Vụ linh mục Rupnik: thêm 15 nạn nhân mới và một thủ tục giáo luật bất tận

206

Vụ linh mục Rupnik: thêm 15 nạn nhân mới và một thủ tục giáo luật bất tận

Ngày thứ ba 21 tháng 2, các người có trách nhiệm ở Dòng Tên Rôma  đã củng cố các lệnh trừng phạt linh mục Marko Rupnik, nghệ nhân khảm Slovenia, là đối tượng của nhiều khiếu nại về lạm dụng thiêng liêng và bạo lực tình dục. Dòng Tên thông báo có thêm 15 nạn nhân mới đã được xác định, nâng tổng số lời khai chống lại linh mục Rupnik lên 24 nạn nhân.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-02-21

Linh mục Marko Rupnik tại xưởng Aletti ở Rôma tháng 11 năm 2007, thực hiện một bức bích họa khảm rộng 160 mét vuông cho mặt tiền của vương cung thánh đường Lộ Đức. VANDEVILLE ERIC/ABC/ANDIA.FR

Mỗi từ được cân nhắc, mỗi câu được đo lường, sau nhiều tuần do dự, ngày thứ ba 21 tháng 2, những người có trách nhiệm của Dòng Tên ở Rôma đã công bố biện pháp trừng phạt mới đối với linh mục người Slovenia và nghệ sĩ khảm Marko Rupnik, bị khép vào tội sờ soạng và cưỡng hiếp dưới sự khống chế tâmlý-thiêng liêng.

Do đó, Dòng Tên buộc phải ngừng mọi “hoạt động nghệ thuật công khai”, điều này được thêm vào lệnh cấm đã có hiệu lực trước đây, cấm tổ chức các buổi hội thảo, cử hành thánh lễ nơi công cộng hoặc rời khỏi khu vực Rôma mà không được phép của cấp trên.

Từ những năm 1980 đến 2018

Các biện pháp trừng phạt này nhằm kết thúc một cuộc điều tra nội bộ do Dòng Tên khởi xướng ngày 18 tháng 12, hai tuần sau những lời khai đầu tiên chống lại linh mục Rupnik. Kể từ đó, ba chuyên gia giáo dân đã thu thập được 15 lời khai mới từ 12 phụ nữ và 3 người đàn ông, họ cho biết họ đã bị “lạm dụng lương tâm, bị sách nhiễu thiêng liêng, tâm lý hoặc tình dục trong những kinh nghiệm cá nhân  quan hệ với linh mục Rupnik”. Những vụ việc này xảy ra từ những năm 1980 đến 2018.

Vụ Rupnik: “Các nạn nhân chờ lời công nhận họ không phải là người đi dụ dỗ”

Bản thông cáo báo chí do linh mục Johan Verschueren ký cho biết, “mức độ đáng tin cậy của mười lăm lời chứng mới này, cọng thêm vào chín lời chứng đã được thu thập năm 2020 ở Slovenia trong Cộng đồng Loyola, được các tu sĩ Dòng Tên đánh giá rất cao.” Linh mục Verschueren phụ trách các ngôi nhà quốc tế của Dòng Tên ở Rôma kể cả căn nhà nơi linh mục Marko Rupnik sống. Linh mục Rupnik được mời trình bày với nhóm điều tra do Dòng Tên thành lập, đã không bao giờ trả lời các yêu cầu.

Bản thông báo ghi: “Bản chất của các khiếu nại nhận được có xu hướng loại trừ khả năng hình sự với các cơ quan tư pháp Ý về hành vi của Cha Rupnik. Tuy nhiên, liên hệ này hoàn toàn khác so với quan điểm giáo luật, liên quan đến đời sống và trách nhiệm tôn giáo và chức linh mục của cha Rupnik.”

“Lạm dụng tâm lý và thiêng liêng”

Linh mục Marko Rupnik đã bị rút phép thông công một thời gian ngắn năm 2020 – trước khi lệnh trừng phạt này được dỡ bỏ – vì năm 2015 linh mục đã xá tội cho một nữ tập sinh mà ông đã tấn công tình dục trước đó. Năm 2018 vụ này được báo cáo cho Dòng Tên dẫn đến các lệnh trừng phạt đầu tiên vào năm 2019.

Ngày thứ ba 21 tháng 2, linh mục Verschueren xác nhận trên trang La Repubblica: “Tôi biết báo chí tập trung vào các khía cạnh tình dục, nhưng xin quý vị tin tôi, những lạm dụng về tâm lý và thiêng liêng còn tai hại hơn nhiều.” Trang La Repubblica và hãng hãng thông tấn Mỹ Associated Press là hai phương tiện truyền thông được Dòng Tên chọn để thông tin về vụ này.

Theo nhật báo La Repubblica, các nhà điều tra do Dòng Tên ủy quyền đã đưa ra một báo cáo dài 150 trang, quan tâm đến “các bài giảng trước đây của Cha Rupnik về tình dục”. Linh mục Verschueren giải thích với nhật báo Ý: “Ý kiến của các nhà thần học là các bài giảng không dị giáo, nhưng có các yếu tố có thể hợp pháp hóa các vi phạm hoặc hành động không đúng.”

Vụ Rupnik: “Các nạn nhân chờ lời công nhận họ không phải là người đi dụ dỗ”

Hậu quả tiếp theo sẽ là gì? Báo cáo của các chuyên gia đệ trình lên các nhà lãnh đạo Dòng Tên sẽ dẫn đến một “thủ tục” nội bộ, những hậu quả có thể xảy ra được bề trên của linh mục Rupnik trình bày chi tiết với nhật báo La Repubblica: bồi thường cho các nạn nhân, nghĩa vụ chăm sóc cho họ, quay về đời sống đền tội và cầu nguyện, thậm chí trục xuất khỏi Dòng. Theo linh mục Verschueren, hình phạt cuối cùng này là mức cao nhất trong giáo luật, có thể ngăn chặn bất kỳ sự kiểm soát nào với “các hành động, quyết định và di chuyển” của Marko Rupnik.

Dòng Tên yêu cầu linh mục Marko Rupnik ở gần Rôma trong thời gian ‘điều tra sơ bộ đang diễn ra’

Minh bạch

Cuộc điều tra giáo luật đầu tiên là từ năm 2018 đến năm 2020, sau lời khai của một nữ tập sinh, linh mục đã tấn công tình dục và sau đó giải tội cho đồng phạm. Năm 2018 vụ này được báo cáo cho Dòng Tên dẫn đến các lệnh trừng phạt đầu tiên vào năm 2019.

Cuộc điều tra giáo luật thứ hai vào năm 2021, tập trung vào các hành vi lạm dụng tình dục và bạo lực với khoảng 20 nữ tu Slovenia. Các chứng từ thu thập được trong một chuyến thăm tông đồ của giám mục  phụ tá Rôma, Daniele Libanori. Các tu sĩ Dòng Tên đã xin bộ Giáo lý Đức tin dỡ bỏ thời hiệu nhưng không được. Bộ đã đóng hồ sơ theo quan điểm tội phạm nhưng không có bình luận nào.

Tuy nhiên, trong giáo luật, có thể mở một cuộc điều tra giáo luật mới dựa trên những lời khai mới, bao gồm cả việc chúng có liên quan đến các sự kiện tương tự như các thủ tục tố tụng trước đó hay không. Đây là con đường mà linh mục Johan Verschueren đã chọn, hy vọng lần này sẽ dẫn đến việc “khám phá ra toàn bộ sự thật”. Bởi vì hồ sơ sẽ không trở lại Vatican: vì không có “tội ác bí tích” mới nào, nên Dòng Tên sẽ lãnh đạo thủ tục. Linh mục Johan Verschueren, nhấn mạnh trên báo chí Ý, với hai lưu ý: các nạn nhân hôm nay được công nhận trong sự đau khổ của họ và không có sự xâm lược nào khác có thể xảy ra.

Linh mục Verschueren hy vọng sẽ không lặp lại tình hình của những năm trước, nghĩa là đã có mơ hồ cho phép linh mục tiếp tục hành động khi ông thấy phù hợp. Nếu các biện pháp kỷ luật đầu tiên năm 2018 được đưa ra như lệnh cấm giải tội và đồng hành thiêng liêng, thì các biện pháp này chỉ được công khai vào tháng 12 năm 2022.

Trong một phỏng vấn dành cho báo La Croix – cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi bắt đầu vụ việc – giám mục Dòng Tên Daniele Libanori, Dòng Tên, và là giám mục phụ tá của giáo phận Rôma, năm 2020 ngài được giao nhiệm vụ điều tra ở Cộng đồng Loyola, Slovenia, yêu cầu linh mục Marko Rupnik phải được xét xử: “Các nạn nhân, đã hơn ba mươi năm sau – thời gian tương đương với bản án chung thân – có quyền được nghe lời nói cuối cùng từ chính quyền để dập tắt mối nghi ngờ về tội lỗi và phục hồi phẩm giá của họ khi khẳng định điều gì là sự thật, rằng họ là nạn nhân.”

Vụ Rupnik: Ai tố ai?

“Công việc nghệ thuật”

Dù linh mục Rupnik đã bị cấm giảng dạy nơi công cộng từ nhiều tháng, nhưng lệnh cấm này đã không ngăn cản ông, cho đến cuối năm 2022, đăng các video lên mạng xã hội, tổ chức hội nghị và hướng dẫn  các khóa tĩnh tâm, một trong số đó đã được lên lịch, đã thông báo vào tháng 2 năm 2023 tại thánh địa Loreto, Ý, trước khi bị hủy bỏ.

Những câu hỏi rắc rối được đặt ra trong vụ Rupnik

Cuối tháng 12, trước các nhà báo, Linh mục bề trên tổng quyền Dòng Tên Arturo Sosa, đã thừa nhận những hoạt động này, lẽ ra không nên được tổ chức, đã thoát khỏi sự cảnh giác của Dòng Tên. Ngài cũng nói ngài không có vấn đề gì với việc Marko Rupnik tiếp tục công việc  nghệ sĩ, cho rằng công việc nghệ sĩ không thuộc sứ vụ của ông.

Sau cuộc điều tra này, mà các tu sĩ Dòng Tên đã chọn để thông báo bằng văn bản, sau khi cân nhắc tổ chức một cuộc họp báo, vẫn còn một số câu hỏi, bao gồm các chi tiết về thủ tục giúp dỡ bỏ vạ tuyệt thông năm 2020. Thàng 1 năm 2023, trả lời câu hỏi của hãng thông tấn AP, Đức Phanxicô khẳng định không can thiệp vào hồ sơ này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Marko Rupnik, vụ tai tiếng mới làm chấn động Giáo hội và Đức Phanxicô