Theo linh mục Dyikuk, Giáo hội ở Châu Phi sẽ không theo con đường của Thượng hội đồng Đức
Sự tham dự của các tín hữu công giáo ở châu Phi lớn hơn nhiều so với phương Tây | ảnh minh họa © Jake Stimpson/Flickr/CC BY 2.0
cath.ch, Raphael Zbinden, 2023-03-16
Linh mục Nigeria Justine John Dyikuk, người đã tham gia Đại hội đồng nghị châu Phi không nghĩ Giáo hội ở lục địa này sẽ bị ảnh hưởng bởi con đường đồng nghị của Đức. Linh mục cho rằng con đường này đã đi ngược các nguyên tắc của Kinh thánh.
Cũng như các nơi khác trên thế giới, Giáo hội Phi châu đã tiến hành giai đoạn lục địa của thượng hội đồng giám mục do Đức Phanxicô đề xướng tháng 10 năm 2021. Thượng hội đồng châu Phi đã họp từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 3 năm 2023 tại Addis-Abeba, Etiôpia, dưới sự bảo trợ của Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar (SECAM).
Khoảng 200 đại biểu từ khắp lục địa đã cam kết “hình thành gia đình đồng nghị của Thiên Chúa trong việc lãnh đạo toàn diện và mang lại sự sống, mối quan hệ và cộng tác, có khả năng tạo ra tình liên đới và đồng trách nhiệm”.
Thượng hội đồng châu Phi họp từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 3 năm 2023 tại Addis-Abeba, Etiôpia
Linh mục Justine John Dyikuk đã tham dự vào tiến trình, từng là giám đốc truyền thông cho giáo phận Bauchi, Nigeria và hiện là giảng viên về truyền thông đại chúng tại Đại học Jos (Nigeria), nghiên cứu sinh cao cấp về chính sách tự do tôn giáo quốc tế tại Viện Tự do Tôn giáo (RFI), ở Washington. Linh mục cũng là phóng viên cho một số phương tiện truyền thông phương Tây.
Chống chủ nghĩa giáo quyền
Linh mục Dyikuk viết trên trang web công giáo Hoa Kỳ Crux, cuộc họp giáo sĩ này hơi khác với những cuộc họp trước đây, đã có thể tập họp các Giáo hội châu Phi lại với nhau. Ngoài 9 hồng y, 29 giám mục và 41 linh mục hiện diện, phần lớn trong số 206 tham dự viên là nam nữ giáo dân, những người thánh hiến, gồm cả những người trẻ đại diện của các truyền thống kitô giáo khác và các truyền thống đức tin từ mọi miền của lục địa châu Phi, Madagascar và các đảo (ngoài khơi châu Phi).
Linh mục đảm bảo: “Cuộc họp này cho phép hệ thống cấp bậc của Giáo hội ở lục địa ngồi xuống, lắng nghe các thành viên trong thành phần giáo dân và các truyền thống tôn giáo khác. Thêm nữa, một mong muốn từ bỏ bất kỳ hình thức giáo quyền nào để thực hành một ‘lãnh đạo toàn diện và tiếp thêm sinh lực, có quan hệ và cộng tác, có khả năng tạo ra tình liên đới và đồng trách nhiệm’ làm cho Thượng Hội đồng châu lục này trở nên độc đáo”.
Kêu gọi tôn trọng Giáo hội châu Phi
Linh mục Dyikuk tin rằng những đề xuất được đưa ra trong đại hội có thể giúp hàn gắn những chia rẽ sâu sắc ở châu Phi. Ngài nghĩ có hai thách thức lớn nhất mà Giáo hội trên lục địa phải đối diện là mối đe dọa của hồi giáo và sự bất ổn chính trị “dẫn đến việc đàn áp các tín hữu kitô và đôi khi dẫn đến chiến tranh”.
Ngài nhắc lại châu Phi cũng phải đối diện với các vấn đề sắc tộc, gia đình trị và hội nhập văn hóa. Vì thế linh mục hoan nghênh ý muốn của Thượng hội đồng châu Phi mở rộng và bao gồm “sự khác biệt, đa dạng, căng thẳng và sức mạnh của chúng ta”. Linh mục ca ngợi sự việc, thượng hội đồng đã “thúc giục Giáo hội hoàn vũ tôn trọng Giáo hội của lục địa châu Phi, là Giáo hội độc nhất, giống như một đối tác đang tiến triển, đang tiến về thiên phúc”.
Dấu chỉ của tiên tri Giô-na
Linh mục tin rằng lãnh vực cải cách lớn nhất với Giáo hội là “dấu chỉ của tiên tri Giô-na”, có nghĩa là ăn năn. Linh mục Dyikuk giải thích: “Một số người theo chủ nghĩa tự do nghĩ rằng cải cách tổ chức là đủ để đưa Giáo hội tiến lên. Tôi không chia sẻ cảm nhận này. Chúng ta tự hỏi xem chúng ta đã giữ đúng Mười điều răn, Sáu luật Hội thánh và 7 phép Bí tích chưa. (…) Những người tìm cách định hình lại Giáo hội theo khía cạnh cải cách, có nguy cơ trở thành nạn nhân của một chương trình thế tục không thích hợp với những gì Chúa Giêsu đã dạy, đã sống và truyền lại, kể cả trong cái chết của Ngài”.
Linh mục Justine John Dyikuk có vẻ không thuận với con đường đồng nghị của Đức đã kết thúc ngày 11 tháng 3. Đại hội được tổ chức tại Frankfurt và đã biểu quyết một số văn kiện yêu cầu Đức Phanxicô đặc biệt thành lập chức phó tế nữ, khả năng ban phép lành cho các cặp đồng tính và ngay cả xem xét lại kỷ luật độc thân của linh mục.
“Phản ví dụ” của anh giáo?
Linh mục Dyikuk chỉ trích: “Tôi lạc quan và nghĩ châu Phi sẽ không theo những đề xuất dễ dàng này.” Linh mục nhắc lại, nếu các Giáo hội ở châu Âu khá giả về tài chính, thì châu Phi năng động hơn nhiều về lòng nhiệt thành, ơn gọi và sự tham gia của giáo dân.
Linh mục nghĩ rằng trong tương lai, “thay vì đi theo con đường thay đổi học thuyết theo những gì con đường đồng nghị của Đức đề xuất, Giáo hội ở châu Âu và châu Mỹ nên hình thành một sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ hơn để trao đổi giáo sĩ, chuyển giao kiến thức giáo hội, đào tạo giáo sĩ-tu sĩ và chia sẻ của cải vật chất. Có lẽ Giáo hội Đức nên trả lời những câu hỏi sau: Ly giáo Martin Luther có cải thiện Giáo hội không?” Linh mục Dyikuk cũng yêu cầu “những bài học rút ra từ Giáo hội Anh, một Giáo hội đã mở ra cánh cửa cho một số thay đổi học thuyết, nhưng kể từ đó, con số tín hữu của họ không tăng lên.” Linh mục đề cập đến quyết định gần đây của anh giáo cho phép làm phép cho các cặp đồng giới, làm cho các Giáo hội anh giáo khác, đặc biệt ở châu Phi có nguy cơ bỏ Hiệp thông.
Một Thượng hội đồng Đức đi ngược với Kinh thánh?
Linh mục chuyên gia truyền thông nói: “Đi theo Thượng hội đồng Đức là đi ngược lại các nguyên tắc của Kinh thánh, truyền thống thiêng liêng và giáo huấn của giáo quyền. Thật là phấn khởi khi Đức Phanxicô đã can thiệp để cảnh báo những người khác, kể cả với châu Phi, đừng noi gương người Đức. Các giám mục và linh mục của chúng tôi, các cộng sự viên của họ, thông truyền đức tin đích thực trong một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Thượng hội đồng Đức: “Hành động dựa trên sự bất đồng không phải là ve vãn ly giáo!”