Giáo dân Trung quốc đến Mông Cổ để chào đón Đức Phanxicô buộc phải “ẩn mình” vì sợ bị trả thù
lepoint.fr, AFP, 2023-09-02
Giáo dân Trung quốc đến Mông Cổ chào đón Đức Phanxicô buộc phải “ẩn mình” vì sợ bị trả thù © AFP / Alberto PIZZOLI
Cuối tuần qua người công giáo đã đi Mông Cổ để chào đón Đức Phanxicô và để đời sống sống đời sống đức tin một cách công khai, điều không thể có được ở đất nước của họ, nhưng ở Mông Cổ, họ phải “ẩn mình” vì sợ bị trả thù.
Trung Quốc là quê hương của khoảng 12 triệu giáo dân công giáo, những người bị giằng xé trong nhiều thập kỷ qua, giữa các lễ tôn giáo bị đảng cộng sản kiểm soát chặt chẽ và các giáo hội hầm trú được Vatican hỗ trợ.
Chuyến tông du đầu tiên của Đức Phanxicô đến Mông Cổ, cửa ngõ phía bắc Trung Quốc, đã là dịp đến một số giáo dân đến đây để có thể gặp trực tiếp giáo hoàng, họ giữ kín đáo để tránh bị trả thù khi trở về nước.
Tại quảng trường chính của thủ đô Oulan-Bator, nơi giáo dân tụ họp để gặp Đức Phanxicô, một số đã phải mang khẩu trang và kính râm để che mặt.
Một phụ nữ Trung Quốc nói với hãng tin AFP, cô và các bạn đồng hành buộc phải “giữ im lặng” dù đã có một lá cờ Trung quốc được giăng ở quảng trường.
Người phụ nữ xin ẩn danh cho biết: “Tại hải quan, người ta hỏi chúng tôi có phải là người công giáo không, chúng tôi trả lời chúng tôi đi du lịch. Người công giáo bị rất nhiều áp lực ở Trung Quốc.”
Bà nói: “Chúng tôi sợ khi về bị mời lên cơ quan nói chuyện”, một cách nói ám chỉ cơ quan an ninh mời về thẩm vấn.
Bà cùng đi với 20 người khác từ miền bắc Trung quốc và hết sức thận trọng: “Chúng tôi không mạo hiểm để người khác biết về hành trình của mình.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức là vô thần và kiểm soát chặt chẽ các tổ chức tôn giáo, kể cả giám sát các bài giảng và lựa chọn giám mục.
Trong nhiều năm, Đức Phanxicô đã nỗ lực thiết lập mối quan hệ với Bắc Kinh, và năm 2018, Tòa Thánh đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc cho phép Vatican có tiếng nói trong việc lựa chọn các giám mục.
Giáo dân được các nhà báo của hãng tin AFP gặp ở Mông Cổ hy vọng các mối liên kết sẽ được tăng cường hơn, một số còn hy vọng, một ngày nào đó Đức Phanxicô sẽ đến thăm Trung quốc. Một bà 75 tuổi tên Kong nói với AFP: “Tôi mong ngài sẽ đến Trung quốc. Hai bên nên có các cuộc thảo luận ngoại giao.”
Anh Tamir Amarjargal, một du khách 26 tuổi đến từ vùng Nội Mông của Trung Quốc, cũng có mong muốn tương tự, dù anh không phải là người công giáo, anh nói: “Rất hiếm khi giáo hoàng đến châu Á.”
Đàn áp ở Trung Quốc
Anh Lu Lei, 38 tuổi, kỹ sư dầu mỏ đến từ Hắc Long Giang, một tỉnh phía bắc Trung Quốc, cũng không phải người công giáo, anh nói với AFP, anh quan tâm đến văn hóa Công giáo.
Để chuẩn bị cho chuyến đi Mông Cổ, anh cho biết anh đã xem “The Young Pope” (Giáo hoàng trẻ), bộ phim truyền hình châm biếm về một vị giáo hoàng người Mỹ cực kỳ bảo thủ do Jude Law thủ vai.
Anh nói: “Tôi cũng hy vọng ngài sẽ đi thăm Trung Quốc. Mọi quốc gia nên để người dân được tự do giữ đạo.”
Chính thức thì hiến pháp Trung Quốc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, nhưng các tổ chức phi chính phủ cho biết các tổ chức tôn giáo thường xuyên phải đối diện với sự đàn áp và quyền tự do tín ngưỡng bị hạn chế, một xu hướng bị cho là đã gia tăng nhiều dưới chế độ của chủ tịch Tập Cận Bình.
Một du khách Trung Quốc đến Oulan-Bator cho biết: “Chúng tôi không thể vào nhà thờ vào những ngày lễ trọng như lễ Giáng sinh và Phục sinh vì chính quyền đe dọa trong những dịp lễ này. Chính quyền nói một đằng làm một nẻo”.
Ngày thứ bảy, Đức Phanxicô đã cố gắng thuyết phục các quốc gia như Trung Quốc, họ không nên có lý do gì để nghi ngờ Giáo hội hay giáo dân: “Các chính phủ không có gì phải lo sợ trước công việc truyền giáo của Giáo hội, vì Giáo hội không chủ trương chiêu dụ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch