Charles Wright: “Những người có ít và không có gì là những nhà tiên tri”
Raphaël, Francie, Brice… Cuộc sống đã không chừa họ. Nhà văn Charles Wright nói lên phần sâu thẳm và số phận tan vỡ của họ. Và dấu vết sáng chói này họ đã để lại dấu ấn trong cuộc đời của ông.
ATUL LOKE/PANOS-REA
lavie.fr, Charles Wright, 2021-07-01
Chúng tôi gặp nhau trên băng ghế của trường Khoa học Chính trị. Raphaël, có mọi thứ: hóm hỉnh, sáng quắc, quyến rũ. Anh công tử bột này có tướng đi như thích khinh khỉnh mọi người. Mái tóc xoăn dài màu nâu, nụ cười tinh nghịch và vẻ lịch sự của anh làm điên đảo trái tim các cô. Chúng tôi trở thành những người bạn không thể tách rời.
Phần sâu thẳm trong mỗi chúng ta
Rất nhanh chóng, tôi phát hiện ra trong sự ngông cuồng của anh có một cái gì đó không ổn. Với chứng cuồng mê vỡ mộng mọi thứ, các bác sĩ tâm thần gọi đây là chứng “tâm thần phân liệt”; còn tôi, tôi xem đây là một cách để ném một chút thơ vào văn vần.
Nhưng với thời gian, các xáo trộn trở nên rắc rối hơn. Kế đó là chặng đường thập giá dài: nằm bệnh viện tâm thần, bị tác động của thuốc. Dần dần bệnh điên khoác lên người anh. Rồi một ngày, quá mệt mỏi, anh nhảy từ trên mái nhà xuống. Trước khi nhảy ở tuổi 29, anh viết nguệch ngoạc trên tờ giấy: “Tôi yêu tất cả các bạn, nhưng tôi đi tìm Chúa và các thiên thần ngực bự của Ngài…”
Francie mắc chứng tự kỷ, cô từ Ấn Độ đến. Ở Ấn Độ, ai rối loạn tâm thần bị cho là thần thánh phạt. Cô bé bị khinh thường, bị đày đọa trước khi tìm được nơi ẩn náu ở cộng đồng L’Arche của ông Jean Vanier. Tôi gặp cô ấy ở đó, ở Madras, nơi cô sống cuộc đời bé nhỏ, cực nhọc của cô. Lúc đầu, với đôi mắt mệt mỏi và cách nói với những tiếng kêu khó hiểu của cô, tôi rất sợ. Phải mất thì giờ và với rất nhiều dịu dàng để tôi làm quen được với cô.
Francie không nói, nhưng cô nhìn bằng con mắt của trái tim. Khi cô cười, mọi thứ đều bừng sáng. Cô theo đạo hinđu, một biểu tượng của thời thơ ấu thiêng liêng. Sự hiện diện của thiên thần này đã đánh thức phần sâu thẳm trong mỗi chúng ta.
Nỗi đau không còn ý nghĩa
Brice là người vô gia cư ở khu phố la-tinh, Paris. Anh trị vì như một lãnh chúa chẳng có giá trị gì ở góc phố kéo dài giữa đường Jean-Calvin và quảng trường Lucien-Herr. Lúc nào cũng chải chuốt, râu ria nhẵn nhụi, anh bán sách cũ để kiếm ba xu và kết nghĩa với chúng tôi, những người hàng xóm của anh. Trong xóm, anh đã là hình bóng quen thuộc.
Sau đó, các thế lực đen tối của đường phố làm anh suy sụp. Trong vài năm, anh chìm vào hàng ngũ những người mục nát, bê tha trong cuộc đời, say xỉn, phờ phạc, thân xác lang thang như con chó không giây kềm. Cái chết của anh để lại một khoảng trống rất lớn trong khu phố.
Tôi, người mà hoàn cảnh cuộc đời đã nuông chiều rất nhiều, tôi luôn tự hỏi ý nghĩa nào cho những người bị bủa vây bởi những bất hạnh, bị số phận chia cắt này. Trong các sách thiêng liêng, chúng ta nói về “sự thay thế thần bí”, về đau khổ cứu độ, về được cống hiến để cứu rỗi người khác.
Chắc chắn tôi không đủ sốt mến, nhưng những lời giải thích này đối với tôi luôn có vẻ vô nghĩa. Với tôi, sự đau khổ của Raphặl, Brice, Francie chẳng có ý nghĩa gì. Nó chẳng phục vụ cho một mục đích nào, ngoài việc đầu độc cho sự tồn tại của họ. Nhưng, phẩm giá lỗi lạc và tầm quan trọng đáng kể cuộc sống của họ là không thể nghi ngờ. Bất hạnh làm mở mắt. Đó là lý do vì sao những số phận dường như tầm thường này lại dẫn đến những sự thật vĩ đại.
Những người bé nhỏ là những ngôn sứ
Trong khi tôi đã quên tất cả những tự cao tự đại ở những nơi mà người ta chỉ nhìn vào lỗ rún, nơi chúng ta tin rằng mình quan trọng, thì tình bạn với những người đắm tàu này đã để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa trong trái tim tôi. Với những khuôn mặt tan nát này, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình linh hoạt đến như thế.
Những người có ít và không có gì là những nhà tiên tri. Tiếp xúc với họ, chúng ta loại bỏ vỏ bọc của mình. Chúng ta làm quen với cái nghèo và cô đơn cấu thành chúng ta. Chúng ta nhớ rằng sở hữu, hình ảnh của mình, quyền làm chủ cuộc sống là những điều giả tạo vĩ đại. Chúng ta học cách sống trong khoảnh khắc, nhận mọi thứ và cho đi mọi thứ. Đối với Raphaël, Francie, Brice và rất nhiều người khác, tôi phải hiểu, đúng, mình phải rất nghèo mới có thể nếm trải sự giàu có của vương quốc…
Charles Wright sống ở Ardèche, gần một tu viện, nơi ông sống đời sống thiêng liêng được chia sẻ qua những quyển sách của ông. Quyển mới nhất Con đường của những đồng cỏ mùa hè, Le Chemin des estives, nxb. Flammarion, 2021.
Marta An Nguyễn dịch