Bác sĩ Cyrulnik: “Có một sự mòn mỏi tâm hồn”
lefigaro.fr, Agnes Leclair, 2021-01-28
Thời kỳ đại dịch này sẽ để lại dấu ấn gì trong cuộc sống chúng ta? Trong quyển sách Các tâm hồn và các mùa. Tâm lý-sinh thái (Des âmes et des saisons. Psycho- écologie, nxb. Odile Jacob), giáo sư bác sĩ tâm thần Boris Cyrulnik làm sáng tỏ ảnh hưởng chính của môi trường lên bộ não chúng ta. Khí hậu và địa lý, bạo lực và dịu dàng, lời nói và cảm xúc: bác sĩ đưa ra một minh chứng đặc biệt về cách tất cả những “môi trường” này hình thành chúng ta. Một la bàn hữu ích trong thời kỳ biến động này.
Bác sĩ tâm thần Boris Cyrulnik
Báo Le Figaro: Cảm giác lặp đi lặp lại một chuyện, bất ổn… Làm thế nào để giải thích cảm nhận mệt mỏi của chúng ta hiện nay?
Bác sĩ Boris Cyrulmik: Chúng ta đã đối diện với lần cách ly đầu tiên. Hàng loạt phương pháp phòng thủ đã được đưa ra. Người Pháp đã phản ứng một cách hài hước trên mạng xã hội, tổ chức các nghi thức này nghi thức kia, thi đua nhau nấu ăn… Bây giờ không còn như thế nữa. Chúng ta đi vào thời kỳ tê liệt tâm lý do lặp đi lặp lại nhiều lần. Tâm hồn hao mòn mệt mỏi. Chúng ta tất cả đã chán chê. Bây giờ “không có gì là chắc” đã thành một hiện tượng khác. Nhà nghiên cứu tự nhiên học người Anh Darwin dạy chúng ta, sinh vật sống là sinh vật phát triển và các cơ quan thích ứng theo. Ý tưởng này bao gồm một phần “không có gì là chắc” về sáng tạo. Nhưng chúng ta cũng cần ổn định để điều hành chúng ta. Cha mẹ chúng ta, Chúa của chúng ta, nếu chúng ta là người có đức tin, ước mơ của chúng ta, khát vọng xã hội của chúng ta cho chúng ta một hướng đi, giúp chúng ta vượt qua được thử thách. Chẳng hạn, một phi hành gia sẽ chịu đựng rất giỏi khi cách ly trên trạm vũ trụ vì họ biết họ đang sống trong cuộc phiêu lưu, với một khám phá phi thường. Trong thời kỳ hỗn mang, không có gì là chắc, chúng ta đang trải qua một thời gay go với hiểm nguy dựa trên hình ảnh “người cứu vớt”, một kẻ độc tài nói rằng mình biết sự thật. Đó là cơ chế phòng thủ đã được thể hiện qua thuyết âm mưu.
Giới nghiêm, cách ly, đời sống xã hội giảm sút: những biện pháp vệ sinh này có ảnh hưởng sâu đậm trên môi trường chúng ta. Sự co mình này để lại dấu ấn gì trong bộ não chúng ta?
Chúng ta nên nhớ, cách ly giúp chúng ta bảo vệ về mặt thể chất. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa thì nước Pháp sẽ có từ 600.000 đến 700.000 trường hợp tử vong từ đây cho đến khi vi-rút tuyệt chủng. Nhưng cách ly cũng là một đòn tâm lý dữ dội. Một trong những rối loạn tâm lý đầu tiên sau 48 giờ cách ly đầu tiên, đó là bạo lực gia đình bùng nổ. Thiếu tương tác tạo vấn đề, vì chúng ta cần người khác để mình được là mình. Con người không thể sống một mình. Bộ não của chúng ta bị thay đổi khi nó không được kích thích về mặt sinh lý nhờ sự hiện diện của người khác. Khoa hình ảnh-thần kinh được dùng trong khoa học thần kinh cho thấy đến mức độ nào, sự cô lập cảm xúc và cảm giác là một hành động gây hấn to lớn đối với bộ não: hai thùy trán bị teo, hệ thần kinh bị teo, đó là bệ của bộ nhớ và bộ cảm xúc.
Bác sĩ nhắc, khi xem một buổi trình diễn, một buổi ca hát, ngạc nhiên cùng nhau tạo một cảm giác hiệp thông mạnh mẽ. Ngày nay, điều đó đã gần như không thể. Chúng ta có nên lo sợ giai đoạn co mình này sẽ làm mạnh cho chủ nghĩa cá nhân không?
Ngược lại, để tự vệ, con người tìm cảm giác thuộc về. Các nhà nhân chủng học cho chúng ta biết, vào thời Con người thông minh, Homo sapiens, cách đây 300.000 đến 200.000 năm, chúng ta sống trung bình trong các nhóm 30 người. Trong các nhóm này, con người có thể biết nhau – theo thuật ngữ từ nguyên – để cảm nhận, trải nghiệm với mọi người trong nhóm. Chúng có nhu cầu này, nhu cầu cơ bản nhận biết người khác khi thành lập từng nhóm nhỏ. Việc thành lập các “ban” hay nhóm đã là một xu hướng có trước cách ly, để thích nghi với sự quá tải, vì rõ ràng chúng ta không thể chia sẻ cùng văn hóa với hàng triệu người. Đây là hiện tượng rất nổi tiếng nơi các trẻ vị thành niên, với các băng nhóm bạn trai và các nhóm nhỏ “bạn thân” giữa các cô gái với nhau.
Đại dịch hiện nay có thể làm thay đổi thang bậc giá trị của chúng ta không? Trong quyển sách của bác sĩ, bác sĩ nhấn mạnh, các thang bậc giá trị đạo đức đặc trưng cho một nền văn hóa – ethos – phụ thuộc vào môi trường của chúng ta nhiều hơn chúng ta nghĩ…
Ở Liên Xô, trước khi xảy ra tai nạn hạt nhân Chernobyl, cộng sản đã khóa chận mọi nội dung của nhà nước. Thảm họa làm đảo lộn thang bậc giá trị đạo đức đặc trưng của họ. Sự phát nổ của lò phản ứng kéo theo sự bùng nổ của những chỉ trích, một thay đổi văn hóa. Ngày nay, chúng ta vẫn chưa biết đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi như thế nào. Một số tình huống có thể xảy ra. Việc quay trở lại một thế giới siêu tiêu thụ và siêu luân lưu sẽ thúc đẩy việc lây lan một chủng vi-rút mới như chủng Covid-19 trong hai hoặc ba năm nữa. Đó là trường hợp của bệnh dịch trong nhiều thế kỷ. Chúng ta cũng có thể lo sợ sự hỗn loạn về xã hội, văn hóa, y tế và kinh tế sẽ đưa đến việc bầu cho một nhà độc tài, xem họ như vị cứu tinh. Có một cách thứ ba: nắm bắt sự kiện này để đi theo một hướng mới dẫn chúng ta đến sự thống nhất hơn giữa trái đất và thế giới sống.
Vào thế kỷ 14, sau trận dịch năm 1348, trong một vài năm văn hóa đã thay đổi. Dịch hạch đen đã giết 6 triệu người, gần một phần ba dân châu Âu vào thời đó. Và người nông dân với số dân ít hơn đã được xem trọng hơn. Họ không còn bị bán mình cùng với đất mà họ canh tác. Trận dịch này dẫn đến sự biến mất chế độ nông nô.
Chúng ta buộc phải làm việc hoặc học trong điều kiện giãn cách, nhờ vào màn hình và các công cụ kỹ thuật số. Đâu là tác động trên cách chúng ta nhìn thế giới?
Màn hình làm đờ đẫn tâm trí. Nó không phải là động lực thúc đẩy. Chúng ta nghĩ chúng ta đang học trước màn hình nhưng gần như chúng ta lại không nhớ gì. Để kích thích trí nhớ, chúng ta cần cảm xúc. Tôi nhận thấy, kết quả học sinh của tôi kém hơn khi các khóa học qua Mooc (một khóa đào tạo trực tuyến từ xa). Đây là lý do vì sao sinh viên đã có lý khi họ xin quay lại trường để học, để có kích thích. Tại Đại học Mons, Bỉ, những đánh giá ban đầu được thực hiện qua mạng cho biết, nữ sinh cũng như nam sinh đều bị tác động mạnh vì cách ly. Từ 30 đến 40% các bạn trẻ này bị trầm cảm. Một thảm họa tuổi vị thành niên đang rình rập. Các chính trị gia sẽ phải tính đến rủi ro này, điều này làm cho quyết định của họ càng trở nên phức tạp hơn.
Cách ly cũng là một đòn tấn công tâm lý dữ dội. Một trong những rối loạn tâm lý đầu tiên sau 48 giờ cách ly đầu tiên, đó là bạo lực gia đình bùng nổ. Thiếu tương tác tạo vấn đề, vì chúng ta cần người khác để mình được là mình.
Con người không thể sống một mình.
Marta An Nguyễn dịch