Đức Phanxicô vinh danh linh mục Dòng Tên người Pháp Teilhard de Chardin trong chuyến tông du Mông Cổ
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2023-09-03
Đức Phanxicô trong thánh lễ ngày chúa nhật 3 tháng 9 tại Oulan-Bator bên cạnh hồng y đương nhiệm Stephen Chow và hồng y nguyên nhiệm John Tong-Hon Hồng Kông. CARLOS GARCIA RAWLINS / REUTERS
Vào cuối Thánh lễ chúa nhật 3 tháng 9 tại Steppe Arena, Oulan-Bator, Đức Phanxicô bày tỏ lòng kính trọng chưa từng có với linh mục Dòng Tên, thần học gia người Pháp, nhà địa chất và nhà cổ sinh vật học, chuyên gia về hóa thạch, người bảo vệ nhiệt thành cho lý thuyết tiến hóa, linh mục Pierre Teilhard de Chardin, sinh tại Puy-de-Dôme năm 1881 và qua đời tại New York năm 1955. Đặc biệt Đức Phanxicô nhắc đến bài viết nổi tiếng của linh mục “Thánh lễ trên thế giới” (La messe sur le monde).
Cuối thánh lễ Đức Phanxicô đã tạo ngạc nhiên khi ngài đưa ra lời kêu gọi trực tiếp đến “người công giáo Trung quốc”, xin họ hãy là “người tín hữu kitô tốt, người công dân tốt”. Sau đó, ngài mời giám mục đương nhiệm Hồng Kông Stephen Chow, tu sĩ Dòng Tên sẽ được phong hồng y tại Rôma ngày 30 tháng 9 và hồng y tiền nhiệm John Tong-Hon lên đứng bên cạnh ngài. Ngài nắm chặt tay hai người và chúc tất cả những điều tốt đẹp cho giáo dân Trung quốc và xin họ hãy tiến về phía trước. Giáo dân Trung quốc có mặt trong hội trường hô vang “xin chào, xin chào, giáo hoàng muôn năm”.
E alla fine della Messa, abbracciando il vescovo emerito di Hong Kong, il cardinale Tong, e il nuovo vescovo Chow (che sarà creato cardinale tra pochi giorni) manda un saluto ai cattolici cinesi #PapainMongolia pic.twitter.com/Bfdje9ghem
— Andrea Tornielli (@Tornielli) September 3, 2023
Bài suy niệm chính yếu và gây tranh cãi
Trước đó, khi cám ơn giáo dân, các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền về sự đón tiếp ngài nhận được ở Mông Cổ, Đức Phanxicô lưu ý các từ “thánh lễ”, “Mình Thánh Chúa” có nghĩa là “tạ ơn”, ngài giải thích: “Việc cử hành thánh lễ trên trái đất này nhắc tôi nhớ lời cầu nguyện của linh mục Dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin, dâng lên Thiên Chúa cách đây đúng 100 năm ở sa mạc Ordos, không xa đây.”
Năm 1923, một tu sĩ Dòng Tên người Pháp vừa bảo vệ luận án tiến sĩ về khoa học tự nhiên đã hoàn thành sứ mệnh ở Nội Mông, một tỉnh bang Mông Cổ luôn thuộc về Trung Quốc ở phía bắc đất nước này, cho Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris. Đáng kể là ngài đã đi đến sa mạc Ordos trên các mỏ hóa thạch, nơi ngài phát hiện ra những hóa thạch quan trọng từ thời Đồ đá cũ. Cũng chính trong kinh nghiệm này mà thần học gia và khoa học gia đã hoàn thành bài viết “Thánh lễ trên thế giới” nổi tiếng của ngài, một suy niệm quan trọng và gây tranh cãi, ca ngợi thiên nhiên và sự sáng tạo. Ngài bắt đầu viết tài liệu này trong chiến hào của Thế chiến thứ nhất, nơi ông tham gia với nhiệm vụ làm người khiêng cáng.
Tranh cãi
Ngày chúa nhật, ngài trích dẫn rõ rệt đồng hữu Dòng Tên của ngài: “Ngài nói như sau: ‘Lạy Chúa, con phủ phục trước sự Hiện diện của Chúa trong Vũ trụ, sự hiện diện đã trở nên nồng cháy, và, dưới tất cả những nét con sẽ gặp, và với tất cả những gì sẽ xảy đến với con, trong tất cả những gì con sẽ thực hiện ngày hôm nay, con khao khát Chúa và con chờ Chúa.”
Đức Phanxicô giải thích tiếp: “Cha Teilhard tham gia trong nhiều nghiên cứu địa chất. Cha khao khát được cử hành Thánh lễ, nhưng ngài không có bánh và rượu. Chính lúc đó ngài sáng tác “Thánh lễ trên thế giới”, qua đó ngài diễn tả của lễ của mình: “Lạy Chúa, xin nhận lấy Bánh Thánh là toàn Tạo Vật, được thúc đẩy bởi sự thu hút của Ngài, con xin dâng lên Ngài vào lúc bình minh mới”. Một lời cầu nguyện tương tự cũng nảy sinh trong lòng ngài khi ngài khiêng cáng ở mặt trận trong Thế chiến thứ nhất.
Đức Phanxicô quay trở lại với cuộc tranh cãi do bài viết này gây ra vào thời điểm đó, ngài biện minh: “Linh mục Teilhard thường bị hiểu lầm, ngài có trực giác rằng bí tích Thánh Thể luôn được cử hành, theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ thế giới và đó là trọng tâm quan trọng của vũ trụ, tâm điểm tràn ngập tình yêu và sự sống vô tận” (thông điệp Laudato Si’, n. 236), ngay cả trong thời đại căng thẳng và chiến tranh của chúng ta.”
Sau đó ngài kết luận: “Vì thế hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện với lời của cha Teilhard: ‘Lời sáng chói, Quyền năng rực lửa, Ngài là Đấng nhào nặn Đa thể để thổi sự sống của Ngài vào đó, con cầu xin, xin bàn tay quyền năng, bàn tay quan tâm, bàn tay có mặt khắp nơi của Ngài ngự xuống trên chúng con.’”
Ngôn ngữ của sự thật
Sau Đức Bênêđíctô XVI, người đã ca ngợi thiên tài của nhà thần học này, nhưng đã hai lần bị Tòa Thánh lên án vì một số bài viết của linh mục về “tội nguyên tổ”, Đức Phanxicô đã trích dẫn Teilhard de Chardin trong thông điệp “Laudato Si‘” dành cho sinh thái toàn diện năm 2015. Hai năm sau, Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, Bộ văn hóa của Vatican, đã bỏ phiếu về một đề xuất được gởi đến Đức Phanxicô để sửa đổi một “cảnh báo” (monitum) của Tòa Thánh năm 1955, năm linh mục qua đời và năm 1962, chống lại Pierre Teilhard de Chardin, người mà trước đó Dòng Tên đã xin linh mục đình chỉ việc giảng dạy thần học, để chỉ cống hiến hết mình cho nghiên cứu khoa học của linh mục.
Trước khi cử hành Thánh lễ ở Oulan-Bator, Đức Phanxicô đã tham dự của cuộc gặp gỡ liên tôn trước sự hiện diện của 12 nhà đại diện các tôn giáo khác nhau hoặc các giáo phái kitô giáo. Trong đó có thượng tọa đại diện phật giáo Tây Tạng, Kamba Nomun Khan, tu viện trưởng tu viện Gandan. Trong bài phát biểu, thượng tọa Khan không giấu giếm những “đàn áp” mà phật tử đã bị đàn áp dưới thời cộng sản Nga và đã có hàng ngàn tu sĩ bị tàn sát. Phật tử hiện nay chiếm 52% dân số của đất nước có 3,4 triệu dân này.
Nhà lãnh đạo phật giáo cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc phát hiện “vị tái sinh thứ 10 của Bogd” năm 2016 ở Mông Cổ, được xem là nhân vật quan trọng thứ ba trong phật giáo, sau Đức Đạt Lai Lạt Ma và Panchen-Lạt Ma. Cậu bé người Mông Cổ này hiện đang sống bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma và có thể đóng vai trò quyết định trong việc kế vị ông, ngược với ý kiến của Trung quốc, quốc gia này đã có một ứng viên khác sau khi làm biến mất một cậu bé khác đã được Đạt Lai Lạt Ma thấy trước đó là người kế vị ông. Tuy nhiên, Trung Quốc yêu cầu tất cả những người tái sinh phải được sinh ra ở Trung Quốc và được chính phủ Trung Quốc công nhận.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch