Boris Cyrulnik: “Trong một thời gian dài, tôi nghĩ tôi không bị chấn thương”

69

Boris Cyrulnik: “Trong một thời gian dài, tôi nghĩ tôi không bị chấn thương”

Cuộc chiến ở Ukraine đánh thức ký ức của bác sĩ tâm lý thần kinh Boris Cyrulnik, ông tưởng như ông đã quên. Phỏng vấn xoay quanh chấn thương và sức bền va nhân dịp ông ra mắt quyển sách mới Người cày ruộng và những người ăn gió (Le laboureur et les mangeurs de vent, nxb. Odile Jacob).

femina.ch, Fabienne Rosset, 2022-04-04

“Sau một chấn thương, chúng ta bị phân đôi. Hoặc lúc nào chúng ta cũng nói về nó hoặc không nói gì cả. Chúng ta nghĩ vấn đề đã được giải quyết, chúng ta âm thầm đau khổ hoặc chúng ta nói về nó và chúng ta truyền đi tổn thương, lo lắng của mình. – Boris Cyrulnik

Bác sĩ tâm lý thần kinh Boris Cyrulnik © GETTY/ERIC FOUGERE

Ở tuổi 84, bác sĩ tâm lý thần kinh nổi tiếng Boris Cyrulnik phát hành một quyển sách mới, ông phân tích lý do có một số người nghe theo dư luận, theo phản xạ suy nghĩ đến mức mù quáng, trong khi có những người khác có thể xoay sở để giải thoát mình và tự suy nghĩ được. Một thám hiểm làm ông phấn khích, một vấn đề ám ảnh ông từ thời thơ ấu, khi mới 7 tuổi, ông thoát trong gang tấc không bị trục xuất đến Auschwitz trong một cuộc vây bắt ở Bordeaux. Hiện nay với cuộc chiến Ukraine, rất nhiều trẻ em bị chấn thương, các sự kiện tạo âm vang trong lòng ông dù đã xảy ra hơn 70 năm qua. 

Báo Femina. Cuộc chiến ở Ukraine đánh thức trong ông những cảm giác nào?

Bác sĩ Boris Cyrulnik. Những gì đang xảy ra làm tôi nhớ lại  ký ức tuổi thơ mà tôi tưởng tôi đã quên, trong khi đơn thuần chúng bị chôn vùi. Nó làm cho tôi sống lại âm thanh của những cuộc bắn phá, những lần di cư, những vấn đề mà tôi nghĩ đã được giải quyết. Trong thời bình tôi không cần các ký ức này, nhưng chiến tranh gợi lại những trăn trở, những ký ức không thể xóa nhòa. Chúng ta sống lại, nhưng không giải quyết được tất cả. 

Trong quyển sách, ông kể kinh nghiệm ông trải qua lúc mới 7 tuổi, ông xém bị trục xuất đến Auschwitz khi thoát khỏi cuộc vây bắt ở Bordeaux. Ông có xem ông là người bị chấn thương không?

Trong một thời gian dài, tôi không nghĩ mình bị chấn thương. Tôi không có những hội chứng chấn thương tâm lý thực sự, nhưng dù sao thì tôi cũng bị.

 

Dấu ấn sớm sủa này tạo cho tôi một vấn đề, vì tôi không hiểu vì sao những những người có học lại có thể đi giết người nhân danh điều tốt, đạo đức và vì sao lại có những người có thể liều mạng vì các em bé mà họ không biết. Khi còn nhỏ, tôi đã tự hỏi vì sao có bí ẩn này.

 

Khi tôi nghe nói người Đức là những người man rợ, tôi biết điều đó không đúng. Chúng ta ở trong một logic mê sảng.

Chính xác, ông viết: “May mắn thay, tôi đã mê sảng.” Vì sao?

Trong hoàn cảnh của tôi, không gia đình, nghèo khổ, không được đến trường, thực tế cay nghiệt mà hạnh phúc chỉ có trong tưởng tượng. Khi còn nhỏ, tôi mơ được mạnh như Tarzan, làm bác sĩ và cứu thế giới. Tôi chưa bỏ cuộc… trừ làm Tarzan (cười). Tôi mơ như người điên, tôi mê sảng, tôi bị cắt đứt khỏi thực tế đau lòng. Số phận đã khoan dung tôi, dù tôi phải trả giá đắt, bố mẹ tôi chưa chết, họ bị mất tích nên tôi không được hưởng học bổng. Bạn phải bịt mắt mới đi học trong hoàn cảnh như vậy.

Trong một phỏng vấn trên đài phát thanh gần đây, ông nói trẻ em Ukraine sẽ không bị chấn thương, nhưng bị sốc. Đâu là khác biệt giữa hai khái niệm này?

Sẽ có cả hai. Tất cả tùy thuộc tình trạng của các em trước chiến tranh. Có những trẻ em có các yếu tố dễ bị tổn thương và có những em có được các yếu tố bảo vệ. Chiến tranh sẽ làm cho các em bị sốc, nhưng các em có các yếu tố bảo vệ sẽ dễ dàng vượt qua cú sốc hơn và khơi dậy tiến trình bền va nếu các em được bảo bọc (bền va là khả năng phục hồi sau chấn thương, chống chỏi để trụ lại với sự sống, tiếp tục một kiểu phát triển khác sau cơn hấp hối tâm linh). Trong khi các em có những yếu tố dễ bị tổn thương sẽ còn sốc lâu hơn, nếu các em không được bảo bọc, các em sẽ bị tổn thương suốt đời.

Cho đến khi các em được bảo bọc, được có mẹ bên cạnh, trong trường hợp các em còn rất nhỏ thì chấn thương sẽ không bị in dấu?

Trước khi các em biết nói, nếu người mẹ an toàn, đứa bé có thể trải qua chiến tranh mà không bị chấn thương vì thế giới của các em là bà mẹ, vì vậy nếu mẹ được an toàn, các em sẽ có mọi thứ cần thiết để xoay sở dù ở trong hoàn cảnh chiến tranh.

 

Trong đời sống thời bình, có những bà mẹ bị tổn thương vì bạo lực gia đình, bất ổn xã hội, bà đã có những lý do để đau khổ, trong trường hợp này, em bé có một bà mẹ bất an vì bà đau khổ. Trong chiến tranh nếu ở trong tình trạng này còn tệ hơn.

 

Khi đó em bé sẽ gặp các vấn đề phát triển. Nhưng khi các em được mẹ bảo bọc, bà được an toàn – dĩ nhiên điều này khó khăn trong thời chiến – bà làm cho con mình yên tâm, và sau 24 đến 48 giờ, em bé sẽ tiếp tục phát triển bình thường.

Chỉ trong 24 giờ thôi sao?

Nhanh một cách đáng ngạc nhiên, đúng. Khi bất an, em bé sợ đủ thứ, sợ bị bỏ rơi, sợ ngủ quên. Nhưng ngay khi bà mẹ được an toàn, hoặc khi cho các em một vật gì thế để các em cảm thấy an toàn, thì các chất tiết thần kinh của em bé sẽ trở lại bình thường. Em bắt đầu tiết các chất nội tiết bình thường của tuổi. Sự sôi sục nội tiết tố của đứa trẻ đến mức một sự kiện nhỏ nhanh chóng trở thành một chấn thương lớn và có thể nhanh chóng vượt qua. Nhưng trong một môi trường hung hăng, rõ ràng là khó khăn hơn.

Và với các em lớn hơn, có thể các em không bị truyền những lo lắng này không?

Điều này ít xảy ra hơn khi lời xuất hiện, lời có trong câu chuyện, ở độ tuổi từ ba đến bảy. Có giai đoạn đứa bé bắt đầu hiểu các chữ, em nghe nói đến chiến tranh, chết chóc, tuy không hiểu nhưng các em biết là nghiêm trọng và có chút lo lắng. Khi đó phải nói chuyện xung quanh trẻ (lưu ý: khoảng 3 tuổi) vì nếu không nói, sự im lặng sẽ làm các em lo lắng. Khi đến tuổi các em có thể nghe các câu chuyện dài hơn, khoảng bảy tuổi, lúc đó cần phải giải thích cho đứa bé. Và không phải cha mẹ nào cũng có thể làm cho con mình.

Làm thế nào để tiếp tục cuộc sống sau chấn thương?

Đó là tất cả khả năng của sức bền va.

Sau một chấn thương, chúng ta bị phân đôi, bị cắt làm hai. Hoặc chúng ta lúc nào cũng nói về nó, hoặc không nói gì. Chúng ta nghĩ vấn đề đã được giải quyết, chúng ta âm thầm đau khổ, hoặc chúng ta nói về nó và truyền tổn thương, lo lắng của mình. Sự phân đôi này của những người bị chấn thương làm người thân chung quanh khó chịu.

 

Trong cuộc chiến năm 1914 cũng như trong những cuộc chiến sau, chấn thương chưa được nghĩ đến. Lý thuyết về sức bền va tìm cách để hiểu những gì cần phải làm để tránh sang chấn, và hiện nay chúng ta biết khá rõ những gì cần phải làm để tránh hiện tượng sang chấn tâm lý này. Chẳng hạn sau tấn công Bataclan năm 2015, một nhóm bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học đã ở bên cạnh các nạn nhân, và một năm sau, 90% các hội chứng sang chấn tâm lý đã biến mất.

Như thế nên khuyến khích sau đó?

Đúng. Nó vẫn truyền, nhưng ít hơn trước. Con người trở nên điên vì giận, họ gieo bạo lực. Hoặc để không làm hại vợ con, họ im lặng, như thế họ gieo lo lắng. Bây giờ nếu chúng ta làm cho những người bị thương được yên tâm, để họ diễn tả ra, chúng ta có thể tránh được những tổn thương này, qua các hiệp hội, qua các câu chuyện tập thể, đôi khi tham vấn với nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần, nhưng không phải lúc nào cũng được. Nếu các câu chuyện tập thể đánh giá cao những người này, thay vì nói họ hèn nhát, bắt nạt, nghiện rượu thì nói họ bị tổn thương vì chiến tranh, thì những đứa trẻ và những người xung quanh họ hiểu điều này hơn. Và nếu họ được hỗ trợ và đào tạo để có công ăn việc làm, nhiều người tiếp tục phát triển tốt, điều đó không có nghĩa là họ quên. Vợ con họ cũng bớt đau khổ. Vì thế đây là tiến bộ rất rõ ràng, nhưng không phải mọi thứ đều được giải quyết.

Đối diện với những hình ảnh chiến tranh, liệu trẻ em ở đây cũng có nguy cơ bị tổn thương không?

Đây là một câu hỏi hợp lý để tự hỏi mình trong tư cách là cha mẹ.

Chúng ta lấy ví dụ về vụ tấn công ngày 11 tháng 9, một trong các đồng nghiệp của tôi ở Bordeaux ghi nhận có nhiều trẻ em mắc các hội chứng sang chấn tâm lý, như đái dầm, ỉa đùn, rối loạn ăn uống hoặc cáu kỉnh.

Đứng trước hình ảnh lặp đi lặp lại các cuộc tấn công, phản ứng của trẻ em tùy thuộc vào cảm xúc của cha mẹ. Nếu cha mẹ không nói gì, đứa bé nghĩ cha mẹ đang che giấu điều gì đó nghiêm trọng với mình. Nếu cha mẹ hoảng sợ, đứa trẻ sẽ hoảng sợ. Nhưng nếu cha mẹ nói chuyện này chung quanh đứa trẻ, nói với nó rằng có vấn đề, nhưng họ sẽ có những biện pháp để bảo vệ, trong trường hợp này đứa bé không bị hoảng sợ hay bị phản bội. Dĩ nhiên nó luôn truyền một điều gì đó, nhưng chúng ta cũng không nên bảo vệ trẻ em quá nhiều, chúng cũng phải cố gắng phần của chúng.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Boris Cyrulnik: “Con người là một thực thể tâm linh”

Bác sĩ Cyrulnik: “Có một sự mòn mỏi tâm hồn”

Boris Cyrulnik: “Các tôn giáo cần thiết để xã hội hóa các tâm hồn”