của người này người kia có thể thấy ở các phù hiệu ghim trên áo. Đây là hệ thống phân cấp theo các phù hiệu này.
Trên chuyến bay ngày thứ sáu 31 tháng 8, Đức Phanxicô 86 tuổi là giáo hoàng lớn tuổi nhất tại chức vẫn còn đi tông du nước ngoài.
Không ghi chú. Trước ghế ngồi của ngài là tượng Đức Mẹ Lujan, Đức Mẹ bảo trợ nước Argentina và bó hoa màu nhạt trong lần ngài đi về, vì ngài sẽ đến đền thờ Đức Bà Cả để tạ ơn Đức Mẹ.
Ngài bị đau đầu gối và các vết sẹo do những lần mổ trước đây còn làm ngài đau. Ngài lên xuống máy bay kín đáo bằng thang máy. Dĩ nhiên các phóng viên được khuyên không nên quay phim lúc này. Ngài đi xe lăn. Dù ngài thường tỏ ra thiếu kiên nhẫn, nhưng kỳ vọng và sở thích thử thách của ngài gần như không bị ảnh hưởng. Đúng vậy, ngài là giáo hoàng đương nhiệm lâu đời nhất lịch sử vẫn còn tông du nước ngoài.
Trong cuộc họp báo ở độ cao 9.000 mét trên chuyến bay từ Oulan-Bator về Rôma, ngài trả lời trực tiếp các câu hỏi của chúng tôi. Ngài không có ghi chú.
Trong những chuyến bay khi ngài bị đau nhiều thì chính chúng tôi, những người ngồi ở cabin dành cho nhà báo sẽ đi lên hàng ghế đầu của ngài để chào ngài. Ngài nhận được khá nhiều quà. Và chính tôi, trong chuyến bay đầu tiên cùng ngài, tôi là người có sáng kiến tặng quà ngài. Trong những năm qua, tôi làm bộ sưu tập về Thánh Têrêsa Lisiơ, vị thánh ngài kính mến, tôi tặng ngài đủ loại hình ảnh của Thánh Têrêxa, lần này tôi tặng ngài chiếc đèn pha lê có ấn bản hạn chế được làm năm 1927, khi Thánh Têrêxa được Đức Piô VII công bố là thánh bổn mạng của các nhà truyền giáo.
Di chuyển ở Mông Cổ, ngài dùng xe Hyundai và ngồi bên cạnh tài xế. Cùng với các vị cao chức, chúng tôi tham dự một sự kiện văn hóa truyền thống với buổi biểu diễn ngựa cách thủ đô một giờ. Một hồng y bộc phát nói: “Thật ấn tượng, ở đây có nhiều ngựa hơn cây.” Và một hồng y bên cạnh nói: “Và có bao nhiêu gián điệp Trung Quốc ở đây?” Một thiên thần bay qua.
“Người Trung quốc”. Hiểu tâm lý và mục vụ “bergoglian” của người Argentina bao gồm việc lượng định xem xem, việc thuộc về truyền thống truyền giáo Dòng Tên vẫn cần thiết như thế nào, cũng như việc là người con của người di dân vùng Piedmont nước Ý. Nhưng trước hết chúng ta xem lại sức nặng lịch sử của Dòng Tên. Làm sao tu sĩ Dòng Tên được các đồng nghiệp của mình đào tạo trong chín năm, lại có thể quên tu sĩ Tây Ban Nha Phanxicô Xaviê (sinh năm 1506 và là người đồng sáng lập Dòng), người mơ ước đến Trung quốc để truyền giáo, nhưng lại bị bệnh nặng trước khi đạt được mục tiêu, buộc phải dừng chân ở Đài Loan? Một phiêu lưu dũng cảm vẫn còn đau buồn khắc sâu trong tâm hồn các tu sĩ Dòng Tên. Bằng chứng, năm 2022, Đức Phanxicô ký sắc lệnh công nhận nhà truyền giáo Dòng Tên dũng cảm Matteo Ricci người Ý (sinh năm 1552) là bậc đáng kính, người đã vào Trung quốc năm 1601 và kể từ đó ngài được xem là cha đẻ của Giáo hội công giáo Trung quốc.
Thêm nữa, Đức Phanxicô đã chọn hồng y Pietro Parolin làm Quốc Vụ Khanh – tương đương với Thủ tướng – ngài là nhà ngoại giao lịch lãm và người am tường Trung quốc. Trên thực tế, dưới triều Đức Bênêđictô XVI, ngài đã thiết lập lại một cách hiệu quả mối liên hệ tế nhị với Trung hoa và năm 2007 Đức Bênêđictô XVI đã viết bức thư gởi người công giáo Trung quốc. Theo đường lối này và theo niềm cảm kích với Trung quốc, năm 2019, Đức Phanxicô đề cử hồng y tổng giám mục Phi Luật Tân Luis Antonio Tagle đứng đầu bộ Truyền giáo cho các dân tộc, một bộ quan trọng của Giáo triều, hồng y có mẹ là người gốc Hoa. Giáo hoàng thích lặp lại: “Vì mẹ của hồng y là người Trung quốc nên thực tế ngài là người Trung Quốc,” với tính chất tự nhiên bẩm sinh và với sự thẳng thắn đặc trưng (nhầm lẫn) của các bậc có quyền thiêng liêng khi ngài đề cập đến chủ đề này.
Bất khuất. Đức Phanxicô, nhân vật có tính cách bất khuất, một logic không thay đổi, đã giữ được những phản xạ của một người Châu Mỹ Latinh có khí chất đặc biệt của người vùng này… và khí chất của một tu sĩ Dòng Tên, người đã không ngần ngại trả lời vài tháng sau khi được bầu chọn, ngày 13 tháng 3 năm 2013, trong cuộc họp báo đầu tiên trên máy bay, khi trở về từ Ngày Thế Giới Trẻ Brazil tháng 7, với câu hỏi chắc chắn là đặc biệt và không thể tránh khỏi của tôi: “Khi vào Dòng Tên, các tu sĩ có lời khấn thứ tư là tuân phục giáo hoàng. Bây giờ, thưa cha, cha sẽ giải thích như thế nào khi một tu sĩ Dòng Tên được bầu làm giáo hoàng? – Bằng cách nào đó tôi không thể trả lời được! Bà buộc tôi phải suy nghĩ một chút… Đó là câu hỏi thần học vì các tu sĩ Dòng Tên khấn vâng lời giáo hoàng, đó là lời khấn thứ tư, nhưng nếu giáo hoàng là tu sĩ Dòng Tên, có lẽ giáo hoàng phải khấn vâng lời bề trên tổng quyền. Tôi không biết làm sao giải quyết chuyện này. Tôi cảm nhận mình là tu sĩ Dòng Tên trong linh đạo của tôi, trong đường lối của các Bài tập Linh thao, điều mà tôi có trong trái tim tôi. Trong trái tim tôi, tôi cảm nhận điều này rất mạnh, vài ngày nữa, tôi sẽ cùng các tu sĩ Dòng mừng lễ Thánh I-Nhã và cử hành thánh lễ sáng hôm đó. Tôi vẫn chưa thay đổi linh đạo của mình, không. Phanxicô, nhưng tôi không ở Dòng Phanxicô. Tôi cảm nhận mình là tu sĩ Dòng Tên, tôi suy nghĩ như một tu sĩ Dòng Tên. Không phải theo kiểu đạo đức giả, nhưng tôi suy nghĩ như một tu sĩ Dòng Tên.” Một lời tuyên xưng độc đáo!
Một nhân cách phong phú mà một trong những người bạn Argentina của ngài mô tả cho tôi theo một khía cạnh khác. “Ở Nam bán cầu, tháng 8 không phải là tháng nghỉ hè vì lúc đó ở đây là mùa đông, kể từ khi được bầu, Jorge Mario Bergoglio không nghĩ đến nghỉ hè, lại càng không về ngôi nhà mùa hè của các giáo hoàng tại Castel Gandolfo, nằm trên những ngọn đồi phía nam Rôma. Và tại Vatican, ngài dứt khoát sống trong căn hộ có bốn phòng trong khách sạn của các hồng y, với các bàn ghế đồ đạc thực dụng, không kiểu cách như các căn hộ rực rỡ của các giáo hoàng tiền nhiệm ở dinh tông tòa nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô. Ở Nhà Thánh Marta, ngài cảm thấy tự do hơn một chút, và có cảm giác thoải mái khi không hoàn toàn cắt đứt mình với quá khứ. Rốt cuộc, dưới mắt ngài, làm giáo hoàng nhưng cũng có thể tự mình đi chọn người làm kiếng cho mình, có thể đi thử chiếc kính gọng rất mỏng tại Luca Spiezia, ở góc Via del Babuino và Piazza del Popolo. Và không bỏ những hành vi đơn giản của mình, để bám neo càng nhiều càng tốt trong một hình thức thực tế nào đó, dù mình là người nổi tiếng nhất thế giới.”
Castro và Macron. Một trong những điểm mạnh của giáo hoàng là ngài có khả năng thích ứng với chuyển tiếp; có nghĩa cùng trong một ngày, ngài có thể tiếp một nguyên thủ Quốc gia rồi sau đó gặp những người bị chấn thương trong cuộc đời… Với ngài, đối thoại với tất cả mọi người là điều thiết yếu vì, theo ngài, sứ mệnh giáo hoàng thể hiện qua mối quan hệ trực tiếp giữa mọi người cũng như với một nguyên thủ Quốc gia. Tòa Thánh duy trì quan hệ ngoại giao song phương với 184 quốc gia. Nhưng không có với Afghanistan, Ả Rập Saudi hay Bắc Triều Tiên… Một giáo hoàng rất chính trị, có thể nói với các nhà báo và lôi cuốn họ bằng ngữ điệu, bằng những chất vấn của ngài. Ngài nhấn mạnh: “Thời gian vượt trội hơn không gian. Vì thế phải mở các con đường.” Ngài thích nhắc, nếu một chính khách có thể xóa bỏ quá khứ theo một cách nào đó, thì Giáo hội thấy mình phải đối diện với tính liên tục và do đó không thể loại bỏ huấn quyền của người đi trước.
Ngài vẫn giữ tinh thần chinh phục, một tinh thần thiết thân của những người được các tu sĩ Dòng Tên đào tạo. Chín năm học tập để làm chức cao và các phản xạ đã “vũ trang” cho họ suốt đời. Fidel Castro, Bill Clinton, Charles de Gaulle (có thân phụ là giáo sư Dòng Tên) và Emmanuel Macron, đó chỉ là kê ra vài cựu học sinh của ngôi trường nghiêm khắc và quyền lực, nơi không chỉ dạy các ngoại ngữ như tiếng la-tinh và hy-lạp, mà còn dạy cả nghệ thuật sân khấu nữa đó sao? Cũng như thích chiếm không gian, vượt lên chướng ngại và có bản năng khá đáng ngờ. Trên thực tế, tính khí và bản chất của Đức Phanxicô khuyến khích ngài phải thận trọng, chi tiết cho thấy, một trong hai thư ký riêng của ngài đã phải chụp (scan) thư cá nhân để những bức thư viết tay của ngài không chuyển qua các kênh chính thức. Người ta nói, đó là những thói quen cũ kế thừa của thời chế độ độc tài quân sự thống trị trong những năm 1980.
Đại kết. Ngày cuối cùng trong chuyến tông du Oulan-Bator, Đức Phanxicô chủ trì cuộc họp liên tôn ngày chúa nhật 3 tháng 9.
Không đính chính. Một ví dụ khác về sự thận trọng của ngài, thậm chí là dè chừng, là bệnh nhân nổi tiếng, trong nhiều năm, ngài có nhiều phẫu thuật lớn và phải gây mê toàn thân, lần cuối là lần mổ ruột kết tháng 6 năm 2023, tại Bệnh viện Đại học Gemelli ở Rôma – bệnh viện duy nhất ở Ý được xếp hạng trong số 250 bệnh viện tốt nhất thế giới -, ngài đã có chiến lược khéo léo giao cho y tá Massimiliano Strapetti viết báo cáo sức khỏe của ngài. Nhưng, vì không phải là bác sĩ nên đây không phải là thông tin chính thức từ phòng báo chí. Ngoài ra, theo ngài, vì sao người đại diện của Chúa ở Trái đất lại phải biện minh cho mình? Cũng như một nguyên thủ quốc gia khi kết thúc cuộc gặp với giáo hoàng, họ không đưa ra tuyên bố nào, giáo hoàng cũng vậy, ngài không tổ chức họp báo sau các cuộc trao đổi này. Chưa kể Vatican không ra thông báo đính chính khi thông tin là gần đúng hoặc sai sự thật; họ không cần phải giải thích.
Nhưng Đức Phanxicô lại muốn mang ánh sáng đến cho các vùng “ngoại vi”. Với suy nghĩ này, ngài đã đúng đắn bổ nhiệm nhà truyền giáo Giorgio Marengo, người Ý, 48 tuổi làm hồng y, trở thành hồng y trẻ nhất Hồng y đoàn, kể từ tháng 4 năm 2020, ngài là giám quản Tông tòa Oulan-Bator.
“Trên hết, ngài không muốn chết trên giường của mình.” Ngài đã thể hiện đúng con người của mình. Kể từ cuộc chiến Ukraine, ngài nhấn mạnh: “Châu Âu, các bạn sẽ đi về đâu nếu không đề xuất con đường dẫn đến hòa bình, những cách thức sáng tạo để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine? Tôi mơ về một châu Âu, trái tim của phương Tây, nơi dùng sự khéo léo của mình để dập tắt các nguồn gốc chiến tranh và thắp lên tia hy vọng.” Là người Argentina, quan tâm suốt đời của ngài vẫn là vấn đề của những người di cư, chủ đề gần như ám ảnh ngài. Thêm nữa, khi nói về chủ đề đau đớn, chủ đề trọng tâm của ngài, giọng của ngài thay đổi, ngài không thể giấu được nỗi buồn, ngài không bao giờ quên nguồn gốc mình là người con của những người di cư Ý. Và ngài đã luôn chiến đấu ở Buenos Aires, đặc biệt là ở Villa Miseria 21, nơi có rất nhiều người di cư ở, nơi mà khi ngài còn là tổng giám mục Buenos Aires, trong số những nơi khác, đã rửa tội cho nhiều em bé.
Thực sự rất khó cho một số nhà vatican học, trong đó có chúng tôi, quên được cảnh cảm động ở bệnh viện nhi đồng ở Krakow tháng 7 năm 2016, khi ngài đến khoa ung thư nhi, nhìn các em bé sói tóc, với phẩm giá, với can đảm phi thường, với ống truyền dịch và với rất thiết bị y khoa nặng nề, ngài đã rơi nước mắt.
Đức Phanxicô với các em bé ung thư ở khoa nhi bệnh viện Krakow trong chuyến đi năm 2016 của ngài.
Trên thực tế, như một trong những người thân của ngài đã thẳng thắn giải thích cho tôi, “ngài thực sự không muốn chết trên giường vì ngài không nghĩ mình bị bệnh. Ngài ít nghe các bác sĩ của ngài, và vì thế theo logic tương tự, ngài rất cẩn thận.” Đó là cách ngài đứng trước sự hiện hữu của mình, dĩ nhiên ngài biết lịch sử của những người đi trước ngài.
Giám mục đi khắp hoàn cầu. Thánh lễ tại Steppe Arena ở Oulan-Bator ngày chúa nhật 3 tháng 9. Đức Phanxicô nhìn thấy ở Mông Cổ “sự thần bí của người láng giềng thứ ba”.
Con tin. Ngài biết, giáo hoàng cuối cùng qua đời trong tình trạng hỗn loạn của các sự kiện chính trị đè nặng lên sức khỏe và tính mạng là Đức Piô VI. Đức Piô VI trị vì từ năm 1775 đến năm 1799, nhưng những năm cuối cùng triều của ngài bị tác động bởi những biến động của Cách mạng ở Pháp và sau đó trên khắp châu Âu. Pháp chiếm đóng Rôma, đã buộc Đức Piô VI phải từ bỏ quyền lực tạm thời của mình. Ngày 15 tháng 2 năm 1798, trong thời điểm tuyên bố thành lập nước Cộng hòa la-mã, ngài bị Pháp bắt làm tù binh. Ngài đã 80 tuổi, bị bệnh nặng và xin “đặc ân” để có thể chết ở Thành phố vĩnh cửu. Đại tướng Pháp lạnh lùng nói: “Ngài c
ó thể chết bất cứ đâu.” Bị trái ý và ép buộc, Đức Piô VI rời thủ đô Ý đêm 19 rạng ngày 20 tháng 2 năm 1798. Sau nhiều tháng đau đớn trải qua giữa Siena, Bologna, Parma và Turin, ngài buộc phải băng dãy Alps trên cáng trước khi đến Briançon, Grenoble và cuối cùng là Valencia, nơi cuối cùng ngài qua đời ngày 29 tháng 8 năm 1799. Kể từ Đức Piô VI, hơn hai trăm năm trước, tất cả các giáo hoàng kế vị ngài đều chết trên giường ở Vatican. Nhưng với Đức Phanxicô, đôi khi ngài cho cảm tưởng mình ít lo đến bản thân, muốn có mặt với tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi, ngài như muốn lặp lại câu nói không thương tiếc của vị tướng nổi tiếng: “Có thể chết bất cứ đâu.” Và nếu Đức Phanxicô muốn âm thầm chia sẻ quan điểm triết lý này? Có thể nào, giám mục giáo phận Rôma ít khuôn thước này mơ mình chết tại chiến trường, trong một buổi lễ phụng vụ? Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử lâu dài của một triều giáo hoàng.
Marta An Nguyễn dịch