Sự lạc quan tốt đẹp của hồng y Hollerich
eldebate.com, Hugues Lefèvre, 2023-01-16
Phỏng vấn hồng y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình Thượng hội đồng về tính đồng nghị. Hồng y đi truyền giáo ở Nhật 23 năm, hiện nay Đức Phanxicô giao cho hồng y nhiệm vụ tập hợp những điểm nhạy cảm khác nhau trong Giáo hội để việc hiệp thông với Chúa có thể nổi lên. Ngài dần trở thành nhân vật trọng tâm trong triều giáo hoàng Phanxicô, ngài cảnh báo về những biến động nhân học sắp tới: một cơn sóng thần mà Giáo hội phải biết cách thích nghi nếu không muốn biến mất. Theo ngài, vấn đề không phải là xây dựng một văn hóa kitô-ngầm hay một Giáo hội tự khép kín mình. Liệu thực hành mục vụ có ưu tiên hơn giáo lý chính thống không? Đó là những gì chúng ta có thể nghĩ khi đọc các bình luận sau.
Cha có hài lòng với công việc Thượng Hội Đồng đã làm cho đến nay không?
Hồng y Jean-Claude Hollerich. Tôi hoàn toàn hài lòng. Đó là bản tóm tắt trung thực về những gì giáo dân đã nói và những gì các hội đồng giám mục đã tổng hợp. Đây không phải là tài liệu thần học để định vị Giáo hội. Dĩ nhiên chúng tôi tìm thấy những điểm tương đồng, nhưng cũng có những khác biệt giữa các quốc gia và châu lục.
Cha nói rằng cha không có một ý tưởng nào để phác thảo dụng cụ làm việc. Mọi thứ chính nó trở nên rõ ràng hơn với cha?
Tôi biết nhiều hơn một chút, nhưng con đường vẫn còn phía trước. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào công việc của các hội đồng châu lục. Nhưng chúng tôi đã có thể vui mừng vì đó là sự tham gia lớn nhất mà chúng ta từng có trong Giáo Hội. Có 112 Hội đồng Giám mục trên tổng số 114. Đó gần như một phép lạ!
Có những người đã trở lại với Giáo hội, trước đây họ đã xa Giáo hội, những người lấy lại niềm tin vào Giáo hội. Hồng y Hollerich
Cha có ngạc nhiên không?
Có. Các Giáo hội Đông phương cũng trả lời. Đây là một điều rất tốt. Bây giờ chúng ta phải lắng nghe những gì mọi người đã nói. Điều này không nhất thiết chúng ta phải thực thi tất cả, nhưng chúng ta lắng nghe, suy tư, cầu nguyện và phân định.
Trong vòng một năm, dưới mắt cha, Giáo hội công giáo đã thay đổi chưa?
Có, tôi nghĩ có. Có những người đã trở lại với Giáo hội, những người trước đây đã xa Giáo hội, những người đã tìm lại niềm tin của họ. Và tôi muốn nhấn mạnh, họ rất đa dạng, họ ở cả hai phía, “tả” và “hữu”.
Ở châu Âu, việc thực thi tính đồng nghị dường như là một điều gì đó mới mẻ, cha giải thích như thế nào về chuyện này?
Rôma là một phần của châu Âu. Khi Tòa thánh không muốn các giám mục hoạt động quá tích cực, thì sẽ có hệ quả. Ngày nay, Tòa Thánh muốn các giám mục hoạt động tích cực hơn. Mặt khác, ở châu Âu, chúng ta có các hội đồng giám mục quốc gia rất mạnh và chúng tôi có thể cảm nhận được niềm tự hào của mỗi Giáo hội.
Nếu chúng ta đi mà không nhìn vào Chúa Kitô, thì đó đúng là gặp tai nạn xe lửa! – Hồng y Hollerich
Ở một số điểm, chúng ta có thể so sánh với Liên hiệp châu Âu không, họ đã thất bại trong việc tạo thống nhất giữa Đông và Tây Âu?
Chúng ta có những căng thẳng giống nhau, đó là sự thật. Nhưng chúng ta phải tránh nhìn vào khác biệt. Chúng ta cần nhìn vào những điểm chung giữa chúng ta: Chúa Kitô kêu gọi chúng ta trở thành Giáo hội ở Châu Âu ở đâu?
Mặt khác, cần lưu ý các Giáo hội địa phương cũng có những căng thẳng. Chúng ta nên tránh xem căng thẳng là một thảm họa. Thậm chí chúng ta nên hiểu, chúng có thể mang lại kết quả.
Nhưng một số người nói rằng có những căng thẳng đe dọa sự hiệp thông của Giáo hội ngày nay?
Tôi thích hình ảnh này: Giáo hội là dân Chúa cùng đồng hành với Chúa Kitô. Trên con đường này có người đi nhanh có người đi chậm hơn một chút, có người đi bên trái, có người đi bên phải. Đó là chuyện bình thường. Điều chính yếu là mọi người đều hướng về Chúa Giêsu. Và chúng ta sẽ thấy, nếu mình ở bên phải đường và nhìn vào Chúa Giêsu thì mình cũng sẽ thấy những người ở bên trái. Và khi chúng ta ở bên trái và nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy những người bên phải, và chúng ta phải bao gồm họ trong tình yêu chúng ta dành cho Chúa Giêsu, không bao giờ nghi ngờ lòng trung thành của họ với Chúa Kitô. Nếu chúng ta bước đi mà không nhìn vào Chúa Kitô, thì đúng là chúng ta gặp tai nạn xe lửa!
Đôi khi tôi cảm thấy như con thuyền đang chìm dần và chúng tôi tranh luận xem nó nên đi theo hướng nào. Hồng y Hollerich
Cha có cảm thấy Thượng hội đồng này là nơi có sự hiện diện của lời cầu nguyện, mọi ánh mắt đều hướng về Chúa Kitô không?
Có, tôi nghĩ vậy. Tôi nghĩ khi Giáo hội đồng nghị hơn, Chúa Thánh Thần sẽ có một chỗ lớn hơn nhiều. Bằng cách này, chúng ta đang sửa chữa một đặc thù của phương Tây, trong đó Chúa Kitô là trọng tâm của Giáo hội – điều đó tốt – nhưng chúng ta đã hơi quên Chúa Thánh Thần.
Thượng hội đồng về tính đồng nghị, vốn muốn sự hiệp thông, không lẽ lại làm nổi bật những chia rẽ?
Từ quan điểm của Thiên Chúa, sự hiệp thông ở đó, thông qua các bí tích của Giáo hội. Nhưng chúng ta cũng phải có sự hiệp thông này trong tâm trí và trong cách thức của mình. Chúng ta có quyền không đồng ý. Nhưng đó là để hiểu người khác, không phán xét họ.
Làm thế nào để hòa giải các quan điểm khác nhau như vậy về các vấn đề nhạy cảm như chăm sóc mục vụ cho người đồng tính hoặc phong chức cho phụ nữ?
Tôi không biết liệu chúng ta có thể hòa giải mọi thứ ngay lập tức được hay không. Chúa Thánh Thần hoạt động trong thời gian. Chúng ta không thể làm phép lạ. Tôi muốn giữ thái độ trung lập, lắng nghe mọi người, bỏ qua một bên các quan điểm của tôi, vì tôi nghĩ trách nhiệm giáo hoàng giao cho tôi gồm sự cởi mở này.
Hồng y Hollerich: Cần thay đổi học thuyết về đồng tính
Lập trường gần đây của các giám mục Bỉ về chăm sóc mục vụ cho người đồng tính có làm nặng hơn các tranh luận giữa các giám mục không?
Chắc chắn rồi. Nhưng khi chúng ta nói về chăm sóc mục vụ, thì có rất nhiều khả năng. Ở châu Âu, chúng ta không có cùng một văn hóa giáo hội. Nhưng Giáo hội phải sống trong một nền văn hóa. Điều này không có nghĩa Giáo hội hoàn toàn phụ thuộc vào văn hóa; không, chúng ta không thể chấp nhận mọi thứ. Nhưng có một hội nhập văn hóa của sứ điệp Tin Mừng luôn mang một ý nghĩa kép: Tin Mừng thách thức văn hóa, nhưng văn hóa cũng tác động lên Tin Mừng.
Ơn gọi và giữ đạo giảm mạnh ở châu Âu. Có thể nào có một khởi đầu mới không?
Chúng ta ở trong Giáo hội Âu châu già nua. Khắp nơi, ngay cả ở phương Đông, nơi có nhiều tín hữu hơn, cũng bị suy giảm đáng kể. Chúng ta nên nói về chuyện này. Đôi khi tôi cảm thấy như con thuyền đang chìm dần và chúng tôi tranh luận xem nó nên đi theo hướng nào. Giai đoạn lục địa này là cơ hội để tập trung vào sứ mệnh của Giáo hội: loan báo Chúa Kitô đã chết và sống lại cho chúng ta.
Trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải khiêm nhường bước đi với Chúa, rao giảng phúc âm bằng ngôn ngữ mà thế giới có thể hiểu được. Vấn đề không phải là xây dựng một văn hóa kitô-ngầm, một Giáo hội tự khép kín.
Thế giới sắp tới là một thế giới mà gần như chúng ta không biết gì về nó. Vì vậy chúng ta phải cầu nguyện. Hồng y Hollerich
Làm thế nào cha nhận được ghi chú của Tòa thánh yêu cầu người Đức không tạo ra các cấu trúc mới và không thay đổi học thuyết?
Ghi chú cũng nói rằng Giáo hội Đức phải đệ trình kết quả của con đường thượng hội đồng của mình cho Thượng hội đồng toàn cầu. Đây là một đóng góp trong số nhiều đóng góp khác. Điều quan trọng trong ghi chú là lời nhắc nhở tất cả các Giáo hội địa phươngvà tất cả các Hội đồng Giám mục phải biết cùng nhau bước đi.
Hồng y Jean-Claude Hollerich: “Để được nghe, Giáo hội phải thay đổi phương pháp của mình”
Như vậy đây không phải là trường hợp này?
Khi hành trình con đường thượng hội đồng Đức bắt đầu, tôi lấy làm tiếc các quốc gia lân cận đã không được mời để cùng tham gia vào tiến trình này. Nếu có thì nó sẽ ít quyết liệt hơn. Tôi hiểu các giám mục Đức: các vụ lạm dụng tình dục đang tạo thiệt hại to lớn ở Đức. Uy tín của Giáo hội đã bị mất và tôi thấy các giám mục muốn phản ứng.
Cha không sợ cuộc tham vấn này làm tăng mong chờ nơi một số người – phong chức cho các ông đã lập gia đình, thay đổi luân lý tính dục, phụ nữ làm phó tế – cuối cùng sẽ bị thất vọng?
Điều chúng ta phải làm là duy trì đối thoại. Chúng tôi nhận ra những mong chờ và chúng ta cần đối thoại với mọi người. Nếu không, các mong chờ của họ bị thất vọng và như thế còn tệ hơn là không hỏi. Đó là đối thoại chân thành, gần như từ trái tim này qua trái tim khác mà chúng ta phải duy trì.
Thách thức của Thượng Hội đồng này là làm sao cộng hưởng được “sự nhạy bén của dân Chúa”, Cảm thức đức tin, Sensus Fidei nổi tiếng. Đâu là công cụ để phân biệt điều gì đến từ lời cầu nguyện và điều gì đến từ thế gian?
Về phân định, tôi nghĩ chính sự thân thuộc với Chúa mới có thể giúp chúng ta nhìn rõ. Tương tự như vậy, khi chúng ta nghiên cứu một tổng hợp, chúng ta xem xét tính phổ quát, nếu có những điểm xuất hiện từ mọi nơi. Tôi nghĩ đây là những điểm nên được xem là ưu tiên. Thế giới sắp tới là một thế giới mà chúng ta gần như không biết gì về nó. Vì vậy, chúng ta phải cầu nguyện.
Thế giới sắp tới của cha có nghĩa gì?
Chúng ta cần nhận thức rõ hơn về những thay đổi lớn về văn hóa đang xảy ra. Nó giống như một con đập mở ra từ từ. Những biến động khủng khiếp này có bản chất nhân chủng học. Thuyết siêu việt hóa con người, trí tuệ nhân tạo? Chúng ta chỉ mới bắt đầu. “Sự sống là gì? Con người là gì? Đây là những câu hỏi sẽ được đặt ra.
Đối diện với sự biến mất chầm chậm của đạo công giáo ở châu Âu, chúng ta phải tránh hai khuynh hướng. Một trong hai khuynh hướng này sẽ nói: “Thế giới này đã sai và chúng ta phải khép mình lại hoàn toàn.” Trong bối cảnh này, chúng ta sẽ chết ngạt, không còn không khí và Giáo hội sẽ biến mất. Khuynh hướng thứ hai sẽ nói: “Đúng, chúng ta nên đón nhận tất cả”. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta không còn bản sắc nào của giáo hội nữa. Có một nhu cầu cấp thiết để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới sắp được sinh ra.
Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho chúng ta con đường để biết chúng ta sẽ phải đi đâu. Hồng y Hollerich
Làm thế nào cha có thể chắc chắn?
Khi tôi đến Nhật Bản, với vốn liếng tiếng Nhật ít ỏi, tôi tự hỏi làm thế nào để có thể loan báo Chúa Kitô. Tôi cầu nguyện rất lâu trong nhà nguyện, tôi nói với Chúa Giêsu: “Chúa đang hiện diện. Nhưng xin cho con biết Chúa đang ở đâu, Chúa làm việc ở đâu, để con có thể loan báo về Chúa”. Đó cũng là điều chúng ta phải làm hôm nay: đừng sợ thế gian, nhưng khám phá sự hiện diện của Chúa trong thế giới này.
Cha có nghĩ những tranh luận hiện nay trong Giáo hội là không đúng không?
Có, tôi nghĩ vậy. Nhưng nó không nên làm chúng ta không quan tâm đến người đồng tính hoặc người đã ly dị và tái hôn. Chúng ta phải có câu trả lời.
Tôi đã có ba chuyến đi lớn với cả trăm bạn trẻ ở Thái Lan, chúng tôi sống với dân làng, giúp xây nhà thờ, nhà nguyện, v.v. Một số thanh niên là người đồng tính, một số khác xuất thân từ những gia đình “phức tạp”. Họ đến nói chuyện với tôi và tôi đối xử với họ như người cha. Tôi hiểu Đức Phanxicô khi ngài nói không nên loại trừ bất cứ ai. Tôi tin về lâu về dài, Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho chúng ta con đường để chúng ta biết phải đi đâu.
Tình trạng đồng tính có thay đổi với triều giáo hoàng Phanxicô không?
Tôi nghĩ ngài đã lay chuyển con đường, vì ngài không suy nghĩ một cách giáo điều. Ngài nghĩ theo cách mục vụ. Giáo hội không còn là một Giáo hội tự bảo vệ mình với một hệ thống sự thật. Chính Chúa Kitô và Tin Mừng đến với mọi người. Và điều đó thay đổi bối cảnh. Tôi hoàn toàn thoải mái với điều này.
Đức Phanxicô về vấn đề đồng tính: “Ngay từ đầu, ngài đã ở tầm cao”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Tương lai của Giáo hội: hồng y Hollerich cảm thấy “trách nhiệm có một cái gì đó xuất hiện” của Thượng Hội đồng