Tổng giám mục Pezzi, Matxcova: “Ngày nay chỉ có giáo hoàng Phanxicô là người tin vào hòa bình.”
Tổng giám mục Paolo Pezzi, trưởng giáo chủ, người gốc Ý mang quốc tịch Nga, tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Matxcova. Một năm sau cuộc xung đột ở Ukraine, ngài nói: “Ngày nay chỉ có giáo hoàng Phanxicô là người tin vào hòa bình.”
agensir.it, Chiara Biagioni, 2023-02-15
Phỏng vấn tổng giám mục Paolo Pezzi, giáo phận Matxcova, một năm sau chiến dịch quân sự quy mô của Nga ở Ukraine. Ngài nói: “Tôi nghĩ những gì chúng ta cần làm bây giờ là không bao giờ đóng cửa, không bao giờ khép đối thoại. Vì thế từ chối gặp gỡ và đối thoại sẽ là sai lầm. Điều này không có nghĩa nhất thiết phải chấp nhận lập trường của người kia hoặc giữ im lặng. Nhưng theo tôi, từ chối gặp mặt ở bất kỳ cấp độ nào, chỉ làm tăng khoảng cách xa nhau.”
Từ Praha. Một năm sau ‘chiến dịch’ quân sự quy mô của Nga ở Ukraine bắt đầu ngày 24 tháng 2 năm 2022, tổng giám mục Paolo Pezzi, giáo phận Matxcova và là chủ tịch Hội đồng Giám mục công giáo Liên bang Nga lập bảng kết toán và đưa ra một viễn cảnh. Ngài nói: “Giáo hoàng là người duy nhất thực sự mong muốn hòa bình và vì lý do này, ngài không đóng bất kỳ cánh cửa nào. Tôi thực sự nghi có một mong muốn hòa bình thực sự từ phía các tác nhân trực tiếp hoặc những người liên hệ khác. Và theo tôi, đây là trở ngại lớn nhất. Nếu ít nhất chúng ta mong muốn hòa bình thì có lẽ chúng ta đã có thể tiến vài bước tới hòa bình. Tôi không muốn tỏ ra yếm thế, hoài nghi hay quá thiên về phía Giáo hội công giáo, nhưng ngày nay những người thực sự tin vào hòa bình e chỉ có giáo hoàng”.
Cha sống ở Matxcova, xin cha cho biết một năm qua nước Nga đã thay đổi như thế nào?
Tổng giám mục Paolo Pezzi. Càng ngày nước Nga càng thay đổi nhận thức về cuộc xung đột, đi từ ngoài lề sang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của đất nước. Điều này dẫn đến một sự hoang mang nào đó, người dân tự hỏi liệu nó có thực sự xứng đáng hay không. Mặt khác, dĩ nhiên chúng tôi cũng thấy có những người ngày càng tin tưởng hơn, nhưng tôi muốn nói đến một tâm trạng khó chịu nào đó, đó là tâm trạng tôi thấy nhiều nhất.
Cam kết quân sự này có tác động gì trên mặt kinh tế không?
Chắc chắn nó có tác dụng của nó. Chúng tôi đã thấy chất lượng thực phẩm bị giảm. Nhiều công ty làm việc trong ngành may mặc đã rời Nga và việc nhập khẩu trở nên khó khăn hơn nhiều. Chi phí sinh hoạt đã gia tăng, người dân ít đi ăn ngoài, họ chưa đi nghỉ hè hoặc ngày nghỉ ngắn hơn hoặc theo một hình thức khác. Du lịch ở Nga đã sụp đổ hoàn toàn, mức sụp đổ đến 92-93%. Năm 2022, không đến 8% người nước ngoài đến Nga. Đã có một số người than phiền quỹ hưu trí bị dành cho chi phí quân sự. Họ cũng nói việc kiểm soát thuế đối với các công ty đã tăng lên, để tìm các khoản trợ cấp trang trải cho quốc phòng. Nhưng đây là tin tức lan truyền, tôi không xác nhận được.
Người ta nói về con số 200.000 lính Nga đã chết. Nước Nga nói gì về con số này?
Chuyện này ở đây người ta không nói đến nhiều, không có con số chính thức, hoặc ít nhất là tôi chưa bao giờ đọc được. Vì vậy, chúng ta đi từ con số vài chục ngàn lên đến vài trăm ngàn. Tôi không biết chắc, nhưng một sự thật vẫn còn: vẫn còn nhiều nạn nhân. Họ không nói gì nhiều về chuyện này, ngoại trừ việc đề cao hành động của một số binh lính. Không có nhiều đám tang và thường diễn ra khiêm tốn, cũng không nhấn mạnh, trong khi ở Ukraine, tôi thấy mọi đám tang đều được phổ biến và có đông người đi dự.
Thực tế là Nga bị xem là quốc gia xâm lược và ngày càng bị cô lập trên chính trường quốc tế, tình trạng này được thấy như thế nào ở mức độ xã hội Nga?
Nghịch lý thay, nó lại có hiệu ứng bùng nổ. Và đây là hiệu ứng mong muốn. Nói cách khác, người ta nói phản ứng chống lại Nga là không tương xứng và cuối cùng chính người dân là người thua thiệt, vì thế người dân sẽ trở thành nạn nhân của các âm mưu nước ngoài.
Có phải thượng phụ Kirill cũng tự cô lập mình với quan điểm ủng hộ tổng thống Putin và cuộc chiến không?
Tôi không nghĩ ông bị cô lập. Ít nhất trong chính thống giáo vì ngay từ đầu đã có một số Giáo hội chính thống ủng hộ Giáo hội chính thống Nga. Còn về cuộc xung đột tạo một khoảng cách chung lan rộng là đúng.
Làm thế nào để thoát ra khỏi sự bế tắc về ngoại giao và tôn giáo, làm cho mục tiêu hòa bình ngày càng xa vời?
Tôi nghĩ những gì chúng ta cần làm bây giờ là không bao giờ đóng cửa, không bao giờ khép đối thoại. Vì thế từ chối gặp gỡ và đối thoại sẽ là sai lầm. Điều này không có nghĩa nhất thiết phải chấp nhận lập trường của người kia hoặc giữ im lặng. Nhưng theo tôi, từ chối gặp mặt ở bất kỳ cấp độ nào, chỉ làm tăng khoảng cách.
Nó sẽ kết thúc như thế nào?
Nó sẽ kết thúc tốt đẹp vì tất cả chúng ta đều ở trong tay Chúa và chúng ta không bao giờ được quên điều này. Chúa đã cho phép biết bao biến cố bi thảm xảy ra trong lịch sử. Ngài đã để cho dân được chọn là Israel bị tiêu diệt. Ngài đã để cho các vụ trục xuất xảy ra. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn tiếp tục và tiếp tục làm di chuyển lịch sử. Nhưng Ngài không di chuyển như nghệ sĩ múa rối. Ngài di chuyển vì tình yêu. Chúng ta phải vào trong logic này. Và vì vậy chúng ta có thể nói, đúng, Chúa thực sự cho phép một điều, đó là, chỉ vì một điều tốt đẹp hơn, đúng, đây không phải là nói theo cảm tính, theo khẩu hiệu dễ dãi. Vì lý do này, tôi cũng có thể nói ngày hôm nay, với lòng tin tưởng chân thành và hy vọng, nó sẽ kết thúc tốt đẹp.
Nhưng liệu người công giáo Nga và người công giáo Ukraine, con cái của cùng một Giáo hội, có sẵn sàng bắt tay nhau và xây cây cầu hòa bình nhỏ bé giữa hai quốc gia của họ không?
Tôi nghĩ vậy, bởi vì nó đã và đang xảy ra. Chẳng hạn, chúng tôi đã gặp nhau ở Praha trong giai đoạn lục địa của Thượng hội đồng. Tôi được đánh động vì các quan hệ dễ dàng giữa các giám mục và giáo dân của hai quốc gia. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là họ không đấu tranh hay không có những quan điểm và cách tiếp cận khác nhau. Nhưng tôi thực sự được đánh động bởi sự thật, rằng con cùng một Cha không phải chỉ là một câu nói bề ngoài.
Họ có thể đóng góp gì cho công việc khó khăn để xây dựng hòa bình?
Sự tha thứ. Tôi sẽ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi nói điều này. Đó là khám phá mà chúng tôi đã thực hiện vào ngày 25 tháng 2 năm ngoái và từ ngày đó, tôi đã không ngừng nói lên. Nếu chúng ta không tha thứ, ngay cả trên mặt trận thì chúng ta sẽ mang vết thương này suốt đời. Chỉ có tha thứ mới có thể chữa lành những vết thương sâu nhất.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Bà Stawnychy, giám đốc Caritas Ukraine hy vọng Đức Phanxicô đến thăm Ukraine