Đức Phanxicô và người công giáo Trung quốc
lepoint.fr, AFP, 2023-09-03
Từ Mông Cổ, Đức Phanxicô kêu gọi người công giáo Trung Quốc hãy là “người công dân tốt” © AFP/Alberto PIZZOLI
Ngày chúa nhật 3 tháng 9, bên cạnh giám mục đương nhiệm Stephen Chow và hồng y danh dự John Tong Hon, Đức Phanxicô gởi “lời chào nồng nhiệt đến người dân Trung quốc cao quý” và xin họ hãy là người tín hữu kitô tốt và là người công dân tốt”. Rõ ràng đây là một cố gắng mới của Đức Phanxicô nhằm trấn an chính quyền cộng sản Trung quốc.
Bắc Kinh luôn cảnh giác với bất kỳ tổ chức nào, đặc biệt với tôn giáo mà theo họ có thể đe dọa quyền lực của họ và họ không duy trì quan hệ ngoại giao với Tòa thánh.
Một ngày trước đó, ngài dường như gởi thông điệp đến Trung quốc, nhưng không nêu tên rõ ràng: “Các chính phủ và các tổ chức thế tục không có gì phải lo sợ trước hành động truyền giáo của Giáo hội vì Giáo hội không làm chính trị”.
Với chuyến đi chưa từng có đến Mông Cổ, quốc gia nằm giữa Nga và Trung quốc, Đức Phanxicô có hai mục tiêu: đến một vùng xa xôi nơi đạo công giáo chỉ mới xuất hiện và vẫn chưa phổ biến, và tận dụng sự hiện diện của ngài tại các cửa ngõ Trung quốc để tạo mối liên kết với Bắc Kinh.
“Khó đến”
Nhiều giáo dân hành hương Trung quốc đã đi Mông Cổ bất chấp họ có nguy cơ bị trả thù khi về lại đất nước họ.
Một phụ nữ ẩn danh đến từ Tây An (miền bắc), bà đi lễ ngày chúa nhật ở Oulan-Bator, bà nói với hãng tin AFP, “khá khó để có thể đến đây”. Bà cho biết hai người tổ chức chuyến hành hương của nhóm đã bị bắt ở Trung quốc. Bà nói: “Tôi xin nói với ông, tôi xấu hổ khi giăng lá cờ Trung quốc, nhưng tôi phải giăng để Đức Phanxicô biết chúng tôi gặp khó khăn như thế nào.”
Cảnh sát Mông Cổ cho phép các nhà báo tiếp xúc với giáo dân Trung quốc nhưng sau khoảng một giờ, họ lo lắng và cấm tiếp xúc thêm. Một số giải thích hạn chế này là do tế nhị với Trung quốc, đối tác thương mại chính và là nhà đầu tư nước ngoài của Mông Cổ.
Đức Phanxicô đi Mông Cổ để nâng đỡ một cộng đồng công giáo khiêm tốn ở đây, chỉ có khoảng 1.500 giáo dân, trong đó có 25 linh mục cho khoảng ba triệu dân. Sau thánh lễ ở sân thể thao khúc côn cầu trên băng mới được xây ở thủ đô Oulan-Bator, ngài nói “bayarlalaa!” Cám ơn bằng tiếng Mông Cổ gởi đến anh chị em Mông Cổ của ngài.
Trước đó trong ngày, ngài đã gặp các nhà lãnh đạo các tôn giáo ở nhà hát nhỏ Hun, xây như chiếc lều yurt truyền thống của người Mông Cổ. Ngài nói với các đại diện tôn giáo saman và phật giáo, hai tôn giáo chiếm đa số ở Mông Cổ – và đại diện của hồi giáo, do thái giáo, ấn độ giáo và Giáo hội chính thống Nga: “Việc chúng ta cùng nhau ở nơi này đã là một thông điệp: các truyền thống tôn giáo, với tính độc đáo và đa dạng của chúng, thể hiện một tiềm năng to lớn để phục vụ xã hội.”
Trích lời Đức Phật và Gandhi, ngài kêu gọi “các nhà lãnh đạo các quốc gia hãy chọn con đường gặp gỡ và đối thoại với người khác”.
“Người hành hương vì tình bạn”
Ngày chúa nhật, thượng tọa Natsagdorj Damdinsuren, người đứng đầu một tu viện phật giáo ở Mông Cổ trả lời phỏng vấn trên hãng tin AFP: “Chuyến đi của ngài chứng minh tình đoàn kết của nhân loại. Tôi chỉ là một tu sĩ phật giáo khiêm tốn, nhưng với tôi, chiến tranh và xung đột là những sự kiện bi thảm nhất ở thời đại chúng ta. tôi nghĩ các tôn giáo khác cũng đồng ý với tôi.”
Đến dự thánh lễ, cô Nomin Batbayar, sinh viên Mông Cổ 18 tuổi, đã ca ngợi Đức Phanxicô là “người thực sự đích thực, đó là lý do vì sao có hàng tỷ người trên thế giới tin tưởng và ủng hộ ngài. Trung Quốc không thực sự ủng hộ ngài, nhưng người dân của họ vẫn ở đây ngày hôm nay”.
Trong thánh lễ, một phụ nữ Trung quốc đến từ Hà Bắc cho biết cô cảm thấy may mắn được gặp giáo hoàng. Cô nói: “Có một tôn giáo riêng cho mình, không có nghĩa là chúng tôi chống lại đất nước. Thật ra chúng tôi cầu nguyện cho đất nước chúng tôi.”
Tự do tôn giáo ở Mông Cổ, một quốc gia dân chủ vào năm 1992, là ngược với tình hình ở nước láng giềng Trung quốc, nơi tự do tôn giáo luôn bị cản trở.
Giáo dân Trung quốc đến Mông Cổ để chào đón Đức Phanxicô buộc phải “ẩn mình” vì sợ bị trả thù
Điều này không ngăn cản chính phủ Trung Quốc và Vatican tái gia hạn thỏa thuận năm ngoái về vấn đề gai góc trong việc bổ nhiệm các giám mục, bị một số người chỉ trích là một nhượng bộ nguy hiểm của Tòa Thánh để đổi lấy sự hiện diện của Vatican ở đất nước này.
Khi được hỏi về những đề cập rõ ràng muốn nói đến Bắc Kinh trong bài phát biểu của giáo hoàng, giám mục Hồng Kông Stephen Chow đảm bảo với AFP, thông điệp của ngài là nhằm “cho toàn thế giới”.
Giám mục Chow nói: “Giáo hội hiện nay thực sự không có ý định làm chính trị và điều này quan trọng với chúng tôi. Nếu không, chúng tôi sẽ đánh mất uy tín trong tư cách là một tổ chức của tình yêu và sự thật”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Tại Mông Cổ, Đức Phanxicô cố gắng xoa dịu sự ngờ vực của Trung quốc với người công giáo